Ông Trump tuyên bố Nga và Ukraine sẽ đàm phán ngừng bắn ngay lập tức
Tổng thống Donald Trump hôm 19/5 (theo giờ Mỹ) cho biết, sau cuộc điện đàm với Tổng thống Vladimir Putin, Nga và Ukraine sẽ ngay lập tức khởi động các cuộc đàm phán hướng tới một lệnh ngừng bắn.

Tuy nhiên, Điện Kremlin tỏ ra thận trọng hơn khi cho rằng, việc đạt được thỏa thuận sẽ cần thời gian, trong khi ông Trump phát tín hiệu chưa sẵn sàng tham gia cùng châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm gây áp lực lên Moskva.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội, ông Trump cho biết, đã chuyển tiếp kế hoạch này tới Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng như các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), Pháp, Italy, Đức và Phần Lan trong một cuộc gọi nhóm sau cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Nga.
"Nga và Ukraine sẽ ngay lập tức bắt đầu đàm phán hướng tới một Lệnh ngừng bắn và quan trọng hơn là CHẤM DỨT Chiến tranh", ông Trump tuyên bố, đồng thời nói thêm tại Nhà Trắng rằng, ông nghĩ "đã có một số tiến triển".
Trái ngược với động thái của ông Trump, các nhà lãnh đạo châu Âu đã quyết định gia tăng áp lực lên Nga thông qua các biện pháp trừng phạt sau khi được ông Trump thông báo tóm tắt về cuộc gọi với ông Putin, theo một bài đăng trên mạng xã hội X của Thủ tướng Đức Friedrich Merz vào cuối ngày 19/5.
Khi được hỏi tại sao chưa áp đặt các biện pháp trừng phạt mới để thúc đẩy Moskva tiến tới một thỏa thuận hòa bình như đã đe dọa, ông Trump nói với các phóng viên: "Bởi vì tôi nghĩ có cơ hội để hoàn thành một điều gì đó, và nếu bạn làm vậy (áp đặt trừng phạt), bạn cũng có thể khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn nhiều. Nhưng có thể sẽ đến lúc điều đó xảy ra".
Ông Trump cũng ám chỉ có "một số cái tôi lớn liên quan" và cảnh báo có thể từ bỏ tiến trình nếu không có tiến triển, lặp lại rằng, "Đây không phải cuộc chiến của tôi".
Về phía Nga, sau cuộc điện đàm với ông Trump, Tổng thống Putin nhận định các nỗ lực chấm dứt chiến tranh "nhìn chung đang đi đúng hướng" và Moskva sẵn sàng làm việc với Ukraine về một thỏa thuận hòa bình tiềm năng.
"Chúng tôi đã nhất trí với Tổng thống Mỹ rằng, Nga sẽ đề xuất và sẵn sàng làm việc với phía Ukraine về một bản ghi nhớ liên quan đến một hiệp định hòa bình khả thi trong tương lai", ông Putin phát biểu gần khu nghỉ dưỡng Sochi bên Biển Đen.
Trước đó, các nhà lãnh đạo châu Âu và Ukraine đã yêu cầu Nga đồng ý ngừng bắn ngay lập tức, và ông Trump đã tập trung vào việc thuyết phục ông Putin cam kết một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 30 ngày. Tuy nhiên, ông Putin đã phản đối điều này, nhấn mạnh rằng, các điều kiện cần được đáp ứng trước.
Trợ lý Điện Kremlin Yuri Ushakov cho biết, ông Trump và ông Putin không thảo luận về thời gian biểu cho lệnh ngừng bắn nhưng đã bàn về việc trao đổi 9 người Nga lấy 9 người Mỹ trong một thỏa thuận trao đổi tù nhân. Ông Ushakov cũng cho hay nhà lãnh đạo Mỹ đã gọi triển vọng quan hệ giữa Moskva và Washington là "ấn tượng".
Các hãng thông tấn nhà nước Nga dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng, Moskva và Kiev phải đối mặt với "các cuộc tiếp xúc phức tạp" để xây dựng một văn bản thống nhất về bản ghi nhớ hòa bình và ngừng bắn.
"Không có thời hạn nào và không thể có bất kỳ thời hạn nào. Rõ ràng là mọi người đều muốn thực hiện điều này càng nhanh càng tốt, nhưng, tất nhiên, vấn đề nằm ở các chi tiết", hãng tin RIA dẫn lời ông Peskov.
Cựu Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt bình luận trên X rằng, cuộc gọi với ông Trump "không còn nghi ngờ gì nữa là một chiến thắng cho ông Putin". Theo ông Bildt, nhà lãnh đạo Nga "đã làm chệch hướng lời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức... và thay vào đó có thể tiếp tục các hoạt động quân sự đồng thời gây áp lực trên bàn đàm phán".
Cuộc gặp cấp cao
Sau cuộc điện đàm với ông Trump, Tổng thống Zelensky cho biết, Kiev và các đối tác có thể tìm kiếm một cuộc gặp cấp cao giữa Ukraine, Nga, Mỹ, các nước Liên minh châu Âu và Anh như một phần của nỗ lực chấm dứt chiến tranh.
Ông bày tỏ hy vọng cuộc gặp này có thể sớm diễn ra và được tổ chức bởi Thổ Nhĩ Kỳ, Vatican hoặc Thụy Sĩ. Hiện chưa rõ liệu đây có phải là một phần của các cuộc đàm phán mà ông Trump nói sẽ bắt đầu ngay lập tức hay không.
Ông Trump cho biết, Giáo hoàng Leo đã bày tỏ sự quan tâm đến việc Vatican đăng cai các cuộc đàm phán. Vatican chưa đưa ra bình luận ngay lập tức về thông tin này.
Một nguồn tin nắm rõ nội dung cuộc gọi của ông Trump với các nhà lãnh đạo Ukraine và châu Âu cho biết những người tham gia đã "sốc" khi ông Trump không muốn gây áp lực lên ông Putin bằng các biện pháp trừng phạt.
Trong một bài đăng trên X, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen chỉ nói rằng, cuộc trò chuyện với ông Trump là "tốt đẹp" và "điều quan trọng là Mỹ vẫn tiếp tục tham gia".
Ukraine và các nước ủng hộ đã cáo buộc Nga không đàm phán một cách thiện chí, chỉ làm những điều tối thiểu cần thiết để giữ chân ông Trump khỏi việc áp đặt thêm áp lực lên nền kinh tế Nga.
Nếu ông Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt mới, đây sẽ là một thời điểm mang tính bước ngoặt vì ông dường như có thiện cảm với Nga và đã hủy bỏ các chính sách ủng hộ Ukraine của người tiền nhiệm Joe Biden.
Được thúc đẩy bởi ông Trump, các phái đoàn từ các quốc gia đang xung đột đã gặp nhau vào tuần trước tại Istanbul lần đầu tiên kể từ năm 2022, trong những tháng đầu của cuộc xung đột Nga - Ukraine, nhưng các cuộc đàm phán đó đã không mang lại một thỏa thuận ngừng bắn.
Triển vọng tiến triển đã mờ nhạt sau khi ông Putin từ chối đề xuất của ông Zelensky về việc gặp mặt trực tiếp tại Istanbul, và ông Trump nói rằng sẽ không có chuyển động nào trừ khi ông và ông Putin gặp nhau.
Tổng thống Putin, người có lực lượng đang kiểm soát một phần năm lãnh thổ Ukraine và đang tiến quân, vẫn giữ vững các điều kiện của mình để chấm dứt chiến tranh. Ông cho biết bản ghi nhớ mà Nga và Ukraine sẽ xây dựng về một hiệp định hòa bình trong tương lai sẽ xác định "một số lập trường, ví dụ như các nguyên tắc giải quyết, thời điểm của một thỏa thuận hòa bình khả thi".
"Điều chính yếu đối với chúng tôi là loại bỏ các nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng này", ông Putin nhấn mạnh. "Chúng tôi chỉ cần xác định những cách hiệu quả nhất để tiến tới hòa bình".