Kết nối mạch nguồn truyền thống văn hóa

18/05/2016 09:01

(Baonghean) - Đồng chí Hồ Mậu Thanh - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở VH-TT&DL, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Làng Sen năm 2016 trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An.

Khai mạc Liên hoan Tiếng hát Làng Sen năm 2015. Ảnh: Trần Hải
Khai mạc Liên hoan Tiếng hát Làng Sen năm 2015. Ảnh: Trần Hải

P.V: Thưa đồng chí, với vai trò là Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Làng Sen năm 2016, đồng chí có thể cho biết những nét mới, nổi bật của lễ hội năm nay?

Đồng chí Hồ Mậu Thanh: Cách đây 34 năm, Liên hoan toàn quốc “Tiếng hát Làng Sen” lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 5/1982. Sau đó, liên hoan được nâng cấp thành Lễ hội Làng Sen tổ chức hàng năm theo quy mô cấp tỉnh và 5 năm một lần ở cấp quốc gia. Trải qua hàng chục lần tổ chức, sức lan tỏa của Lễ hội Làng Sen ngày càng mạnh mẽ hơn, trở thành điểm nhấn không thể thiếu trong mỗi dịp Kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5 hàng năm.

Năm nay, Lễ hội Làng Sen được tổ chức ở quy mô cấp tỉnh, với chủ đề chính là “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôn vinh văn hóa làng Sen, ca ngợi Đảng, quê hương Nghệ An hội nhập và phát triển”. Xã Kim Liên là địa điểm tổ chức của lễ hội. Ngoài ra, tại TP. Vinh và các huyện, thành, thị khác cũng sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa, thể thao, nghệ thuật phục vụ lễ hội.

Lễ hội Làng Sen năm 2016 tiếp tục nhận được sự quan tâm chăm lo của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự cố gắng của các huyện, thành thị trong toàn tỉnh. Các huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT theo hình thức các cụm thi. Phong trào thi văn nghệ được đông đảo nhân dân hưởng ứng tham gia với chất lượng nghệ thuật cao, có đầu tư về chuyên môn với nội dung sâu sắc, ca ngợi và tôn vinh cuộc đời, tư tưởng và đạo đức sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lễ hội năm nay, khai mạc vào tối 17/5 tại xã Kim Liên, chương trình nghệ thuật được ban tổ chức đầu tư công phu về kịch bản và đạo diễn với sự chủ trì của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh và các huyện miền núi với các tiết mục đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số nhằm tạo nên nét nổi bật, đa sắc màu về văn hóa cho lễ hội.

Cũng trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng Lễ hội Làng Sen và Kỷ niệm 126 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, các hoạt động văn hóa khác cũng lần lượt được tổ chức như: Khai mạc “Trại sáng tác ca khúc về đề tài Bác Hồ và Lễ hội Làng Sen năm 2016”; Liên hoan tiếng hát Làng Sen; tuần phim về Bác Hồ, các hoạt động thể thao… nhằm làm đa dạng thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân; đồng thời làm phong phú nội dung chương trình của lễ hội.

P.V: Theo đồng chí, Lễ hội Làng Sen có vai trò, ý nghĩa như thế nào trong đời sống văn hóa của người dân xứ Nghệ hiện nay?

Đồng chí Hồ Mậu Thanh: Lễ hội Làng Sen thể hiện lòng biết ơn, sự ngưỡng mộ của nhân dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Lễ hội là dịp để tiếp tục tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp tục thực hiện việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Người, quảng bá hình ảnh Nghệ An với bạn bè cả nước và quốc tế. Lễ hội đáp ứng nhu cầu sáng tạo và thụ hưởng các giá trị văn hóa của nhân dân, qua đó đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở.

Lễ hội Làng Sen khởi phát từ một liên hoan văn nghệ địa phương nhưng lại nhanh chóng lan tỏa, lớn mạnh trở thành ngày hội văn hóa của toàn dân. Điều đó khẳng định và phản ánh sâu sắc khát vọng của nhân dân xứ Nghệ cũng như nhân dân cả nước mong muốn có một lễ hội về Bác Hồ. Giá trị văn hóa, tinh thần của Lễ hội Làng Sen ngày càng gắn bó, hòa vào dòng chảy đời sống xã hội với vai trò vừa là dấu ấn, vừa là kết nối mạch nguồn truyền thống văn hóa - văn hiến của quê hương Nghệ An với cả nước.

P.V: Vậy chúng ta cần phải làm gì để Lễ hội Làng Sen ngày càng lan tỏa, thông qua lễ hội quảng bá được hình ảnh Nghệ An với cả nước và quốc tế?

Đồng chí Hồ Mậu Thanh: Đây là một vấn đề rất được nhiều người quan tâm, suy nghĩ của cá nhân tôi là: Tổ chức Lễ hội Làng Sen nếu chỉ bằng các chương trình nghệ thuật tham gia liên hoan “Hát từ Làng Sen” cộng với một số hoạt động khác như rước ảnh Bác Hồ, triển lãm lưu động, chiếu phim, thi người đẹp Làng Sen, các hoạt động thể thao… thì chưa đủ để thu hút được đông đảo nhân dân tham gia. Qua thực tế các lễ hội trong cả nước, chúng ta thấy, sức hút mạnh mẽ nhất để nhân dân đến với lễ hội chính là tính thiêng” của lễ hội và niềm tin tâm linh.

Trình diễn dân ca ví, giặm tại Khu Di tích Kim Liên. Ảnh: Thành Cường
Trình diễn dân ca ví, giặm tại Khu Di tích Kim Liên. Ảnh: Thành Cường

Nhân dân đến với Đền Hùng, Chùa Hương, Đền Trần hay các địa chỉ tâm linh khác trước hết là để thắp hương, dâng lễ vật cầu mong được các đấng thần linh phù hộ. Chính dòng người bất tận hành hương về các địa chỉ tâm linh đã tạo nên lễ hội. Ở đâu có niềm tin tâm linh của nhân dân thì ở đó có điều kiện để lễ hội phát triển. Đó là một thực tế có thể kiểm chứng được qua hàng nghìn lễ hội được tổ chức hàng năm trên khắp đất nước Việt Nam. Tôi cho rằng, Lễ hội Làng Sen không thể nằm ngoài quy luật này. Và chính Bác Hồ, và Làng Sen đã đạt đến tính thiêng này.

Để thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia lễ hội, về với Làng Sen, quảng bá được hình ảnh Nghệ An cho du lịch thì phải tổ chức Lễ hội Làng Sen theo nghi thức lễ hội truyền thống. Lễ hội phải có nhân vật thiêng và không gian thiêng. Đó chính là hai yếu tố tâm linh tạo nên lễ hội truyền thống. Trong Lễ hội Làng Sen, nhân vật thiêng chính là Bác Hồ, không gian thiêng chính là Làng Sen quê Bác. Do đó, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền để Lễ hội Làng Sen phải trở thành một cuộc hành hương của nhân dân cả nước về cội nguồn, nơi sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đức Chuyên (Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Kết nối mạch nguồn truyền thống văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO