Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn Việt thường có thói quen “tổng kết” lại một năm làm việc của mình vào những ngày cuối cùng của năm cũ. Ngoài công việc chính của một kiến trúc sư, vừa làm về công nghệ thông tin, hành trình một năm của anh thường gắn với những chuyến đi đến mọi miền đất nước để ghi lại những hình ảnh về đất nước, quê hương, cảnh sắc, con người.
Năm 2022, những chuyến đi của Trần Tuấn Việt “dày” hơn bởi anh phải thực hiện một dự án sách ảnh thuộc lĩnh vực ngoại giao. Dù chưa chia sẻ nhiều về kết quả, nhưng cũng như nhiều dự án trước đó đã thực hiện, Trần Tuấn Việt nói rằng anh hạnh phúc vì một lần nữa được sử dụng những bức ảnh của mình để kể câu chuyện Việt Nam ra thế giới. Tháng cuối cùng của năm cũ, anh cũng đang tham gia làm giám khảo cho một cuộc thi ảnh dành cho những nhiếp ảnh gia không chuyên. Trên vai trò mới này, tuy không phải là người cầm máy nhưng được chấm ảnh, được xem những khoảnh khắc “lắng đọng, ý nghĩa, truyền tải những câu chuyện thú vị về cuộc sống” luôn đem lại cho anh những xúc cảm khó quên.
Trần Tuấn Việt là một “tay ngang” về nhiếp ảnh, bởi anh vốn tốt nghiệp Trường Đại học Xây dựng. Sau này, khởi nghiệp với lĩnh vực công nghệ thông tin nên anh không xem nhiếp ảnh là nghề chính của mình. Tuy vậy, nói về nhiếp ảnh, Trần Tuấn Việt nói anh có “duyên” với nghề thế nên dù chỉ mới thực sự gắn bó với nhiếp ảnh hơn 10 năm trở lại đây nhưng anh sớm ghi dấu với nhiều thành tích nổi bật.
Lần chạm ngõ đầu tiên với nhiếp ảnh đó là vào năm 2017 khi tác phẩm “Làm hương” của anh xuất hiện trên mục Visions of Earth, trong ấn bản toàn cầu và hơn 40 ngôn ngữ của tạp chí danh tiếng National Geographic (NatGeo). Tháng 12/2017, anh một lần nữa ghi tên tuổi khi là 1 trong 4 tác giả Việt Nam giành Huy chương Vàng tại Cuộc thi nhiếp ảnh nghệ thuật Quốc tế lần thứ 9, với tác phẩm “Thiên Nga”. Trong hai năm qua, anh đã đóng góp hơn 1.000 bức ảnh trong dự án Google Arts & Culture – Kỳ quan Việt Nam. Đây là một phần trong chương trình hỗ trợ của Google với ngành du lịch Việt Nam trong đại dịch Covid-19 nhằm giúp quảng bá vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam đến với du khách quốc tế.
Chia sẻ về những bức ảnh của mình, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn Việt nói rằng, anh tôn trọng sự chân thật trong mỗi tác phẩm. Vì lẽ đó, sau nhiều năm gắn bó với nhiếp ảnh và trải nghiệm với nhiều thể loại khác nhau nhưng cuối cùng “chất riêng” của anh chính là thể loại kể chuyện bằng ảnh (storytelling). Nguồn cảm hứng của anh với thể loại này chính là các mảng đề tài về phong cảnh, đất nước, con người, phong tục tập quán và người dân lao động.
Xem ảnh của Trần Tuấn Việt, người xem cũng thấy được tình cảm và cái nhìn nhân văn, giàu cảm xúc, sự rung động của người chụp. Anh cũng đem vào bức ảnh của mình sự bình yên và những cái nhìn tích cực về cuộc sống dù các đề tài mà ảnh truyền tải rất giản dị, rất đỗi bình thường.
Trần Tuấn Việt sinh năm 1983 và lớn lên ở TP. Vinh. Sau này, học đại học và lập nghiệp ở Hà Nội đến nay đã hơn 20 năm, nhưng anh vẫn giữ nguyên giọng Nghệ và sự mộc mạc, chân phương của người quê Nghệ. Anh cũng nói rằng, do ảnh hưởng “tính cách Nghệ” có phần bảo thủ, cầu toàn và… cục bộ; cho nên trong cuộc sống của anh hiện nay, bạn bè vẫn chủ yếu là người Nghệ.
Còn sự cầu toàn, thể hiện rõ nhất trong nhiếp ảnh. Trần Tuấn Việt kể về lần thứ tư anh trở lại Sơn Đoòng ở Quảng Bình, dù anh đã có khá nhiều bức ảnh nổi tiếng được chụp tại hang động nổi tiếng này. Lý do đơn giản, bởi có rất nhiều khoảnh khắc được một số trợ lý an toàn cho các chuyến đi trước đó đã từng ghi lại được nhưng anh lại chưa may mắn bắt gặp. Việc anh sẵn sàng bỏ thời gian, tâm huyết và cả sự vất vả để “săn” được giây phút đặc biệt này cũng là một triết lý đơn giản khi anh đến với nghề, đó là tôn trọng sự thật, tôn trọng những giá trị thực thay vì những bức ảnh, sắp xếp dàn dựng.
Gắn bó với quê hương, Trần Tuấn Việt đang dự định những chuyến về quê để có những bức ảnh thật đặc biệt về vùng đất “có quá nhiều kỷ niệm, quá nhiều những danh lam thắng cảnh, tình đất, tình người”. Sống xa quê đã lâu nhưng mỗi lần về quê, bằng đường bộ hay tàu hỏa, nhưng anh vẫn giữ cho mình vẹn nguyên những cảm xúc của một người con đi xa trở về. Xa quê, thường trực trong anh nỗi nhớ phố Vinh nôn nao khi là về căn nhà tập thể cũ của gia đình anh ở phường Trường Thi, khi là ngôi trường cấp I, cấp II ở phường Trung Đô mà anh theo học ngày còn nhỏ. Đó còn là mái trường chuyên Toán, nơi “nuôi dưỡng” giấc mơ của anh về một kiến trúc sư tương lai.
Trần Tuấn Việt cũng cho biết rằng, anh mong muốn sớm được chụp một bộ ảnh về dải sông Lam, nối liền hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh. Trên cung đường đó, ngày xưa có một cậu học trò học ở phố Vinh nhưng vẫn hàng ngày đạp xe về quê mẹ ở Nghi Xuân và bắt đầu mơ mộng, thấy rung động trước một ráng chiều, ánh bình minh, những hàng lau sậy, người lái đò trên sông…
Một ngày rất gần, Trần Tuấn Việt sẽ tiếp tục kể câu chuyện về Việt Nam, về xứ Nghệ bằng cách riêng của mình…