Hưng Nguyên là huyện đồng bằng, phụ cận thành phố Vinh, được kết nối giao thương với đầy đủ hạ tầng giao thông. “Nhất cận thị, nhị cận sông” – là nói về sự thuận lợi cho hoạt động giao thương, kinh doanh, làm ăn và sinh sống. Huyện Hưng Nguyên có cả hai điều đó: Liền kề với đô thị loại 1 là Vinh và chạy dọc theo sông Lam từ Hưng Lợi, Hưng Thành, Xuân Lam, rồi qua Long Xá, Hưng Lĩnh. Nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Hưng Nguyên đặt mục tiêu xây dựng thành huyện khá, gắn với xây dựng nông thôn mới và là đô thị vệ tinh của thành phố Vinh. Đánh giá hết lợi thế, tiềm năng của Hưng Nguyên thì có thể khẳng định, mục tiêu trên là sát, đúng.
Hơn nửa nhiệm kỳ 2020-2025 đã trôi qua, mục tiêu ấy đang được huyện phấn đấu và đã đạt được những kết quả tích cực. Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên Lê Phạm Hùng cho biết, tốc độ tăng trưởng của huyện năm 2023 đạt 16,5%, quý I năm 2024 đạt 14,9%; GRDP bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng/năm, tăng 2 triệu đồng so với năm 2022; tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 còn 1,33%. Hiện trên địa bàn huyện cả 17/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới và có 4/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Hưng Nguyên đang phấn đấu trình tỉnh thẩm tra huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào quý II năm 2024.
Xác định lợi thế gần thành phố Vinh, huyện Hưng Nguyên đã “đi tắt, đón đầu” xây dựng quy hoạch vùng huyện thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn năm 2050 trình tỉnh phê duyệt. Theo đánh giá của Sở Xây dựng, Hưng Nguyên là địa phương làm tốt công tác quy hoạch, có tỷ lệ phủ kín trong nhóm cao nhất tỉnh, từ quy hoạch vùng, quy hoạch chung đến các quy hoạch chi tiết. Hiện huyện đã quy hoạch 6 thị tứ gồm: Hưng Phúc, Hưng Thông, Hưng Châu, Hưng Yên, Hưng Tân, Long Xá.
Cụ thể, vùng đô thị phía Bắc lựa chọn xã Hưng Yên Bắc để xây dựng đô thị phục vụ kết nối Khu Kinh tế Đông Nam nói chung và quy hoạch VSIP nói riêng. Vùng đô thị trung tâm, thị trấn Hưng Nguyên hiện tại vẫn sẽ là đô thị hạt nhân, đóng vai trò, chức năng huyện lỵ có ý nghĩa với toàn huyện Hưng Nguyên và hướng quy hoạch, mở rộng không gian đô thị ra phía Bắc, gồm một phần Khu công nghiệp VSIP đến tuyến Quốc lộ 1 và Quốc lộ 46 tránh thành phố Vinh. Vùng đô thị phía Nam gồm 2 đô thị: Đô thị Hưng Thông – Long Xá và đô thị Hưng Phúc.
Trong những năm qua, công tác thu hút đầu tư trên địa bàn huyện Hưng Nguyên đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hưng Nguyên đã đóng góp quan trọng trong việc thu hút các dự án vào Khu công nghiệp VSIP và đến nay, tỷ lệ lấp đầy của khu công nghiệp này đạt trên 97%. Hiện nay, huyện đang tiến hành xin ý kiến sở, ngành về hồ sơ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Cụm công nghiệp Hưng Yên tại xã Hưng Yên Nam với diện tích giai đoạn 1 là 30ha, tổng số vốn đầu tư khoảng 265 tỷ đồng; triển khai thủ tục thành lập Cụm công nghiệp Hưng Mỹ – Hưng Nghĩa.
Bên cạnh lợi thế, việc “gần Vinh” cũng đang tạo cho huyện Hưng Nguyên những áp lực nhất định. Hiện nay, ngoài Khu công nghiệp VSIP, huyện Hưng Nguyên đang gặp khó khăn trong thu hút đầu tư. Hạ tầng dịch vụ – thương mại của Hưng Nguyên chưa sôi động, nếu không nói còn khá nghèo nàn. Bên cạnh đó, diện tích của huyện đã nhỏ nay lại phải “gánh” nhiều dự án khiến địa bàn bị chia cắt, tạo thêm khó khăn nhất định cho phát triển của huyện. Vì vậy, việc sử dụng quỹ đất của huyện cần theo hướng tiết kiệm, bảo đảm thuận lợi cho chuỗi sản xuất, dịch vụ; ưu tiên các dự án, các hoạt động sản xuất, kinh doanh sử dụng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, tăng mạnh hơn nữa giá trị thu được trên một đơn vị diện tích canh tác.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Hưng Nguyên vừa qua, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh đã gợi mở cho huyện những giải pháp, nhiệm vụ quan trọng. Phó Giám đốc Sở Công thương Cao Minh Tú cho rằng, muốn thu hút đầu tư được nhiều dự án, huyện Hưng Nguyên cần đẩy nhanh chỉ đạo công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng Cụm công nghiệp Hưng Yên Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu thực hiện công tác xây dựng; sớm thực hiện các thủ tục thành lập Cụm công nghiệp Hưng Mỹ – Hưng Nghĩa đã được phê duyệt. Theo phương án đề xuất tích hợp Quy hoạch tỉnh, trên địa bàn huyện dự kiến xây dựng 4 chợ, 4 trung tâm thương mại, siêu thị. Vì vậy, đề nghị huyện phối hợp các sở, ngành tăng cường công tác thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn.
Huyện Hưng Nguyên có 126 di tích lịch sử – văn hóa, trong đó 12 di tích cấp quốc gia, 25 di tích cấp tỉnh. Song, vấn đề quan trọng là làm sao vừa phát huy các giá trị di tích lịch sử đó gắn với hoạt động dịch vụ – du lịch. Định hướng cho huyện vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Mỹ Hạnh gợi mở, huyện Hưng Nguyên nên xây dựng đề án phát triển kinh tế di sản gắn với du lịch, trong đó tập trung vào các di tích núi Lam Thành, đền Ông Hoàng Mười, hình thành tour, tuyến du lịch dọc sông Lam. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cũng đề nghị huyện cần phát huy tốt các di tích, phát triển các dịch vụ, nhất là các dịch vụ gắn với du lịch sinh thái, du lịch lịch sử, du lịch tâm linh.
Chia sẻ với những khó khăn mà huyện Hưng Nguyên đang gặp phải, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đề nghị huyện Hưng Nguyên tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng; phát huy tinh thần đoàn kết, kiên trì, năng động, sáng tạo, đổi mới để lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; phấn đấu trong năm 2024 hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. “Hưng Nguyên cần khắc phục khó khăn, phát huy nhiều hơn lợi thế vị trí địa bàn phụ cận thành phố Vinh để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng lấy công nghiệp – dịch vụ, phát triển đô thị là ưu tiên phát triển; phát huy lợi thế có Khu công nghiệp VSIP để kêu gọi phát triển các ngành công nghiệp; phát triển các cụm công nghiệp để kêu gọi thu hút đầu tư, trong đó quan tâm phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nói.
Bên cạnh công nghiệp, dịch vụ và đô thị, huyện Hưng Nguyên cần phát huy lợi thế để hình thành nền nông nghiệp hàng hóa, phục vụ cho thị trường thành phố Vinh. Toàn huyện có khoảng gần 1.000 ha đất bãi ven sông Lam phù hợp với nhiều loại cây trồng, đặc biệt là phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Vì vậy, Hưng Nguyên cần tiếp tục duy trì sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với kế hoạch xây dựng nông thôn mới, từng bước tạo ra nền nông nghiệp hữu cơ, sạch, bền vững; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi dần sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khai thác lợi thế vùng bãi bồi ven sông Lam với các cây trồng thế mạnh.