Khắc phục bất cập trong đặt tên đường ở thành phố Vinh
(Baonghean) - Để đáp ứng yêu cầu giao thông của một thành phố hiện đại, cho đến nay thành phố Vinh đã trải qua nhiều đợt đổi tên đường. Tuy nhiên, việc đặt tên đường ở thành phố Vinh vẫn còn tồn tại những bất cập...
Những bất cập
Đến nay, thành phố Vinh đã có 287 đường thuộc 25 phường, xã được đặt tên. Theo quy hoạch đô thị nhiều đường đã và đang được xây dựng mới. Trong đó nhiều đường đã xây dựng hoàn chỉnh và sắp xếp dân cư ổn định nhưng do chưa có tên gây không ít khó khăn cho công tác quản lý hành chính, quản lý đô thị và giao dịch của nhân dân
Biển tên đường Cây Xanh đặt ngay cạnh biển rửa xe bơm vá. |
Trong những lần HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri, người dân thành phố Vinh đã nhiều lần phản ánh về bất cập trong việc đặt tên đường ở thành phố. Chẳng hạn như theo quy định của Nghị định 91 (không đặt tên đường, phố hoặc công trình công cộng bằng các tên gọi khác nhau của một danh nhân cùng một địa bàn đô thị).
Thế nhưng, trên địa bàn thành phố vẫn có những con đường mang tên cùng một danh nhân. Ví dụ đường Ngư Hải và Đặng Thái Thân (trên thực tế Ngư Hải là tên hiệu của nhà chí sỹ yêu nước Đặng Thái Thân, quê ở huyện Nghi Lộc). Lại có những con đường quy mô nhỏ hẹp, không xứng với tầm vóc danh nhân như Trần Quốc Hoàn, Ngô Quyền, Lý Nhật Quang, Huỳnh Thúc Kháng; thậm chí có đường chỉ dài 100m - 150m, rộng 5 - 6m vẫn mang tên những danh nhân, nhân vật lịch sử như Cao Lỗ, Hồ Bá Ôn, Trần Hưng Đạo...
Đường Ngư Hải... |
...và đường Đặng Thái Thân cùng tên một danh nhân |
Bất cập khác, cùng một con đường nhưng được cắt làm nhiều đoạn để đặt nhiều tên tạo nên cảm giác manh mún, nhiều tuyến không liền mạch nhưng vẫn được đặt cùng một tên đường gây không ít khó khăn, phiền phức cho người dân. Trên trục đường Nguyễn Văn Cừ có một đường nhánh mang tên "Cây xanh". Tìm hiểu mới biết cuối đường là vườn ươm cây xanh của Công ty Công viên thành phố nên lấy đó đặt tên. Việc đặt tên này không mang nhiều ý nghĩa...
Theo ông Bùi Quang Phương - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin - Thể thao (thành phố Vinh): Những bất cập trên là có thực xuất phát từ nhiều lý do. Thời kỳ trước đây với chủ trương xóa bỏ tình trạng “nhà không số, phố không tên” cứ đường đã quy hoạch là đặt tên mặc dù thời điểm đó chỉ là ngõ ngách.
Sau này không giải phóng được mặt bằng, không mở rộng đường đúng như quy hoạch nhưng tên đường vẫn tồn tại. Mặt khác, Nghị định 91/2005/NĐ-CP của Chính phủ cũng đề cập đến việc hạn chế đổi tên đường nhất là đối với những đường, phố đã có tên gọi quen thuộc, gắn bó với lịch sử - văn hóa của dân tộc, địa phương và đã ăn sâu trong tình cảm, tiềm thức của nhân dân nhiều thế hệ.
Bên cạnh đó, việc đổi hay điều chỉnh tên đường còn liên quan đến vấn đề quản lý hành chính, trật tự đô thị, quy hoạch của thành phố và gắn liền với địa chỉ giao dịch của người dân nên không thể triển khai một cách đồng loạt, ồ ạt vì sẽ gây xáo động lớn...
Về nguyên tắc lựa chọn, sắp xếp đặt tên đường phố: - Căn cứ vào quy mô, vị trí của đường, phố để đặt tên cho xứng tầm với tầm vóc của danh nhân, nhân vật, sự kiện, ý nghĩa của danh từ, địa danh. - Không đặt tên đường, phố bằng các tên gọi khác nhau của cùng một danh nhân trên địa bàn thành phố. - Tên sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng hoặc danh nhân lớn nhưng quy mô đường chưa đủ tầm thì để dành đợt sau. - Sắp xếp theo nhóm, loại hình, theo niên đại: những nhân vật có liên quan với nhau, có chung lĩnh vực hoạt động hoặc cùng thời đại thì tập trung ở một khu vực - Ưu tiên đặt tên danh nhân cho đường trên địa bàn nơi sinh ra danh nhân đó - Hạn chế việc thay đổi tên đường, trừ trường hợp thật cần thiết để tránh gây phiền phức, tốn kém về kinh phí của Nhà nước và của nhân dân. |
Cũng theo ông Phương, từ những bất cập trong thực tế qua 4 đợt đặt, đổi tên đường, chính quyền thành phố, ngành chức năng và Hội đồng tư vấn đã có sự rút kinh nghiệm, điều chỉnh cho phù hợp hơn. Ví dụ trước đây có đường Lý Thường Kiệt (phường Lê Lợi) và đường Lý Thường Kiệt (phường Hưng Phúc), hai đường này cách nhau hơn 1km, sau một thời gian dài thấy bất cập, đến nay đã đổi tên đường Lý Thường Kiệt (phường Hưng Phúc) thành đường Thành Thái.
Những đường được đặt tên phải đảm bảo tiêu chí là đường đã được xây dựng theo quy hoạch đô thị của thành phố Vinh, được sử dụng ổn định. Quy mô đường rộng từ 6m, dài từ 200m trở lên, đường liên thông, có điểm đầu và điểm cuối.
Để tên đường xứng với ý nghĩa tôn vinh
Để tạo thuận lợi cho hoạt động chính trị văn hóa, xã hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, đảm bảo văn minh, trật tự đô thị, thể hiện sự trân trọng của thế hệ hôm nay đối với lịch sử văn hóa của dân tộc, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Sở VH-TT&DL phối hợp với UBND thành phố Vinh tham mưu việc đặt, đổi tên đường trên địa bàn thành phố đợt V theo quy định tại Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về việc ban hành quy chế đặt, đổi tên đường, phố và công trình công cộng.
Theo đó, ngoài việc đặt tên mới, đối với những tên đường bất hợp lý do các lần đặt tên trước đây để lại như: đường trùng tên, bị chia cắt, quy mô nhỏ không xứng với tên danh nhân sẽ được điều chỉnh cho phù hợp. Ví dụ theo quy hoạch, đường Nguyễn Thiếp bắt đầu từ đường Trần Phú đến đường ven Núi Quyết nhưng hiện trạng đường Nguyễn Thiếp chỉ kéo dài từ đường Trần Phú đến đường Phượng Hoàng, sau đó lại tiếp nối từ đường Lê Doãn Nhã đến đường Bùi Thị Xuân, có 1 đoạn không giải phóng được mặt bằng nên gây hiểu nhầm về 2 đường Nguyễn Thiếp. Do vậy, sẽ điều chỉnh thành ngõ 49 đường Bùi Thị Xuân.
Ngã ba đường Trần Phú- Trường Thi- Lê Duẩn (Ảnh minh họa Sỹ Minh) |
Hay đường Hoàng Nghĩa Lương (điểm đầu giáp đường Trần Phú, điểm cuối giáp đường Ngư Hải thuộc phường Lê Mao) có quy mô quá nhỏ (dài 150m, rộng 4m), không đủ tiêu chí đặt tên đường và quy mô đường cũng không tương xứng với tầm cống hiến của danh nhân (Hoàng Nghĩa Lương là danh tướng đời Lê có nhiều công trạng, đền thờ của ông đã được xếp hạng di tích quốc gia) vì vậy sẽ chuyển tên danh nhân để đặt cho một tuyến khác, còn đường Hoàng Nghĩa Lương hiện tại sẽ chuyển thành ngõ 79 đường Trần Phú.
Theo bà Phan Thị Anh - Phó phòng Quản lý Di Sản (Sở VH - TT&DL): Việc đặt, đổi tên đường tuân theo quy trình rất chặt chẽ, trong đó có khảo sát thực trạng và nhu cầu của các phường, xã, lập hồ sơ chi tiết, tổ chức lấy ý kiến của các ban, ngành liên quan các tổ chức khoa học chuyên ngành. Hồ sơ được Hội đồng tư vấn xem xét và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân tham gia ý kiến.
Đường Quang Trung (Ảnh minh họa: Sỹ Minh) |
Hồ sơ phải được UBND tỉnh chấp thuận, Hội đồng nhân dân tỉnh thẩm tra trước khi thông qua. Mới đây, tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVII đã quyết nghị thông qua Nghị Quyết về đặt đổi tên đường thành đợt 5 cho 32 tuyến và 3 cầu vượt trên địa bàn thành phố Vinh.
Hiện nay, Vinh đã được công nhận là đô thị loại 1 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch để trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa của vùng Bắc Trung bộ. Vì vậy, việc đặt, đổi, điều chỉnh tên đường phù hợp quy hoạch, xứng tầm với danh nhân - sự kiện lịch sử là cần thiết, không chỉ góp phần giáo dục truyền thống, lịch sử - văn hóa dân tộc mà còn đáp ứng quá trình mở rộng và phát triển thành phố Vinh văn minh, hiện đại.
Danh mục đặt, đổi tên đường trên địa bàn thành phố Vinh đợt V gồm 32 đường và 3 cầu vượt. Trong đó có 25 đường được đặt tên mới gồm 20 đường mang tên danh nhân, 4 đường mang tên địa danh, 1 đường mang tên danh từ; 7 đường điều chỉnh gồm 3 đường điều chỉnh kéo dài không đặt tên mới); 2 đường điều chỉnh đặt tên mới; 2 đường điều chỉnh thành ngõ; 3 cầu vượt được đặt tên mới mang tên địa danh gồm cầu vượt Cửa Nam, Nghi Kim, Quán Bánh. |
Gia HuyTIN LIÊN QUAN