Giáo dục

Linh hoạt dạy và học để phù hợp với Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025

Mỹ Hà 30/12/2024 17:49

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là Kỳ thi đầu tiên thực hiện theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Với nhiều sự thay đổi về quy chế thi, kỳ vọng kỳ thi "mới" sẽ giúp giảm áp lực cho các sĩ tử và tạo thuận lợi hơn cho các địa phương trong quá trình tổ chức thi.

Nhiều sự thay đổi theo hướng có lợi

Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, kỳ thi năm nay sẽ được tổ chức trong 3 buổi thi, bao gồm: 1 buổi thi môn Ngữ văn, 1 buổi thi môn Toán và 1 buổi thi bài thi tự chọn. Các thí sinh sẽ được sắp xếp theo tổ hợp bài thi tự chọn để tối ưu hóa việc sử dụng phòng thi và điểm thi.

Với phương án này, so với những năm trước, kỳ thi này sẽ giảm 1 buổi thi và 2 môn thi, giúp giảm áp lực, tiết kiệm chi phí xã hội nhưng vẫn đảm bảo chất lượng kỳ thi.

Giờ học
Giờ học của học sinh Trường THPT chuyên Đại học Vinh. Ảnh: Mỹ Hà

Điểm mới tiếp theo của kỳ thi năm nay là việc kết hợp điểm đánh giá quá trình (học bạ) với kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp, theo tỷ lệ 50%-50%. Điểm trung bình học bạ của các năm học sẽ được tính theo trọng số.

Bên cạnh đó, điểm học bạ các năm lớp 10, lớp 11 được sử dụng (với trọng số nhỏ hơn của lớp 12) thay vì chỉ của lớp 12 như trước đây. Tỷ lệ sử dụng điểm đánh giá quá trình tăng từ 30% lên 50% nhằm đánh giá sát hơn năng lực người học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Thay đổi này cũng khuyến khích việc học tập nghiêm túc ngay từ lớp 10 và giảm thiểu tình trạng “chạy” điểm.

Một thay đổi đáng chú ý khác là việc miễn thi ngoại ngữ bằng chứng chỉ. Nếu như trước đây thí sinh có điểm IELTS từ 4.0 trở lên được quy đổi thành điểm 10 thì nay quy định này không còn áp dụng. Quy định mới nhằm đảm bảo công bằng giữa các thí sinh, tránh trường hợp thí sinh có điểm IELTS 4.0 được hưởng lợi tương tự như thí sinh đạt 8.5.

Ngoài ra, từ năm 2025, các thí sinh sẽ không được cộng điểm ưu tiên cho các chứng chỉ nghề, Tin học, Ngoại ngữ hay bằng trung cấp nghề. Quy định này nhằm tạo sự bình đẳng giữa học sinh hệ giáo dục chính quy và hệ giáo dục thường xuyên, khi cả hai đều được cấp chung một loại bằng tốt nghiệp.

Kỳ thi năm nay cũng ghi nhận bước tiến công nghệ khi lần đầu tiên áp dụng phương thức vận chuyển đề thi qua hệ thống mã hóa và bảo mật của Ban Cơ yếu Chính phủ tại 63 tỉnh, thành phố. Phương pháp này giúp đảm bảo an toàn, giảm thời gian và nhân lực so với cách vận chuyển truyền thống.

Lớp 12
Tiết học của học sinh lớp 12 - Trường THPT Bắc Yên Thành. Ảnh: Mỹ Hà

Với tính chất đặc biệt của kỳ thi năm nay, một trong những điều khiến các thí sinh lo lắng là đề thi, đặc biệt đối với những thí sinh tự do học theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành (từ năm học 2023–2024 trở về trước). Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn áp dụng 2 loại đề thi.

Thí sinh lớp 12 sẽ dự thi với đề thi được xây dựng theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Trong khi đó, thí sinh tự do chưa tốt nghiệp, học theo chương trình cũ, sẽ dự thi với đề thi được thiết kế theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2006. Ngoài ra, thí sinh tự do đã tốt nghiệp có thể chọn tham gia kỳ thi với đề thi của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 hoặc Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 để sử dụng kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng.

Đây cũng sẽ là kỳ thi cuối cùng có đề thi theo chương trình cũ, vì từ năm 2026, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT với một loại đề thi duy nhất, áp dụng theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Mô hình lớp học ghép

Với nhiều sự thay đổi, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được đánh giá là sẽ giảm áp lực cho thí sinh, đồng thời tạo thuận lợi cho các địa phương và nhà trường trong quá trình tổ chức.

Đây cũng là kỳ thi được thực hiện với mục đích “kép” - vừa công nhận tốt nghiệp, vừa lấy điểm để xét tuyển vào đại học. Vì vậy, ở thời điểm hiện tại, điều mà các sĩ tử lớp 12 quan tâm nhất là lựa chọn môn thi tự chọn (ngoài 2 môn bắt buộc Toán và Ngữ văn) để xét tuyển đại học. Bên cạnh đó, các thí sinh cũng đang nóng lòng chờ phương án tuyển sinh cụ thể từ các trường đại học.

Buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh ở Trường THPT Cửa Lò 2. Ảnh - NTCC
Buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh ở Trường THPT Cửa Lò 2. Ảnh: NTCC

Tại Trường THPT Cửa Lò 2, xu hướng đăng ký môn tự chọn hiện có sự khác biệt khá lớn giữa các học sinh, tùy thuộc vào kế hoạch xét tuyển đại học của từng em. Học sinh Hoàng Thị Yến Vy, lớp 12A3, chia sẻ: "Em dự định đăng ký vào ngành mầm non, nên có hai tổ hợp xét tuyển gồm Toán – Văn – Năng khiếu hoặc Văn – Sử – Năng khiếu. Vì vậy, ngoài hai môn bắt buộc là Toán và Văn, em sẽ chọn Lịch sử làm môn tự chọn và Kinh tế pháp luật để giảm bớt áp lực. Thời gian còn lại, em sẽ tập trung ôn luyện môn năng khiếu".

Do có nhiều sự lựa chọn khác nhau và sự khác biệt trong từng lớp, Trường THPT Cửa Lò 2 hiện phải tổ chức nhiều lớp ghép để đáp ứng nguyện vọng của học sinh. Thầy Trương Công Thắng – Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: "Đặc thù của trường là số lượng học sinh có nguyện vọng vào đại học không nhiều, nên một số môn chỉ có từ 4 đến 9% học sinh đăng ký, như các môn tự nhiên và Tiếng Anh. Ngược lại, học sinh thường chọn các môn xã hội để đảm bảo an toàn, dẫn đến số lượng đăng ký khá cao".

Dù trong hoàn cảnh nào, nhà trường vẫn tổ chức các lớp riêng và bố trí giáo viên có kinh nghiệm để ôn tập cho học sinh. Với các môn có số lượng đăng ký thấp, chúng tôi sẽ ghép lớp.

Thầy Trương Công Thắng – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Cửa Lò 2

bna_gio-hoc-cua-hoc-sinh-truong-thpt-ha-huy-tap.-anh-ntcc(1).jpeg
Tiết học của học sinh Trường THPT Hà Huy Tập. Ảnh: NTCC

Trong khi đó, tại Trường THPT Hà Huy Tập, gần 80% thí sinh đăng ký môn tự chọn là các môn tự nhiên, 50% chọn Tiếng Anh, và các môn xã hội chỉ chiếm từ 7 đến 20%.

Lý giải điều này, thầy Cao Thanh Bảo – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Ngay sau khi tuyển sinh lớp 10, nhà trường đã tổ chức các buổi tư vấn hướng nghiệp và định hướng tổ hợp môn học cho cả phụ huynh và học sinh. Chúng tôi đã sắp xếp nhiều tổ hợp, từ thiên về tự nhiên đến kết hợp tự nhiên – Tiếng Anh, tạo điều kiện thuận lợi cho các em lựa chọn. Ngay cả những học sinh ban đầu chọn môn xã hội nhưng sau đó muốn chuyển sang tổ hợp khác vẫn được nhà trường hỗ trợ ôn tập trong các lớp ghép".

Ngoài hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, kỳ thi năm nay có 9 môn tự chọn để thí sinh lựa chọn. Theo quy chế mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh dự thi môn tự chọn không cần thay đổi phòng thi sau mỗi buổi, mà sẽ ngồi cố định tại một phòng thi trong suốt kỳ thi.

Bộ cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để tích hợp và liên thông cơ sở dữ liệu, giảm thiểu hồ sơ phải nộp, đặc biệt là các hồ sơ minh chứng hưởng chế độ ưu tiên chính sách.

Mới nhất

x
Linh hoạt dạy và học để phù hợp với Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO