Khó khăn bủa vây, 'sức khỏe' của cộng đồng doanh nghiệp là thách thức cho mục tiêu tăng trưởng
(Baonghean.vn) - Từ đầu năm đến nay ghi nhận số lượng doanh nghiệp giải thể tăng, thành lập mới giảm… Tình hình kinh tế thế giới, trong nước, “sức khỏe” của cộng đồng doanh nghiệp đang là thách thức cho mục tiêu tăng trưởng năm nay.
Doanh nghiệp “ăn đong” đơn hàng
Thời gian gần đây, ngoại trừ một số lĩnh vực như: Sữa, chế biến thực phẩm, sản xuất thức ăn chăn nuôi, gạch ốp lát,... doanh nghiệp khai thác tốt thị trường nội địa nên vẫn duy trì tốt; một số dự án đầu tư mới trong Khu công nghiệp WHA, VSIP, May Matsouka Thanh Chương đi vào sản xuất nên vẫn duy trì tăng trưởng so với cùng kỳ, còn nhìn chung doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Điển hình là may mặc, sản xuất sợi, sản xuất gỗ các loại, linh kiện điện tử,...
Đối với lĩnh vực dệt may, chưa có thời điểm nào mà sản xuất ảm đạm như hiện nay, đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng. Tại Công ty TNHH Sangwoo 100% vốn Hàn Quốc, chị Bùi Thị Ngọc - Trưởng phòng nhân sự cho hay: Hiện nay sản xuất cực kỳ khó khăn, từ đầu năm đến nay doanh thu, sản lượng giảm 70%. Chúng tôi rất chật vật, phải vay mượn ngân hàng để chi trả lương cho 1.300 lao động.
Tại Nam Đàn, anh Lê Thanh Tĩnh - Quản lý tổng vụ, Công ty Dệt may Havina Kim Liên – Nam Đàn cho biết: Từ cuối năm ngoái đến nay, tình hình sản xuất rất khó khăn; do khủng hoảng kinh tế thế giới, các nước thắt chặt chi tiêu, thiếu đơn hàng nên sản lượng giảm mạnh. Nếu thời kỳ cao điểm có 3.000 lao động làm không hết việc phải tăng ca thì nay chỉ còn 2.500 lao động ngày làm 8 tiếng, không tăng ca, nghỉ thứ 7, Chủ nhật. Không có đơn hàng nên hiện phải bố trí làm đơn hàng của tháng 12 để vừa duy trì việc làm cho lao động, vừa đợi việc, chờ tình hình...
Theo phản ánh, mặc dù dịch Covid-19 đã được kiểm soát nhưng kinh tế thế giới cũng như trong nước có nhiều biến động. Giá nguyên liệu, dịch vụ vận chuyển tăng cao; thị trường nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm bị tác động nặng nề, đặc biệt là thị trường châu Âu, châu Mỹ và Trung Quốc.
Tại KKT Đông Nam, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, phải điều chỉnh quy mô sản xuất, hoạt động cầm chừng hoặc phải tạm dừng hoạt động do bị đứt gãy chuỗi cung ứng,… Các khó khăn đó dẫn đến các chỉ tiêu 6 tháng đầu năm đều bị sụt giảm. Doanh thu chỉ đạt 45,44% so với kế hoạch năm 2023 (giảm 10,32% so với cùng kỳ); nộp ngân sách chỉ đạt 47,88% so với kế hoạch năm 2023.
Theo Sở Công Thương, nguyên vật liệu đầu vào khan hiếm, giá cả nguyên liệu tăng, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp… khiến sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức.
7 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng nhẹ 2,63% so với cùng kỳ. Ngoại trừ một số doanh nghiệp nỗ lực trở lại sản xuất, quy mô một số nhà máy được mở rộng, dự án mới đầu tư đi vào hoạt động, nhu cầu một số sản phẩm tăng; thì nhìn chung, doanh nghiệp, nhà máy gặp khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của tình hình thế giới cũng như trong nước, đơn hàng xuất khẩu giảm, nguyên vật liệu khan hiếm...
Cùng với đó, chi phí sản xuất tăng cao nên sản phẩm sản xuất ra giảm như: Vỏ bào, dăm gỗ ước đạt 84,7 nghìn tấn, giảm 36,05%; Sợi ước đạt 5,2 nghìn tấn, giảm 33,37%; Bao bì bằng giấy ước đạt 26,0 triệu chiếc, giảm 29,72%; Tai nghe nối với micro ước đạt 17,3 triệu cái, giảm 27,75%; Loa BSE ước đạt 39,7 triệu cái, giảm 22,12%; Thùng carton ước đạt 11,7 triệu chiếc, giảm 12,53%; Bia đóng lon ước đạt 50,6 triệu lít, giảm 10,54%; Điện sản xuất ước đạt 1733 triệu Kwh, giảm 8,76%.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Tình hình kinh tế thế giới diễn biến khó lường, tác động tiêu cực đến đời sống dân sinh và hoạt động sản xuất - kinh doanh. Nhu cầu tiêu dùng giảm sút; chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, gây khó khăn cho hoạt động xuất, nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế, là một trong những nguyên nhân chính khiến số doanh nghiệp thành lập mới giảm, doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động tăng so với cùng kỳ.
Theo số liệu từ Cục Thống kê Nghệ An, 7 tháng đầu năm (tính đến 20/7/2023), trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 1.177 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 3,45% so với cùng kỳ năm 2022, với tổng số vốn đăng ký thành lập 9.047,5 tỷ đồng, giảm 30,36% (giảm 3.944,2 tỷ đồng). Số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thành lập mới là 488 đơn vị, giảm 13,93%.
Có 642 doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 7,36%. Số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoạt động trở lại là 77 đơn vị, tăng 5,48%. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 1.050 doanh nghiệp, tăng 14,75%; Số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký tạm ngừng hoạt động 120 đơn vị, tăng 10,09%; Số doanh nghiệp đã giải thể là 140 doanh nghiệp, tăng 62,79%; Số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đã giải thể 189 đơn vị, tăng 89% (+89 đơn vị); Số doanh nghiệp thông báo giải thể là 170 doanh nghiệp, tăng 2,9 lần (+126 doanh nghiệp).
Anh Đinh Văn Phong - Trưởng phòng Doanh nghiệp và lao động, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam cho biết: Sau đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đều phải đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới, nên trong 6 tháng đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp không có hoạt động sản xuất kinh doanh, phải hoạt động cầm chừng hoặc tạm dừng hoạt động, người lao động phải tạm thời nghỉ việc, các chế độ tiền lương, thu nhập của người lao động bị cắt giảm. Tình hình lao động thời gian qua biến động mạnh, người lao động nghỉ việc nhiều do không có đơn hàng, cắt giảm nhân công, nên công nhân nhảy việc.
Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, số lao động tăng là 7.660 người, số lao động giảm là 6.570 người, các doanh nghiệp chủ yếu tuyển dụng để bù vào số công nhân đã nghỉ việc. Số lao động tăng chủ yếu là các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động.
Tình hình kinh tế thế giới, trong nước, “sức khỏe” của cộng đồng doanh nghiệp đang là thách thức cho mục tiêu tăng trưởng năm nay. Hiện nay, Chính phủ đã chủ động triển khai nhiều nhóm giải giải pháp, trong đó có giảm lãi suất cho vay, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, giảm thuế VAT... Song một số chuyên gia đánh giá, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bằng các biện pháp tài chính đã được đưa ra nhưng vẫn còn độ trễ trong thực hiện khiến hiệu quả chưa rõ ràng. Việc giảm thuế VAT 2% có thể giúp thúc đẩy tiêu dùng trong nước nhưng tác động chưa nhiều, vẫn cần nhiều giải pháp hơn nữa. Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm lãi suất điều hành để giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng cần đa dạng sản phẩm dịch vụ, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay hỗ trợ.…
Ngoài ra, cần phân tích, đánh giá và dự báo các tình huống cũng như diễn biến kinh tế toàn cầu để làm cơ sở chuẩn bị các kế hoạch hành động phù hợp.
Theo Cục Thống kê Nghệ An, Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp 7 tháng đầu năm 2023 bằng 91,56% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo loại hình kinh tế, lao động khu vực nhà nước giảm 16,11%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 0,16% và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 13,27%.