Sinh ra và lớn lên ở bản Hòa Sơn (xã Tà Cạ, Kỳ Sơn), chàng trai dân tộc Thái Vi May Môn cũng như bao 9X khác là được xuống phố theo học đại học, cao đẳng, thoát ly để có cuộc sống đỡ vất vả hơn. Học dở năm thứ 3, vì hoàn cảnh gia đình, Môn đã bảo lưu kết quả và đi sang Lào làm công ăn lương. Sau nhiều năm bôn ba làm ăn xa, khi có chút vốn trong tay, Môn trở về quê nhà, tìm cách lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.
“Tôi là người ham du lịch, ham khám phá, trải nghiệm. Tôi từng đi nhiều nơi, tìm hiểu nhiều, biết cũng kha khá. Nhận thấy, các nơi khác, tiềm năng không bằng quê mình mà họ vẫn thu hút được rất đông du khách, sống tốt bằng chính du lịch canh nông, cộng đồng”, Môn trải lòng.
Bản Hòa Sơn nơi Môn sinh ra và lớn lên phong cảnh rất hữu tình, nên thơ. Đó là những thửa ruộng bậc thang quanh co, uốn lượn, đẹp như tranh vẽ; đó là đỉnh Pu Nghiêng với hệ thực vật đa dạng, đó là khe Huồi Giảng như một bể bơi tự nhiên khổng lồ. Đặc biệt, bản Hòa Sơn chỉ cách thị trấn Mường Xén hơn 1Km, đường vào bản đã được đổ bê tông rộng rãi, sạch sẽ rất thuận tiện cho sự di chuyển của du khách. Thêm vào đó, nhờ có dãy Pu Nghiêng bao bọc, bản Hòa Sơn như một thung lũng với khí hậu mát mẻ, chênh lệch nhiệt độ ở bản với Thị trấn lên đến 7-10 độ C. Từ năm 2023, huyện Kỳ Sơn đã chọn Hòa Sơn để triển khai mô hình trồng rau sạch. Những vườn rau canh tác tự nhiên, dẫn nước khe tự chảy vào tận chân ruộng tạo nên những khu vườn rau đủ loại, xanh mướt mát không khác gì ở Đà Lạt hay SaPa, Mộc Châu hoặc Pù Luông… “Hòa Sơn hội tụ đủ yếu tố để phát triển du lịch canh nông, tạo điểm đến cho du khách khi đến với Kỳ Sơn. Thế nhưng, để bắt tay vào thực hiện không phải là điều dễ dàng…”, Môn cho hay.
Đầu năm 2023, Môn cải tạo hơn 1ha đất sản xuất nông nghiệp của gia đình, phân thành các khu chức năng: trồng hoa, dựng chòi trú nắng, tạo các điểm check-in để phục vụ khách… Môn cũng không ngờ, chỉ trong một thời gian ngắn mở cửa lại thu hút rất đông du khách. Có những ngày, lượng khách lên đến cả nghìn người. “Tôi chỉ thu vé thử nghiệm trong vòng 1 tuần, sau đó, mở cửa tự do đón khách. Khách đến với Pu Nghiêng đông ngoài dự đoán, khách nội huyện có, ở xuôi lên cũng nhiều và cả từ Lào sang”, Môn phấn khởi.
Sau thời gian thử nghiệm, hiện Môn đã có sẵn những kế hoạch và dự định cho việc phát triển du lịch canh nông của mình. Song, với Môn, làm sao để những tiềm năng về tự nhiên, về cảnh sắc, về con người, về văn hóa, về phong tục tập quán của bà con ở Hòa Sơn được khai thác phục vụ du lịch, biến thành tiền, tạo sinh kế cho chính bà con nhưng không phá vỡ những gì vốn thuộc về tự nhiên, về bản sắc luôn khiến Môn trăn trở.
Do đó, Môn dự định sẽ liên kết với các hộ dân xung quanh trồng lúa bậc thang, tôn tạo bờ vùng, bờ thửa to, đẹp để vừa phục vụ du lịch, vừa có thu hoạch từ lúa. Đồng thời, phối hợp với các hộ trồng rau sạch ở Tà Cạ, xây dựng một số sản phẩm đặc trưng, gắn các biển tên vườn rau, xây dựng vườn đẹp để thu hút khách tham quan, trải nghiệm và mua rau đặc sản về làm quà. Điều này, tạo ra lợi ích kép cho các hộ trồng rau: vừa thêm kênh tiêu thụ rau sạch, vừa quảng bá rau sạch và vừa có nguồn thu từ việc phục vụ khách du lịch.
Hộ ông Vi Văn Dũng (bản Hòa Sơn) đã cải tạo hơn 2.000 m2 vườn trồng rau sạch. Mùa nào thức nấy, các loại rau được chăm sóc thuần tự nhiên, hữu cơ và theo chuẩn VietGAP; vườn cũng được phân vùng, giữa các thửa lát sỏi để tiện cho đi lại… Vụ Xuân vừa rồi, gia đình ông đã có nguồn thu khoảng 20 triệu đồng từ bán rau sạch cho thương lái.
Khởi đầu cho ý tưởng đó, với sự hỗ trợ của Hội Nông dân, mô hình hợp tác xã nông nghiệp du lịch do May Môn làm chủ đã hội tụ 10 thành viên, là những hộ dân trong bản. Họ hợp tác với nhau, xây dựng những thửa ruộng bậc thang, làm những vườn rau sạch để thu hút du khách; cung ứng thực phẩm sạch, làm dịch vụ ăn uống phục vụ khách du lịch; trở thành những hướng dẫn viên bản địa để giới thiệu cho du khách về bản làng, về khe suối, về văn hóa Thái, ẩm thực Thái… “Chúng tôi đã bàn bạc với nhau, với diện tích đất sẵn có của mỗi hộ, chỗ nào sẽ trồng hoa, chỗ nào sẽ trồng rau củ quả; chỗ nào thả sen, thả súng; chỗ nào nuôi ốc bươu, vịt bầu…”, Vi May Môn chia sẻ.
Na Ngoi là xã vùng sâu, vùng xa của huyện miền núi Kỳ Sơn được xem là thủ phủ trồng đào lớn nhất ở Nghệ An. Nằm ở độ cao 1.600m so với mực nước biển, khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất này rất phù hợp với cây đào. Ngoài cây đào rừng, đào đá bản địa, những năm gần đây, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư trồng đào huyền mang lại thu nhập cao, mở hướng đi mới cho vùng trồng đào Na Ngoi…
Anh Lầu Bá Hạ – chàng trai dân tộc Mông sinh năm 1994 ở bản Ka Nọi (xã Na Ngoi) là người tiên phong trong việc đưa cây đào huyền về trồng trên đất rẫy. “Trồng đào đá, đào rừng thì phải 5-10 năm mới có thu hoạch nên thu nhập không cao. Trong khi đó, xu thế của thị trường là chơi đào dáng huyền ngày càng tăng, dễ tiêu thụ và bán được giá. Thế nên, tôi nghĩ đến việc đưa giống đào này về trồng thử nghiệm trên đất rẫy…”, Lầu Bá Hạ cho biết. Để đưa giống đào bích, đào phai có nguồn gốc từ các tỉnh phía Bắc về trồng trên nương rẫy Na Ngoi, Lầu Bá Hạ đã phải “tầm sư học đạo” ở Bắc Giang cả năm trời. Sau đó, anh liên kết với anh Trần Văn Thành – một người có kinh nghiệm trồng đào thế ở Bắc Giang vào Kỳ Sơn cải tạo rẫy trồng đào.
“Trồng đào dáng huyền khá công phu, vất vả. Cây đào phải trồng phôi từ nhỏ nuôi thành cây thẳng cao 4-5m trong vòng 2-3 năm. Sau đó là tạo tán, uốn dáng. Để có dáng huyền, mỗi cây đào phải uốn khoảng một năm mới vào dáng. Thông thường sẽ có những bước cơ bản như chôn cọc cố định, chọn chiều cao của cây để tiến hành uốn. Khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất này rất phù hợp với trồng đào, cây đào phát triển tốt, hoa to, đẹp, bền màu”, anh Trần Văn Thành, người liên kết trồng đào với anh Lầu Bá Hạ chia sẻ.
So với đào trồng bản địa thì đào huyền vất vả, công phu hơn nhiều, phải bám đồi từ khi xuống giống cho đến khi có thu hoạch, mỗi thời điểm là một công đoạn khác nhau. “Làm cỏ, vun gốc thì thuê lao động thời vụ ở địa phương. Song tạo tán, uốn dáng, thế thì chỉ có 2 anh em làm, khi cao điểm phải thuê thợ ở Bắc Giang, Sơn La vào. Vất vả, công phu nhưng bù lại, giá trị kinh tế từ cây đào huyền mang lại cao gấp 3 lần so với trồng đào bản địa. Mỗi gốc đào, nếu chăm sóc tốt, đảm bảo kỹ thuật thì tối đa khai thác được 10-12 lần từ chồi mọc lên”, anh Lầu Bá Hạ chia sẻ.
Theo đó, Tết năm 2023, vườn đào huyền của anh Hạ xuất bán lứa đầu tiên với 100 cành, mang về doanh thu 300 triệu đồng. Nay, trên diện tích 5ha, anh Hạ trồng gần 6.000 gốc theo hình thức gối vụ. Có đồi đến Tết 2024 này sẽ cắt bán được, có đồi thì khoảng 2 năm tuổi, có đồi mới chỉ vài tháng tuổi. Theo kế hoạch của anh Hạ, thời gian tới, anh sẽ mở rộng diện tích trên đất rẫy của gia đình, mượn thêm đất của xã hoặc liên kết với các hộ dân khác trong bản, trong xã để trồng đào huyền. Bởi theo anh, để trở thành hàng hóa thì phải có một vùng trồng đủ rộng, thu hút thương lái đến mua, hiện nhu cầu thị trường cao, trong khi giao thông thuận lợi, ở địa phương đang còn nhiều diện tích đất phù hợp cho trồng đào.
Anh Lầu Bá Chỏ, Phó Chủ tịch UBND xã Na Ngoi thông tin, với điều kiện tự nhiên về đất đai đồi rừng, khí hậu thuận đặc thù miền núi rất phù hợp cho cây đào sinh trưởng, phát triển và tạo nên vẻ đẹp, thương hiệu hoa đào riêng. Nghề trồng đào đã có ở địa phương từ rất lâu nhưng trước đây chủ yếu bà con trồng theo quy mô nhỏ lẻ để chơi Tết hoặc bán trong vùng. Khoảng mươi năm lại nay, các hộ dân trên địa bàn mới bắt đầu trồng đào thương phẩm. Đến nay ở tất cả các bản đều có diện tích trồng đào, trong đó, tập trung ở Ka Nọi, Tổng Khư và bản Ka Trên.
Toàn xã có gần 400ha đào với hàng trăm hộ trồng đào, chủ yếu là đào cắt cành bán vào dịp tết, chỉ số ít đào lấy quả. Trong đó, chủ yếu là giống đào đá, đào mốc mà người dân quen gọi là “đào rừng”, chặt cành để bán với giá từ dăm trăm nghìn đến cả chục triệu đồng/cành. Tuy nhiên, thời gian để cây đào đá hình thành u, cục, bám đầy rêu mốc bán “được giá” thì phải cả chục năm trời. Do đó, doanh thu và lợi nhuận không cao.
Việc anh Lầu Bá Hạ tiên phong đưa các loại đào phai, đào bích cánh kép và đào thế dáng huyền vào trồng thử nghiệm đã mở ra hướng đi mới cho vùng đất trồng đào ở Na Ngoi. Ước tính, vào độ tuổi thu hoạch, trung bình 1 ha đào mang lại nguồn thu từ 200 – 300 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng các loại cây khác. Việc đổi mới phương thức sản xuất, đưa cây trồng có giá trị kinh tế cao như cây đào gắn sản xuất nông nghiệp với du lịch cộng đồng đang là hướng đi được chính quyền xã Na Ngoi hướng tới.
Đi giữa vườn đào huyền xanh mướt mát, ánh mắt chàng trai dân tộc Mông lấp lánh niềm tin. Lầu Bá Hạ hy vọng, những đất trống, đồi núi trọc, những nương rẫy của dân bản rồi đây sẽ phủ xanh đào phai, đào bích, đào dáng huyền. Thu nhập trăm triệu mỗi năm/1ha đào sẽ không còn xa xôi với bà con. Rồi đây, Na Ngoi sẽ không chỉ được biết đến bởi đỉnh Puxailaileng – “nóc nhà” của dãy Trường Sơn hùng vĩ, mà còn được biết đến bởi là “thủ phủ” của đào như Nhật Tân (Hà Nội), Bắc Giang…
Cuộc sống của người dân vùng rẻo cao hiện vẫn còn khó khăn nhưng chính những 9X như Vi May Môn, Lầu Bá Hạ đã “thắp sáng” tương lai cho mỗi bản làng. Chính sự tiên phong của họ đã mở ra sinh kế mới cho bà con…