Khắc phục khó khăn trong xây dựng, quản lý và phát huy thiết chế văn hóa - thể thao
Dù đã được quan tâm đầu tư xây dựng và ngày càng đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân, nhưng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế, khó khăn.
Chiều 7/10, Đoàn công tác của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh do đồng chí Chu Đức Thái - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh làm trưởng đoàn có cuộc giám sát về công tác xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa - thể thao tại Sở Văn hóa và Thể thao.
Làm việc với đoàn có đồng chí Trần Thị Mỹ Hạnh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, cùng đại diện một số phòng, đơn vị liên quan trực thuộc sở.
Còn nhiều khó khăn
Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao về thực trạng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, ở cấp huyện, có 20/21 huyện, thành, thị có trung tâm Văn hóa - Thể thao; có 18/21 sân vận động huyện (có 3 huyện, thành phố chưa có sân vận động cấp huyện gồm Quỳ Châu, Kỳ Sơn, thành phố Vinh); 8/21 huyện, thành, thị có nhà thi đấu do huyện quản lý và có 77 nhà thi đấu một môn, nhiều môn do các ngành, đơn vị trên địa bàn huyện quản lý.
Ở cấp xã, đến hết năm 2022, số xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hóa - thể thao (bao gồm nhà văn hóa và khu thể thao) là 435/460, đạt 94,6%. Trong đó, số xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa là 445/460 (xã, phường, thị trấn), đạt 96,7%; số xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch là 403/445, đạt 90,6%. Số xã, phường, thị trấn có khu thể thao là 437/460, đạt 95%; số xã, phường, thị trấn có có khu thể thao đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch là 393/437, đạt 89,9%.
Đối với thôn (bản, khối, xóm), số có thiết chế văn hóa - thể thao (bao gồm nhà văn hóa và khu thể thao) là 3.442/3.797 xóm, đạt 90,7%. Trong đó, số thôn có nhà văn hóa là 3.767/3.797, đạt 92,2%; số thôn có nhà văn hóa đạt tiêu chuẩn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch là 3.098/3.767 xóm, đạt 82,2%. Số thôn có khu thể thao là 3.513/3.797, đạt 92,5%; số thôn có khu thể thao đạt chuẩn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch là 3.005/3.513 xóm, đạt 85,5%.
Về việc thực hiện Nghị quyết 30/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2025, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 86/QĐ-UBND ngày 12/1/2022 và Quyết định 899/QĐ-UBND ngày 7/4/2022 của UBND tỉnh về việc phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2025, với tổng 52 dự án (56 công trình, trong đó nhà văn hóa xã là: 8 nhà, sân vận động: 10 sân, nhà văn hóa thôn: 38 nhà). Tính đến năm 2024 đã có 20 công trình được phê duyệt, tổng nguồn vốn đã bố trí là 12 tỷ 480 triệu đồng.
Thời gian qua, dù các hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân, nhưng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh còn gặp một số hạn chế, khó khăn. Việc quy hoạch đất sử dụng cho xây dựng nhà văn hóa, nhất là sân thể thao của thôn ở miền núi, vùng biển, sân vận động các xã, phường (thuộc thành phố Vinh) đảm bảo theo quy định còn khó khăn do không còn quỹ đất hoặc quỹ đất không tập trung.
Bên cạnh đó, sau sáp nhập thôn, việc rà soát, trình cấp có thẩm quyền phương án xử lý tài sản công trong đó có cơ sở vật chất văn hóa của một số địa phương thực hiện còn chậm. Một số thiết chế văn hóa, thể thao được quy hoạch, xây dựng từ nhiều năm trước nên quy mô nhỏ, nhà văn hóa xuống cấp nên chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, tổ chức các hoạt động cộng đồng của người dân. Toàn tỉnh đến nay có 33 thôn chưa có nhà văn hóa (trong đó có 15 thôn vùng giáo). Tiến độ thực hiện chỉ tiêu xã có thiết chế văn hóa - thể thao đạt chuẩn quy định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ở các huyện miền núi còn chậm.
Một số địa phương đầu tư nhà văn hóa, sân vận động nhưng chưa năng động đổi mới phương thức trong việc tổ chức, hướng dẫn hoạt động phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân. Việc huy động các nguồn lực đối ứng để được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết số 30/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 về chính sách hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hoá - thể thao ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2025 và Nghị quyết 09/2023/NQ-HĐND ngày 7/7/2023 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ đầu tư bể bơi và tổ chức dạy bơi cho trẻ em trên địa bàn tỉnh Nghệ An của HĐND tỉnh rất khó khăn…
Tăng cường phối hợp để đầu tư thiết chế văn hóa - thể thao đồng bộ
Tại cuộc họp, Sở Văn hóa - Thể thao đề nghị HĐND tỉnh tiếp tục quan tâm ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2026-2030, ưu tiên nâng tổng mức đầu tư cho mỗi thiết chế văn hóa - thể thao cấp xã, thôn đáp ứng quy mô công trình phục vụ nhân dân sinh hoạt cộng đồng; xem xét trong việc giao chỉ tiêu xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao để có cơ sở xây dựng chỉ tiêu thiết chế văn hóa, thể thao đạt chuẩn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Các thành viên tham gia cuộc họp cũng trao đổi về các vấn đề liên quan như việc phân bổ ngân sách cho hoạt động văn hóa - thể thao ở cơ sở; việc thực hiện tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới; cơ chế về quản lý, phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa thể thao ở cơ sở, đặc biệt là phát huy vai trò của thiết chế văn hóa - cơ sở trong việc tạo sân chơi cho thanh, thiếu nhi trong dịp hè; việc sử dụng chưa đúng mục đích của thiết chế văn hóa cộng đồng ở một số địa phương; giải pháp huy động nguồn lực thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 30 và Nghị quyết 09 của HĐND tỉnh; chính sách hỗ trợ cộng tác viên văn hóa, thể thao và gia đình ở thôn, bản, khối, xóm trên địa bàn tỉnh…
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, đồng chí Chu Đức Thái - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh đánh giá cao vai trò của Sở Văn hóa và Thể thao trong việc tham mưu tác tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo, ban hành các văn bản và triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách liên quan đến công tác xây dựng, quản lý và phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa - thể thao.
Chia sẻ với những khó khăn, hạn chế, vướng mắc nêu ra tại cuộc làm việc, đồng chí Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao thời gian tới rà soát lại việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh như Nghị quyết 09, Nghị quyết 30... để từ đó có những đề xuất điều chỉnh việc thực hiện phù hợp với thực tiễn.
Cùng với đó, đánh giá rõ những khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý các thiết chế văn hóa - thể thao ở các xã, thôn sau sáp nhập để tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành các chính sách tháo gỡ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa - thể thao; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các sở liên quan, các địa phương để đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao đồng bộ, cũng như phát huy hiệu quả các thiết chế.