Iraq sẽ đánh bại IS trong năm 2016?

30/12/2015 10:26

(Baonghean) - Sẽ giải phóng toàn bộ đất nước Iraq khỏi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong năm 2016 - đó là tuyên bố đầy tự tin của Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi. Những chiến thắng trên thực địa, sự cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn được cho là những yếu tố đằng sau tuyên bố này, song dư luận cho rằng IS sẽ không dễ bị đánh bại đến thế.

Thắng như chẻ tre

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố sẽ đánh bại IS trong năm 2016. Ảnh: Aljazeera.
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố sẽ đánh bại IS trong năm 2016. Ảnh: Aljazeera.


Quả thật, việc giành quyền kiểm soát Ramadi được xem là thắng lợi quan trọng nhất từ khi Iraq bắt đầu cuộc chiến chống IS. Nhưng từ trước đó, chính quyền Iraq đã liên tiếp nhận được tin vui gửi về từ chiến trường. Ngày 5/12, lực lượng an ninh Iraq tiếp tục tấn công tại tỉnh Anbar và giành lại quyền kiểm soát hơn một nửa diện tích al-Tamim, ngoại ô Ramadi. Trong đó, quân đội Iraq tái chiếm 3 trong số 6 khu vực chiến lược của al-Tamim.Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố sẽ giải phóng đất nước khỏi tay IS trong niềm hưng phấn khi lực lượng an ninh Iraq vừa giành lại quyền kiểm soát thành phố Ramadi: “Nếu 2015 là năm của giải phóng thì 2016 sẽ là năm của những thắng lợi vĩ đại, xóa sổ IS tại Iraq và vùng Lưỡng Hà. Chúng ta đang hướng tới giải phóng thành phố Mosul và đây sẽ là đòn chí tử đối với IS”.

Đến ngày 7/12, IS thực hiện cuộc tấn công quy mô lớn với 7 xe chở đầy bom nhằm vào các địa điểm khác nhau tại tỉnh Anbar. Tuy nhiên, quân đội IS đã đẩy lui được cuộc tấn công này.

Cũng đầu tháng 12, các binh sĩ Iraq, lực lượng dân phòng người Sunni và một số tay súng người Shiite do Iran hậu thuẫn cũng đã tái chiếm phần lớn khu vực ở Baiji, miền Bắc Iraq. Chiến thắng này giúp quân đội chính phủ Iraq mở đường lên phía Bắc, hướng về Mosul, chặn đường tiếp tế của phiến quân IS đang cố thủ ở thị trấn Hawijiah, phía Đông dòng sông Tigris.

Giới phân tích cho rằng, cuộc chiến chống IS ở Iraq đang hết sức thuận lợi với sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, khi tinh thần chống khủng bố đang lên rất cao sau loạt tấn công khủng bố nhằm vào Paris hồi tháng 11. Các mặt trận chống IS đều đang “hoạt động hết công suất”, hỗ trợ rất lớn cho các chiến dịch tấn công của quân chính phủ. Có lẽ ông Haider al-Abadi kỳ vọng sự hỗ trợ này sẽ còn tiếp tục kéo dài sang năm 2016, tạo đòn bẩy cho quyết tâm giải phóng hoàn toàn đất nước khỏi tay IS.

“Ngư ông đắc lợi”

Hiện nay, hoạt động tích cực nhất trong cuộc chiến chống IS là hai liên minh chống IS - một do Mỹ dẫn đầu và một do Nga dẫn đầu. Việc quyết định không kích IS tại Syria từ cuối tháng 9 đã mang lại cho Nga vị thế hoàn toàn mới ở Trung Đông. Sau đó, việc Nga đứng ra thành lập một liên minh riêng rẽ đã tạo nên sự cạnh tranh ngấm ngầm Nga - Mỹ ở khu vực này.

Mặc dù dư luận thế giới từng đồn đoán về khả năng thành lập một mặt trận thống nhất chống IS và các nhóm khủng bố khác, nhưng đến thời điểm này, do những bất đồng trong giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Nga và Mỹ sẽ tìm được tiếng nói chung. Như vậy, nhiều khả năng năm 2016, hai liên minh chống IS do Nga và Mỹ đứng đầu sẽ vẫn hoạt động riêng rẽ.

Sự xuất hiện đầy ngoạn mục của Nga trong cuộc chiến chống IS không chỉ làm thay đổi cuộc chiến chống khủng bố, mà còn khiến một số nước phải điều chỉnh chiến lược trong vấn đề này. Giờ đây, thành tích trong việc chống IS không đơn giản là thể hiện sự chia sẻ trách nhiệm quốc tế, mà còn là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ tới vị thế quốc gia, quyền lực và tầm ảnh hưởng về địa chính trị ở khu vực Trung Đông.

Nga “nổi như cồn” ở Trung Đông là điều không thể phủ nhận ở thời điểm này, và chắc chắn Mỹ sẽ không ngồi yên. Bởi vậy, sang năm 2016, cuộc chiến chống IS tại Iraq cũng như Syria sẽ tiếp tục được hai liên minh của Mỹ và Nga hậu thuẫn mạnh mẽ nhằm tranh giành vị trí “thủ lĩnh”.

Mới đây nhất, Trung Quốc cũng thông qua luật chống khủng bố đầu tiên. Theo lập luận của Trung Quốc, việc thông qua luật chống khủng bố là nhằm giải quyết vấn nạn khủng bố trong nước và giúp duy trì an ninh thế giới. Nhưng có lẽ nhiều người cũng đặt câu hỏi về tính toán sâu xa hơn của Trung Quốc trong việc cạnh tranh ảnh hưởng với Nga và Mỹ ở Trung Đông.

Một chiến binh của lực lượng Chính phủ Iraq ăn mừng sau khi chiếm được Ramadi. Ảnh: ABC.
Một chiến binh của lực lượng Chính phủ Iraq ăn mừng sau khi chiếm được Ramadi. Ảnh: ABC.

Cuộc đua “chống IS không chỉ là chống IS” không chỉ có Nga và Mỹ mà đã xuất hiện một “tay chơi” mới: Saudi Arabia với liên minh Arab chống IS. Liên minh gồm 34 quốc gia này được thành lập dựa trên nguyên tắc "tự vệ tập thể", hoạt động tương tự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Mục tiêu của liên minh không chỉ là IS mà cả lực lượng Hồi giáo cực đoan Boko Haram, mạng lưới al-Qaeda và các chi nhánh của các nhóm này trên toàn thế giới. Chưa có những chiến lược, bước đi cụ thể nào sau khi thành lập, có lẽ thông điệp mà Arab Saudi và các quốc gia Arab muốn gửi tới cộng đồng quốc tế đó là cuộc phân chia quyền lực không chỉ dành cho các “ông lớn”.

Cho dù các quốc gia, các thế lực có tính toán gì đi chăng nữa, Iraq và Syria sẽ là hai quốc gia được lợi nhất trong cuộc chiến chống IS. Các chuyên gia đã dự báo rằng năm 2016 sắp tới, các tổ chức khủng bố nói chung và IS nói riêng sẽ không có môi trường thuận lợi để hoành hành như năm 2015, và đó cũng là một nhân tố để Iraq tuyên bố sẽ giải phóng hoàn toàn đất nước vào năm 2016.

IS có dễ dàng buông xuôi?

IS đang bị tổn thất nặng nề trước các cuộc tấn công của cộng đồng quốc tế, đó là điều không thể phủ nhận. Nhưng điều đó không có nghĩa tổ chức khủng bố khét tiếng này dễ dàng chấp nhận thất bại, cho dù tiếp tục bị tấn công dồn dập trong năm 2016.

Xét về thực lực, IS đến nay vẫn còn tới 20.000 - 30.000 tay súng ở cả Iraq và Syria, tương đương với quân số trước khi các chiến dịch không kích bắt đầu cách đây hơn một năm. Chưa kể, cho đến thời điểm này, IS đã kịp vươn vòi bạch tuộc đến nhiều quốc gia trên thế giới, kể các các nước phương Tây.

Những báo cáo tổn thất mà tình báo các nước thu thập được sau các cuộc không kích cũng cho thấy rất ít tổn thất về người. Mới đây nhất, hôm 26/12, IS đã tung ra một đoạn băng thông điệp được cho là ghi lại lời của thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi tuyên bố IS “vẫn xoay xở tốt” bất chấp các liên minh đã được hình thành để chống lại tổ chức này. Trong đoạn băng 24 phút, al-Baghdadi nói rằng các cuộc không kích của liên minh quốc tế chỉ càng làm tăng thêm lòng quyết tâm của các chiến binh IS.

Nếu xét tình hình thực tế hiện nay, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi có lý do để tự tin tuyên bố sẽ giải phóng hoàn toàn đất nước khỏi tay IS vào năm 2016. Tuy nhiên, sự cuồng tín, tính kỷ luật và chiến lược bài bản - những yếu tố làm nên một IS mạnh như hiện nay - sẽ khiến IS không dễ bị đánh bại. Bởi vậy, năm 2016 chắc chắn sẽ là một năm đầy cam go với ông Haider al-Abadi để có thể đưa tuyên bố này trở thành hiện thực.

Thúy Ngọc

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Iraq sẽ đánh bại IS trong năm 2016?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO