Khó chi trả bồi thường đất bị ảnh hưởng khi nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A tại xã Nghi Liên (TP. Vinh)

Tiến Đông 23/05/2024 17:33

(Baonghean.vn) - Xã Nghi Liên (TP. Vinh), nằm trong diện được xem xét hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng khi mở rộng Quốc lộ 1A (giai đoạn 1994-1995). Tuy nhiên, hiện nay, việc xác định diện tích đất bị ảnh hưởng để chi trả bồi thường, hỗ trợ gặp rất nhiều khó khăn.

Diện tích yêu cầu bồi thường không còn trên thực tế

Tại TP. Vinh, hiện nay những vướng mắc liên quan đến việc chi trả bồi thường, hỗ trợ của người dân khi giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1A chủ yếu nằm ở xã Nghi Liên, trong đó có 68 hộ dân đã làm đơn khiếu nại yêu cầu quyền lợi. Theo quy định thì đơn khiếu nại của 68 hộ dân đã hết thời hiệu giải quyết. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho người dân, và chỉ đạo của tỉnh, từ năm 2018, UBND thành phố Vinh đã thành lập tổ công tác để kiểm tra, rà soát giải quyết đơn của 68 hộ dân tại xã Nghi Liên. Nhưng hồ sơ, tài liệu tổ công tác đã thu thập được chưa đủ căn cứ để kết luận nội dung kiến nghị của các hộ có đủ cơ sở giải quyết hay không.

Ông Nguyễn Trọng Thắng – Chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Vinh cho biết: Năm 2018, UBND thành phố Vinh đã xử lý, trả lời làm rõ các nội dung đơn của 68 công dân, với nội dung: “Kiến nghị của các công dân là không có cơ sở để xem xét, giải quyết”.

Tuy nhiên, trong quá trình đối thoại, người dân đề nghị căn cứ biên bản đền bù, hỗ trợ tài sản trên đất và sơ đồ mặt bằng hiện trạng giải tỏa, đền bù tài sản trên đất giai đoạn 1994-1995 để tính toán phần diện tích đất của các hộ bị ảnh hưởng khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án PMU1 năm 1994-1995 và lập phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng về đất cho các hộ đối với phần diện tích này, các hộ cam kết không tiếp tục gửi đơn khiếu nại nữa.

Sau này, nếu UBND thành phố tập hợp được đầy đủ hồ sơ, tài liệu và căn cứ pháp lý để tính toán chính xác phần diện tích đất bị ảnh hưởng của các hộ thì đề nghị tiếp tục lập phương án bồi thường, hỗ trợ bổ sung đối với phần diện tích còn lại chưa được bồi thường, hỗ trợ của các hộ đó.

BNA_Đoạn qua xã Nghi Liên có 68 hộ có đơn, đến nay đã xác định 24 hộ có cơ sở để được hỗ trợ. Ảnh Tiến Đông.jpg
Đoạn qua xã Nghi Liên có 68 hộ có đơn, đến nay đã xác định 24 hộ có cơ sở để được hỗ trợ. Ảnh: Tiến Đông

Liên quan đến việc tìm kiếm hồ sơ, tài liệu, giấy tờ quyền sử dụng đất của người dân trước đây và hồ sơ bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án PMU1 năm 1994-1995, theo ông Thắng, vào năm 2014, việc trích lục và đo vẽ bổ sung bản đồ địa chính phục vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án “Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A” là do Trung tâm Công nghệ thông tin - Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện, được Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, nên việc xác định, cắm mốc giới, ranh giới đất đai để đo đạc không phải do UBND thành phố Vinh thực hiện. Mặt khác, tại thời điểm năm 2014, phần đất các hộ yêu cầu bồi thường bổ sung, hiện trạng các hộ đã không còn sử dụng đất (các hộ đã xây lùi bờ rào, không còn sử dụng từ năm 1994 - 1995).

Để giải quyết kiến nghị của người dân, UBND TP. Vinh cũng đã có các văn bản và cử cán bộ trực tiếp đến Kho bạc Nhà nước tỉnh Nghệ An, Sở Giao thông vận tải, Cục Quản lý đường bộ II, Công ty cổ phần 497 và UBND huyện Nghi Lộc để xin sao lục tài liệu về giấy tờ quyền sử dụng đất trước đây của người dân và hồ sơ bồi thường, GPMB Quốc lộ 1A khi thực hiện Dự án PMU1 (năm 1994-1995). Kết quả, hồ sơ được các đơn vị trên cung cấp không đầy đủ, những hồ sơ được cung cấp thì không thể hiện phần diện tích đất mà các hộ đã giải tỏa năm 1994-1995 và hiện trạng là đường nhựa.

BNA_DS.jpg
Danh sách 24 hộ dân có biên bản đền bù tài sản trên đất và sơ đồ mặt bằng hiện trạng đền bù năm 1994. Ảnh: Tiến Đông

Bên cạnh đó, việc sử dụng các bản đồ đo đạc năm 1991-1992, các bản đồ địa chính đo đạc năm 2002, 2014 và bản trích lục và đo vẽ bổ sung bản đồ địa chính thực hiện dự án năm 2014 để xác định phần diện tích đất bị ảnh hưởng khi nâng cấp Quốc lộ 1A, cũng trở nên “bất khả thi”, bởi vì bản đồ đo đạc năm 1991-1992 xã Nghi Liên không có tọa độ, không có atlat kèm theo.

Mặt khác, sau năm 1994-1995, các hộ dân đã xây lùi bờ rào khi thực hiện Dự án PMU1, nên bản đồ địa chính đo đạc năm 2002, năm 2014 và bản trích lục, đo vẽ bổ sung bản đồ địa chính khi thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A năm 2014 đã không còn thể hiện phần diện tích mà các hộ dân đang yêu cầu bồi thường bổ sung.

Đề xuất phương án hỗ trợ bổ sung

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua Nghệ An trước đây do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 thực hiện từ năm 1994–1998 và giai đoạn 2 thực hiện từ năm 2013–2015. Thực tế giai đoạn 1, theo văn bản của Bộ Giao thông vận tải và quy định của tỉnh thì phần diện tích giải tỏa hành lang chỉ bồi thường tài sản, không bồi thường về đất. Đến năm 2013, khi thực hiện giai đoạn 2, các hộ dân bị ảnh hưởng đề nghị bồi thường phần đất dự án giai đoạn 1 chưa thực hiện, tuy nhiên, thời điểm đó, những kiến nghị của người dân chưa được giải quyết. Do đó, khi hoàn thành giai đoạn 2 của dự án, hơn 3.000 hộ dân có đơn khiếu nại, thậm chí rất nhiều đơn khởi kiện ra tòa liên quan đến vấn đề bồi thường này.

BNA_Một đoạn QL1A qua xã Nghi Liên. Ảnh Tiến Đông.jpg
Một đoạn Quốc lộ 1A qua xã Nghi Liên. Ảnh: Tiến Đông

Sau khi các bộ, ngành Trung ương khẳng định phần diện tích đã giải tỏa giai đoạn 1 phải được bồi thường, hỗ trợ theo quy định hiện hành (giai đoạn trước không thực hiện hỗ trợ này là chưa bảo đảm quyền lợi cho người dân)… Đồng thời, Chính phủ phê duyệt số tiền 1.275 tỷ đồng để chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng mà chưa được bồi thường, thì các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương buộc phải “lật” lại hồ sơ từ những năm 1994-1995 để làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ.

Trở lại câu chuyện tại thành phố Vinh, do khó khăn trong việc tìm kiếm hồ sơ, tài liệu chứng minh diện tích đất cụ thể bị ảnh hưởng của người dân khi thực hiện Dự án mở rộng Quốc lộ 1A năm 1994-1995 nên UBND thành phố Vinh đã chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố lập phương án xác định giá trị để hỗ trợ mà không lập phương án bồi thường cho các hộ.

BNA_Sơ đồ.jpg
Sơ đồ mặt bằng hiện trạng của 1 trong số 24 hộ dân đã được lập danh sách hỗ trợ tại xã Nghi Liên. Ảnh: Tiến Đông

Theo ông Nguyễn Ngọc Đức – Chủ tịch UBND xã Nghi Liên thì tại thời điểm mở rộng Quốc lộ 1A năm 1994-1995, không ban hành quyết định thu hồi đất, không lập trích lục bản đồ địa chính để xác định phần diện tích của từng hộ gia đình, hồ sơ địa chính qua các thời kỳ lưu trữ không đầy đủ. Hiện tại chỉ có 24 hộ là còn có sơ đồ, biên bản kiểm tra hiện trạng khi thực hiện Dự án PMU1 năm 1994-1995. Ngày 9/1/2024, UBND xã đã tổ chức họp xét nguồn gốc và quá trình sử dụng đất đối với phần diện tích có tài sản, công trình chiếm chỗ trên đất trong danh sách 24 hộ này và trình lên UBND thành phố để xem xét.

Ông Đức cũng cho biết, chính quyền địa phương đã mời những người nguyên là lãnh đạo UBND xã, những người tham gia vào quá trình giải phóng mặt bằng giai đoạn 1994-1995 đến làm việc để ghi nhận ý kiến. Trên cơ sở ý kiến phát biểu của các thành phần tham gia, ngày 10/1/2024 UBND xã Nghi Liên đã tiến hành công khai nguồn gốc và quá trình sử dụng đất của các hộ gia đình (công khai 15 ngày).

Trên cơ sở nguồn gốc, diện tích mà UBND xã Nghi Liên trình và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND TP. Vinh, Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố đã lập phương án hỗ trợ bổ sung với số tiền hơn 16 tỷ đồng, bao gồm cả tiền chậm trả. Mặc dù vậy, đến nay phương án này vẫn chưa được các ban, ngành có thẩm quyền thông qua. Chính vì vậy mà những “ách tắc” liên quan đến việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ từ gói 1.275 tỷ đồng mà Chính phủ đã duyệt chi đến nay vẫn chưa có gì thay đổi.

Khó chi trả bồi thường đất bị ảnh hưởng khi nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A tại xã Nghi Liên (TP. Vinh)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO