Mặc dù bố là người Đô Lương nhưng Ốc Thị Quỳnh Anh (sinh năm 2004) lại sinh ra ở quê mẹ (là người Khơ mú), trong một bản làng người Thái thuộc huyện Tương Dương. Năm 4 tuổi, Quỳnh Anh rời xa vòng tay gia đình để xuống TP Vinh sống với cô ruột. Cũng chính vì vậy, Quỳnh Anh hình thành ý thức tự lập từ rất sớm, biết quán xuyến việc nhà, chăm sóc bản thân và tự sắp xếp việc học hành. Đến năm lớp 9, trước những áp lực từ phía người thân và những thay đổi trong nhận thức, Quỳnh Anh thuyết phục gia đình để được quay về Tương Dương học tiếp chương trình cấp 3. Những năm tháng đó, biến cố gia đình liên tiếp xảy ra với em. Mẹ vướng vào lao lý, bố và 2 em trai về quê nội, Quỳnh Anh sống một mình trong căn nhà ở huyện miền núi xa xôi. Những cô đơn, mặc cảm của tuổi dậy thì cứ thế đè nặng lên trái tim nhỏ bé của em.
“Có những giai đoạn em tự nhốt mình trong nhà vì không muốn trò chuyện, giao lưu với ai. Đêm xuống là lại nghĩ linh tinh rồi khóc, nhưng sáng mai, dù mắt có sưng híp thì em vẫn tỏ vẻ tỉnh bơ như không có gì xảy ra. Em sợ mọi người nhìn thấu mình, không muốn bất kỳ ai nhìn thấy con người yếu đuối trong mình” – Quỳnh Anh nhớ lại.
Dù sống một mình nhưng Quỳnh Anh được ông bà ngoại ở gần chăm sóc, yêu thương. Ông ngoại luôn nói rằng, miễn là ông còn sống, ông sẽ lo cho Quỳnh Anh ăn học tử tế. Bởi vậy, toàn bộ số tiền lương 2 triệu đồng mỗi tháng của ông đều dành hết cho Quỳnh Anh. Sự yêu thương, tin tưởng của ông bà ngoại cũng chính là động lực để Quỳnh Anh hoàn thành 3 năm học cấp 3 một cách xuất sắc. Em thổ lộ: “Hồi ở Vinh, em là một học sinh không có gì nổi trội và sống qua ngày với niềm tin rằng, mình không thông minh, không giỏi giang. Nhưng những năm học cấp 3 tại trường huyện, để mẹ yên tâm và ông bà ngoại vui lòng, em luôn cố gắng làm mọi việc một cách tốt nhất, đạt thành tích cao nhất trong khả năng. Chính bản thân em cũng không ngờ mình có thể cùng lúc đi thi học sinh giỏi nhiều môn, đạt giải 3 trong Kỳ thi học sinh giỏi Văn cấp tỉnh và được bình chọn là Học sinh 3 tốt cấp tỉnh”.
Với những thành tích của mình, Quỳnh Anh đỗ xét tuyển sớm Khoa ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Hà Nội. Chính sách ưu tiên dành cho sinh viên dân tộc thiểu số và hộ nghèo giúp Quỳnh Anh được miễn giảm 100% học phí, tuy nhiên số tiền sinh hoạt phí không nhỏ trên đất Thủ đô là bài toán khó đối với em. Ngay khi vừa đặt chân đến Hà Nội, cô sinh viên năm nhất đã tìm trung tâm, đăng ký dạy gia sư, bán hàng vào tất cả các khung giờ trống trong tuần, với mục tiêu duy nhất là đủ tiền trang trải cuộc sống. Không lâu sau đó, ông ngoại – chỗ dựa lớn nhất của Quỳnh Anh qua đời, khó khăn tiếp tục chồng chất khó khăn…
Dám ước mơ, không từ bỏ – chính tinh thần này đã giúp Quỳnh Anh chinh phục được nhiều học bổng trong thời gian sinh viên, trong đó có học bổng “Trái tim sư tử” của Trường Đại học Anh Quốc.
Trong bài luận xin học bổng của mình, Quỳnh Anh đã chọn đối diện với những gì mình trải qua một cách thắng thắn, chân thành và dũng cảm nhất. “Tôi vừa mới thăm mẹ từ trại giam…” – bài luận đã bắt đầu như vậy, một bài luận không giống ai về một tuổi thơ không giống ai.
“Hồ sơ xin học bổng này gồm rất nhiều phần và phần nào cũng đòi hỏi sự chỉn chu, công phu, với nhiều kỹ năng em chưa hoàn thiện. Có những thời điểm sửa đi sửa lại một thiết kế, viết đi viết lại một bài luận, em mệt mỏi đến mức muốn bỏ cuộc. Có những giai đoạn thức nhiều đêm liên tiếp khiến bản thân muốn kiệt sức… Nhìn lại chặng đường đã qua, em cảm thấy mình quá may mắn vì đã nhận được nhiều sự giúp đỡ từ mọi người. Và em cũng biết ơn chính mình vì đã không bỏ cuộc” – Quỳnh Anh trải lòng.
Trên hành trình mà cô sinh viên Ốc Thị Quỳnh Anh đã và đang đi, có thể có những phút giây cô đơn, những thiệt thòi khó chia sẻ, nhưng chắc chắn không cô độc. Quỳnh Anh nhận được rất nhiều yêu thương từ mọi người và nguyện trao yêu thương đến tất cả những số phận kém may mắn hơn.
Trong câu chuyện của Quỳnh Anh, cậu bạn cùng tuổi Ngô Đức Hiếu (quê thành phố Vinh) được nhắc đến với vai trò vô cùng đặc biệt. Hiếu quen Quỳnh Anh trên một diễn đàn giáo dục, khi cả 2 đều đang mang nỗi lo lắng “không có tiền để đi học đại học”. Từ sự đồng cảm về những thiệt thòi trong cuộc sống, Quỳnh Anh và Hiếu ngày càng thân nhau hơn và luôn động viên, đồng hành với nhau trong học tập. Kể về cậu bạn thân của mình, Quỳnh Anh nói: “Hai đứa học cùng trường đại học, cùng quê, lại cùng phải tự lập về mọi mặt trong cuộc sống nên rất dễ chia sẻ, thông cảm với nhau. Năm ngoái, sau khi Hiếu giành được suất học bổng 1 tỷ đồng tại Đại học Anh quốc, bạn ấy đã định hướng và thuyết phục em chinh phục học bổng trong năm nay. Hiếu luôn có niềm tin rằng em sẽ làm được và không cho phép em từ bỏ. Nếu không có người bạn này, chắc chắn sẽ không có em với “Trái tim sư tử” của ngày hôm nay”.
Những yêu thương mà Quỳnh Anh nhận được còn hiện hữu trong suất học bổng hàng tháng của “Khù khờ học” do nghệ sĩ Lê Cát Trọng Lý trao tặng; hiện hữu trong chiếc laptop cũ được nhận từ chương trình “Được học” thuộc dự án Nuôi em; hiện hữu trong những khoá học phát triển bản thân dành cho người dân tộc thiểu số; hiện hữu trong những động viên, khuyến khích của các anh chị tiền bối…
Đáp đền những yêu thương mình nhận được, Quỳnh Anh đã “trao lại” bao tình cảm chân thành dành cho các em nhỏ vùng cao. Quỳnh Anh là tình nguyện viên của Dự án “Sách này là để xây trường” – xin sách cũ và bán sách để góp quỹ xây trường cho các em nhỏ vùng cao. Đồng thời, là một trong những thành viên tích cực của nhóm tình nguyện Niềm Tin với nhiều hoạt động thiết thực như dự án Nuôi em, xây trường cho trẻ vùng cao, hỗ trợ máy tính cho sinh viên nghèo…
Quỳnh Anh chia sẻ: “Hơn ai hết, em hiểu rằng con đường học tập, thoát nghèo, hoàn thiện bản thân của các em nhỏ vùng cao vô cùng khó khăn. Nếu không làm được, các em sẽ phải ở lại với những thiệt thòi, những định kiến giới. Em muốn làm hết sức mình giúp các em nhỏ được đi học, được tiếp cận với tri thức, được chạm tay vào những cơ hội tốt để có được một tương lai tốt. Đây cũng chính là nguyện vọng lâu dài mà em hướng đến”.
Nhận xét về Quỳnh Anh, anh Hoàng Hoa Trung – Chủ nhiệm Dự án Nuôi em nói: “Sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi nhưng Quỳnh Anh đã rất cố gắng để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Dù thời gian eo hẹp, cùng lúc vừa học vừa làm, vừa tham gia thiện nguyện nhưng Quỳnh Anh luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách trách nhiệm, khoa học. Với những gì đã và đang thể hiện, tôi tin rằng, khi được đặt trong một môi trường lớn hơn, nhiều cơ hội hơn, Quỳnh Anh sẽ còn tiến rất xa”.
“Con đường mà Quỳnh Anh đã và đang đi hoàn toàn phù hợp với tính cách của Quỳnh Anh. Bạn ấy luôn giữ được sự lạc quan, tích cực, có đam mê, hoài bão và làm hết mình để thực hiện hoài bão. Câu chuyện của Quỳnh Anh sẽ góp phần truyền cảm hứng cho các em học sinh người dân tộc thiểu số, giúp các em có thêm niềm tin để vượt lên số phận” – Ngô Đức Hiếu chia sẻ về người bạn thân của mình.