Nghệ An phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới
Những năm qua, nhiều địa phương của tỉnh Nghệ An đã chú trọng gắn xây dựng nông thôn mới với xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, nhờ đó mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân có những bước chuyển biến tích cực.
Những điểm sáng
Năm 2021, xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về văn hóa và là xã đầu tiên trên địa bàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Ông Hồ Bảo Thông – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi cho biết: Sau khi được công nhận xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2020, xã tiếp tục thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó, chú trọng thực hiện tiêu chí về văn hóa nhằm phát huy mạnh mẽ truyền thống hiếu học, truyền thống văn hóa của địa phương.
Trên địa bàn xã có 9 di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, trong đó, có 8 di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia nên việc trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn thành các điểm thăm quan du lịch văn hóa tâm linh được chú trọng.
Bên cạnh đó, xã cũng đã quan tâm củng cố, xây dựng, hoàn thiện thiết chế văn hóa, thông tin trị giá hàng chục tỷ đồng như nhà văn hóa xã và các xóm, các sân vận động, khu luyện tập thể thao ngoài trời, thư viện, bể bơi, hệ thống truyền thanh... Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao diễn ra thường xuyên, sôi nổi, thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân.
Đặc biệt, nét truyền thống văn hóa hiếu học vẫn luôn được mỗi người dân giữ gìn. Từ nhiều năm nay, cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán, xã lại tổ chức khai bút đầu Xuân ở đình làng nhằm tôn vinh các thành tích xuất sắc của các em đậu đạt, qua đó, góp phần tuyên truyền tinh thần hiếu học để các thế hệ noi theo truyền thống hiếu học của xã nhà.
Ông Hồ Bảo Thông – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi.
Đến nay, trên địa bàn xã có 97% gia đình đạt danh hiệu Gia đình Văn hóa, 27% gia đình đạt danh hiệu Gia đình Thể thao, 8/8 thôn liên tục giữ vững danh hiệu Làng Văn hóa; khu dân cư văn hóa liên tục từ 5 năm trở lên; 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đạt chuẩn văn hóa.
Cũng như xã Quỳnh Đôi, ở xã Nghi Liên (thành phố Vinh), phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với xây dựng nông thôn mới được triển khai sâu rộng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Đức – Chủ tịch UBND xã Nghi Liên, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, xã đặc biệt quan tâm đến hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trên địa bàn. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư, nâng cấp; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đô thị văn minh” được đẩy mạnh. Ngoài nhà văn hóa xã và 2 nhà thi đấu thể thao đa năng được xây dựng khang trang, 10 xóm trong xã đều có nhà văn hóa thông minh do nhân dân đầu tư xây dựng, có tích hợp camera an ninh và các thông tin khác đảm bảo an ninh, trật tự, giám sát môi trường.
Cùng với đó, ngoài hoạt động của các câu lạc bộ Dân ca ví giặm, trên địa bàn xã còn có nhiều câu lạc bộ văn nghệ, thể thao hoạt động rất sôi nổi. Đến nay, xã có 10/10 xóm đạt xóm văn hóa, trong đó, có 1 xóm đạt xóm văn hóa tiêu biểu xuất sắc; 3 trường học được công nhận là đơn vị văn hóa; 95% các hộ đạt danh hiệu Gia đình Văn hóa và 45% gia đình thể thao, văn nghệ. Đầu tháng 8 vừa qua, Nghi Liên là xã đầu tiên của thành phố Vinh được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về văn hóa năm 2024.
Không chỉ ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về văn hóa, mà ở các xã xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, việc thực hiện các tiêu chí văn hóa cũng được chú trọng. Là một trong những địa phương của huyện Thanh Chương phấn đấu hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao năm 2023, xã Thanh Lĩnh đã tập trung huy động tối đa nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí, trong đó, đặc biệt chú trọng đến tiêu chí về văn hóa.
Đến nay, 6/6 thôn của xã Thanh Lĩnh đã huy động sự đóng góp của nhân dân để chỉnh trang nhà văn hóa thôn, đảm bảo đủ chỗ ngồi sinh hoạt sau khi thực hiện sáp nhập, nâng cấp, làm mới sân thể thao từ nguồn ngân sách xã hội hóa. Tại các thôn, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao diễn ra sôi nổi.
Xã đã thành lập và tổ chức hoạt động được các câu lạc bộ như: Câu lạc bộ Dân ca ví giặm, Câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình phát triển bền vững, các câu lạc bộ bóng chuyền hơi, bóng đá, các câu lạc bộ dân vũ… thu hút trên 70% người dân tham gia sinh hoạt thường xuyên. Tỷ lệ gia đình văn hóa trên địa bàn xã đạt trên 96 %; gia đình thể thao đạt 60%; 6/6 thôn liên tục giữ vững danh hiệu Làng Văn hóa.
Phát huy giá trị văn hóa
Những năm qua, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa'' gắn với phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" được triển khai sâu rộng ở hầu khắp các xã trong tỉnh. Các thiết chế văn hóa, thể thao được quan tâm đầu tư, cải tạo và nâng cấp; mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân có những bước chuyển biến tích cực.
Đến nay, ở cấp xã có 446/460 xã có thiết chế văn hóa, thể thao, trong đó, có 339/460 xã có thiết chế văn hóa, thể thao đạt chuẩn. Đối với thôn, bản, khối, xóm có 3.751/3.800 thôn có nhà văn hóa, sân thể thao.
Toàn tỉnh có 737.186/851.151 gia đình được công nhận gia đình văn hóa; 2.563/3.804 khu dân cư được công nhận danh hiệu khu dân cư văn hóa; 1.767 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 787 dòng họ được công nhận dòng họ văn hóa; tỷ lệ gia đình thể thao đạt 24,5%, số người luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên đạt 35,2%. Bên cạnh đó, toàn tỉnh 3.905 đội văn nghệ quần chúng cấp xã, thôn, bản, khối, xóm; 2.302 câu lạc bộ cấp huyện, xã.
Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh 328/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 101 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó, có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về văn hóa, du lịch, gồm: các xã Kim Liên, Nam Giang, Nam Cát (Nam Đàn), Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu), Nghi Liên (thành phố Vinh).
Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành liên quan, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện 2 tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới vẫn còn một số khó khăn nhất định.
Công tác sắp xếp, quản lý tài sản công sau sáp nhập các đơn vị hành chính mặc dù đã được tập trung chỉ đạo nhưng đến nay, một số nơi còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như trong việc thực hiện tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa xây dựng nông thôn mới; một số nhà văn hóa, công trình, nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng đang không được sử dụng, lãng phí nguồn lực của Nhà nước và nhân dân.
Việc quy hoạch đất sử dụng cho thiết chế văn hóa, thể thao nhất là sân thể thao của các thôn, bản miền núi cao, thôn, xóm vùng biển, một số thôn xóm thuộc thành phố Vinh còn gặp khó khăn. Ngoài ra, việc xây dựng và nhân rộng mô hình văn hóa, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống trong nông thôn mới cũng chưa được thực hiện một cách tích cực.
Để phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, cần khuyến khích người dân phát huy hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao xã, thôn, xóm, nhất là nhà văn hóa tại các thôn, xóm sau sáp nhập; nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa; đẩy mạnh nếp sống văn minh; đổi mới phương thức tổ chức, hoạt động đối với phát triển văn hóa để văn hóa thực sự thu hút, góp phần vào xây dựng và phát triển nông thôn mới.
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao