Xã hội

Khám phá điểm đến du lịch Thu - Đông ở Nghệ An

ND: Công Kiên; Kỹ thuật: Hữu Quân 31/08/2024 07:21

Bước sang mùa Thu, lượng khách tại các điểm du lịch ở Nghệ An bắt đầu giảm, đến mùa Đông là giai đoạn thấp điểm nhất trong năm. Vì vậy, việc quảng bá sản phẩm du lịch Thu - Đông để duy trì lượng khách, đảm bảo nguồn thu nhập là thực sự cần thiết.

dulichthudongna-cover.png

Bước sang mùa Thu, lượng khách tại các điểm du lịch ở Nghệ An bắt đầu giảm, đến mùa Đông là giai đoạn thấp điểm nhất trong năm. Vì vậy, việc quảng bá sản phẩm du lịch Thu - Đông để duy trì lượng khách, đảm bảo nguồn thu nhập là thực sự cần thiết.

Công Kiên • 31/08/2024

Thời điểm vào Thu, tiết trời bắt đầu dịu mát, nắng không còn chói chang như giữa Hạ. Các điểm du lịch ở Nghệ An khách đã giảm đáng kể, không đông đúc, nhộn nhịp như vài tháng trước. Do vậy, để thu hút du khách trong mùa thấp điểm, ngành Du lịch và các địa phương của tỉnh đang xây dựng, khai thác và quảng bá sản phẩm du lịch Thu - Đông để thu hút du khách.

Bãi biển Cửa Lò. Ảnh: Văn Trường
Bãi biển Cửa Lò. Ảnh: Văn Trường

Thị xã Cửa Lò luôn là địa phương tiên phong trong việc làm mới và đa dạng hóa sản phẩm để “níu chân” du khách trong mùa thấp điểm. Theo ông Hoàng Thanh Sơn - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã, mùa du lịch Thu - Đông năm nay sẽ triển khai nhiều chương trình giảm giá dịch vụ ăn, nghỉ; nâng cao chất lượng phục vụ, tổ chức các sự kiện, lễ hội để thu hút khách. Các phường duy trì điểm đến văn hóa làng biển đã được xây dựng, tổ chức tham quan trải nghiệm chợ truyền thống, làng nghề và mua sắm các sản phẩm OCOP như cá thu, tôm nõn, mực khô…

bna_5.JPG
Phố đêm Nguyễn Huệ - phường Nghi Thu. Ảnh: Nguyễn Đạo

Đồng thời, thị xã Cửa Lò còn thực hiện tôn tạo, mở rộng khuôn viên các di tích, các điểm đến tâm linh ngày càng đẹp, rộng rãi hơn. Các lễ hội truyền thống gắn liền với di tích được tổ chức suốt cả năm. Du khách về với Cửa Lò sẽ được sống trong không khí vui tươi của những ngày lễ hội.

VinWonders Cửa Hội. Ảnh: Hồ Đình Chiến
VinWonders Cửa Hội. Ảnh: Hồ Đình Chiến

Bên cạnh du lịch biển, Nghệ An còn có tài nguyên để xây dựng, phát triển nhiều loại hình du lịch khác, trong đó có du lịch văn hóa - tâm linh. Hệ thống di tích lịch sử phong phú và phân bố khắp các huyện, thị, thành chính là điều kiện thu hút khách du lịch và phát triển du lịch tâm linh. Cùng với Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nam Đàn), hệ thống đền, chùa được các địa phương chăm lo trùng tu, bảo vệ và phục vụ khách du lịch trong thời điểm cuối năm.

Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn (Đô Lương) những năm gần đây đã thu hút một lượng lớn du khách hành hương về chiêm bái, trở thành “địa chỉ tâm linh” đối với du khách gần, xa. Ông Phan Trọng Lộc - Giám đốc Khu di tích cho biết: Khách đến với Truông Bồn rải đều theo các tháng trong năm, vào mùa Thu - Đông lượng khách vẫn duy được trì ổn định. Ban quản lý thường xuyên nâng cao chất lượng phục vụ, xây dựng các điểm tham quan, điểm check-in và tăng cường quảng bá để thu hút du khách, nhất là những tháng thấp điểm.

Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn. Ảnh Nguyễn Quang Dũng
Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn. Ảnh: Nguyễn Quang Dũng

Các điểm di tích đền, chùa nổi tiếng linh thiêng như đền Cờn, đền Quả, đền Cuông, đền Ông Hoàng Mười, đền thờ Hoàng đế Quang Trung, chùa Đại Tuệ, chùa Gám… cũng luôn sẵn sàng phục vụ du khách về thưởng ngoạn cảnh đẹp, dâng hương, chiêm bái. Đặc biệt, thời điểm cuối năm là dịp các đền, chùa tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, lễ tạ ơn sẽ thu hút một lượng khách khá lớn, tạo điều kiện cho loại hình du lịch văn hóa tâm linh phát triển.

Vẻ đẹp chùa Đại Tuệ (Nam Đàn). Ảnh: Lê Quang Dũng
Vẻ đẹp chùa Đại Tuệ (Nam Đàn). Ảnh: Lê Quang Dũng

Qua mùa cao điểm du lịch, các điểm đến phía biển không còn nhiều sức hấp dẫn, thì du lịch sinh thái - cộng đồng ở miền Tây là nơi trải nghiệm thú vị. Miền Tây Nghệ An được xem là “kho báu” để khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch mùa Thu - Đông.

Những điểm du lịch cộng đồng đã khẳng định được thương hiệu như Khe Rạn, bản Nưa, bản Xiềng (Con Cuông) và Hoa Tiến (Quỳ Châu) vẫn luôn có sức hấp dẫn riêng với không gian văn hóa, chương trình giao lưu văn nghệ và ẩm thực đặc sắc. Bên cạnh đó, một số sản phẩm mới được xây dựng như Cọ Muồng, Mường Đán (Quế Phong), Yên Hòa (Tương Dương), bản Bộng (Anh Sơn) cũng đã bắt đầu thu hút được du khách đến khám phá, trải nghiệm.

Bà con bản Khe Rạn, xã Bồng Khê (Con Cuông) giao lưu với khách du lịch. Ảnh: Sách Nguyễn
Bà con bản Khe Rạn, xã Bồng Khê (Con Cuông) giao lưu với khách du lịch. Ảnh: Sách Nguyễn

Điểm đặc biệt ở miền Tây Nghệ An là các điểm du lịch cộng đồng thường gắn với sản phẩm du lịch sinh thái, tạo nên sức hút lớn đối với du khách. Chẳng hạn các điểm ở huyện Con Cuông gắn liền với “miền Trà Lân”, núi rừng Pù Mát và thắng cảnh sông Giăng - Phà Lài; điểm Hoa Tiến (Quỳ Châu) gắn với thắng cảnh hang Bua và hàng chục cọn nước; điểm Mường Đán (Quế Phong) gắn với vẻ đẹp dòng Nậm Việc; điểm bản Bộng (Anh Sơn) gắn với cảnh vật hữu tình nơi hạ nguồn sông Con…

Sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên và đời sống văn hóa, phong tục đặc sắc của đồng bào các dân tộc ở miền Tây luôn tạo nên sự hấp dẫn đối với những người đến từ các vùng đô thị. Đặc biệt là văn hóa ẩm thực của đồng bào miền núi, những món ăn mang đậm hương vị của núi rừng như cơm lam, xôi ngũ sắc, thịt bò giàng, lợn đen, gà đen và rượu men lá sẽ mang đến những trải nghiệm đáng nhớ cho du khách.

Du khách Pháp tham quan đảo chè Thanh Chương. Ảnh: Đình Tuyên
Du khách Pháp tham quan đảo chè Thanh Chương. Ảnh: Đình Tuyên

Những năm gần đây ở miền Tây còn xuất hiện những điểm du lịch canh nông hấp dẫn. Đó là những cánh đồng, thung lũng, đồi hoa ở Phủ Quỳ đua nhau khoe sắc; những vườn cây ăn quả chín mọng luôn gọi mời. Ở đây, có những điểm du lịch mỗi khi được nhắc đến luôn gợi lên vẻ đẹp của cảnh sắc và niềm vui ngập tràn như Hòn Mát, Trương Gia Farm, Cánh đồng hoa Phủ Quỳ.

Theo ông Đặng Trọng Tấn - Giám đốc Khu du lịch Hòn Mát, các điểm du lịch ở vùng Phủ Quỳ đang đẩy mạnh liên kết, hợp tác và quảng bá sản phẩm để mở rộng thị trường, nhất là trong mùa Thu - Đông.

Điểm du lịch Trang Gia Farm (Nghĩa Đàn). Ảnh: Đình Tuyên
Điểm du lịch Trang Gia Farm (Nghĩa Đàn). Ảnh: Đình Tuyên

Ngoài ra, ở miền Tây Nghệ An gần đây đã hoàn thiện thêm một số sản phẩm mới thuộc loại hình du lịch mạo hiểm. Nổi bật là sản phẩm chinh phục đỉnh Puxailaileng (Kỳ Sơn) có sức hấp dẫn lớn đối với người trẻ, nhất là những người ưa khám phá, khẳng định bản lĩnh.

“Chinh phục đỉnh Puxailaileng, đỉnh núi cao nhất dãy Trường Sơn Bắc, du khách được thưởng ngoạn phong cảnh hùng vĩ và thơ mộng; được đắm mình giữa cảnh sắc thiên nhiên, hòa mình với mây trời, non nước và cỏ cây, hoa lá… Địa phương đang tích cực quảng bá tiềm năng cũng như các sản phẩm đã hình thành để lượng khách đến khám phá, trải nghiệm ngày một nhiều”, ông Nguyễn Viết Hùng - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn nói.

Một góc Mường Lống (Kỳ Sơn). Ảnh: Sách Nguyễn
Một góc Mường Lống (Kỳ Sơn). Ảnh: Sách Nguyễn

Sở Du lịch đang xây dựng kế hoạch quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch mùa Thu - Đông. Trong đó, tập trung cho việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh và phối hợp với các cơ quan truyền thông để quảng bá sản phẩm”.

Bà Nguyễn Thị Thành An - Phó Giám đốc Sở Du lịch

Khám phá điểm đến du lịch Thu - Đông ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO