Khẳng định vai trò, vị trí của công tác thông tin đối ngoại
(Baonghean.vn) - Chiều 23/12, Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác thông tin đối ngoại; tuyên truyền biển, đảo và phân giới, cắm mốc, quản lý biên giới năm 2021; triển khai nhiệm vụ năm 2022 được tổ chức bằng hình thức trực tuyến tới các điểm cầu tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.
Dự và chỉ đạo hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại; Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh ủy, thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương.
Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy dự và chủ trì.
Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: T.G |
NHIỀU KẾT QUẢ TÍCH CỰC TRONG NĂM 2021
Tóm tắt báo cáo tổng kết công tác thông tin đối ngoại; tuyên truyền biển, đảo và phân giới, cắm mốc, quản lý biên giới năm 2021 do đồng chí Phùng Xuân Nhạ - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trình bày tại hội nghị nêu, năm 2021, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, thế giới tiếp tục chịu những tác động sâu sắc về mọi mặt do đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu. Các thách thức an ninh phi truyền thống như khủng bố, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu... không ngừng gia tăng, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là Biển Đông trở thành địa bàn cạnh tranh chiến lược, gay gắt, và tập hợp lực lượng giữa các nước lớn. Các quốc gia trong khu vực ngày càng cứng rắn hơn trong bảo vệ yêu sách chủ quyền trên biển.
Cũng trong năm 2021, Việt Nam tổ chức thành công tốt đẹp nhiều sự kiện chính trị trọng đại như Đại hội XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng kinh tế - xã hội phát triển ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả tích cực.
“Trong bối cảnh thuận lợi đan xen với thách thức, công tác thông tin đối ngoại; tuyên truyền biển, đảo và phân giới, cắm mốc, quản lý biên giới đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, thu hút nguồn lực, khẳng định vị thế, uy tín và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế”, đồng chí khẳng định.
Các đại biểu theo dõi phóng sự về công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo, phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới năm 2021. Ảnh: T.G |
Công tác thông tin đối ngoại có sự đổi mới, sáng tạo rõ nét, được triển khai toàn diện trên kênh công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân qua các hoạt động đa dạng; gắn kết chặt chẽ giữa thông tin đối ngoại với thông tin đối nội; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới, tích cực sử dụng các phương tiện truyền thông mới, bắt kịp xu hướng thế giới...
Các cơ quan báo chí có nhiều đổi mới hình thức theo hướng hiện đại, hấp dẫn, nhằm nâng cao hiệu quả chuyển tải thông tin. Công tác phối hợp, tranh thủ các hãng truyền thông quốc tế, các cơ quan đại diện các nước, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam được thực hiện hiệu quả hơn. Công tác nghiên cứu khoa học về thông tin đối ngoại, về biển, đảo, biên giới, lãnh thổ được quan tâm triển khai; tuyên truyền nhân rộng các mô hình, phong trào, hoạt động giao lưu về biển, đảo, biên giới được đẩy mạnh,...
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong 3 lĩnh vực nói trên trong năm 2021. Đó là, việc triển khai kế hoạch thông tin tuyên truyền trong năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, sự phối hợp triển khai giữa các lực lượng có lúc, có nơi chưa kịp thời, hiệu quả, các sản phẩm thông tin bằng tiếng nước ngoài, tiếng dân tộc được thúc đẩy nhưng chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng... Nguyên nhân của những hạn chế trên là do các hoạt động trực tiếp không thể triển khai do nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, lực lượng làm công tác tuyên truyền ở các cơ sở còn mỏng, một số nơi còn hạn chế về chuyên môn liên quan đến thông tin đối ngoại, biển, đảo, biên giới...
QUÁN TRIỆT SÂU SẮC ĐƯỜNG LỐI, QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại cho biết, trong năm 2022, tình hình khu vực và thế giới được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống đặt ra nhiều thách thức, tác động tới quan hệ quốc tế, trong đó có ảnh hưởng tới Việt Nam. Các thế lực thù địch tiếp tục âm mưu chống phá với nhiều thủ đoạn mới và nham hiểm.
“Tình hình trên đòi hỏi tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối quan điểm của Đảng về công tác đối ngoại, công tác tư tưởng nói chung cũng như công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại trong thời gian tới”, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.
Đồng chí cũng chỉ rõ một số vấn đề lớn cần tập trung thực hiện. Thứ nhất, thống nhất về vai trò, vị trí ngày càng quan trọng của công tác thông tin đối ngoại và tuyên truyền về phân giới, cắm mốc, chủ quyền biển, đảo. Công tác đối ngoại phải hiện đại, nhưng đậm đà bản sắc dân tộc, đối ngoại mang bản sắc “cây tre Việt Nam”, những quan điểm này phải được soi sáng vào thực tiễn công tác đối ngoại nói chung, công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền phân giới, cắm mốc và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, quán triệt sâu sắc hơn trên tinh thần Đại hội XIII.
Thứ hai, tiếp tục thể hiện tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt của các lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại và tuyên truyền biển, đảo, biên giới, đất liền, mục tiêu cao nhất là tạo được sự đồng thuận của Nhân dân. Cần phải tương tác đa chiều, làm cho thế giới hiểu về Việt Nam và người Việt Nam phải hiểu về thế giới, để nhận định rằng, con đường cách mạng của Việt Nam, đường lối của Đảng để tạo ra môi trường hòa bình, ổn định, đất nước được độc lập, thống nhất để phát triển là đúng đắn.
Trong năm 2021, tỉnh Nghệ An đã chủ động phối hợp với đại sứ quán các nước để triển khai các hoạt động hợp tác, hỗ trợ. Trong ảnh: Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam bàn giao máy thở cho Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Ảnh: T.G |
Thứ ba, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị, công tác thông tin đối ngoại phải gắn liền với các lĩnh vực khác, phải dự báo được tình hình, nắm được xu thế trong quan hệ quốc tế, chủ động trong công tác truyền thông, thống nhất trong định hướng, tăng tính thuyết phục, đa dạng hóa trong gắn kết giữa tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách với lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới, tạo niềm tin để cộng đồng quốc tế yên tâm đầu tư, tăng cường các mối quan hệ với Việt Nam.
Thứ tư, công tác thông tin đối ngoại cần phải hiện đại hóa hơn nữa, chủ động, thông tin kịp thời hơn nữa để các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có thông tin để cung cấp thông tin cho nhân dân, chính phủ bạn, đồng thời phản bác, đấu tranh những quan điểm sai trái, thù địch, những nhận thức chưa hiểu rõ, thực chất về tình hình Việt Nam...
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị cần đầu tư về nhân lực, vật lực, trước hết phải có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là phải đầu tư mạnh hơn cho các cơ quan báo chí quốc gia, cơ quan báo chí địa phương có liên quan đến các vấn đề chủ quyền, biên giới, biển, đảo... Cũng trong năm 2022, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quan tâm công tác đối ngoại với các nước lớn, các nước láng giềng, đẩy mạnh tuyên truyền để thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị, thông qua đó giữ gìn đường biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển, tăng cường tính gắn kết trong 3 nước Đông Dương cũng như ASEAN...
Dịp này, Ban Tuyên giáo Trung ương trao tặng Bằng khen cho 36 tập thể và 12 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thông tin đối ngoại; tuyên truyền biển, đảo và phân giới, cắm mốc, quản lý biên giới năm 2021.