"Khát" lao động dịp Tết
Cuối năm, đơn hàng tăng đột biến, các doanh nghiệp cũng thiếu lao động trầm trọng. Cuộc đua tuyển dụng lao động đang "nóng" lên dịp cận Tết.
Đỏ mắt tìm lao động
Cuối năm, Công ty TNHH Dịch vụ thương mại tổng hợp Hải An đang gấp rút tuyển dụng đội lái xe, bốc dỡ hàng để đáp ứng đơn hàng tăng đột biến. Với mức thu nhập từ 7- 12 triệu đồng/tháng, dù đã đăng thông báo từ đầu tháng 12 nhưng đến nay, công ty vẫn chưa thể tuyển đủ số tài xế. Đại diện công ty - ông Nguyễn Đức Phong cho hay: “Việc tuyển tài xế chạy vừa bốc dỡ hàng thời điểm cận Tết hết sức khó khăn. Những người có kinh nghiệm đủ tiêu chí tuyển dụng đều đã có chỗ làm việc ổn định, nhu cầu tăng ca thời vụ rất ít”.
Dọn nhà cũng là dịch vụ "ăn nên làm ra" vào dịp Tết. Những ngày này, Tổ dọn nhà của chị Nguyễn Thị Thanh Phương tại phường Hưng Bình, thành phố Vinh đã kín lịch cho cả tháng Chạp. Mỗi ngày, chị nhận hàng chục cuộc gọi đặt lịch nhưng vì không đủ nhân lực nên không thể nhận thêm đơn hàng. Chị Thanh Phương cho biết: “Chúng tôi liên tục tuyển thêm người làm nhưng cả tháng nay không tuyển được”.
Từ đầu tháng 12, quán cà phê trên đường Vương Thúc Mậu đăng đàn tuyển dụng nhân viên trên các sàn giao dịch việc làm nhưng không tuyển được người nào. Anh Hoàng Văn Tuấn - quản lý quán cà phê cho biết: Dịp trước, trong và sau Tết, lượng khách rất đông. Lường trước tình hình đó, chúng tôi đã đăng bài tuyển dụng trên fanpage, đăng ký tuyển dụng tại các kênh khác nhau nhưng không có kết quả. Nếu như trước đây chúng tôi yêu cầu nhân sự phải là những người đã có kinh nghiệm hoặc từng được đào tạo trong ngành pha chế, nhưng nay chỉ cần lao động trong độ tuổi từ 18 - 30 có sức khỏe là nhận ngay. Theo anh Tuấn, mức thu nhập của một nhân viên pha chế nếu làm khoảng 8 - 10 tiếng mỗi ngày sẽ là 10 - 12 triệu đồng/tháng. Nếu nhân viên nào làm ít cũng có khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng. Đó được xem là mức thu nhập khá lý tưởng cho học sinh, sinh viên làm thêm trong dịp nghỉ Tết hoặc ra Giêng. Thế nhưng, việc tìm được người làm dịp này vẫn rất khó khăn.
Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, tháng cuối năm số lượng doanh nghiệp tham gia vào thị trường tuyển dụng lao động thời vụ rất đông. Một số doanh nghiệp thông tin tuyển dụng các vị trí với mức lương rất cao như: Trưởng phòng kinh doanh và dịch vụ chăm sóc khách hàng (trung bình từ 55 - 60 triệu đồng/tháng); Nhân viên marketing (25 - 30 triệu đồng/tháng); Quản lý bán hàng/Nhà hàng (15 - 20 triệu đồng); Quản lý xưởng (35 - 40 triệu đồng/tháng)... Các vị trí việc làm đối với lao động chưa qua đào tạo hoặc đã có kinh nghiệm trong các ngành may mặc, lắp đặt linh kiện điện tử, giày da, sẽ được trả mức lương từ 10 -12 triệu đồng/tháng. Nhưng việc tuyển được nhân lực phù hợp, đáp ứng yêu cầu công việc thời vụ cuối năm của các đơn vị vẫn không hề dễ dàng.
Trong quý 4/ 2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh nhận được yêu cầu tuyển dụng của 182 đơn vị. Số lượng cần tuyển dụng lên tới 22.094 người. Trong đó, người lao động không có bằng cấp, chứng chỉ 20. 653 người. Thế nhưng, trong tháng 12 đã có 61 đơn vị đăng ký tuyển dụng, với 5.938 lao động, trong đó, cần 5.504 lao động không có bằng cấp, chứng chỉ.
Ông Trần Hữu Thượng - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh
Cảnh giác “việc nhẹ lương cao”
Cũng theo đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, thời điểm thị trường việc làm sôi động cũng là lúc bẫy “việc nhẹ lương cao” có cơ hội phát triển nhất. Trong các trang web lừa đảo luôn có chuyên mục cần tìm nhân lực với mức lương từ 20 - 30 triệu đồng/tháng, có thể trả lương theo giờ làm việc sau mỗi ngày, nếu lao động cần. Công việc hết sức nhẹ nhàng chỉ cần vào các trang fanpage theo yêu cầu và chia sẻ các đường link hoặc vào comment vào các sản phẩm quảng cáo. “Thế nhưng, nếu người lao động click vào đường link sẽ xuất hiện hàng loạt những rắc rối không có thể xảy ra; rất có thể người lao động sập bẫy lừa đảo và mất hết tiền trong tài khoản…”, cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh khuyến cáo.
Ngoài ra, có một số kiểu lừa đảo khác như nộp tiền giữ chân lao động; tuyển dụng làm ca ngày nhưng yêu cầu nhân viên làm ca đêm, nếu không làm thì nghỉ việc và sẽ mất cọc...
Để hạn chế tình trạng lừa đảo lao động, việc làm, Sở LĐ-TB&XH đã khuyến cáo các địa phương, các cơ sở đào tạo, trung tâm giới thiệu việc làm thông tin về các vấn đề cần cảnh giác. Đồng thời, đề nghị các đơn vị này tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin đến người dân, nhất là sinh viên, học sinh có nhu cầu tìm việc thời vụ vào dịp cuối năm, cận Tết. Trong đó, cần cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo, đánh vào tâm lý muốn tìm việc nhanh, thu nhập cao, không yêu cầu điều kiện tuyển dụng; đồng thời, cung cấp danh sách các đơn vị có chức năng hoạt động dịch vụ việc làm để người lao động chủ động đối chiếu.
Cũng theo ông Trần Phi Hùng - Trưởng phòng Việc làm - Lao động - An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH, hiện trên địa bàn tỉnh có 1 trung tâm dịch vụ việc làm và 21 công ty được cấp phép hoạt động dịch vụ việc làm. Danh sách các đơn vị này được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của Sở LĐ-TB&XH để người lao động tra cứu và tìm kiếm thông tin.
Trong năm 2025 toàn tỉnh sẽ cần từ 40.000 - 50.000 lao động, trong đó, ngay trong tháng 1/2025 đã cần khoảng 6.000 lao động, trong đó, tập trung vào các nhóm ngành như sản xuất may mặc, giày da, linh kiện điện tử, các ngành sản xuất, tiêu dùng cho thị trường Tết Nguyên đán và nhu cầu sản xuất, kinh doanh đầu năm mới.
Ông Trần Phi Hùng - Trưởng phòng Việc làm - Lao động - An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH