Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát công tác quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa - thể thao tại Quỳ Hợp
Hiện nay, các thiết chế văn hóa và thể thao từ huyện đến cơ sở ở huyện miền núi Quỳ Hợp chưa có sự đồng bộ và còn thiếu nhiều thiết chế quan trọng, thiết yếu.
Ngày 27/9, Đoàn công tác của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh do đồng chí Chu Đức Thái - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh làm trưởng đoàn có cuộc giám sát về công tác xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa – thể thao tại huyện Quỳ Hợp.
Làm việc với đoàn giám sát có đồng chí Hoàng Văn Thái – Phó Chủ tịch UBND huyện, đại diện lãnh đạo một số ngành và địa phương của huyện.
Mục đích của cuộc giám sát nhằm đánh giá toàn diện kết quả công tác chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện tình hình xây dựng, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa - thể thao trên địa bàn tỉnh; đánh giá những kết quả đã đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Trên cơ sở đó, có kiến nghị với Thường trực HĐND, UBND tỉnh có giải pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai, thực hiện.
Thiết chế văn hóa – thể thao từ huyện đến cơ sở chưa đồng bộ
Trước khi làm việc với huyện, đoàn thực hiện giám sát tại xã Châu Quang. Sau sáp nhập, xã có 20 xóm, bản. Hiện nay cả 20/20 xóm, bản đều có nhà văn hoá và khu luyện tập thể thao. Tuy nhiên, hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao chưa đồng bộ, một số nhà văn hóa xóm xây dựng đã lâu hiện nay đã xuống cấp, diện tích nhà văn hóa còn nhỏ hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu hội họp và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao. Các thiết chế văn hóa - thể thao như hệ thống loa máy, bàn ghế, trang trí khánh tiết còn cũ kỹ, chưa đạt so với yêu cầu. Toàn xã chỉ có 3 xóm có thiết chế văn hóa – thể thao đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch.
Đại diện lãnh đạo xã Châu Quang cho rằng, kinh phí để xây dựng nhà văn hóa, sân tập thể thao rất lớn nên cần phải chờ dự án của cấp trên, nguồn kinh phí đóng góp của nhân dân và kinh phí vận động xã hội hoá chỉ đáp ứng được một phần nhỏ.
Theo báo cáo của UBND huyện Quỳ Hợp, từ 2021 đến nay, các cấp chính quyền, các ngành đã quan tâm công tác quy hoạch sử dụng đất, đầu tư, nâng cấp nhà văn hóa và các điều kiện khác để phát huy hiệu quả của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ huyện đến khối, xóm, bản. Hiện nay ở cấp huyện có Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông độc lập, với Trung tâm Hội nghị được đầu tư xây dựng mới có sức chứa 400 chỗ ngồi, trang bị tiện nghi hiện đại; có sân vận động và nhà tập luyện thể thao và đầy đủ phòng chuyên môn gồm Phòng truyền thống, phòng đọc, kho sách và kho chứa trang thiết bị tập luyện thể dục, thể thao. Ngoài ra, trên địa bàn huyện hiện có 4 sân cỏ nhân tạo, 3 bể bơi do các cá nhân đầu tư xây dựng.
Ở cấp xã, toàn huyện có 2 xã có thiết chế văn hóa thể thao đạt chuẩn và 13/21 xã, thị trấn có thiết chế văn hóa thể thao đạt chuẩn thấp. Có 2 xã hiện chưa có nhà văn hóa; 100% số xã, thị trấn chưa thành lập Trung tâm Văn hoá - Thể thao cấp xã. Đối với các xã đã đạt Nông thôn mới, 100% xã, thị trấn chưa có điểm vui chơi giải trí thể thao cho trẻ em và người cao tuổi. Có 14/21 xã có sân vận động (đạt 67%) và chỉ có 2 xã đạt chuẩn theo quy định.
Trên địa bàn toàn huyện có 214/214 khối, xóm bản có nhà văn hóa, trong đó 104 Nhà văn hóa - Khu thể thao đạt chuẩn. Tuy nhiên, sau thực hiện chủ trương sát nhập xóm, khối, bản nên một số nhà văn hóa xóm, khối chưa đảm bảo theo quy định. Hiện nay còn 110/214 nhà văn hóa khối, xóm, bản chưa đạt chuẩn theo quy định và chưa đảm bảo 70% chỗ ngồi cho đại diện hộ gia đình trong xóm, khối. Nhiều nhà văn hóa trang thiết bị, lễ nghi khánh tiết đã trang bị từ lâu nên đã hư hỏng và không phù hợp với hiện nay.
Theo đánh giá chung, hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn huyện Quỳ Hợp từng bước được hoàn thiện, các thiết bị phục vụ hoạt động được đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia và xã hội hóa đã ngày càng thu hút được nhân dân đến tập luyện, vui chơi cơ bản.
Tuy nhiên, các thiết chế văn hóa và thể thao từ huyện đến cơ sở chưa có sự đồng bộ và còn thiếu nhiều thiết chế quan trọng, thiết yếu. Thiết chế văn hóa, thể thao ở cấp huyện đa số được xây dựng đã lâu nên cơ sở hạ tầng xuống cấp; việc tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông chưa đạt các tiêu chí.
Việc quy hoạch quỹ đất để xây hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tại cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Việc huy động xã hội hóa, vận động hỗ trợ đóng góp kinh phí xây dựng, việc liên doanh, liên kết nhằm khai thác, nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao còn nhiều khó khăn. Một số nhà văn hóa xã không phát huy được hiệu quả chủ yếu chỉ để tổ chức các hội nghị, các cuộc họp lớn của địa phương, còn phần lớn đều đóng cửa. Đa số các khu thể thao ở các khối, xóm, bản chưa đạt tiêu chuẩn để tổ chức các hoạt động. Hệ thống điểm vui chơi dành cho trẻ em và người cao tuổi thiếu hụt trầm trọng…
Cân đối các nguồn lực để đầu tư thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ
Từ thực trạng trên, huyện Quỳ Hợp đề nghị các cấp, ngành liên quan căn cứ vào tình hình thực tế sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính để bổ sung, sửa đổi các thông tư, hướng dẫn về tiêu chí nhà văn hóa cấp xã, thôn phù hợp với tình hình hiện nay; nghiên cứu xây dựng, bổ sung, chỉnh sửa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế, chính sách tăng cường nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.
Sau khi nghe ý kiến của đại diện lãnh đạo UBND huyện, các ngành, đơn vị, địa phương của huyện Quỳ Hợp, thay mặt đoàn giám sát, đồng chí Chu Đức Thái - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh ghi nhận sự nỗ lực của huyện trong công tác xây dựng, quản lý và phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa của các cấp chính quyền, các ngành của huyện Quỳ Hợp.
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế của huyện trong công tác này, đồng chí Chu Đức Thái đề nghị các cấp, ngành của huyện cần tập trung cân đối nguồn lực để hỗ trợ thiết chế văn hóa cho các địa phương còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các xã, xóm sau sáp nhập để có thiết chế văn hóa đồng bộ, đáp ứng đủ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, trong đó chú trọng các điểm sinh hoạt cộng đồng. Về thiết chế văn hóa cấp huyện, huyện cần đánh giá lại hoạt động của Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông của huyện để có sự điều chỉnh kịp thời về nhân lực, sắp xếp lại, xử lý tài sản công để đảm bảo sử dụng hiệu quả.
Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo các cơ sở phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, khắc phục tình trạng thiết chế văn hóa, thể thao ở địa phương đã được đầu tư cơ sở vật chất nhưng chưa được sử dụng để tổ chức hoạt động hoặc chưa phát huy hết công năng sử dụng hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ nhân dân, gây lãng phí.