“Khó vạn lần dân liệu cũng xong”

Về xã Nghi Trung (Nghi Lộc) đi đến đâu cũng nghe những câu chuyện về tinh thần hiến đất, mở đường, giải phòng mặt bằng xây dựng nông thôn mới nâng cao. Trong năm 2022, có những khu dân cư như ở xóm 9, hơn 20 hộ dân bám mặt đường đã hiến gần 900m2 đất trị giá hàng tỷ đồng để mở rộng đường giao thông. Dẫn chúng tôi đi trên con đường rộng rãi, thoáng đãng, ông Nguyễn Ngọc Thư – Xóm trưởng xóm 9 cho hay: Khi tiếp nhận chủ trương giải phóng mặt bằng mở rộng, nâng cấp đường giao thông tuyến đường đi qua địa bàn xóm 9, cấp ủy, ban chỉ huy xóm xác định sẽ khó khăn bởi “tấc đất, tấc vàng”, giá đất thời điểm đó tầm khoảng 10 – 12 triệu đồng/m2 nên công tác tuyên truyền, vận động phải kiên trì, linh hoạt.

Được sự quan tâm, hỗ trợ sát sao của Đảng ủy, chính quyền xã, cấp ủy chi bộ và Ban Chỉ huy xóm 9 đã họp lấy ý kiến người dân, đẩy mạnh tuyên truyền về những lợi ích thiết thực khi hiến đất làm đường để cho con cháu được hưởng lợi, giao thông thuận tiện, kinh tế phát triển. Tuy nhiên, để người dân đồng thuận thì cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, tiên phong trong tháo dỡ bờ rào, giải phóng mặt bằng.

Ông Nguyễn Ngọc Thư- xóm trưởng xóm 9 xã Nghi Trung (Nghi Lộc) trao đổi về công tác tuyên truyền nhân dân hiến đất, tháo dỡ bờ rào mở rộng, nâng cấp đường giao thông liên xã. Ảnh: Khánh Ly
Ông Nguyễn Ngọc Thư- xóm trưởng xóm 9 xã Nghi Trung (Nghi Lộc) trao đổi về công tác tuyên truyền nhân dân hiến đất, tháo dỡ bờ rào mở rộng, nâng cấp đường giao thông liên xã. Ảnh: Khánh Ly

Điển hình như gia đình đảng viên Lê Thỏa đã hiến 17 – 18m2 đất, gia đình chị Linh – cán bộ văn hóa chính sách xã hiến 15m2 đất, bàn giao mặt bằng sạch cho dự án. Đặc biệt, là người đứng đầu thôn xóm, Xóm trưởng Lê Ngọc Thư không chỉ gương mẫu hiến 27m2 đất của gia đình mà còn vận động bố mẹ, anh em hiến gần 35m2 đất, đồng thời, tuyên truyền, vận động con cháu trong dòng họ văn hóa Nguyễn Minh Đại Tôn hiến gần 200m2 đất để mở rộng đường giao thông.

Từ sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người dân xóm 9 dần hiểu “Tiền thì ai cũng quý nhưng quý nhất là để lại gì cho con, cháu mai sau” nên đã đồng thuận tháo dỡ, lùi bờ rào, giải phóng mặt bằng. Trong đó, hộ hiến nhiều nhất là gia đình anh Võ Văn Hồng với 60m2 đất trị giá hơn 700 triệu đồng để mở rộng, nâng cấp đường. “Khó khăn nhất là việc thuyết phục 3 hộ có diện tích lớn (tổng khoảng 115m2)giải phóng mặt bằng để làm mương hoàn thiện tuyến đường. Thế nhưng, sau 3 – 4 lần đích thân đồng chí Chủ tịch UBND xã và cấp ủy, ban chỉ huy xóm đến tận nhà để tuyên truyền, vận động, cuối cùng họ đã đồng thuận với chủ trương. Trong năm 2022, xóm còn huy động sức dân gần 600 triệu đồng làm đường bê tông nội xóm. Giờ thì ai cũng phấn khởi bởi đường to, đẹp, giao thông thông thoáng…”, ông Thư chia sẻ.

Người dân xã Nghi Trung ra quân vệ sinh môi trường, trồng hoa làm đẹp cảnh quan giao thông, nạo vét kênh mương nội đồng. Ảnh: CSCC
Người dân xã Nghi Trung ra quân vệ sinh môi trường, trồng hoa làm đẹp cảnh quan giao thông, nạo vét kênh mương nội đồng. Ảnh: CSCC

Ông Nguyễn Đức Chương – Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Trung cho hay: Làm theo lời căn dặn của Bác Hồ “khó vạn lần dân liệu cũng xong”, trong quá trình vận động GPMB thực hiện các dự án tại địa phương, vận động đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, địa phương luôn tuân thủ phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”. Trong đó, đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, dân vận khéo dưới nhiều hình thức (trực tiếp, qua hệ thống truyền thanh, zalo, facebook..). Nhờ vậy, đã tạo được sự đoàn kết, đồng lòng của người dân trong xây dựng quê hương. Ví như dự án mở rộng, nâng cấp đường liên xã (Lram) do Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư dài hơn 2,5 km, có 46 hộ thuộc 3 xóm bị ảnh hưởng, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, các hội, đoàn thể phối hợp với cấp ủy, chi bộ trực tiếp đi từng hộ vận động. Kết quả, người dân đã hiến 1153m2 đất, 350m bờ rào để thực hiện dự án.

Tại các thôn, xóm, phong trào hiến đất, mở rộng, nâng cấp đường giao thông nội thôn, làm đường hoa, đường cờ, đường điện chiếu sáng… phát triển mạnh. Có những địa bàn vùng giáo như xóm 10 trong năm 2022 đã nhận 773 tấn xi măng và đang tiếp tục nhận thêm 60 tấn để mở rộng, nâng cấp đường giao thông. “Ý thức được việc đẩy mạnh giao thông nông thôn chính là yếu tố quan trọng góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao ở địa phương, mà người hưởng lợi không ai khác chính là người dân, bà con sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, không tiếc công, tiếc của đóng góp làm đường”- ông Chương trao đổi.

Những tuyến đường giao thông nông thôn sạch đẹp ở xã Nghi Trung (Nghi Lộc). Ảnh: KL - CSCC
Những tuyến đường giao thông nông thôn sạch đẹp ở xã Nghi Trung (Nghi Lộc). Ảnh: KL - CSCC

Trong 7 năm (từ 2016 đến 2022), tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn xã Nghi Trung đạt 179,3 tỷ đồng (nhân dân đóng góp 9 tỷ đồng) xây dựng, nâng cấp 219 tuyến đường giao thông với 72,8km, trong đó, đường ngõ xóm có 206 tuyến, tổng chiều dài 42km, mặt đường rộng 3,5m, được bê tông hóa, có rãnh thoát nước hợp vệ sinh. Riêng hệ thống đường giao thông trục xã được kẻ, vẽ làm gờ giảm tốc và lắp đặt 110 các loại biển báo trên các trục đường có hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh, bóng mát và hệ thống pa-nô áp phích với mức đầu tư 60 tỷ đồng.

Phương châm “Việc gì có lợi cho dân phải gắng sức làm” cũng được thể hiện rõ qua việc đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện toàn xã có 78 tuyến đường trục chính đi nội đồng sản xuất với chiều dài 17,7km được đổ cấp phối. Hệ thống kênh mương thủy lợi với 45km kênh chính được bê tông hóa phục vụ tưới cho 384 ha đất sản xuất nông nghiệp với nguồn kinh phí thực hiện 34 tỷ đồng. Hệ thống đường giao thông, đường nội đồng khép kín thuận lợi phục vụ cho nhân dân đi lại, sản xuất. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất trụ sở làm việc, trường học, trạm y tế, thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư đồng bộ, quy mô lớn phục vụ đời sống vật chất tinh thần của người dân.

Cơ sở vật chất của xã Nghi Trung được đầu tư xây dựng khang trang đáp ứng tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Ảnh: CSCC
Cơ sở vật chất của xã Nghi Trung được đầu tư xây dựng khang trang đáp ứng tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Ảnh: CSCC

“Những chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn xã trong thực hiện Chỉ thị 05 đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và củng cố hệ thống chính trị ở địa phương, nhất là công cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao”, Bí thư Đảng ủy xã Nghi Trung Phan Thế Hưng chia sẻ.

Theo đó, Đảng ủy xã yêu cầu cán bộ, đảng viên, các hội, đoàn thể ngoài nhiệm vụ chung, đầu năm phải đăng ký những mô hình, phần việc làm theo cụ thể. Hàng tháng, hàng quý thông qua các cuộc họp giao ban phải báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện. Cấp ủy cũng giao cho Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy tham mưu xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện Chỉ thị 05 của tập thể, cá nhân. Qua đó, tạo được sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự chuyển biến rõ nét trong phong cách, lề lối làm việc của hệ thống chính trị. Cán bộ, đảng viên phát huy vai trò “nêu gương”, “nói đi đôi với làm”, gần dân, sát dân, giải quyết các công việc nhanh gọn, đúng thời gian, đúng luật và đạt hiệu quả cao; chấp hành tốt các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện tốt quy định giờ giấc làm việc.

Lãnh đạo xã Nghi Trung (Nghi Lộc) trao đổi với Hội CCB xã về các nội dung thực hiện chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Ảnh: Khánh Ly
Lãnh đạo xã Nghi Trung (Nghi Lộc) trao đổi với Hội CCB xã về các nội dung thực hiện chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Ảnh: Khánh Ly

Hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị huyện có bước đổi mới, mọi việc làm đều hướng về cơ sở, chăm lo đến lợi ích và quyền lợi của nhân dân. Điển hình như Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi xã với mô hình xây dựng dựng 3.500m đường cờ với 150 cột cờ, 6 điểm trụ treo băng rôn vượt đường với tổng kinh phí 160 triệu đồng. Mô hình trồng 160 cây hoa ban, 30 cây bằng lăng, 50 cây bóng mát trên trục đường từ trung tâm xã và các xóm dài 5km của Hội LHPN, Hội Nông dân và Đoàn Thanh niên xã. Mô hình đảm nhận chăm sóc, cải tạo, chỉnh trang khuôn viên, trụ sở làm việc và các trục đường giao thông trung tâm của đoàn viên công đoàn cơ quan xã. Riêng khối dân vận Đảng ủy thông qua mô hình vận động nhân dân GPMB để nâng cấp xây dựng đường giao thông tuyến trung tâm xã đã vận động 72 hộ dân bị ảnh hưởng tự tháo dỡ trên 300m tường bao, 300m cây cối và hiến 9.574m2 đất ở.

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác trong các đơn vị xóm, trong quần chúng nhân dân được gắn với phong trào “Chung tay xây dựng nông thôn mới”, phấn đấu thoát nghèo đem lại hiệu quả thiết thực. Như ở xóm 2 nơi có 128 hộ, 515 khẩu, người dân đã đóng góp xây dựng 5 tuyến mương nội xóm có nắp đậy với tổng chiều dài 610m, kinh phí 400 triệu đồng; đầu tư kéo 2.400m dây điện lắp 102 bóng đèn Led đảm bảo ánh sáng thuận tiện cho đi lại và giữ gìn an ninh, trật tự; lắp đặt 97 cột cờ, trồng 50 cây hoa bằng lăng, hoa ban làm đẹp đường, đẹp xóm. Người dân còn đóng góp 62 triệu đồng tu sửa nhà văn hóa, lắp đặt hệ thống camera an ninh từ nguồn xã hội hóa.

Bí thư, Xóm trưởng xóm 2 xã Nghi Trung trao đổi về các nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Người dân giao dịch tại bộ phận một cửa xã Nghi Trung; Cựu chiến binh ở xã Nghi Trung tham gia đảm bảo ATGT đường bộ, đường sắt; Ông Nguyễn Ngọc Thư - Xóm trưởng xóm 9 xã Nghi Trung trao đổi với người dân về mô hình trồng nho không hạt theo công nghệ cao. Ảnh: Khánh Ly
Bí thư, Xóm trưởng xóm 2 xã Nghi Trung trao đổi về các nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Người dân giao dịch tại bộ phận một cửa xã Nghi Trung; Cựu chiến binh ở xã Nghi Trung tham gia đảm bảo ATGT đường bộ, đường sắt; Ông Nguyễn Ngọc Thư - Xóm trưởng xóm 9 xã Nghi Trung trao đổi với người dân về mô hình trồng nho không hạt theo công nghệ cao. Ảnh: Khánh Ly

Nói về nội dung làm theo Bác trong dân vận khéo, ông Phạm Quang Thành – Bí thư Chi bộ xóm 2 cho hay: Muốn chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống, tạo đồng thuận trong nhân dân thì trước hết, cấp ủy chi bộ, ban chỉ huy xóm phải đoàn kết thống nhất, cán bộ, đảng viên phải nêu gương. Từ những cá nhân điển hình sẽ tạo sức lan tỏa ra cả cộng đồng. Điển hình như Xóm trưởng, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh xóm Hà Viết Thuận (70 tuổi), thương binh loại 1 nhưng vẫn nhiệt tình với việc xóm, việc dân, được bà con tin tưởng bầu làm thủ lĩnh thôn, xóm từ năm 2000 đến nay. Năm 2022, đảng viên Hà Viết Thuận được UBND tỉnh tặng Bằng khen thương binh có nhiều đóng góp trong tham gia xây dựng bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Hay đảng viên Trần Ngọc Sơn được chọn đi báo cáo điển hình công tác an ninh, trật tự thôn, xóm và được UBND tỉnh tặng Bằng khen. Tập thể xóm 2 cũng được UBND huyện Nghi Lộc tặng Giấy khen về xây dựng nông thôn mới.

Trên lĩnh vực kinh tế cũng xuất hiện nhiều điển hình trong chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang sản xuất chăn nuôi, dịch vụ. Tiêu biểu như mô hình kinh doanh cây cảnh kết hợp dịch vụ nhà hàng quy mô 2,5 ha, hàng năm cho thu nhập trên 10 tỷ đồng của ông Đặng Hữu Lương ở xóm 5. Mô hình chăn nuôi kết hợp xây dựng 2.500m2 nhà màng sản xuất dưa lưới Israel của ông Nguyễn Đình Hương ở xóm 3 cho doanh thu hàng năm trên 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho 15 lao động… Từ đó, tạo không khí thi đua sôi nổi trong toàn xã, hình thành 40 ha cánh đồng mẫu lúa chất lượng cao; 8 ha cánh đồng thu nhập cao trồng dưa hấu, dưa lê, rau, củ, quả; xây dựng được 3 nhà màng trồng dưa lưới, dưa chuột với diện tích 5.500m2; 2 nhà màng trồng nho đen không hạt với diện tích 4.200m2. Những kết quả trên đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, như dưa lưới bình quân 1 sào (500m2), cho doanh thu 1 năm 180 triệu đồng; nho đen không hạt bình quân 1 sào cho doanh thu 1 năm từ 200 – 300 triệu đồng… góp phần nâng cao đời sống của người dân.

Tuyên truyền xây dựng cánh đồng mẫu ở xã Nghi Trung; Hệ thống rau nhà màng ở Nghi Trung phát triển mạnh; Khách du lịch chụp ảnh tại những vườn nho trồng theo công nghệ cao ở xã Nghi Trung. Ảnh: CSCC
Tuyên truyền xây dựng cánh đồng mẫu ở xã Nghi Trung; Hệ thống rau nhà màng ở Nghi Trung phát triển mạnh; Khách du lịch chụp ảnh tại những vườn nho trồng theo công nghệ cao ở xã Nghi Trung. Ảnh: CSCC

Theo các cán bộ lão thành nơi đây, lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” đã và đang được xã Nghi Trung thực hiện sinh động qua các mô hình, phần việc thiết thực, thể hiện tinh thần đoàn kết, đồng lòng “Ý Đảng – lòng Dân” cùng chung sức xây dựng quê hương. Nhờ vậy, từ một xã thuần nông, trình độ dân trí không đồng đều, có 25% đồng bào theo đạo Thiên Chúa với 1 giáo xứ, 4 giáo họ, diện tích sản xuất nông nghiệp còn manh mún, xã Nghi Trung đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, đạt các tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Càng vinh dự hơn khi trong năm 2022, Đảng bộ và nhân dân xã Nghi Trung (Nghi Lộc) được Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Bằng khen điển hình tiêu biểu toàn quốc trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.