Hiến kế phát triển mô hình du lịch văn hóa dân tộc Thổ tại Nghĩa Đàn
(Baonghean.vn) - Huyện Nghĩa Đàn vừa tổ chức Hội thảo đánh giá mô hình du lịch văn hóa dân tộc Thổ ở xã Nghĩa Lợi, nhằm hướng đến sự phát triển bền vững. Tại đó, nhiều ý kiến đã góp ý về mô hình du lịch cộng đồng ở làng Lung, xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Đàn).
Ông Lương Bá Viện – Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông huyện Nghĩa Đàn
Để khai thác các nét văn hóa, văn nghệ của đồng bào dân tộc Thổ phục vụ hoạt động du lịch cộng đồng trên địa bàn xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Đàn), chúng tôi nhận thấy có những thuận lợi và thách thức cơ bản.
Thuận lợi là tiềm năng về các nét văn hóa, văn nghệ và tri thức bản địa của cộng đồng người Thổ khá đa dạng về loại hình hoạt động.
Ở đây có hệ thống câu lạc bộ văn hóa dân gian sinh hoạt thường xuyên, là nơi vừa trình diễn, vừa truyền dạy các trò diễn xướng văn hóa, văn nghệ cho nhiều lứa tuổi khác nhau. Đây cũng ;à nơi hội tụ của những nghệ nhân trình diễn thuần thục, các diễn xướng văn nghệ dân gian và tâm huyết với văn hóa dân tộc.
Hơn nữa, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nhận thức đúng đắn về lợi ích kinh tế - xã hội của phát triển du lịch cộng đồng, có sự chỉ đạo quyết liệt để triển khai xây dựng mô hình. Người dân trên địa bàn cũng tự hào vì được lựa chọn làm mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên ở huyện Nghĩa Đàn.
Tuy vậy, quá trình triển khai sẽ gặp rất nhiều thách thức, trong đó, phải kể đến việc người dân xã Nghĩa Lợi chưa nhận thức đầy đủ về phát triển du lịch cộng đồng. Chuỗi sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ chưa đa dạng, độc đáo để phục vụ nhu cầu thưởng thức và mua sắm của khách du lịch.
Đa số các nghệ nhân trình diễn văn nghệ dân gian đều đã cao tuổi, nội dung biểu diễn không phong phú, lặp lại nhiều lần sinh nhàm chán. Những thành viên trẻ tuổi rất ít, nếu có thì lại không trình diễn được các loại hình diễn xướng truyền thống. Chưa đào tạo được người trẻ có trình độ hiểu biết sâu sắc về nguồn gốc, lịch sử, văn hóa của người Thổ để hướng dẫn du khách…
Từ những thuận lợi và khó khăn vừa nêu, chúng ta cần thực hiện tốt các yêu cầu: Cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ với đơn vị thực hiện mô hình du lịch cộng đồng ở xã Nghĩa Lợi; chỉ đạo cộng đồng dân cư làm tốt các yêu cầu của hoạt động du lịch cộng đồng.
Cần thiết kế một lộ trình cho du khách trải nghiệm văn hóa của người Thổ ở xã Nghĩa Lợi với xu hướng khám phá, thưởng thức các nét đẹp văn hóa, văn nghệ. Phải có những hoạt động quảng bá hình ảnh, nét đẹp văn hóa cộng đồng trên các phương tiện thông tin đại chúng để du khách khắp nơi biết về điểm đến này…
Tiến sĩ Trần Thị Thủy - Khoa Du lịch và Công tác xã hội, Trường Đại học Vinh
Người Thổ ở huyện Nghĩa Đàn là cộng đồng còn giữ được những nét văn hóa truyền thống, đặc biệt là làng Lung (xã Nghĩa Lợi). Có lẽ những ấn tượng mà quan khách khi đến làng Lung sẽ là một ngôi làng được quy hoạch theo ô bàn cờ, sạch sẽ, những ngôi nhà mái ngói, cảnh quan nông thôn bình dị.
Cũng phải kể tới nước chè đâm vừa xanh, vừa ngon, bánh gai rất dễ ăn, đậm vị cùng nhiều món ăn độc đáo, là những thức đặc sản của làng Lung. Du khách cũng sẽ bị thu hút bởi kỹ thuật đan cài võng gai cùng những truyền thuyết, những nét tập quán văn hóa khác vô cùng đặc sắc.
Tuy nhiên, trong phát triển du lịch nói chung và phát triển du lịch nông thôn nói riêng, chất lượng sản phẩm là yếu tố quan trọng, cần tập trung đầu tư nhằm cho ra đời các sản phẩm du lịch có chất lượng tốt.
Để đáp ứng yêu cầu này, cần có kế hoạch xây dựng hệ thống sản phẩm có chất lượng, đặc sắc, đa dạng, có giá trị nhưng vẫn phải đảm bảo tôn trọng các yếu tố tự nhiên, văn hóa, cấu trúc hệ thống xã hội tại địa phương, đồng thời đáp ứng tốt nhu cầu của khách du lịch.
Trong quy hoạch, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nông thôn tại đây cần tránh tổ chức thiếu điểm nhấn, dàn trải, chồng chéo, sản phẩm trùng lặp ở trong và ngoài địa phương có tổ chức hoạt động du lịch.
Nghĩa Đàn là địa phương có nhiều sản vật gắn với hoạt động nông nghiệp và đời sống nông thôn, cần khéo léo khai thác các yếu tố này, vừa giúp cho du khách hiểu các đặc trưng văn hóa, sinh hoạt, ẩm thực, nghề thủ công của người dân, vừa tăng nguồn thu cho du lịch từ việc mua sắm của khách.
Bà Nguyễn Hương Giang – Công ty Du lịch Vietravel, chi nhánh Nghệ An
Sau khi trải qua tour du lịch trải nghiệm văn hóa dân tộc Thổ, tôi nhận thấy một số điểm chưa đạt cần được cải thiện. Đó là các tiện ích, phòng ở và các khu vực dành cho du khách chưa đáp ứng nhu cầu của một tour du lịch văn hóa. Điều này gây khó khăn trong việc tiếp đón các đoàn du khách lớn, đặc biệt là khi họ muốn lưu trú lại để tận hưởng trọn vẹn trải nghiệm văn hóa.
Việc tái hiện văn hóa của người Thổ cũng còn thiếu sự rõ nét. Mặc dù có những cố gắng nhất định, nhưng hiện tại vẫn chưa thể truyền đạt hết sức sống và sự đa dạng của nền văn hóa đặc biệt này. Có thể cần phải tăng cường các hoạt động tương tác và trình diễn văn hóa để du khách có thể thực sự hiểu rõ và cảm nhận sâu sắc hơn về đặc trưng của người Thổ.
Để cải thiện những điểm chưa đạt trong trải nghiệm tour văn hóa đồng bào Thổ ở huyện Nghĩa Đàn, tôi mạnh dạn đề xuất một số giải pháp như sau: Đầu tư vào việc xây dựng hoặc nâng cấp các khu vực lưu trú, phòng ở để đáp ứng nhu cầu của du khách. Cải thiện tiện ích, sạch sẽ và tiêu chuẩn an toàn.
Tổ chức các hoạt động tương tác, trình diễn văn hóa nhằm giúp du khách hiểu rõ hơn về truyền thống, phong tục, và đời sống của người Thổ; đào tạo hướng dẫn viên có kiến thức sâu rộng về văn hóa Thổ để họ có thể truyền đạt thông tin một cách sinh động và cuốn hút hơn.
Kết nối với cộng đồng người địa phương để tạo ra các hoạt động kết hợp, tạo cơ hội cho du khách tham gia các hoạt động văn hóa thực tế. Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc duy trì và phát triển các hoạt động văn hóa, từ đó tạo ra sự chân thực và độc đáo trong trải nghiệm du lịch. Đồng thời, tìm kiếm nguồn tài trợ và hỗ trợ từ các nguồn khác nhau của Chính phủ, tổ chức phi chính phủ, và các nhà đầu tư để cải thiện cơ sở vật chất và dịch vụ.
Bằng cách kết hợp các giải pháp này, cơ sở vật chất sẽ được nâng cấp, cộng đồng địa phương sẽ được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để tận dụng tốt nhất tiềm năng du lịch và văn hóa của mình. Điều này không chỉ tạo ra trải nghiệm tốt hơn cho du khách mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của cộng đồng.
Ông Nguyễn Hữu Bắc - Chủ tịch Hệ thống Du lịch PhucGroup
Trong thời gian qua, cùng với những nghiên cứu khoa học về bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Thổ, một số trải nghiệm du lịch liên quan đến khám phá nét văn hóa đặc trưng của dân tộc này cũng đã xuất hiện.
Tuy nhiên, làm sao để thu hút và thuyết phục khách du lịch đến và trải nghiệm thường xuyên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đang là một bài toán lớn. Có thể phương pháp truyền thông và tiếp thị du lịch văn hóa chính là câu trả lời.
Marketing truyền thống bao gồm rất nhiều hoạt động quảng cáo (in tờ rơi, thư trực tiếp, ti vi hay là đài phát thanh, truyền hình, ấn phẩm báo chí...). Các ấn phẩm quảng cáo phải được bài trí ở nơi công cộng, dễ thấy và phải tạo sự thu hút với khách du lịch.
Để các hoạt động marketing truyền thống đạt được hiệu quả cao, cần tiến hành lập kế hoạch để tiếp cận đúng đối tượng khách hàng mà chúng ta hướng đến như: Kết nối các sảnh trường đại học, các trung tâm văn hóa, gian hàng các sự kiện lớn như hội chợ, hội nghị liên quan đến văn hóa, du lịch trên địa bàn.
Tần suất xuất hiện hình ảnh tại các sự kiện văn hóa – du lịch sẽ gây sự tò mò về điểm đến mới được cộng hưởng. Đặc biệt, với mục tiêu đưa du lịch trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, huyện Nghĩa Đàn đã và đang chú trọng phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Cùng với những địa điểm như Hòn Mát, Trương Gia Farm, Thung lũng hoa Phủ Quỳ hay khám phá hệ thống trang trại bò sữa TH.... thì yếu tố khám văn hóa dân tộc Thổ sẽ là một gợi mở kèm gia vị lạ thu hút khách du lịch; xoá tính đơn điệu của một hành trình trải nghiệm.