Khát vọng đưa muối Quỳnh “vượt biển”

Cái nắng đầu mùa gay gắt, thêm vào đó là hơi mặn từ ruộng muối bốc lên rát bỏng cả da thịt. 12h trưa, những diêm dân ở làng muối Tân Thắng vẫn “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” múc nước tưới chạt, đảo xới đất. Những công việc thủ công, rất nặng nhọc, thế nhưng, thu nhập lại chẳng ăn thua, những người trong độ tuổi lao động đã tìm cách xoay chuyển sang các nghề khác: buôn bán, phụ hồ, làm công nhân… nên ở làng muối, giờ chỉ toàn người già và học sinh.

Cũng vì thế, có những năm, giá muối xuống thấp, người dân đành lòng bỏ hoang ruộng muối, gác gàu, gác chạt, cất xe cút kít vào kho. Những ô nại cỏ, rau nhót mọc đầy; những nhà kho đóng cửa im lìm; những ruộng muối thưa vắng người dẫu vào vụ chính…

Lao động cật lực, căng mình dưới nắng nóng song thu nhập diêm dân thấp, bấp bênh.
Lao động cật lực, căng mình dưới nắng nóng song thu nhập diêm dân thấp, bấp bênh.

Nghề muối đứng trước nguy cơ thất truyền, mai một. “Ruộng muối nếu chuyển sang nuôi, trồng những loại khác thì vĩnh viễn không bao giờ làm lại được muối nữa. Giá muối năm rẻ, năm đắt, làm muối vất vả, cơ cực, song diêm dân vẫn nặng nợ với nghề, vẫn muốn gắn bó với nghề. Chỉ mong hạt muối có giá hơn, đời sống diêm dân đỡ vất vả hơn”, ông Bùi Xuân Điện – Giám đốc HTX Muối Thắng Lợi (xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu) trăn trở.

Cánh đồng muối xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu).
Cánh đồng muối xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu).

Trăn trở với hạt muối quê hương đang bị các loại muối công nghiệp lấn át, xót xa trước một nghề truyền thống của cha ông đứng trước nguy cơ mai một, Trần Thị Hồng Thắm (SN 1992, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu) luôn trăn trở một điều, làm thế nào để diêm dân đỡ khổ, làm sao nâng giá trị “vàng trắng” của huyện Quỳnh Lưu. Những trăn trở ấy nhận được sự đồng hành tích cực của người chồng – “vua sáng chế” – kỹ sư Hồ Xuân Vinh.

Trần Thị Hồng Thắm chia sẻ: “Trong quá trình sản xuất muối, diêm dân chỉ thu lại muối hạt còn nước ót (phần nước nhỉ ra sau khi thu hoạch muối hạt) lại đổ bỏ, xả ra ngoài, vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường. Theo kết quả kiểm định thì đây chính là “tinh hoa của biển”, trong nước ót có đến 60 khoáng chất có lợi cho sức khỏe con người, là những gì tinh túy nhất của quá trình làm muối nên chúng tôi gọi đó là “mật muối”. Làm sao để khai thác được giá trị tài nguyên của mỏ “vàng trắng” này khiến Vinh, Thắm – những người con của quê muối đau đáu.

Hai vợ chồng Thắm - Vinh.
Hai vợ chồng Thắm - Vinh.

Mất 5 năm trời, Vinh, Thắm và cộng sự đã đi khắp các cánh đồng muối của Việt Nam, gặp nhiều chuyên gia trong ngành muối, tiếp cận với nhiều công trình nghiên cứu về muối trong nước và trên thế giới. Bản thân Vinh đã bỏ kinh phí đến một số vùng ở Bắc Âu để nghiên cứu những kinh nghiệm sản xuất muối trong điều kiện khí hậu lạnh quanh năm. Và nhất là, lắng nghe những kinh nghiệm, những hiểu biết dân gian của chính diêm dân trên cánh đồng muối kể lại, như bài thuốc muối đắng mà diêm dân miền Bắc chỉ thu hoạch được vào vụ chiêm, mùa Đông lạnh nhưng có nắng hay như cách bà con thu được hoa muối giữa trưa Hè bỏng rát.

Khi hoàn thiện quy trình công nghệ rồi, lại bắt tay vào thiết kế, sáng chế các dây chuyền thiết bị kèm theo, để sản xuất theo dây chuyền sản lượng lớn. Làm sao để phân tách được từng loại muối khoáng khác nhau từ mật muối, rồi nguyên lý nào, dùng nhiệt nóng hay nhiệt lạnh… Sau nhiều năm cố gắng tìm tòi, khám phá và đến năm 2021, đội ngũ mới hoàn thành được quy trình công nghệ và dây chuyền thiết bị đi kèm, nộp 3 bằng sáng chế và chính thức sáng tạo ra công nghệ phân tách đa tầng khoáng biển từ mật muối độc đáo của riêng mình, làm nền tảng để đi vào chế biến sâu hạt muối quê hương. “Mỗi năm, sản lượng mật muối ở Quỳnh Lưu khoảng 30.000 tấn chảy ra môi trường vừa lãng phí, vừa ô nhiễm. Nay, chúng tôi thu mua lượng mật muối đó cho bà con với giá 500-600 đồng/kg, bằng một nửa giá muối thô. Theo đó, diêm dân có thêm 50% thu nhập từ phụ phẩm của muối mà trước đây bị bỏ phí”, kỹ sư Hồ Xuân Vinh cho biết.

Để cho ra đời các sản phẩm từ mật muối, Thắm cùng cộng sự phải gặp gỡ diêm dân thuyết phục họ thay đổi tư duy làm nghề.
Để cho ra đời các sản phẩm từ mật muối, Thắm cùng cộng sự phải gặp gỡ diêm dân thuyết phục họ thay đổi tư duy làm nghề.

Và không dừng lại ở đó, thông qua dự án muối, hai vợ chồng Thắm – Vinh muốn quảng bá hạt muối phơi cát Quỳnh Lưu ra thị trường, từng bước tạo dựng thương hiệu cho muối hạt Quỳnh Lưu. “Muối phơi cát Quỳnh Lưu là dòng muối thủ công truyền thống có tính chất riêng, có hàm lượng khoáng biển đa dạng, chứa nhiều khoáng gốc magie, kali, canxi, tốt cho sức khỏe con người. Thế nhưng, đáng tiếc, muối phơi cát thủ công Quỳnh Lưu chưa được bảo hộ nhãn hiệu, chưa được quảng bá làm nổi bật giá trị. Do đó, thị trường vẫn không phân biệt được sự khác nhau giữa muối công nghiệp và muối phơi cát Quỳnh Lưu, làm cho hạt muối xứ Quỳnh bị đánh đồng, bị định giá thấp như muối công nghiệp nhập khẩu. Vậy nên, điều mà chúng tôi muốn hướng đến là tạo dựng thương hiệu và giá trị cho muối phơi cát Quỳnh Lưu”, Hồ Xuân Vinh trăn trở.

Những kho muối ở An Hoà (ảnh trên); Người dân gom nước ót để bán cho doanh nghiệp.
Những kho muối ở An Hoà (ảnh trên); Người dân gom nước ót để bán cho doanh nghiệp.

Từng bước, từng bước một, kiên trì và chắc chắn, hai vợ chồng Thắm – Vinh đang nỗ lực để cho người tiêu dùng thấy được giá trị của hạt muối phơi cát Quỳnh Lưu. Hiện đã có 4 dòng sản phẩm, với 22 sản phẩm chủ lực, có 3 sản phẩm đã được cấp chứng nhận OCOP từ hạt muối Quỳnh Lưu. Hai vợ chồng cùng cộng sự, lặn lội khắp nơi, tìm đủ mọi cách để các sản phẩm chế biến từ muối Quỳnh có mặt tại các kệ hàng, các siêu thị, các gian hàng trưng bày trong các đợt hội chợ, hội thảo.

Và “quả ngọt” cho sự kiên trì ấy là các sản phẩm từ muối Quỳnh bước đầu được người tiêu dùng đón nhận tích cực. “15.000 sản phẩm được bán ra trong 6 tháng, vấn đề không nằm ở doanh thu hay lợi nhuận mà điều mà chúng tôi thấy hạnh phúc nhất đó là niềm tự hào, là hồn cốt của những đồng muối quê hương được nhiều người biết đến”, Hồ Xuân Vinh cho biết.

Một số quy trình trong sản xuất muối dinh dưỡng từ mật muối: Mật muối được mua về, kiểm nghiệm khoáng chất; sau đó lọc sạch tạp chất để đưa vào chế biến.
Một số quy trình trong sản xuất muối dinh dưỡng từ mật muối: Mật muối được mua về, kiểm nghiệm khoáng chất; sau đó lọc sạch tạp chất để đưa vào chế biến.

Khi những sản phẩm chế biến từ muối Quỳnh dần có chỗ đứng trên thị trường cũng là lúc Thắm, Vinh và cộng sự mà tôi gọi họ là “diêm dân thế hệ mới” đang hướng tới việc xuất khẩu muối ra thị trường các nước. Bởi như Vinh chia sẻ, muối là nhu cầu thiết yếu của con người, là mặt hàng xuyên quốc gia, có tính quốc tế. Lịch sử nhân loại cũng chứng kiến sự giao thoa văn hóa, kinh tế bằng các con đường tơ lụa, con đường trên biển của các quốc gia khi giao thương muối ăn với nhau. Nên thị trường muối là thị trường toàn thế giới. Muối phơi cát truyền thống Quỳnh Lưu là loại muối độc đáo, đặc biệt, sử dụng phương pháp phơi cát để sản xuất, có chi phí rẻ, nên đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm trên thế giới. Việc chế biến sâu các sản phẩm từ muối dựa trên muối phơi cát truyền thống đảm bảo mọi điều kiện an toàn vệ sinh và chất lượng thì việc hướng đến xuất khẩu là tương lai gần.

Đóng gói sản phẩm muối.
Đóng gói sản phẩm muối.

Và để chuẩn bị cho một tương lai gần, tương lai tươi sáng cho hạt muối xứ Quỳnh, đưa nghề muối trở nên thịnh vượng và bền vững thì họ – những diêm dân thế hệ mới ấy đang nỗ lực không ngừng để hiện thực hóa giấc mơ đưa hạt muối Quỳnh “vượt biển”.

Và mới đây nhất, Vinh, Thắm và cộng sự tiếp tục mở ra một câu chuyện khác cho làng muối quê hương, đó là tạo dựng làng muối ở An Hòa thành điểm đến trong hành trình du lịch tại Nghệ An. Là khát khao đưa địa danh An Hòa lên bản đồ du lịch. “Du khách khi đến với làng nghề muối ở An Hòa, cùng ăn, cùng ở, cùng trải nghiệm quy trình làm muối với người dân địa phương. Thời gian lưu trú của họ cũng sẽ tăng lên, kéo theo các dịch vụ khác phát triển. Đặc biệt, các sản phẩm của làng nghề muối từ đó được biết đến nhiều hơn, thương hiệu muối phơi cát Quỳnh Lưu cũng nhờ thế có sức lan tỏa lớn hơn”, Hồ Xuân Vinh bộc bạch.