Istanbul-2: Khi ngoại giao trở lại với thực tế
Những cuộc tiếp xúc trực tiếp đầu tiên giữa Moscow và Kiev sau 3 năm đã thu hút sự chú ý lớn của dư luận quốc tế. Điều này không mới - các sự kiện liên quan đến tiến trình đàm phán về Ukraine, từ cuộc gọi của Tổng thống Mỹ đến chuyến thăm của đặc phái viên Mỹ tại Moscow, đều thường bị đặt kỳ vọng quá mức: Nếu không chấm dứt khủng hoảng thì chí ít cũng phải tạo ra bước ngoặt rõ rệt. Song, thực tế thường trái ngược.

Nhất Lâm • 20/05/2025
Những cuộc tiếp xúc trực tiếp đầu tiên giữa Moscow và Kiev sau 3 năm đã thu hút sự chú ý lớn của dư luận quốc tế. Điều này không mới - các sự kiện liên quan đến tiến trình đàm phán về Ukraine, từ cuộc gọi của Tổng thống Mỹ đến chuyến thăm của đặc phái viên Mỹ tại Moscow, đều thường bị đặt kỳ vọng quá mức: Nếu không chấm dứt khủng hoảng thì chí ít cũng phải tạo ra bước ngoặt rõ rệt. Song, thực tế thường trái ngược.

Dù không mang lại đột phá, Istanbul-2 vẫn được xem là bước tiến quan trọng trong tiến trình ngoại giao của Nga. Điều đáng chú ý là bất chấp sự phản đối từ Kiev và phương Tây, các cuộc đàm phán vẫn diễn ra theo khuôn khổ do Moscow đề xuất, mà theo nhiều chuyên gia, đây là một thắng lợi về mặt chiến thuật. Sự kiện này cũng đánh dấu bước chuyển rõ rệt từ “ngoại giao truyền thông” sang “ngoại giao thực dụng”, phản ánh một thay đổi cần thiết trong bối cảnh bão hòa thông tin và kỳ vọng thiếu thực tế.

3 năm sau thất bại của Istanbul-1, cách tiếp cận vấn đề Ukraine đã phần nào thay đổi. Những luận điểm mang tính biểu tượng, như việc Ukraine từ bỏ đường biên giới 1991 hay gia nhập NATO, đang dần nhường chỗ cho các cân nhắc thực tế hơn, bớt màu sắc ý thức hệ. Dù vậy, giới ngoại giao Ukraine và châu Âu vẫn dựa nhiều vào truyền thông như một công cụ mặc cả chiến lược, nhất là khi thiếu sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Washington.
Mục tiêu của Kiev và châu Âu là hình thành một mô hình đàm phán kéo dài, với đề xuất ngừng bắn 30 ngày có thể gia hạn và cơ chế đảm bảo an ninh phức tạp, mà theo quan điểm của Nga là thiếu thực tế.
Chiến lược “kéo dài vùng xám” có vẻ là lựa chọn dễ hiểu đối với Ukraine; bởi lẽ, khi không thể chiến thắng dứt điểm, bên yếu thế thường có xu hướng làm mờ ranh giới xung đột, gia tăng đòn bẩy truyền thông và chờ cơ hội chính trị. Một phản ứng mạnh từ Moscow, nếu xảy ra, có thể trở thành yếu tố gây sức ép với Washington - điểm trọng yếu trong tính toán của Kiev. Không phải ngẫu nhiên khi các tín hiệu đàm phán hiện nay vừa chịu ảnh hưởng từ định hướng của chính quyền Trump, vừa dựa vào đề xuất ban đầu của Nga tại Istanbul.

Istanbul-2 đồng thời phản ánh một thực trạng đáng quan ngại: Sự trỗi dậy của “ngoại giao hậu hiện đại”, nơi các tuyên bố đối ngoại chuyển thành những dòng trạng thái Twitter và các hội nghị thượng đỉnh được tiếp cận như một sự kiện xã hội hơn là một tiến trình nghiêm túc. Việc Tổng thống Ukraine tuyên bố sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Nga mà không có sự chuẩn bị cụ thể, hay kỳ vọng về khả năng ông Trump xuất hiện “nếu có mặt Tổng thống Nga” đã đẩy không khí đàm phán vào trạng thái thiếu thực tế, hời hợt và mang tính biểu tượng hơn là thực chất.
Trong khi đó, mô hình đàm phán được Moscow đề xuất, vốn bị phớt lờ tại Istanbul-1, lại là một lộ trình mang tính kỹ thuật cao và thực tế: Bắt đầu từ các nhóm chuyên gia xây dựng dự thảo, tiếp đó là thảo luận ở cấp cao, và cuối cùng là quyết định ở cấp lãnh đạo. Đây được đánh giá là hình thức đàm phán truyền thống, ưu tiên nội dung hơn hình thức, và được thể hiện rõ qua thành phần phái đoàn Nga - một nhóm kỹ thuật chứ không mang tính chính trị trình diễn.

Điều đáng chú ý là phía Ukraine, dù thận trọng, đã chấp nhận công thức này. Đó là một dấu hiệu tích cực, cho thấy tiến trình có thể bước vào giai đoạn thực chất hơn. Tuy nhiên, tính mong manh của quá trình vẫn rất rõ ràng: Bất kỳ sự gián đoạn nào, dù từ truyền thông hay từ những khác biệt chiến thuật, cũng có thể dẫn đến cáo buộc lẫn nhau về việc thiếu thiện chí đàm phán. Dù vậy, tín hiệu rõ rệt là không gian chính trị quanh vấn đề Ukraine đang dần thoát khỏi sự chi phối của truyền thông và ảo tưởng chiến lược, để tiến gần hơn với thực tiễn.
Trong bối cảnh này, các tuyên bố công khai hay “rò rỉ báo chí” dường như không còn giữ vai trò quyết định. Quan điểm của Nga vẫn không thay đổi: Điều kiện tiên quyết để chấm dứt xung đột là Ukraine phải rút quân khỏi 4 khu vực đã được Nga sáp nhập. Đây không phải là yêu sách mới, mà là sự lặp lại của lập trường từng được Tổng thống Nga công bố từ giữa năm 2024. Tuy nhiên, với cán cân nghiêng về phía Moscow cả về quân sự lẫn kinh tế, việc Nga duy trì và có thể củng cố lập trường này là điều hoàn toàn dễ hiểu.


Những màn đe dọa và mặc cả cứng rắn đang trở thành dấu hiệu của một nền ngoại giao thực dụng, không còn xoay quanh truyền thông mà dựa trên đánh giá năng lực quân sự, chính trị và kinh tế cụ thể của các bên. Trong bối cảnh đó, việc Ukraine - ít nhất trên danh nghĩa thể hiện sẵn sàng thảo luận theo mô hình kỹ thuật mà Nga đề xuất, có thể xem là một bước nhỏ hướng tới thực tế.
Tuy nhiên, bước đi này chưa đủ để chứng minh ý định chiến lược rõ ràng. Quá trình đàm phán vẫn mong manh, và đang đứng trước ít nhất 2 rủi ro lớn.
Rủi ro đầu tiên là yêu cầu ngừng bắn 30 ngày, điều mà Kiev xem như điều kiện tiên quyết cho bất kỳ tiến triển đàm phán nào. Mặc dù Ukraine đã tạm thời gác lại yêu sách này để duy trì liên lạc với Moscow, lập trường ngừng bắn vẫn là cốt lõi trong quan điểm chính thức của họ. Ukraine nhận được sự hậu thuẫn công khai từ các nước châu Âu, và phần nào từ Tổng thống Donald Trump - người nhiều lần kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, dù lập trường của ông về tiến trình đàm phán liên tục thay đổi và thể hiện sự linh hoạt mang tính chiến thuật.

Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có dấu hiệu rõ ràng cho thấy Kiev, Washington hay Brussels sẵn sàng loại bỏ điều kiện này khỏi chương trình nghị sự. Điều đó đồng nghĩa với việc, bất cứ lúc nào, đàm phán cũng có thể đổ vỡ trong bối cảnh truyền thông lại quay trở lại câu chuyện cũ: Nga không muốn “dừng chiến tranh”.
Trong khi đó, lập trường của Moscow về lệnh ngừng bắn gần như không thay đổi: Có thể chấp nhận tạm dừng giao tranh trong ngắn hạn, nhưng kiên quyết từ chối ngừng bắn dài hạn nếu không có đảm bảo chắc chắn rằng, Ukraine sẽ không tận dụng thời gian đó để tái vũ trang.
Với Nga, bài học từ Istanbul-1 vẫn còn nguyên giá trị: Sau khi được “nghỉ ngơi”, Kiev đã rút khỏi đối thoại và trở lại chiến trường với thế mạnh mới.

Rủi ro thứ hai nằm ở vấn đề bảo đảm an ninh cho Ukraine - điều khó có thể né tránh nếu tiến trình Istanbul-2 vẫn hướng tới mục tiêu phi quân sự hóa và định hình một Ukraine trung lập. Dù có lý do để Kiev yêu cầu đảm bảo an ninh, nhưng đề xuất ban đầu - triển khai lực lượng châu Âu trên lãnh thổ Ukraine là điều Moscow không thể chấp nhận. Một cấu trúc như vậy không chỉ gây lo ngại quân sự, mà còn mở đường cho ảnh hưởng gián tiếp từ phương Tây trong bàn đàm phán.
Câu hỏi đặt ra là liệu hai bên có tìm được một công thức dung hòa không? Nếu không, Istanbul-2 sẽ thất bại như tiền thân của nó. Khi đó, chiến dịch quân sự mùa Hè sẽ là giai đoạn điều chỉnh lại tương quan lực lượng, và đến mùa Thu, các bên có thể quay lại bàn đàm phán trong một bối cảnh mới. Vì như lịch sử từng chứng minh, mọi cuộc chiến đều kết thúc bằng hòa bình.

Mặc dù vậy, vòng tròn lịch sử dường như vẫn lặp lại: Các bên lại gặp nhau ở Istanbul, giống như 3 năm trước. Cộng đồng quốc tế chỉ có thể hy vọng rằng, lần này, sự tích lũy về số lượng, những sáng kiến, tín hiệu và cuộc trao đổi, sẽ đủ để tạo ra sự chuyển biến về chất: Một thỏa thuận hòa bình thực chất, chứ không phải một kịch bản trì hoãn được lặp lại.