Hướng nghiệp cho học sinh: Bắt đầu từ nhà trường
(Baonghean.vn) - Hướng nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với các học sinh, nhất là với học sinh cuối cấp. Hiện nay, đây cũng là nhiệm vụ được các nhà trường quan tâm với mục đích định hướng giúp học sinh có lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với khả năng, điều kiện kinh tế và đúng với đam mê.
Chưa chủ động trong lựa chọn nghề nghiệp
3 năm trước, khi con trai đang bước vào học kỳ II của lớp 11, chị Thanh Hà, phụ huynh có con học tại Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng (thành phố Vinh) bất ngờ khi con bày tỏ mong muốn muốn đi học vẽ. Chị Hà đã hết sức lo lắng, băn khoăn bởi gia đình vốn có “truyền thống” làm trong ngành ngân hàng và chị đang muốn định hướng con học ngành kinh tế.
Phải mất một thời gian tham khảo ý kiến của nhiều đồng nghiệp và các phụ huynh khác, chị Hà mới quyết định để con được học vẽ theo ý thích. Sau hơn 1 năm theo học, cuối năm lớp 12, con trai chị thi đậu vào Khoa Kiến trúc – Đại học Xây dựng và nay đã phát huy được năng lực của mình.
Kể lại câu chuyện này, chị Hà nói thêm: “Thú thực, lúc cho con học vẽ tôi không thích, vì so với các bạn cùng lớp cháu khá khác biệt từ cách ăn mặc, cách suy nghĩ và tôi lo sợ cháu sẽ đi chệch hướng. Nhưng thực tế, nếu con được học môn mà con yêu thích thì con sẽ cảm thấy hứng thú và việc học của con sẽ hiệu quả hơn”.
Thời điểm này của năm học 2023 - 2024, dù chỉ còn một thời gian rất ngắn nữa là học sinh lớp 12 sẽ bắt đầu đăng ký hồ sơ xét tuyển vào đại học, nhưng nhiều phụ huynh, học sinh vẫn còn hoang mang chưa biết chọn trường, chọn nghề như thế nào cho phù hợp.
Nói về điều này, anh Trần Văn Quỳnh (phường Hưng Phúc – thành phố Vinh) cho biết: Con tôi dù đang là học sinh trường chuyên nhưng dường như cháu chưa có ý thức đầy đủ về công việc tương lai của mình. Xu hướng của các con là chọn những ngành nghề nhiều người học hoặc những ngành nghề mà các nhóm bạn của cháu cùng thích để sau này học chung cho vui.
Chia sẻ về việc chọn nghề hiện nay, tại buổi tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh Nghệ An, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cũng nói rằng, tình trạng sinh viên sau khi ra trường "làm trái ngành" nhiều khi do thí sinh đã chọn sai từ đầu.
Các em đã không được hướng nghiệp sớm, không có thông tin đầy đủ trước khi lựa chọn hoặc chịu những tác động khách quan khác dẫn tới chọn sai. Việc chọn đúng ngay từ đầu, phù hợp với sở thích, sở trường, ước mơ sẽ giúp các bạn dễ dàng vượt qua trở ngại trong việc học tập ở trường đại học và có chỉ số thành công cao hơn sau này.
Hướng nghiệp từ nhà trường
“Em sẽ đi du học tại Úc và có thể sẽ không tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT vào cuối tháng 6 này”, em Trần Khánh Duy - học sinh lớp 12A1, Trường Trung học phổ thông Nghi Lộc 4 chia sẻ về lựa chọn của mình, khi chỉ còn hơn 3 tháng nữa là hoàn thành chương trình phổ thông.
Nam sinh này cũng cho biết, đây không phải là quyết định nhất thời mà em đã chuẩn bị trước gần 1 năm sau khi nhận ra so với nhiều bạn khác, lực học của mình có thể không phù hợp với chương trình trong nước. Trước đây, em định du học tại Úc theo diện phổ thông. Tuy nhiên, trước Tết Nguyên đán em nhận được thông tin nước sở tại tạm dừng việc tuyển sinh đối với học sinh Việt Nam. Vì vậy, em chuyển hướng sang du học nghề và có thể vừa học, vừa làm.
Hiện tại, Duy đã hoàn thành vòng phỏng vấn và đang chờ visa; ngoài ra, em cũng tranh thủ học thêm tiếng Anh để sang Úc không bị bỡ ngỡ.
Mỗi một khóa học, Trường Trung học phổ thông Nghi Lộc 4 có khoảng 500 học sinh và trong số này, chưa đến 40% học sinh đăng ký vào đại học. Thay vào đó, các em lựa chọn các con đường khác như đi học nghề, đi làm hoặc đi du học, nhưng thực chất là sang nước ngoài theo diện vừa học, vừa làm.
Thực tế này diễn ra nhiều hơn trong những năm gần đây và đòi hỏi nhà trường phải làm rất tốt công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Định hướng nghề nghiệp hiện nay của học sinh ở trường chúng tôi khá khác biệt. Trong đó, chỉ có một ít học sinh thực sự có năng lực các em mới vào đại học. Như lớp do tôi chủ nhiệm năm nay chỉ có 5/41 em đăng ký vào đại học. Số còn lại các em có những lựa chọn rất thực tế để làm sao sớm có thu nhập sau khi ra trường.
Để giúp các em định hướng nghề nghiệp một cách phù hợp, chúng tôi đã bắt đầu làm công tác hướng nghiệp từ năm lớp 10 và đến lớp 12 thì hoạt động hướng nghiệp được tổ chức thường xuyên hơn.
Trong quá trình triển khai tôi thấy thuận lợi là hiện nay lượng thông tin rất nhiều và các em có thể dễ dàng tìm kiếm trên mạng Internet. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải định hướng để các em lựa chọn ngành nghề sao cho phù hợp với năng lực, sở thích và hoàn cảnh gia đình.
Hiện nay, trong lớp một số em đã có thể tự kiếm tiền từ các ứng dụng công nghệ và có thể các em sẽ theo nghề này. Ngoài ra, các em thích các nghề về làm đẹp, thời trang, vì đây là những nghề có thể phát triển trong tương lai.
Nói về việc định hướng nghề nghiệp để “sát” với học sinh, cô giáo Võ Thị Thanh Tâm - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nghi Lộc 4 cho biết: “Em thích nghề gì?” là một trong những bài học đầu tiên trong chương trình hướng nghiệp dành cho học sinh lớp 10.
Vì thế, khi triển khai bài học chúng tôi đã làm một khảo sát để nắm bắt được sở thích, nguyện vọng của các em và từ đó các giáo viên đã đưa ra một số ngành nghề cụ thể với khối học của học sinh, giúp học sinh hiểu bản thân lựa chọn nghề phù hợp với khối học của mình, phù hợp với sở thích, năng lực.
Quá trình sau đó, các giáo viên sẽ đồng hành với các em, để các em định hình về nghề nghiệp một cách rõ ràng hơn và đến lớp 12 các em sẽ không còn bỡ ngỡ nữa. Hiện nay, với chương trình giáo dục phổ thông mới, việc hướng nghiệp sẽ rõ ràng hơn vì ngay từ khi chọn môn, chọn khối các em đã lựa chọn môn học gần với nghề nghiệp của mình trong tương lai.
Liên quan đến công tác hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp, nhất là học sinh lớp 12, hiện hoạt động này cũng đã được các nhà trường, các giáo viên lồng ghép trong các hoạt động ngoại khóa hoặc ngay trong các tiết học.
Là giáo viên dạy môn Sinh học của Trường Trung học phổ thông Nam Đàn 2, cô giáo Hoàng Thị Minh cho biết: Với đặc thù môn học của tôi lâu nay nhiều học sinh vẫn gặp khó khăn khi lựa chọn, vì nhiều em cho rằng, học sinh theo môn Sinh học, theo khối B chủ yếu chỉ theo ngành Y khoa.
Nhưng hiện nay tôi mở ra cho các em nhiều ngành nghề mới như bác sĩ thú y, nông nghiệp hoặc theo ngành công nghệ sinh học. Bản thân giáo viên muốn định hướng tốt cho học sinh cũng phải tìm tòi, cập nhật các kiến thức, các ngành học mới để không bị “lạc hậu”.
Để làm tốt công tác hướng nghiệp, tại Trường Trung học phổ thông Diễn Châu 3, nhiều năm nay đã triển khai hiệu quả chương trình “Ngày hội tư vấn tuyển sinh – Open day”. Năm 2024 này, chương trình được tổ chức vào ngày 6/1 (Âm lịch), đúng vào ngày đầu học sinh trở lại trường với sự tham gia của rất nhiều cựu học sinh nhà trường hiện đang theo học tại các trường đại học, hoặc đang làm việc ở nhiều đơn vị trong cả nước. Để chương trình triển khai hiệu quả, Ban tổ chức đã tổ chức nhiều bàn tư vấn với nhiều ngành, nghề khác nhau như ngành tâm lý học, ngành kinh tế, ngành sư phạm, ngành báo chí, ngành ngôn ngữ, ngành luật.
Học sinh tham gia chương trình có thể trực tiếp đến từng bàn tư vấn để lắng nghe các ý kiến từ các cựu học sinh của nhà trường và đưa ra những lời khuyên bổ ích để các em có sự lựa chọn phù hợp.
Sau chương trình tư vấn, Hội Cựu học sinh của trường cũng đã lập một trang riêng để học sinh trong trường có thể thường xuyên tương tác, trao đổi, tư vấn. Đây cũng là kênh để kết nối, giới thiệu việc làm cho các học sinh sau khi ra trường.
Chúng tôi thấy chương trình tư vấn hướng nghiệp từ “người thật, việc thật” rất hiệu quả và có tính lan tỏa cao.
Hơn nữa, từ chính câu chuyện của các anh, chị đi trước sẽ góp phần động viên, khích lệ để các khóa học sinh sau nỗ lực, cố gắng thực hiện được ước mơ và hoài bão của mình.