Khát vọng phát triển du lịch miền Tây

Công Kiên 30/12/2023 14:41

(Baonghean.vn) - Miền Tây Nghệ An tiếp tục được quan tâm định hướng phát triển du lịch với các chương trình, dự án nhằm mang lại thu nhập và nâng cao mức sống cho người dân theo tinh thần Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tiềm năng

Miền Tây Nghệ An có nguồn tài nguyên du lịch khá đa dạng. Về tài nguyên thiên nhiên có rừng nguyên sinh Pù Mát, Pù Huống, Pù Hoạt, có đỉnh Puxailaileng (2.720 m) là “nóc nhà” của Nghệ An, có các thác nước đẹp và hấp dẫn…

Bên cạnh những tiềm năng do thiên nhiên ban tặng, vùng núi cao miền Tây Nghệ An còn có thể khai thác phát triển du lịch từ các yếu tố văn hóa dày dặn bản sắc của các dân tộc Thái, Thổ, Mông, Khơ Mú…

bna-1-6068.jpg
Thung lũng Mường Lống (Kỳ Sơn). Ảnh tư liệu Nhật Thanh

Trong định hướng phát triển du lịch vùng miền Tây Nghệ An sẽ phát triển các loại hình du lịch sinh thái, khám phá, trải nghiệm; du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp.

Thời gian qua, ngành du lịch đã tổ chức khảo sát, xây dựng các sản phẩm du lịch, trong đó có sản phẩm du lịch mạo hiểm "Chinh phục đỉnh Puxailaileng"; du lịch sinh thái trải nghiệm từ đập Phà Lài đi bản Cò Phạt (Con Cuông); tour caravan “Khám phá cung đường miền Tây Nghệ An”; khảo sát xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Pù Mát, đặc biệt là xây dựng và phát triển các điểm du lịch cộng đồng.

bna-8-3006.jpg
Rừng săng lẻ (Tương Dương) nhìn từ trên cao. Ảnh tư liệu Đình Tuyên

Trong đó, hai loại hình du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng phát triển mạnh, làm nên thương hiệu của miền Tây Nghệ An. Những điểm đến như Khu du lịch sinh thái Phà Lài, thác Khe Kèm, Vườn quốc gia Pù Mát (Con Cuông), rừng săng lẻ (Tương Dương), quần thể thác 7 tầng (Quế Phong) và các bản làng như bản Hoa Tiến (Quỳ Châu), bản Nưa, Khe Rạn (Con Cuông) hay Mường Lống (Kỳ Sơn)… đã trở nên quen thuộc với nhiều du khách trong nước và có cả du khách nước ngoài.

bna-2-6361.jpg
Điểm đến rừng săng lẻ ở xã Yên Hòa (Tương Dương). Ảnh tư liệu Đình Tuyên

Bên cạnh du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, miền Tây Nghệ An đã có thêm loại hình du lịch canh nông. Đó là những điểm đến ở vùng đất đỏ Nghĩa Đàn như Thung lũng hoa Phủ Quỳ, Trương Gia Farm (Nghĩa Long) và Khu du lịch Hòn Mát (Nghĩa Lộc); huyện Thanh Chương có Khu du lịch sinh thái HDT, đảo Chè Thanh An...

bna-7-2530.jpg
Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm phục vụ phát triển du lịch ở Con Cuông. Ảnh tư liệu Xuân Nhường

Hướng đến mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm để thu hút khách, ngành Du lịch Nghệ An đang triển khai xây dựng và hoàn thiện hai sản phẩm du lịch mạo hiểm là “Chèo thuyền kayak - đi bộ, leo núi (trekking) - đạp xe địa hình leo núi (mountain biking) từ đập Phà Lài (bản Xiềng) đi bản Cò Phạt (xã Môn Sơn - Con Cuông)” và “Chinh phục đỉnh Puxailaileng” (xã Na Ngoi - Kỳ Sơn).

Hướng đi

Xác định phát triển du lịch miền Tây có những khó khăn: Khoảng cách giữa các điểm du lịch tại các huyện xa nhau, hạ tầng du lịch chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, thiếu nguồn lao động được đào tạo, văn hóa có nơi bị mai một... nên ngành Du lịch Nghệ An đã triển khai một số giải pháp để phát huy tiềm năng du lịch khu vực này.

bna-5-7495.jpg
Du khách trải nghiệm nghề đan võng gai dân tộc Thổ ở Nghĩa Đàn. Ảnh: Công Kiên

Đó là đa dạng các sản phẩm du lịch và chú trọng sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, mạo hiểm, du lịch nông nghiệp nhằm khai thác tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch văn hóa tại các huyện miền Tây.

bna-3-729.png
Chinh phục đỉnh Puxailaileng. Ảnh tư liệu Đình Tuyên

Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, trong đó ưu tiên hạ tầng giao thông kết nối từ các tuyến quốc lộ vào các điểm khai thác du lịch. Kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư các dự án về du lịch (khu nghỉ dưỡng, khu trải nghiệm…) ở hai tuyến Quốc lộ 7A và Quốc lộ 48 để tạo điểm thu hút khách, từ đó lan tỏa ra toàn vùng.

bna-6-9822.jpg
Du khách trải nghiệm tại Farmstay Nhật Minh (Quế Phong). Ảnh: Công Kiên

Quan tâm công tác bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó hình thành sản phẩm du lịch cộng đồng đa dạng hơn. Chú trọng bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, trong đó có người dân tham gia hoạt động du lịch. Tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, đón các đoàn Farmtrip đến khảo sát xây dựng các chương trình du lịch kết nối các điểm đến miền Tây Nghệ An nói riêng và các điểm du lịch trong tỉnh nói chung.

bna-4-3060.jpg
Tháp cổ ở bản Yên Hòa, xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn). Ảnh tư liệu Sách Nguyễn

Đẩy mạnh khai thác tuyến du lịch quốc tế qua Cửa khẩu Nậm Cắn (Kỳ Sơn) nhằm kết nối từ Lào qua cửa khẩu đến các địa phương miền Tây Nghệ An.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 39 NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngành Du lịch đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển hoạt động du lịch ở các huyện miền Tây. Trên cơ sở tiềm năng sẵn có, ngành sẽ khai thác tài nguyên, phát triển các loại hình du lịch mới, xây dựng và hoàn thiện sản phẩm mới để thu hút du khách, góp phần hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng, xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

ÔNG NGUYỄN MẠNH CƯỜNG - GIÁM ĐỐC SỞ DU LỊCH

Mới nhất

x
Khát vọng phát triển du lịch miền Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO