Xã hội

Hướng về cơ sở, quan tâm đời sống, việc làm cho phụ nữ

Ngân Hạnh 20/10/2024 11:06

Trong xu thế hiện nay, những người làm công tác hội không chỉ chăm lo hoạt động phong trào bề nổi, mà với năng lực, phẩm chất của mình, nhiều cán bộ hội phụ nữ đã năng động, sáng tạo để đưa hoạt động hội phụ nữ đi vào thực chất, hiệu quả, tạo dấu ấn với cộng đồng, từ đó lan tỏa hình ảnh của hội phụ nữ ngày càng sâu rộng, đưa hoạt động hội đi vào chiều sâu bằng những việc làm, mô hình cụ thể.

Thấu hiểu hội viên nhờ “Nhật ký thăm hộ”

“Yêu hội, trách nhiệm, nhiệt tình và vì hội viên, phụ nữ”, đó là tâm niệm của chị Trần Thị Hà - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quỳnh Lưu. Từ một cán bộ ngành Tuyên giáo, năm 2018, chị chuyển sang công tác tại Hội LHPN huyện. Đến nay, sau 6 năm gắn bó với công tác hội, chị luôn trăn trở làm thế nào để đẩy mạnh phong trào, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ. Ý tưởng về Chương trình “Nhật ký thăm hộ” ra đời là một trong những cách làm để góp phần thực hiện được mục tiêu trong công tác hoạt động hội của mình.

z5932411248401_dd7a5618e3299c2ff699ec22bb84d3b0.jpg
Chị Trần Thị Hà (thứ hai từ trái sang) thăm một hội viên phụ nữ trên địa bàn. Ảnh: Ngân Hạnh

Trong những lần đi thăm hộ, không biết bao nhiêu lần chị Hà cùng những cán bộ hội đã rơi nước mắt trước những hoàn cảnh của chị em hội viên. Chị chia sẻ: “Mỗi gia đình là một câu chuyện khác nhau. Và những mảnh đời đó rất cần sự đồng hành, giúp đỡ của cộng đồng, xã hội. Tôi còn nhớ, trong một lần đến thăm 1 phụ nữ đơn thân ở xã Quỳnh Châu, đứa con của chị chỉ mới 2 tuổi. Chị bị bệnh tim nặng, chồng bỏ đi, trong khi người thân, họ hàng lại ở xa, không nơi nương tựa. Chúng tôi đến đúng lúc đứa trẻ đang khóc òa lên khi mẹ đang chật vật trong cơn đau. Chứng kiến cảnh đó, không ai trong chúng tôi cầm được nước mắt. Người vội vàng đưa chị đi viện, người ở lại chăm sóc cháu nhỏ. Sau đó, chúng tôi đã lên kế hoạch hỗ trợ mô hình sinh kế và vận động nguồn hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho gia đình, đồng thời thường xuyên đến thăm hỏi, động viên mẹ con chị ấy”.

z5932411266016_c7bead764020f0bff6285b2fe831a079.jpg
Chị Hà cùng các cán bộ hội thăm các mô hình ở cơ sở. Ảnh: CSCC

Hội LHPN huyện Quỳnh Lưu duy trì Chương trình “Nhật ký thăm hộ” đến nay đã gần 5 năm, thời gian đó, chị Hà cùng những hội viên phụ nữ, các cán bộ hội vẫn thường xuyên thăm hỏi, động viên chị em có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau... Theo chị Hà, đó là cách để gần gũi hơn với hội viên, từ đó quan tâm, giải quyết kịp thời những vấn đề vướng mắc, đề xuất liên quan đến quyền lợi phụ nữ. Qua thăm hộ, các cấp hội đã giúp đỡ cho 4.858 chị có hoàn cảnh khó khăn, với tổng giá trị trên 3,8 tỷ đồng để hỗ trợ mô hình sinh kế, hỗ trợ xây dựng nhà và thăm hỏi.

z5932411229873_85434c70223c273b19f82e66386511ab.jpg
Hội LHPN huyện Quỳnh Lưu trao quà trong Chương trình "Mẹ đỡ đầu". Ảnh: CSCC

Để giúp đỡ được những hoàn cảnh khó khăn, trong khi nguồn lực có hạn, chị Hà đã cùng các cán bộ hội trăn trở, sáng tạo những cách làm hay để kêu gọi vận động ủng hộ từ hội viên, các nhà hảo tâm, những người con xa quê,… Thời gian qua, bằng nhiều hình thức như rửa xe gây quỹ, thu gom phế liệu, tổ chức phiên chợ quê gây quỹ, gian hàng không đồng, “Tiết kiệm bản thân để dành phần người khó”,… các cấp hội phụ nữ huyện Quỳnh Lưu đã kêu gọi được trên 12 tỷ đồng để tặng quà, hỗ trợ mô hình sinh kế, phương tiện sinh hoạt, sửa chữa nhà ở cho phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.

z5932411210492_b3cadd7cb175b91688e65f1dbdc79e38.jpg
Chị Trần Thị Hà - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Ngân Hạnh

Đối với chị Hà, động lực để chị cố gắng từng ngày, phát triển phong trào hội, đó chính là luôn chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho chị em hội viên. Chị chia sẻ: “Nhờ có lực lượng hội viên đông, nhiệt tình, trách nhiệm, tôi cảm thấy như được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục đồng hành cùng những phận đời phụ nữ khó khăn, kém may mắn trong cuộc sống. Dựa trên tình hình thực tế địa bàn, chúng tôi cố gắng lựa chọn triển khai những hoạt động phù hợp, cùng với đó, học tập kinh nghiệm của các huyện bạn và học hỏi các mô hình trên mạng xã hội. Qua đó, chúng tôi mong rằng, người phụ nữ Việt Nam thời đại mới là người có tri thức, sức khỏe, năng động, sáng tạo, nhân ái, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Giúp phụ nữ dân tộc thiểu số tự tin phát triển kinh tế

Vừa là Trưởng ban Dân tộc HĐND huyện Con Cuông, đồng thời cũng là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, chị Lữ Thị Khuyên vẫn luôn trăn trở về những chị em hội viên phụ nữ người dân tộc thiểu số.

Chị Khuyên chia sẻ: “Trước đây, nhiều chị em người dân tộc thiểu số, đặc biệt là tộc người Đan Lai còn rất dè dặt, chưa mạnh dạn tham gia hội. Vì thế, cán bộ hội các cấp luôn quan tâm, tuyên truyền để giúp chị em tự tin hơn. Điều đáng mừng là các chị em đã thay đổi từng ngày, mạnh dạn phát triển kinh tế, được hỗ trợ vay vốn làm ăn. Nhờ vậy, nhiều chị em đã chủ động viết đơn xin thoát nghèo, trong đó có các chị tộc người Đan Lai”.

Ảnh 2
Chị Lữ Thị Khuyên thăm mô hình du lịch do chị em phụ nữ làm chủ tại xã Yên Khê, huyện Con Cuông. Ảnh: Đình Tuyên

Nhận thấy thực tế, hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, nhất là kinh tế tập thể như tổ hợp tác, HTX còn gặp khó khăn, phụ nữ thiếu việc làm, thiếu kiến thức, thiếu vốn sản xuất, kinh doanh còn nhiều, chị Lữ Thị Khuyên đã có sáng kiến tuyên truyền, vận động, hỗ trợ cán bộ, phụ nữ phát triển kinh tế. Sáng kiến được các cấp hội tập trung triển khai thực hiện, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo cho phụ nữ trên địa bàn huyện.

img_1610.jpeg
Chị Lữ Thị Khuyên tại lớp học nấu ăn dành cho các hộ làm du lịch ở huyện Con Cuông. Ảnh: Đình Tuyên

Sau một thời gian triển khai, các tổ liên kết, tổ hợp tác “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” đã được thành lập tại 13/13 xã, thị trấn ở huyện Con Cuông, như mô hình tổ hợp tác thủ công mỹ nghệ, tổ hợp tác sản xuất rượu men lá, mô hình trồng rau an toàn, mô hình nấu ăn phục vụ du lịch cộng đồng, mô hình tổ liên kết trồng ngô sinh khối... Ngoài ra, chương trình cũng hỗ trợ cho 56 chị khởi nghiệp, trong đó có 3 ý tưởng lọt tốp 5 cấp tỉnh.

img_1611.jpeg
Hội LHPN huyện Con Cuông đồng hành cùng các chị em trong phát triển kinh tế. Ảnh: Đình Tuyên

“Thời gian đầu triển khai, tôi cùng các cán bộ hội đã luôn đồng hành, sát sao, cùng làm với chị em để giúp chị em có thêm động lực phát triển kinh tế. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã kêu gọi cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ từ các chương trình phát triển kinh tế của huyện hỗ trợ cho chị em có nguồn lực chăn nuôi, đến nay, đã hỗ trợ 664 vật nuôi cho 664 hộ, tạo thêm sinh kế cho chị em. Thấy đời sống chị em đang thay đổi từng ngày, đó là niềm hạnh phúc nhất đối với tôi trong quá trình hoạt động hội”.

Không chỉ tuyên truyền, vận động, chị Khuyên cũng đã kêu gọi Chi bộ Hội LHPN chung tay nhận đỡ đầu 1 cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn để giúp cháu có điều kiện học tập tốt hơn.

img_1612.jpeg
Chị Trần Thị Hà (ngoài cùng bên trái) và chị Lữ Thị Khuyên (đứng thứ 4 từ trái sang) là những cán bộ hội xuất sắc được Hội LHPN Trung ương tặng Bằng khen. Ảnh: CSCC

Có thể nói, tùy đặc điểm tình hình của mỗi địa phương, mà các chị lãnh đạo hội phụ nữ có những cách làm phù hợp, đáp ứng được nhu cầu của hội viên, từ đó, góp phần giúp chị em nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, vượt lên những khó khăn trong cuộc sống, tự tin hơn vào bản thân trong phát triển kinh tế gia đình. Đây là một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công của các phong trào hội phụ nữ ở cơ sở. Trong rất nhiều “thủ lĩnh” các cấp hội trong tỉnh, 2 “thủ lĩnh” phong trào hội phụ nữ nói trên, với cách làm của họ đã khẳng định vai trò, bản lĩnh và tinh thần vì cộng đồng. Đó chính là những việc làm thiết thực mà hội viên cần, là cầu nối để chị em gắn bó hơn với hội, góp phần xây dựng tổ chức hội phụ nữ ngày càng vững mạnh.

Mới nhất
x
Hướng về cơ sở, quan tâm đời sống, việc làm cho phụ nữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO