Hướng tới 'Dạy thật, thi thật và chất lượng thật'
Năm học 2024 - 2025 là năm kết thúc chu kỳ thực hiện sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đón đầu các kỳ thi theo Chương trình mới, các nhà trường đã chủ động để thay đổi cách dạy, cách học, kiểm tra đánh giá.
Phát triển phẩm chất năng lực người học
Những giờ học của cô và trò Trường THCS Quang Trung (thành phố Vinh) nay đã không chỉ giới hạn trong khuôn viên của lớp học. Thay vào đó các em được trải nghiệm ở nhiều không gian khác nhau để có nhiều trải nghiệm lý thú và sinh động. Từ các hoạt động này đã khuyến khích, định hướng cho học sinh chủ động, tích cực trong học tập, góp phần phát triển phẩm chất, năng lực. Gần đây nhất, trong các tiết học về Lịch sử, các em học sinh Trường THCS Quang Trung đã được đến thăm Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, Nhà lao Vinh (TP. Vinh), Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh).
Ngoài ra, với sự hỗ trợ đắc lực của kết nối Internet, học sinh Trường THCS Quang Trung cũng đã có tiết học kết nối thú vị với học sinh 2 trường học ở TP. Vinh và ở huyện Quế Phong; các học sinh đến từ một trường THCS ở Nhật Bản.
Cô giáo Nguyễn Thị Lan - Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung chia sẻ: Chương trình mới với mục tiêu phát triển năng lực học sinh, chuyển cách dạy từ truyền thụ kiến thức sang giáo dục phát triển toàn diện, đòi hỏi nhà trường, giáo viên cũng phải thay đổi cách dạy, cách triển khai bài giảng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin trong các hoạt động giáo dục hàng ngày, tra cứu thông tin, cách tạo ra các câu hỏi, bài kiểm tra… Từ đó, tạo ra các dạng bài tập, bài học phong phú, đa dạng đối với mọi đối tượng học sinh.
Thành phố Vinh là một trong những đơn vị đi đầu trong việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc đổi mới dạy và học được chú trọng khi các nhà trường khuyến khích giáo viên sử dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, ứng dụng công nghệ thông tin; các bài học được xây dựng thành các hoạt động với mục tiêu, nội dung, sản phẩm học tập và cách thức thực hiện linh hoạt để giao cho học sinh thực hiện trong lớp học, ngoài lớp học, ở trường, ở nhà...
Nhờ thực hiện chương trình mới, kết quả học tập và rèn luyện của học sinh có nhiều chuyển biến tích cực. Như thế, mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh theo chương trình đã bước đầu khẳng định, tạo niềm tin trong giáo viên, học sinh, phụ huynh và xã hội.
Bà Hoàng Phương Thảo - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Vinh
Tại huyện Đô Lương, để duy trì chất lượng giáo dục tốp đầu tỉnh, ngành Giáo dục huyện nhà cũng đã sớm có những chỉ đạo trong phương pháp tổ chức dạy học để “thích ứng” với hoàn cảnh mới. Theo đó, các cơ sở giáo dục đã chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, phù hợp với điều kiện của nhà trường. Đồng thời, chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh; linh hoạt trong việc tổ chức hoạt động giáo dục, hoạt động trải nghiệm… để học sinh được tích lũy kiến thức từ cuộc sống, dạy học gắn liền với vận dụng vào thực tiễn cuộc sống.
Thách thức kỳ thi “mới”
Cùng với những thay đổi tích cực, năm 2025 cũng là năm đầu tiên triển khai các kỳ thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2025. Trong đó, 2 kỳ thi được quan tâm nhất đó là Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Trước 2 kỳ thi này, ngành Giáo dục đã có một bước thử khi tổ chức kỳ thi học sinh giỏi tỉnh dành cho học sinh 9 và lớp 12 với việc ra đề thi được thực hiện sát với hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau kỳ thi này, nhiều giáo viên và học sinh đánh giá cao những đổi mới của kỳ thi năm nay, nhất là trong cách ra đề. Các đề thi đã tiếp cận với mục đích của chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó chú trọng vào việc phát huy năng lực của học sinh. Các câu hỏi trong đề thi đều có tính thực tế, ứng dụng cao, không nặng về tính toán, tạo hứng thú cho học sinh khi làm bài.
Những kết quả bước đầu của các kỳ thi học sinh giỏi cũng là cơ sở để Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An và các phòng chuyên môn có thêm kinh nghiệm để chuẩn bị cho các kỳ thi sắp tới. Trong quá trình tổ chức kỳ thi, giáo viên, học sinh và các nhà trường cũng có dịp cọ xát, trao đổi, học tập.
Đón đầu kỳ thi theo chương trình mới, Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các tổ chuyên môn, giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập phù hợp với điều kiện từng trường, nhóm học sinh, phân loại trình độ học sinh để tổ chức ôn tập phù hợp. Bên cạnh đó, phải đa dạng hình thức và tăng số lần kiểm tra, đánh giá thường xuyên để đánh giá được quá trình, sự tiến bộ người học.
Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng yêu cầu các bộ môn từng bước thực hiện biên soạn câu hỏi trắc nghiệm khách quan theo đánh giá năng lực thuộc dạng thức “trắc nghiệm đúng/sai”, “trắc nghiệm trả lời ngắn” theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo để sử dụng trong dạy học và kiểm tra đánh giá". Sở đã mời Bộ tập huấn cho toàn bộ giáo viên làm quen với cách ra đề, hướng dẫn xây dựng hệ thống câu hỏi để phục vụ công tác dạy học.
Với sự chủ động nói trên, các nhà trường ở Nghệ An đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho các kỳ thi theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Khó khăn nhất hiện nay đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa “chốt”phương án chọn môn thi cho Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
Về phía học sinh lớp 12, ngoài áp lực của Kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo sách giáo khoa mới, các em còn có những áp lực về các kỳ thi riêng của các trường đại học như kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, các kỳ thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ quốc tế.
Các kỳ thi là thước đo để đánh giá chất lượng dạy và học ở các nhà trường.
Về phía ngành Giáo dục, năm nay sẽ thực hiện việc đánh giá đảm bảo chất lượng ở cả bậc THPT và THCS, từ đó nâng cao chất lượng dạy học ở các nhà trường và chuẩn bị cho các kỳ thi đảm bảo “dạy thật, thi thật và chất lượng thật”.
GS.TS.NGƯT Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo