Khép lại vụ 'ly hôn' ồn ào Anh-EU

Hoàng Bách 26/12/2020 07:01

(Baonghean.vn) - Sau nhiều tháng ròng rã diễn ra hàng loạt cuộc đàm phán, Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU) rốt cuộc cũng đã đạt được một thỏa thuận thương mại hậu Brexit, chỉ vỏn vẹn 7 ngày trước khi xứ sương mù rời khỏi một trong những khối thương mại lớn nhất thế giới.

Bước đột phá này đã giúp tránh được kịch bản “không thỏa thuận” mà nhiều người lo sợ sẽ xảy ra, đe dọa làm bùng lên những mớ rối ren về kinh tế và gây gián đoạn mạnh đến dòng chảy hàng hóa và thuốc men…

Ánh sáng cuối đường hầm

“Thỏa thuận đã hoàn thành” - đó là nội dung tuyên bố được Phố Downing đưa ra vào chiều ngày 24/12, và sau đó nhanh chóng nhận được sự xác nhận từ Brussels. Cả châu Âu đã nhận được món quà Giáng sinh được chờ đợi bấy lâu nay, thậm chí có lúc tưởng chừng tia hy vọng đã vụt tắt khi kim đồng hồ cứ nhích dần về hạn chót 31/12. Phát biểu ngay sau khi thông tin chính thức được công bố, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định, thỏa thuận vừa đạt được là một “thỏa thuận tốt” đối với “toàn thể châu Âu” - một thỏa thuận biểu thị “một trạng thái ổn định mới và chắc chắn mới trong một mối quan hệ đôi lúc còn lắm khó khăn và gian nan”.

Thủ tướng Anh Boris Johnson tổ chức họp báo về kết quả đàm phán Brexit tại Phố Downing, London hôm 24/12. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Anh Boris Johnson tổ chức họp báo về kết quả đàm phán Brexit tại Phố Downing, London hôm 24/12. Ảnh: Reuters

Lặp lại giọng điệu mang đậm màu sắc dân tộc chủ nghĩa từng xuất hiện hết sức rõ nét trong chiến dịch vận động trưng cầu ý dân về Brexit, nhà lãnh đạo xứ sở sương mù nói: “Chúng ta đã lấy lại quyền kiểm soát đối với các luật lệ và vận mệnh của mình… từ ngày 1/1, chúng ta nằm ngoài liên minh thuế quan và nằm ngoài thị trường đơn nhất; luật pháp của Anh sẽ chỉ do Quốc hội Anh tạo ra, được diễn giải bằng các thẩm phán Anh ngồi tại các tòa án của Anh; và quyền tài phán của Tòa Công lý châu Âu sẽ chấm dứt”.

Ông Johnson cũng quả quyết rằng, Anh đã đạt được một thỏa thuận thương mại “kiểu Canada” trị giá 660 tỷ bảng Anh (tương đương 893 tỷ USD) và đề cập đến thỏa thuận về nghề cá - một điểm then chốt gây tranh cãi trong các vòng đàm phán - khẳng định rằng Anh đã giành lại “quyền kiểm soát trọn vẹn” đối với các vùng biển của họ.

Ở bên kia “chiến tuyến”, sau thông tin dàn xếp ổn thỏa những khúc mắc trong vụ “ly hôn” chấn động, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen bày tỏ sự nhất trí rằng, EU đã đạt được một thỏa thuận thương mại hậu Brexit công bằng và cân đối. Tuy vậy, tại một buổi họp báo, bà vẫn “bóng gió” rằng trong các cuộc đàm phán, khối nước của bà vẫn “trên cơ” so với đối phương: “Như chúng ta biết đấy, trong bất cứ trường hợp nào, nếu xảy ra Brexit cứng, thì đó không phải là điều tốt đối với cả đôi bên, nhưng nó sẽ gây tổn hại cho Vương quốc Anh nhiều hơn Liên minh châu Âu với toàn thể sức mạnh của 450 triệu công dân. Và vì thế, từ một vị thế mạnh mẽ, chúng tôi đã đủ khả năng đưa ra bản thỏa thuận toàn diện nhất từng có”.

Chủ ticịch  ỦY ban châu Âu Ursula von der Leyen (phải) phát biểu sau khi đạt thỏa thuận EU-Anh tại Brussels hôm 24/12. Ảnh: AP
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (phải) phát biểu sau khi đạt thỏa thuận EU-Anh tại Brussels hôm 24/12. Ảnh: AP

Bỏ lại quá khứ, hướng tới tương lai

Giờ đây, việc các nhà lãnh đạo EU, nghị viện châu Âu và Chính phủ Anh đều sẽ cần phải làm là phê chuẩn thỏa thuận vừa đạt được. Trước hết, nguyên văn nội dung pháp lý của thỏa thuận sẽ được chuyển ngữ, xem xét và phê duyệt bởi toàn bộ 27 quốc gia thành viên EU. Được biết, nhìn chung đa phần các nhà lãnh đạo này đều tỏ ý hoan nghênh tin tức nóng hổi của tuần này. Đơn cử, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu rằng “sự đoàn kết và kiên quyết của châu Âu đã được đền đáp”, đồng thời đánh giá thỏa thuận vừa đạt là “cần thiết”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney hoan nghênh thực tế là Thỏa thuận Ngày thứ Sáu Tốt lành sẽ được bảo vệ và khẳng định đó là một “khởi đầu mới mẻ” đối với các quan hệ của Anh. Còn Thủ tướng Bỉ Alexander de Croo tuyên bố, điều duy nhất quan trọng đối với ông là bảo đảm sự bảo vệ tốt nhất đối với các lợi ích kinh tế của Bỉ. Ông khẳng định: “Chúng tôi phải bảo vệ các công ty của Bỉ khỏi sự cạnh tranh không công bằng của Anh. Những thông tin ban đầu có vẻ như báo hiệu rằng thỏa thuận này sẽ trao cho chúng tôi sự bảo đảm cốt yếu ấy”.

Khi toàn bộ các quốc gia thành viên đã đặt bút ký vào thỏa thuận, thì văn bản này sẽ được chuyển trở lại cho Nghị viện châu Âu, tại đây các thành viên nghị viện sẽ bỏ phiếu để phê chuẩn thỏa thuận. Tuy nhiên, Nghị viện châu Âu đã lên tiếng cho biết, hiện không kịp tổ chức cuộc họp khẩn để tiến hành bỏ phiếu trước khi kết thúc thời gian chuyển giao vào ngày 31/12. Thay vào đó, họ dự định “tạm thời” áp dụng thỏa thuận EU-Anh, và các thành viên của Nghị viện sẽ chính thức nhóm họp để phê chuẩn thỏa thuận vào dịp Năm mới. Tại Vương quốc Anh, các nhà lập pháp sẽ trở lại sau kỳ nghỉ Giáng sinh để bàn thảo về nội dung trên vào ngày 30/12. Hôm 24/12 vừa rồi, đảng Lao động đối lập tuyên bố họ sẽ chấp thuận và bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận thương mại.

Nhiều quan điểm cho rằng, dù thỏa thuận thương mại mà 2 bên đi đến thống nhất trong tuần này đánh dấu một mốc quan trọng trong quãng đường 4 năm rưỡi qua, kể từ khi Anh bỏ phiếu rời EU, song nó vẫn khó bề khép lại nhiều năm ròng tranh cãi về chính trị nhiều ẩn họa tại xứ sương mù. Các nhà lập pháp theo quan điểm hoài nghi châu Âu hiện đang tổ chức các nỗ lực hòng bảo đảm rằng, thỏa thuận không chừa chỗ để Anh quay trở lại quỹ đạo của EU. Sau thông báo hôm thứ Năm, ông Johnson đã phải củng cố lại quan điểm ủng hộ rời khối nước của mình, khẳng định rằng dù EU đã và đang là một “khái niệm phi thường”, nhưng “mối quan hệ của riêng nước Anh với khối nước này luôn gặp nhiều khó khăn”. Ông cũng nhấn mạnh: “Chương trình hội nhập hết sức dày đặc không phù hợp với Vương quốc Anh, và đó là lý do tại sao việc lấy lại quyền kiểm soát theo cách chúng ta đã làm là đúng. Tôi nghĩ thỏa thuận này thể hiện điều mà người dân của đất nước bỏ phiếu ủng hộ năm 2016 và tôi nghĩ điều mà họ đã quyết là khôn ngoan”.

Anh và EU đã đạt được thỏa thuận thương mại lịch sử hậu Brexit sau chuỗi ngày "đàm phán marathon" với thời gian dài kỷ lục. Ảnh: AP

Trong khi đó, những tiếng nói ủng hộ châu Âu lại tràn trề hy vọng rằng, vào một thời điểm nào đó trong tương lai, nước Anh - có thể dưới thời ban lãnh đạo mới - sẽ có khả năng củng cố các quan hệ với Brussels.

Trở lại với bên kia bàn đàm phán, đại diện châu Âu Von Der Leyen xác nhận rằng, có thể một bộ phận nào đó ở Vương quốc Anh đã phải trải qua một ngày khó khăn, nhưng với châu Âu, họ đã sẵn sàng tạo ra con đường riêng của mình. Trích lời nhà thơ T.S. Eliot, bà nói: “Điều mà chúng ta gọi là khởi đầu, thường là sự kết thúc, và tạo ra kết thúc, là mở ra một khởi đầu mới”. Với tâm thế đó, bà gửi gắm đến toàn thể người dân châu Âu, rằng đã đến lúc bỏ lại sau lưng câu chuyện Brexit hao tốn nhiều giấy mực, để dành sức tập trung cho tương lai, điều vốn dĩ được kiến tạo ngay trong lòng châu Âu.

Những điểm chính trong thỏa thuận:

* Không có thuế quan và hạn ngạch đối với hàng hóa;
* Chấm dứt việc tự do đi lại, tức công dân Anh sẽ không còn quyền làm việc, sinh sống, học tập, hoặc khởi nghiệp tại EU nếu không có thị thực;
* Sẽ áp dụng kiểm tra biên giới giữa Anh với các quốc gia thành viên EU;
* Sẽ không có biên giới cứng trên đảo Ireland giữa Cộng hòa Ireland với Bắc Ireland;
* Anh sẽ được phát triển hơn nữa các hoạt động đánh bắt cá của mình trong ít nhất 5 năm rưỡi; suốt thời gian này các cộng đồng ngư dân của châu Âu sẽ được bảo vệ;
* Cùng cam kết bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và định mức carbon;
* Cùng cam kết bảo vệ các quyền xã hội và lao động;
* Duy trì các tiêu chuẩn về minh bạch thuế;
* Các quyền lợi của hành khách và người lao động trong lĩnh vực vận tải;
* Anh tiếp tục tham gia nhiều chương trình của EU cho đến năm 2027, chẳng hạn Horizon Europe, tuân thủ nghĩa vụ về tài chính của Anh.

Mới nhất

x
Khép lại vụ 'ly hôn' ồn ào Anh-EU
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO