Trong 6 tháng đầu năm 2023, trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, cùng với cả nước, việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Nghệ An gặp nhiều khó khăn: Hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, đời sống của người dân bị ảnh hưởng. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai kịp thời, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng.
Lãnh đạo UBND tỉnh và các Tổ công tác đã kiểm tra thực tế, làm việc với các địa phương, doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh (tính đến giữa tháng 5/2023) ước đạt 5,79%, cao hơn bình quân cả nước, đứng thứ 32/63 tỉnh, thành. Thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 8.489 tỷ đồng, đạt 53,5% dự toán HĐND tỉnh giao. Tính đến ngày 22/6, có 65 dự án cấp mới và điều chỉnh 81 lượt dự án; tổng số vốn cấp mới và tăng thêm hơn 22.186 tỷ đồng, trong đó tổng số vốn cấp mới là 19.714 tỷ đồng, riêng vốn FDI đạt 725,4 triệu USD, xếp thứ 8/63 tỉnh, thành trong cả nước.
Bên cạnh kết quả phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh đã cơ bản hoàn thành được một số nhiệm vụ quan trọng: Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW; qua đó Bộ Chính trị đã thống nhất ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; hoàn thành việc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Nhờ các giải pháp quyết liệt mà các chỉ số Par Index, SIPAS, PCI của tỉnh Nghệ An năm 2022 đều tăng bậc. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực văn hoá – xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực, số lượng học sinh giỏi quốc gia năm học 2022-2023 đứng thứ 2 toàn quốc. Tỉnh đã giải quyết việc làm cho 26.950 người, vận động được hơn 610 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo, hộ khó khăn.
Có thể khẳng định, trong bối cảnh khó khăn chung nhưng tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng, đạt được kết quả quan trọng, khá tích cực. Đóng góp vào bức tranh chung đó có vai trò rất quan trọng của các địa phương. Là động lực phát triển chính của tỉnh, trong 6 tháng đầu năm TP. Vinh đã tập trung phát triển kích hoạt kinh tế đêm và tháo gỡ các vướng mắc của doanh nghiệp. Nhờ đó, đã có 264 doanh nghiệp, 1632 hộ kinh doanh mới được thành lập, thu ngân sách được hơn 1.406 tỷ đồng. Công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án trọng điểm đã cơ bản hoàn thành để đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Tại huyện Thanh Chương, Chủ tịch UBND huyện Trình Văn Nhã cho biết, 6 tháng đầu năm, lĩnh vực văn hoá – xã hội của huyện có nhiều khởi sắc với việc 24 trường được công nhận mới và công nhận lại đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục mũi nhọn và đại trà tiếp tục được giữ vững, đăng ký 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2023…
Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế – xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đánh giá, tốc độ tăng trưởng, thu ngân sách chưa đạt được như kịch bản. Tỷ lệ giải ngân đầu tư công mặc dù cao hơn bình quân chung cả nước nhưng vẫn thấp hơn so với kỳ vọng và cùng kỳ năm 2022. Công tác giải phóng mặt bằng ở một số địa phương còn chậm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khiến chỉ số sản xuất công nghiệp đạt thấp và có xu hướng tăng chậm lại. Công tác cải cách hành chính mặc dù đã được chỉ đạo triển khai quyết liệt nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra…
Theo Nghị quyết số 60/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, mục tiêu tốc độ tăng trưởng của tỉnh từ 9-10%; thu ngân sách đạt 15.857 tỷ đồng. Còn theo kịch bản tăng trưởng, UBND tỉnh dự kiến tốc độ tăng trưởng của 9 tháng từ 9,7-10,7% và cả năm 2023 từ 9-10%; Thu ngân sách đạt 20.058 tỷ đồng. “Muốn đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, 6 tháng cuối năm 2023 tỉnh phải đạt tốc độ tăng trưởng tối thiểu là 10%. Đây là mục tiêu rất cao, trong khi bối cảnh chung dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, UBND tỉnh sẽ cố gắng, quyết tâm hoàn thành mục tiêu ở mức cao nhất và không đề nghị điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu mà HĐND tỉnh đã giao”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh.
Với quan điểm trên, UBND tỉnh đã yêu cầu các cấp, các ngành cần chủ động, quyết tâm nỗ lực hơn nữa để phát huy kết quả đạt được, khắc phục khó khăn và tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra từ đầu năm, nhằm thúc đẩy các ngành tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Trong đó, các ngành, địa phương tích cực, chủ động rà soát, nắm sát tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa bàn. Từ đây, kịp thời, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, giải quyết những vấn đề của người dân. Các ngành phối hợp hỗ trợ, khuyến khích các nhà đầu tư đã hoàn thiện thủ tục sớm đưa dự án đi vào hoạt động sản xuất, bổ sung năng lực tăng trưởng cho tỉnh. Giám đốc Sở Công Thương Phạm Văn Hóa cho biết, ngành Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với ngành Điện chủ động điều tiết đảm bảo ổn định nguồn điện, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, đời sống của doanh nghiệp, người dân; hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối cung cầu thị trường để tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, UBND tỉnh sẽ phối hợp, triển khai xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sau khi được ban hành; Hoàn thành công tác phê duyệt, xây dựng kế hoạch thực hiện và chuẩn bị tổ chức công bố Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tăng cường công tác thu ngân sách, quản lý chi ngân sách bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả. Tỉnh cũng sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm; tập trung giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia với quan điểm kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án không có hiệu quả, chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có hiệu quả, có nhu cầu bổ sung vốn để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng…