Khách du lịch Trung Quốc: Cái lợi và cái thiệt

26/04/2017 06:53

(Baonghean) - Hồi mình còn đi du học thường nói vui với mọi người “Không đâu trên thế giới là không có dấu chân của người Trung Quốc”!

» Nghệ An định hướng phát triển thị trường khách du lịch Trung Quốc

» Nghệ An sẽ tổ chức roadshow xúc tiến du lịch tại Trung Quốc

Người Trung Quốc nổi tiếng giỏi kinh doanh buôn bán nên ở rất nhiều thành phố lớn trên thế giới, không ai không biết đến những khu phố Tàu “China Town”. Đó là khu vực tập trung đông đúc người Hoa kiều sinh sống với nghề chính là buôn bán. Họ thường mở các siêu thị mini bán đồ châu Á hoặc nhà hàng.

Thế nhưng, cuộc “chinh phục” thế giới của người Trung Quốc có lẽ chỉ thực sự nở rộ theo bước chân của những đoàn khách du lịch.

Điểm đến đầu tiên và đến bây giờ vẫn đang được người Trung Quốc ưa chuộng nhất chính là nước Mỹ. Với người Trung Quốc, một chuyến du lịch đến Mỹ là cách để thể hiện đẳng cấp “quý tộc” và địa vị trong xã hội.

Sự giàu lên nhanh chóng của đất nước tỷ dân kéo theo sự xuất hiện ồ ạt của các triệu phú, tỷ phú đô la đời đầu. Thế hệ giàu có thứ hai của Trung Quốc sang Mỹ rất nhiều, chủ yếu để du học và tìm kiếm cơ hội định cư.

Sau Mỹ, người Trung Quốc đổ xô đến các quốc gia châu Âu để du lịch và tất nhiên - để tiêu tiền nữa. Pháp, Ý, Tây Ban Nha,… những đất nước không chỉ nổi tiếng với các địa danh du lịch mà còn là thiên đường của thời trang và hàng hiệu trở thành điểm đến lý tưởng cho giới nhà giàu Trung Quốc.

Một khu phố Tàu “China Town”. Ảnh minh họa: Internet
Một khu phố Tàu “China Town”. Ảnh minh họa: Internet

Cách đây khoảng 10 năm, các trung tâm thương mại ở Paris chưa quen với việc phục vụ khách Trung Quốc thì sau 5 năm, họ đã bắt đầu tuyển dụng nhân viên người Trung Quốc hoặc gốc Trung Quốc, hoặc người Pháp biết nói tiếng Trung Quốc vào làm việc để phục vụ lượng khách ngày một tăng từ đất nước châu Á này.

Đến thời điểm hiện tại, trong các trung tâm thương mại lớn có hẳn một khu vực mà ở đó họ không nói tiếng Pháp. Khách Trung Quốc ngồi la liệt ở các bậc cầu thang hoặc xếp hàng rồng rắn trước các gian hàng của Louis Vuitton, Hermes, Chanel, Dior... Dĩ nhiên, nhân viên nói tiếng Trung Quốc 100% và các biển hiệu chỉ dẫn cũng được ghi bằng tiếng Trung Quốc nốt.

Đỉnh điểm là nhiều cửa hàng của người Pháp đã được người Trung Quốc mua lại. Nhiều con phố ở Paris được “Tàu hoá”. Chủ các quán bar, nhà hàng Pháp cho biết đã không còn bất ngờ khi đón tiếp những vị khách châu Á bước vào quán lúc 8 giờ sáng và yêu cầu phục vụ ăn sáng với cơm hay mỳ sợi...

Nhiều người bản địa không mấy thích thú với việc ngày càng nhiều khách Trung Quốc đến đất nước của họ. Lý do chính là sự khác biệt về văn hoá. Tuy nhiên, khách du lịch đến để tiêu tiền, và người bản địa đang cố gắng tìm một điểm cân bằng giữa lợi ích kinh tế và bảo tồn văn hoá của mình trước sự “xâm nhập” mạnh mẽ của những vị khách châu Á.

Khác với người Mỹ, người Pháp khá bảo thủ khi nhắc đến truyền thống và văn hoá bản địa. Thế nhưng họ vẫn quyết định học cách thân thiện với các vị khách du lịch có phần ồn ào và đôi khi khiến họ sốc vì chuẩn mực xã hội khác biệt.

Khách Trung Quốc đang quan tâm nhiều hơn đến du lịch Việt Nam. Điều đó đem đến cái lợi và cái thiệt, đòi hỏi chúng ta phải có sự chuẩn bị và những biện pháp hiệu quả để đạt được một kết quả hài hoà. Phát triển du lịch, tăng lợi ích kinh tế nhưng không đánh mất chính mình. Chúng ta mở cửa đón bạn bè nước ngoài đến với đất nước mình và hoàn toàn tôn trọng họ. Nhưng đồng thời phải làm cho họ hiểu rằng, họ cũng cần tôn trọng đất nước, con người và văn hoá bản địa.

Hải Triều

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Khách du lịch Trung Quốc: Cái lợi và cái thiệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO