Tỉnh Nghệ An hiện có gần 2.500 di tích lịch sử – văn hóa, hệ thống di tích này trải dài từ miền biển lên miền núi cao, gắn với tín ngưỡng – tôn giáo hoặc các danh nhân, sự kiện và có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật, lịch sử, văn hóa. Qua đó, thể hiện những dấu ấn đặc trưng của truyền thống văn hóa và con người, góp phần quan trọng làm nên sự phong phú, đa dạng và đặc sắc của vùng văn hóa xứ Nghệ.
Những ngày đầu năm, lượng khách du lịch đến các di tích đền, chùa trên địa bàn Nghệ An đông đúc hơn thường ngày. Phần lớn khách đến để tham quan, vãn cảnh và cầu mong các vị thần linh, Đức Phật chở che, phù hộ và ban phúc, lộc. Tại điểm du lịch đền Cờn (thị xã Hoàng Mai), điểm du lịch đền Ông Hoàng Mười (Hưng Nguyên) và một số đền, chùa khác trên địa bàn tỉnh có nhiều đoàn khách đến từ các tỉnh phía Bắc mang theo lễ vật để làm lễ cầu an.
Đến từ huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), bà Trịnh Thị Hiền cho biết: “Mỗi năm, gia đình chúng tôi cùng anh em, bạn bè thuê xe vào Nghệ An ít nhất 2 lần để làm lễ cầu an dịp đầu năm và tạ lễ vào dịp cuối năm ở đền Ông Hoàng Mười. Sau đó, dành thời gian tham quan, dâng lễ ở một số điểm như đền Quang Trung ở thành phố Vinh, chùa Đại Tuệ ở Nam Đàn, Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn và đền Quả Sơn ở Đô Lương”.
Có mặt trong đoàn khách đến từ tỉnh Hải Dương, chị Nguyễn Thùy Ngân cho biết: Ở Nghệ An có nhiều ngôi đền linh thiêng, trong đó có đền Ông Hoàng Mười ở huyện Hưng Nguyên, gần TP. Vinh. Mấy năm gần đây chị Ngân theo nhóm bạn vào đây để dâng lễ nguyện cầu vào đầu năm và tạ lễ vào cuối năm. Nhờ đó, trong năm chị và các bạn có được tinh thần thoải mái, cuộc sống bình yên và yên tâm làm ăn kinh doanh, giữ gìn mái ấm gia đình.
Còn với ông Nguyễn Hữu Sơn, cư dân quận Đống Đa – Hà Nội, đầu năm có ghé thăm một số người bạn ở thành phố Vinh, cùng họ đến tham quan, chiêm bái một số di tích ở Nghệ An. Trước tiên là viếng đền thờ Hoàng đế Quang Trung trên núi Dũng Quyết (thành phố Vinh), rồi ngược lên đền Chung Sơn (Nam Đàn), đền Bạch Mã (Thanh Chương), đền Quả Sơn (Đô Lương) rồi vòng ra đền Cờn (thị xã Hoàng Mai) – là những ngôi đền linh thiêng bậc nhất xứ Nghệ.
“Mỗi ngôi đền mang một vẻ đẹp riêng, đều mang nét cổ kính và gắn với sự tích, nhân vật lịch sử. Những ngôi đền này đều có phong cảnh hùng vĩ, điểm tô thêm nét cổ kính, linh thiêng của công trình kiến trúc văn hóa tâm linh. Qua đó, góp phần khẳng định nét văn hiến của vùng quê địa linh nhân kiệt”, ông Sơn nói.
Hệ thống di tích lịch sử, các công trình văn hóa tâm linh ở Nghệ An không chỉ đáp ứng nhu cầu về đời sống tâm linh của người dân trong tỉnh mà còn phục vụ nhu cầu tham quan, chiêm bái của du khách gần, xa. Trong đó, có những di tích Quốc gia đặc biệt như Khu Di tích Kim Liên, đền thờ Vua Mai, đình Hoành Sơn (Nam Đàn), đền Nguyễn Xí (Nghi Lộc).
Các di tích lịch sử này đều gắn với các lễ hội truyền thống, trong đó có 7 lễ hội và tín ngưỡng truyền thống đã được lập hồ sơ đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bao gồm: Lễ hội Đền Cờn (Hoàng Mai), Lễ hội Đền Chín Gian (Quế Phong), Lễ hội Đền Quả Sơn (Đô Lương), Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười và Lễ hội Đền Thanh Liệt (Hưng Nguyên), Lễ hội Đền Bạch Mã (Thanh Chương) và Nghi lễ Xăng khan của đồng bào Thái ở các huyện miền Tây.
Đặc biệt, người xưa đã đúc kết “tứ linh” (4 ngôi đền thiêng) của xứ Nghệ: “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”. Đền Chiêu Trưng giờ không còn nhưng ba ngôi đền còn lại vẫn là “địa chỉ thiêng” của du khách mọi miền. Đền Cờn thờ Tứ Vị Thánh Nương; đền Quả thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang; đền Bạch Mã thờ dũng tướng Phan Đà – là những vị phúc thần, được nhân dân bao đời hết mực tôn thờ.
Nằm bên Quốc lộ 1A, đền Cuông (Diễn Châu) được biết đến là ngôi đền cổ linh thiêng, nơi thờ Thục Phán An Dương Vương và công chúa Mỹ Châu. Với vị trí thuận lợi, lại chứa đựng bề dày lịch sử, gắn liền với truyền thuyết An Dương Vương, đền Cuông luôn là điểm đến để du khách vãn cảnh và chiêm bái, nhất là mỗi độ Xuân về…
Cùng với du lịch biển – nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái – cộng đồng, du lịch văn hóa tâm linh được xác định là 1 trong 3 “chân kiềng” của du lịch Nghệ An. Vì thế, các cấp, các ngành đã quan tâm vận động, đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo nhiều dự án phục vụ nhu cầu của nhân dân và du khách thập phương. Có thể kể đến Dự án Bảo tồn tôn tạo Khu Di tích lịch sử văn hóa Kim Liên gắn với phát triển du lịch giai đoạn I; Khu tưởng niệm Xô viết Nghệ Tĩnh; chùa Đại Tuệ; chùa Cổ Am; đền Ông Hoàng Mười; đền Cờn; đền Quả; đền Cuông; đền thờ Hoàng đế Quang Trung; Khu miếu và mộ Vua Mai; đền Chín Gian; chùa Đảo Ngư; đền Vạn – Cửa Rào…
Hiện tại, Nghệ An đang giữa mùa hội Xuân, khắp nơi náo nức, tưng bừng vui hội. Năm 2023 toàn tỉnh có 29 lễ hội truyền thống quy mô cấp huyện và tỉnh, trong đó có 20 lễ hội diễn ra vào mùa Xuân. Đây là dịp để người dân thụ hưởng giá trị văn hóa tinh thần và điều kiện để các địa phương phát triển các loại hình dịch vụ để thu hút khách du lịch.
Mới đây, chúng tôi có dịp ngược ngàn, lên huyện rẻo cao Tương Dương trẩy hội đền Vạn – Cửa Rào. Đền Vạn – Cửa Rào tọa lạc ở vị trí đẹp, nơi hợp lưu của dòng Nậm Nơn và Nậm Mộ, phía trước có cầu treo bắc qua sông, lại nổi tiếng linh thiêng nên thu hút được lượng khách khá lớn vào dịp lễ hội. Du khách về chiêm bái đền, cầu lộc, cầu an và có dịp hòa mình vào các hoạt động lễ hội để khám phá, trải nghiệm đời sống văn hóa của cộng đồng các dân tộc sinh sống ở vùng đất này.
Lễ hội Đền Vạn – Cửa Rào là dịp để du khách trải nghiệm bản sắc văn hóa, cũng là dịp để quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc của quê hương, huyện Tương Dương đã chỉ đạo tăng cường các dịch vụ để đáp ứng nhu cầu khách du lịch. Những ngôi nhà truyền thống của các dân tộc (Thái, Mông, Khơ mú, Ơ đu, Tày Poọng và Kinh) được xây dựng, bài trí theo phong tục cổ truyền để du khách tham quan, tìm hiểu. Bên cạnh đó là tổ chức các trò chơi dân gian như: Ném còn, đẩy gậy, đi cà kheo, đánh đu và chương trình giao lưu văn hóa – văn nghệ để du khách có điều kiện thưởng thức, trải nghiệm. Những gian hàng ẩm thực địa phương (gà nướng, thịt nướng, cá nướng, cơm lam, xôi ngũ sắc) đáp ứng nhu cầu thưởng thức sản vật của núi rừng. Vì vậy, nhiều người đã vượt đường sá xa xôi lên Tương Dương vui Lễ hội Đền Vạn – Cửa Rào.
Cùng với lễ hội Đền Vạn – Cửa Rào, dịp đầu Xuân Quý Mão này ở Nghệ An còn có nhiều lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc như: Lễ hội Đền Vua Mai (Nam Đàn), Lễ hội Đền Vạn Lộc (thị xã Cửa Lò), Lễ hội Đền Cờn (thị xã Hoàng Mai), Lễ hội Đền Quả (Đô Lương), Lễ hội Đền Nguyễn Xí (Nghi Lộc) và Lễ hội Đền Cuông (Diễn Châu)… Mỗi lễ hội chứa đựng giá trị bản sắc riêng, tạo nên sự độc đáo và hấp dẫn đối với khách du lịch.
Để hấp dẫn khách du lịch, bên cạnh các nghi lễ, Ban Tổ chức Lễ hội Đền Vua Mai quan tâm đến việc tổ chức các trò chơi và môn thể thao dân gian như hội vật truyền thống, cờ thẻ, chọi gà… Đặc biệt là môn thi đấu vật diễn ra sôi nổi, thu hút hàng nghìn lượt người cổ vũ. Qua đó, du khách hiểu thêm về truyền thống đất và người quê hương Vua Mai, thưởng thức và mua sắm những sản vật nức tiếng nơi kinh thành Vạn An xưa.
Với Lễ hội Đền Cờn, bên cạnh bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa và nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, lễ hội còn hướng tới mục tiêu thu hút đông đảo du khách về với vùng quê ven biển. Vì thế, cùng với các nghi lễ rước, tế của lễ hội, Ban Tổ chức còn tăng cường các trò chơi truyền thống như: Đua thuyền mủng, đánh cờ thẻ, tổ chức cuộc thi người đẹp Hoàng Mai. Nhất là tục chạy Ói của thanh niên làng biển Quỳnh Phương vừa mang yếu tố tâm linh, vừa đậm chất dân gian, thực sự cuốn hút nhân dân và du khách.
Có thể nói về với Lễ hội Đền Cờn, du khách sẽ được hòa vào không khí vui tươi và thưởng thức vẻ đẹp phong cảnh, hương vị ẩm thực và cảm nhận chiều sâu của đời sống văn hóa biển.
Về với lễ hội của một vùng quê, du khách sẽ có cơ hội khám phá truyền thống, vẻ đẹp đất và người nơi ấy. Về đất Bạch Đường (Đô Lương) trẩy hội đền Quả Sơn, du khách sẽ cảm nhận nét thiêng của lỵ sở xứ Nghệ xa xưa, nơi Uy Minh Vương Lý Nhật Quang từng chọn làm điểm đứng chân khai phá, bảo vệ vùng biên cương phía Nam. Về Lễ hội Làng Vạc (thị xã Thái Hòa), du khách có dịp tưởng nhớ công đức các vị Vua Hùng có công dựng nước và giữ nước, tìm về với cội nguồn, với dòng chảy lịch sử hàng nghìn năm. Với Lễ hội Đền Chín Gian (Quế Phong), du khách thập phương sẽ được về đất Mường Tôn xưa – trung tâm của 9 bản, 10 mường theo quan niệm của đồng bào Thái.
Như vậy, với dòng chảy truyền thống lịch sử – văn hóa được hình thành từ lâu đời và bồi đắp nên những “bãi phù sa” màu mỡ và chứa đựng bao “trầm tích”, Nghệ An chính là điểm đến lý tưởng để du khách trải nghiệm vẻ đẹp của đời sống văn hóa – tâm linh.