Khả năng nào xảy ra với 4 người Việt bị Facebook kiện?
Phán quyết dân sự hay hình sự của Mỹ đối với 4 người Việt bị Facebook kiện vì "Làm thiệt hại 36 triệu USD" đều phải thông qua cơ quan tố tụng Việt Nam mới có thể thi hành.
Trong đơn kiện gửi tòa án bang California cuối tháng 6, Facebook (FB) cho rằng, nhóm 4 người đến từ Việt Nam đã tạo ra phần mềm "Ads Manager for Facebook", đưa vào kho ứng dụng trên di động, sau đó giới thiệu đây là giải pháp thay thế cho ứng dụng quản lý quảng cáo của FB và yêu cầu người dùng điền thông tin đăng nhập FB.
Từ đó, những người này kiểm soát tài khoản FB của nạn nhân, thêm các tài khoản khác vào trình quản lý quảng cáo của họ.
Nhóm người Việt được cho là sử dụng tài khoản quảng cáo của nạn nhân để chạy sản phẩm của mình trong khi khách hàng là người trả tiền cho các quảng cáo. Việc này khiến FB phải hoàn lại 36 triệu USD cho các nạn nhân, nên kiện ra tòa yêu cầu 4 người này phải bồi thường số tiền thiệt hại.
Theo luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn luật sư TP. HCM), ngoài việc khởi kiện đòi bồi thường tiền, FB cũng chỉ ra việc làm của nhóm tin tặc người Việt đã vi phạm nhiều điều trong Bộ luật Hình sự của California, như truy cập trái phép vào dữ liệu cũng như hệ thống máy tính của FB; sử dụng trái phép dữ liệu của FB để thực hiện các hành vi giả mạo, lừa đảo, chiếm đoạt tiền, tài sản, dữ liệu... Do đó, vụ việc có thể được giải quyết theo thủ tục dân sự hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật của bang và liên bang Mỹ.
Tài khoản Facebook sau khi bị kiểm soát được dùng để chạy quảng cáo livestream bán hàng. |
Nếu hành vi của những người này vi phạm pháp luật dân sự của Mỹ thì đây là vụ việc FB thực hiện thủ tục khởi kiện tại tòa án nước họ đối với bị đơn là công dân Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam và Mỹ hiện chưa ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự, thương mại nên pháp luật áp dụng giải quyết được thực hiện theo thủ tục tố tụng dân sự của bang Califonia, pháp luật Liên bang Mỹ.
Về nguyên tắc, bản án, quyết định dân sự của tòa án Mỹ chỉ có hiệu lực thi hành trên phạm vi lãnh thổ nước này. Do đó, sau khi bản án của tòa có hiệu lực thì cơ quan thi hành án của Mỹ không đương nhiên có quyền được trực tiếp yêu cầu 4 công dân Việt Nam thực hiện nghĩa vụ theo phán quyết của tòa án.
Bởi theo quy định tại Điều 27, Điều 423 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, bản án hay quyết định của cơ quan tài phán nước ngoài muốn được thực thi tại Việt Nam phải được tòa án của Việt Nam công nhận và cho thi hành theo quy định tại Điều ước quốc tế mà Mỹ và Việt Nam là thành viên, hoặc được xem xét trên cơ sở nguyên tắc "có đi, có lại" nếu chưa cùng là thành viên của Điều ước quốc tế.
Để bản án, quyết định dân sự của tòa án Mỹ được thi hành tại Việt Nam phải thực hiện thủ tục yêu cầu công nhận gửi đến Bộ Tư pháp hoặc tòa án có thẩm quyền tại Việt Nam. Bộ Tư pháp Việt Nam sẽ chuyển đơn yêu cầu đến tòa án để xem xét thụ lý, sau đó mở phiên họp xét đơn yêu cầu, quyết định việc có hay không công nhận cho thi hành bản án, hoặc quyết định của tòa án Mỹ.
"Nếu tòa án có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận và cho thi hành thì phán quyết của tòa án Mỹ có hiệu lực như bản án, quyết định dân sự của tòa án Việt Nam, được cơ quan thi hành án có thẩm quyền tổ chức thi hành theo pháp luật Việt Nam", Luật sư Mạch cho biết.
Trong trường hợp, hành vi của nhóm tin tặc người Việt vi phạm pháp luật hình sự tại Mỹ, cảnh sát có thể tiến hành điều tra sơ bộ từ tố giác của FB. Các thủ tục tố tụng gồm điều tra, truy tố và xét xử sẽ tiến hành theo trình tự quy định pháp luật nước này.
"Nhưng 4 người bị cáo buộc đang ở Việt Nam. Họ có thể bị dẫn độ sang Mỹ để điều tra, xét xử và thi hành án theo cáo trạng đó hay không thì không thể xác định, bởi Việt Nam và Mỹ chưa ký kết bất kỳ Hiệp định tương trợ tư pháp song phương nào", Luật sư Mạch nêu quan điểm.
Theo Khoản 2, Điều 492 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, việc hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự - cụ thể là dẫn độ tội phạm (nếu có) trong trường hợp này, được thực hiện theo nguyên tắc "có đi, có lại" nhưng không trái pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế.
Nếu yêu cầu dẫn độ thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 35 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể từ chối dẫn độ. Do đó, việc có dẫn độ hay không còn tùy thuộc vào sự xem xét, đánh giá hồ sơ của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu cơ quan có thẩm quyền của Mỹ yêu cầu, Việt Nam có trách nhiệm xem xét để truy cứu trách nhiệm hình sự những người này theo pháp luật Việt Nam hoặc cho thi hành bản án, quyết định hình sự của tòa án nước này đối với công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ.