Khi học bạ không còn là 'ưu thế' với sỹ tử lớp 12

Mỹ Hà 23/01/2024 10:59

(Baonghean.vn) - Việc xét tuyển bằng học bạ được xem là cứu cánh cho nhiều học sinh lớp 12 khi tuyển sinh vào đại học. Tuy nhiên, năm nay, lợi thế này đang ngày càng thu hẹp khi nhiều trường đại học không còn sử dụng phương thức này để ưu tiên xét tuyển.

Trường tốp đầu không “mặn mà” với xét tuyển học bạ

Là một trong những trường sớm công bố phương án tuyển sinh năm 2024, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng nằm trong số những trường đầu tiên bỏ phương án xét tuyển bằng học bạ. Năm nay, với 6.200 chỉ tiêu, trường sử dụng 3 phương thức xét tuyển: Xét tuyển thẳng 2% chỉ tiêu; xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT là 18%; 80% chỉ tiêu còn lại dành cho phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường.

bna-phuong-an-tuyen-sinh-nam-2024-doi-hoi-thi-sinh-phai-can-trong-khi-dang-ky-4287.jpg
Phương án tuyển sinh năm 2024 đòi hỏi thí sinh phải cẩn trọng khi đăng ký. Ảnh: Mỹ Hà

Đáng chú ý, với phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án riêng, nhà trường chia thí sinh thành 2 nhóm, rút gọn so với 5 nhóm của năm 2023. Trong đó, nhóm 1 là những thí sinh đăng ký xét tuyển bằng điểm bài thi SAT (bài thi đánh giá năng lực của Mỹ) hoặc ACT (bài thi chuẩn hóa năng lực đầu vào đại học của Mỹ), điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy hoặc kết hợp điểm chứng chỉ tiếng Anh với một trong ba loại điểm thi nói trên (50% chỉ tiêu). Nhóm còn lại là những thí sinh sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (30% chỉ tiêu).

Như vậy, với phương thức này, năm nay Trường Đại học Kinh tế Quốc dân không còn sử dụng điểm học tập THPT (điểm học bạ) để xét tuyển (năm ngoái, trường ưu tiên tuyển thí sinh là học sinh hệ chuyên các trường THPT chuyên toàn quốc, học sinh hệ chuyên các trường THPT trọng điểm quốc gia, có điểm trung bình chung học tập 6 học kỳ từ 8,0 điểm trở lên kết hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 thuộc các tổ hợp xét tuyển của trường). Việc thay đổi phương án xét tuyển này, khiến nhiều học sinh, nhất là học sinh ở các trường chuyên rơi vào thế “bị động”.

Đại học Ngoại thương cũng là một trong những trường được nhiều học sinh Nghệ An đăng ký tuyển sinh. Năm nay, theo phương thức xét tuyển vừa công bố, trường vẫn giữ nguyên sự ổn định như năm 2023 với 6 phương thức. Đồng thời, nhà trường vẫn ưu tiên xét tuyển kết quả học tập THPT (học bạ) cộng với chứng chỉ năng lực quốc tế dành cho thí sinh hệ chuyên, hệ không chuyên của các trường THPT hoặc một số điều kiện khác (tùy theo ngành nghề đào tạo). Tuy nhiên, có một điểm mới đáng chú ý của năm 2024 là ở các phương thức xét tuyển có sử dụng kết quả học tập THPT đã được Trường Đại học Ngoại thương thêm điều kiện là điểm thi tốt nghiệp THPT của thí sinh phải đảm bảo mức sàn của trường là 24 điểm trở lên.

bna-hoc-sinh-tim-hieu-ve-phuong-thuc-xet-tuyen-cua-cac-truong-dai-hoc-8702.jpg
Học sinh tìm hiểu về phương thức xét tuyển của các trường đại học. Ảnh Mỹ Hà

Cụ thể, với phương thức 1 và 2, năm 2024, thí sinh phải đáp ứng thêm điều kiện có tổng điểm các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của một trong các tổ hợp môn xét tuyển của trường (bao gồm cả điểm ưu tiên khu vực và đối tượng) đạt từ 24 điểm trở lên.

Trao đổi thêm về “tiêu chí phụ” trong mùa tuyển sinh năm nay, tại buổi tư vấn tuyển sinh cho học sinh Nghệ An ở Trường Đại học Vinh, PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường Đại học Ngoại thương cho biết: Đây là một cách để nâng cao chất lượng đầu vào, qua đó trường có thể lựa chọn những thí sinh tốt nhất được xét tuyển. Bên cạnh đó, việc bổ sung thêm điều kiện cần về đảm bảo điểm sàn thi tốt nghiệp THPT trong xét tuyển chung của trường có thể xem là một phương thức để nhà trường đối sánh kết quả thi tốt nghiệp THPT và kết quả học tập THPT.

Qua thực tế tuyển sinh nhiều năm, đại diện Trường Đại học Ngoại thương cũng đưa ra lời khuyên: Các thí sinh không cần quá áp lực với tiêu chí mới này bởi lẽ nếu học sinh có năng lực, chăm chỉ học tập, ôn thi kỹ càng thì việc có điểm thi tốt nghiệp 3 môn từ 24 điểm trở lên là điều không quá khó.

Tại Trường Đại học Vinh, năm nay nhà trường vẫn dành 20% phương thức xét tuyển theo kết quả học bạ bằng với chỉ tiêu năm trước. Mặc dù vậy, phương thức này không xét tuyển đối với các ngành sư phạm. Nói thêm về điều này, Tiến sỹ Hoàng Vĩnh Phú - Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết: Bản chất sinh viên trúng tuyển vào ngành sư phạm điểm thi tuyển theo kết quả tốt nghiệp và điểm các kỳ thi đánh giá năng lực thường rất cao. Vì thế, nếu có thêm phương thức học bạ thì chỉ tăng số lượng hồ sơ ảo và không cần thiết.

bna-hang-nghin-sy-tu-lop-12-dang-lo-lang-ve-ky-thi-tot-nghiep-va-xet-tuyen-dai-hoc-nam-2024-8509.jpg
Hàng nghìn sỹ tử lớp 12 đang lo lắng về Kỳ thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học năm 2024. Ảnh: Mỹ Hà

Qua một số năm xét tuyển phương thức này, nếu so sánh giữa học bạ với điểm thi tốt nghiệp hoặc các phương thức khác thì cơ bản chất lượng tuyển sinh đầu vào không bằng. Tuy vậy, sau khi vào học, chất lượng sinh viên không có nhiều chênh lệch, thậm chí vẫn có em tốt nghiệp loại xuất sắc.

Tiến sỹ Hoàng Vĩnh Phú - Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Vinh

Học sinh lo lắng tìm phương án thay thế

Chỉ trong 2 tháng trở lại đây, Bình Nguyên, một học sinh đang học lớp 12 ở Trường THPT chuyên Đại học Vinh đã 2 lần đăng ký thi lấy chứng chỉ IELTS. Tuy nhiên, dù đã hết sức cố gắng, nhưng cả hai lần thi của em đều chỉ đạt 6.5, một kết quả mà em không mong muốn. Với mục tiêu đậu nguyện vọng 1 vào Trường Đại học Kinh tế quốc dân, thí sinh này buộc phải chuyển sang ôn thi kỳ thi đánh giá năng lực, dù rằng em biết chỉ có 3 tháng ôn tập kết quả khó đạt như kỳ vọng.

bna-cac-hoc-sinh-tham-gia-ngay-hoi-tuyen-sinh-tai-truong-dai-hoc-vinh-anh-my-ha-8774-5928.jpeg
Các học sinh lớp 12 tham gia ngày hội tuyển sinh tại Trường Đại học Vinh. Ảnh: Mỹ Hà

Trước đây em quyết định chọn học ở trường chuyên vì có lợi thế đầu tiên là xét tuyển học bạ và ưu tiên học sinh trường chuyên. Do đó, trong 3 năm THPT em đều nỗ lực để có một học bạ tốt và hi vọng cùng với chứng chỉ IELTS mình sẽ đậu được vào trường đại học tốp đầu. Nhưng bây giờ, em nghĩ điều này là rất khó khăn và buộc chúng em phải ôn thi lại từ đầu rất vất vả. Trong khi đó, kỳ thi đánh giá năng lực lại đòi hỏi thí sinh phải học đều tất cả các môn.

Em Bình Nguyên - học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Đại học Vinh

Những ngày qua, việc một số trường đại học thông báo bỏ phương án xét tuyển bằng hình thức học bạ, nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến đồng tình vì cho rằng, điều này sẽ giảm được tình trạng “chạy điểm, chạy học bạ” ở bậc THPT. Nhưng bên cạnh đó, một số ý kiến lại nói rằng, việc các trường bỏ học bạ khi năm này đã gần về đích khiến cho nhiều học sinh xoay xở không kịp, nhất là khi đây là năm học cuối thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và chỉ tiêu các trường ưu tiên xét tuyển theo điểm tốt nghiệp đang ngày càng giảm.

Em nghĩ việc bỏ học bạ có thể tạo công bằng cho các thí sinh, nhất là các thí sinh ở những trường không chuyên khi thi vào các trường tốp đầu. Tuy nhiên, nếu học bạ phản ánh đúng năng lực của học sinh thì vẫn có thể sử dụng vì hiện nay, các phương thức còn lại đều khó khăn và tốn kém. Đơn cử như hiện nay, các trường có rất ít chỉ tiêu cho thí sinh xét điểm tốt nghiệp. Hoặc với thi đánh giá năng lực, học sinh ở trường huyện sẽ rất vất vả vì vừa phải ôn tập nhiều môn, vừa phải tốn nhiều kinh phí để về các thành phố lớn dự thi.

Em Cao An Thanh – lớp 12A3 – Trường THPT Thái Lão (Hưng Nguyên)

Em Cao An Thanh chia sẻ thêm: Cá nhân em năm nay đang có kế hoạch thi vào Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng và đang lo lắng vì hiện nay chưa biết phương án xét tuyển của nhà trường. Trước đây, em dự định xét tuyển theo khối A (Toán – Lý – Hóa) hoặc xét tuyển bằng học bạ nhưng hiện nay em nghĩ cả hai phương thức này đều khó đảm bảo. Vì thế, em đã đăng ký một gói trên mạng và ôn thi thêm kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

bna_Thí sinh huyện Quỳ Hợp trao đổi bài sau môn thi cuối cùng. Ảnh - Phan Giang.jpg
Thí sinh huyện Quỳ Hợp trao đổi bài sau môn thi cuối cùng. Ảnh tư liệu: Phan Giang

Với sự thay đổi này, việc dạy và học ở các nhà trường từ nay đến cuối năm học chắc chắn cũng sẽ có nhiều sự thay đổi. Hơn nữa, học sinh cũng sẽ phải tăng tốc để có một kỳ thi thực chất, đánh giá đúng năng lực.

Việc bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ là một xu thế tất yếu của các trường tốp đầu vì họ muốn có một khóa sinh viên chất lượng tốt nhất. Hơn nữa, điều này cũng sẽ tạo sự công bằng cho các thí sinh vì lâu nay các trường vẫn ưu tiên xét tuyển cho học sinh ở các trường chuyên. Tuy nhiên, tôi mong muốn phương thức này cần phải có lộ trình dài hơn cho học sinh để các em có sự chuẩn bị, ngay từ khi các em bước vào trường THPT để tránh bị động và lúng túng trong quá trình ôn tập.

Thầy giáo Trần Nghĩa Công- Hiệu trưởng trường THPT Nam Đàn 1

Mới nhất

x
Khi học bạ không còn là 'ưu thế' với sỹ tử lớp 12
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO