Xã hội

Phát huy giá trị văn hóa Thổ gắn với phát triển du lịch ở Quỳ Hợp

Thu Hương - Đình Tuyên 20/09/2024 15:50

Thời gian qua, huyện Quỳ Hợp đã có nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Thổ. Qua đó, góp phần tôn vinh các giá trị truyền thống, động viên đồng bào tích cực thi đua lao động sản xuất, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của huyện.

Từ nghề truyền thống đặc sắc...

quỳ hợp (32)
Phụ nữ dân tộc Thổ trong trang phục truyền thống. Ảnh: Đình Tuyên

Nói đến nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền Tây Nghệ An, nếu như người dân tộc Thái có nghề dệt thổ cẩm truyền thống, người Mông có nghề rèn, người Khơ Mú có nghề đan lát thì người Thổ ở Quỳ Hợp có nghề đan võng gai truyền thống.

3o3a8034.jpg
Các bà, các mẹ xóm Cốc Mặm, xã Thọ Hợp cùng nhau đan võng gai. Ảnh: Đình Tuyên

Chúng tôi tìm về xã Thọ Hợp, gặp những cụ bà cao tuổi đã gắn bó một đời với nghề đan võng gai. Điểm đến là gia đình bà Trương Thị Thống, hôm nay rất nhiều người tập trung tại đây để cùng ngồi lại bên nhau đan thành những chiếc võng gai.

Bà Trương Thị Thống chia sẻ: “Đan võng gai đã trở thành một nghề truyền thống, một nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc nơi đây. Những ngày nông nhàn các cụ, các bà, các mẹ lại xum họp rủ nhau đan võng gai, trò chuyện thân tình trong xóm làng. Việc đan võng của những phụ nữ trong xóm đã góp phần làm cho làng xã của người Thổ thêm nhộn nhịp, an vui, gắn kết giữa các gia đình, dòng họ trong cộng đồng người Thổ”.

3o3a8170.jpg
Nghề đan võng gai được xem là một nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Ảnh: Đình Tuyên

Theo các cụ cao niên ở xã Thọ Hợp (Quỳ Hợp), trước kia người Thổ dùng sợi gai đan lưới giăng bắt thú lớn, thú nhỏ, đan võng để nằm và một số vật dụng khác. Ngày nay, họ đan võng như gửi gắm mong muốn về một cuộc sống bình an cho người sử dụng nó.

Võng gai có đặc điểm rất bền, có thể sử dụng được từ 15 đến 20 năm, càng nằm sợi gai càng mịn, mát. Hiện nay, giá thành của mỗi chiếc võng gai dao động từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng. Nghề đan võng gai không chỉ mang lại thu nhập cho bà con, mà còn là một di sản văn hóa phi vật thể đáng quý của đồng bào dân tộc Thổ.

3o3a5193(1).jpg
Những làn điệu dân ca, dân vũ, các bài hát đồng dao của đồng bào dân tộc Thổ nơi đây vẫn được lưu truyền cho đến ngày nay. Ảnh: Đình Tuyên

Đến huyện Quỳ Hợp, ngoài ấn tượng với nghề đan võng gai, du khách thập phương còn được khám phá nhiều nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Thổ với bộ trang phục truyền thống, dân ca, dân vũ, lễ hội, phong tục, tập quán trong văn hóa cộng đồng.

Trong đời sống lao động sản xuất, người Thổ vẫn còn giữ gìn và phổ biến nhiều làn điệu dân ca độc đáo, mang đậm dấu ấn đặc trưng văn hóa của dân tộc mình như: Làn điệu dạ ơi; tang khang lẻ; khai khai rế; tập tính tập tang; hát giao duyên; hát đối đáp... Hay như, trong y học dân gian là những bài thuốc gia truyền, chữa bệnh cho người dân từ hàng trăm loại cỏ cây, lá rừng...

...Đến bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Thổ

Quỳ Hợp là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Nghệ An, có 3 dân tộc anh em cùng sinh sống, gồm: Kinh (chiếm 48% dân số), Thái (40% dân số) và Thổ (12% dân số). Bà con dân tộc Thổ sinh sống chủ yếu ở các xã: Hạ Sơn, Nghĩa Xuân, Minh Hợp, Thọ Hợp, Văn Lợi, Tam Hợp và thị trấn Quỳ Hợp.

Hiện nay, đồng bào dân tộc Thổ huyện Quỳ Hợp đang nắm giữ một hệ thống tri thức bản địa vô cùng phong phú và đa dạng, điển hình như tri thức dân ca, dân vũ; tri thức y học dân gian và tri thức thủ công truyền thống.

3o3a7899.jpg
Bữa ăn của người Thổ. Ảnh: Đình Tuyên

Hiện nay, do đặc điểm địa lý và dưới sự tác động giao thoa giữa đời sống hiện đại nên công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Thổ gặp một số khó khăn. Lớp trẻ khi tiếp cận với các làn điệu dân ca của chính dân tộc mình thể hiện chưa đúng chất liệu.

Còn với nghề bốc thuốc gia truyền và nghề đan võng gai lâu nay đã trở thành một nét đẹp văn hóa của đồng bào Thổ, song hiện nay, nguyên liệu để sản xuất dần cạn kiệt, việc đi lấy thuốc từ cây cỏ, lá rừng cũng khó khăn hơn.

Trước thực trạng trên, huyện Quỳ Hợp đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm bảo tồn những nét đẹp trong văn hóa dân tộc Thổ. Theo đó, huyện chú trọng công tác tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, nhất là lớp trẻ để đồng bào hiểu và có ý thức gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Cùng với đó, huyện đã tiến hành khảo sát, rà soát, đánh giá thực trạng văn hóa Thổ tại các làng, bản trên địa bàn để có phương án bảo tồn cụ thể; tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Thổ.

3. Người dân tộc Thổ quan niệm nước ở mó nước có thể rửa tay, rửa mặt hay uống trực tiếp đều mang lại cho họ sự may mắn (5)
Người dân tộc Thổ quan niệm nước ở mó nước có thể rửa tay, rửa mặt hay uống trực tiếp đều mang lại cho họ sự may mắn. Ảnh: Đình Tuyên

Đối với dân ca, dân vũ, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã tham mưu cho UBND huyện ban hành Đề án Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, trong đó có dân tộc Thổ.

Đến nay, trên địa bàn huyện đã xây dựng được 6 câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Thổ, 1 câu lạc bộ cấp tỉnh, 1 câu lạc bộ cấp huyện và 4 câu lạc bộ cấp xã. Hầu hết các câu lạc bộ hoạt động rất hiệu quả như sưu tầm, phát triển hội viên, tổ chức dàn dựng và giao lưu hoặc biểu diễn tại các chương trình liên hoạt của địa phương hoặc do cấp huyện, cấp tỉnh, khu vực hoặc Trung ương tổ chức. Tiêu biểu như Câu lạc bộ Văn hóa dân gian dân tộc Thổ xóm Đột Vả, xã Nghĩa Xuân.

Huyện có Lễ hội Bốc Mó mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Thổ tại xóm Mo Mới, xã Nghĩa Xuân. Đặc biệt, huyện Quỳ Hợp có sự kết hợp giữa văn hóa dân tộc Thái và văn hóa dân tộc Thổ sẽ tạo ra những nét văn hóa đặc trưng riêng sẽ là điểm khám phá hấp dẫn cho du khách muốn trải nghiệm về văn hóa truyền thống.

Bài QH 1
Lễ hội bốc mó, một nét văn hóa độc đáo của dân tộc Thổ ở xóm Mo Mới, xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Đình Tuyên

Ông Hoàng Văn Thái - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: “Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, trong thời gian tới huyện sẽ đưa vào quy hoạch sử dụng đất lịch sử, văn hóa, danh thắng gắn với môi trường sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian dân tộc Thổ như cây thuốc nam, giá trị văn hóa phi vật thể cần phải có sự vào cuộc của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu để lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Thổ; tiếp tục rà soát lại số người nắm giữ các tri thức văn hóa dân tộc Thổ như các thầy thuốc, các nghệ nhân, các nhà sưu tầm các làn điệu dân ca, dân vũ, nghề đan võng gai để xây dựng kế hoạch chiến lược trong việc lưu giữ, phát huy, phát triển và tìm hướng tiêu thụ cho các sản phẩm nghề truyền thống của bà con dân tộc Thổ; tập trung các nguồn lực về chính sách và kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có những đóng góp đối với công tác bảo tồn và phát triển các tri thức dân gian, văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thổ... Qua đó, từng bước nghiên cứu, xây dựng phát triển điểm du lịch cộng đồng ở vùng đồng bào Thổ Quỳ Hợp”.

Clip: Đình Tuyên - Thu Hương
Mới nhất
x
x
Phát huy giá trị văn hóa Thổ gắn với phát triển du lịch ở Quỳ Hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO