Khoảng 4.000 người dân dự phiên tòa xử vụ thảm sát Bình Phước

17/12/2015 07:36

Dự kiến 7g sáng 17-12 phiên tòa xét xử lưu động vụ thảm sát tại Bình Phước mới bắt đầu, thế nhưng từ 6g sáng hàng trăm người dân đã tới khu vực xử án để tham dự.

1
Đông đảo người dân có mặt từ tờ mờ sáng chờ xem xét xử phiên toà - Ảnh: Thuận Thắng

Từ 6g, hàng trăm cảnh sát cơ động đã có mặt để bảo vệ trật tự khu vực xử án. An ninh được thắt chặt ngay từ vòng ngoài. Nhiều người dân cũng đã có mặt để giữ “vị trí đẹp”. Nhiều hàng quán bán nước lưu động cũng được người dân dựng lên để phục vụ cho người dân tham dự.

Địa điểm diễn ra phiên tòa xét xử lưu động vụ Nguyễn Hải Dương và hai đồng phạm trong vụ thảm sát 6 người rúng động dư luận tại huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước là một khu đất rộng tới 4ha, nằm trong khu trung tâm hành chính huyện Chơn Thành, cạnh trường THPT Chơn Thành.

Dự kiến sẽ có khoảng 4.000 người tham dự phiên tòa. Vì số lượng người tham dự đông, tính chất vụ án phức tạp và khu vực xét xử lại giữa một khu đất trống nên việc đảm bảo an ninh cần được thắt chặt.

Gia đình các nạn nhân cũng có mặt từ sớm. Ảnh: Phước Tuấn
Gia đình các nạn nhân cũng có mặt từ sớm. Ảnh: Phước Tuấn

Công an tỉnh Bình Phước cho biết đã tăng cường thêm lực lượng bảo vệ lên tới 400 người (tăng thêm so với dự kiến). Có hơn 100 phóng viên các báo đã đăng ký tham dự đưa tin phiên tòa, trong đó nhiều báo cử tới 3-5 phóng viên tham dự.

Hội đồng xét xử do ông Nguyễn Hữu Trí, Chánh án TAND tỉnh Bình Phước làm chủ tọa phiên tòa. Hai kiểm sát viên của Viện KSND tỉnh Bình Phước giữ quyền công tố tại tòa là ông Lê Đức Xuân - Viện trưởng và ông Nguyễn Quốc Hân - trưởng phòng 1.

Ba bị cáo bị xét xử trong vụ án này gồm:

1.Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, quê An Giang, tạm trú tại huyện Hóc Môn, TP.HCM)

2.Vũ Văn Tiến (tên gọi khác là Bé, 24 tuổi, nguyên quán Bình Phước, tạm trú tại huyện Hóc Môn, TP.HCM)

3.Trần Đình Thoại (27 tuổi, quê Vĩnh Long, tạm trú tại Q.Gò Vấp, TP.HCM).

Cả ba bị cáo đều bị truy tố hai tội “giết người” và “cướp tài sản” theo khoản 1, điều 93 và điều 133 Bộ Luật hình sự. Theo nội dung của khoản 1, Điều 93 quy định về tội “giết người" thì cả ba bị can sẽ đối mặt với khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Đông đảo người dân đến tham dự phiên tòa.
Đông đảo người dân đến tham dự phiên tòa.

Theo cáo trạng, Dương mang lòng hận thù với gia đình ông Mỹ - đại gia ngành gỗ ở Bình Phước - do bị ngăn cấm tình cảm với Lê Thị Ánh Linh (con gái ông Mỹ). Hắn nảy sinh ý định giết cả nhà ông này để cướp tài sản. Dương rủ Thoại tham gia rồi chuẩn bị hung khí. Sau chuyến đi bất thành vào rạng sáng 5/7, Thoại từ chối nhưng vẫn mua dao cho Dương.

Dương sau đó lôi kéo Tiến hỗ trợ mình nhưng nói dối là đến đòi vợ chồng ông Mỹ 900 triệu đồng đã góp vốn làm ăn từ hồi còn là người yêu của Linh. Hắn hứa sẽ chia cho Tiến một phần. Rạng sáng 7/7, cả hai đột nhập biệt thự lần lượt sát hại 6 người, cướp điện thoại, iPad, laptop, tiền... trị giá khoảng 50 triệu đồng. Riêng bé Na (18 tháng tuổi, con út ông Mỹ) Dương dỗ ngủ ngon trước khi bỏ trốn.

Bốn ngày sau, Dương và Tiến bị bắt. Sau một tháng điều tra, từ lời khai của Dương, cảnh sát bắt thêm Thoại. Với hành vi này, cả 3 bị truy tố về hai tội danh Giết người và Cướp tài sản ở khung hình phạt cao nhất là tử hình với nhiều tình tiết tăng nặng như: giết nhiều người, giết trẻ em, giết để thực hiện một tội danh khác, mang tính chất man rợ, côn đồ, đê hèn.

3 bị cáo tại phiên tòa.
3 bị cáo tại phiên tòa.

Bị cáo Nguyễn Hải Dương được chỉ định luật sư Hoàng Kim Vinh, còn bị cáo Vũ Văn Tiến cũng được chỉ định một luật sư khác thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước để bào chữa. Riêng bị cáo Trần Đình Thoại được gia đình thuê luật sư Phạm Quốc Hưng bào chữa.

Về phía các bị hại cũng đồng ý để luật sư Đào Xuân Thành bảo vệ quyền lợi miễn phí.

Theo tuoitre.vn/VnExpress.net

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Khoảng 4.000 người dân dự phiên tòa xử vụ thảm sát Bình Phước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO