Khơi dậy tinh thần ham học, lan tỏa phong trào khuyến học
(Baonghean.vn) - Hiếu học được xem là một trong những truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh khen thưởng cho các học sinh giỏi. Ảnh: Mỹ Hà |
Hiếu học được xem là một trong những truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Từ ngàn xưa, ông cha đã nhấn mạnh vai trò của sự học qua việc trích dẫn một câu nói nổi tiếng trong sách Tam tự kinh: “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học, bất tri lý” (Ngọc không mài giũa, không thành vật quý, người không học, không biết đạo lý). Thành ngữ, tục ngữ Việt Nam cũng đã khái quát nhiều câu nói ngắn gọn như là những lời đúc kết, khuyên răn, nhắc nhở mọi người nhất thiết phải học, từ việc phải ý tứ, tinh tế trong “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, đến việc biết cách học để “Học một biết mười”; từ sự khích lệ “Dốt đến đâu, học lâu cũng biết” đến niềm tin, niềm lạc quan vào tương lai tươi sáng của sự học “Hay học thì sang, hay làm thì có”. Học để thoát nghèo, học để đỗ đạt, làm rạng danh gia đình, dòng họ, quê hương, học để khẳng định mình... Động lực nào thôi thúc việc học cũng đều đem lại cho con người ý chí, nỗ lực, sự phấn đấu và thành quả.
Để lan tỏa phong trào khuyến học, nhất thiết, phải đánh thức tinh thần ham học, ham hiểu biết vốn có trong mỗi người, nhưng vì nhiều lý do và điều kiện khác nhau, chưa được bộc lộ rõ nét. Trên thực tế, ai cũng mong muốn được làm chủ tri thức, không muốn bị tụt hậu hay bị bỏ lại phía sau, nhất là trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển như hiện nay.
Ham học, trước hết, thể hiện ở khát khao mãnh liệt được học. Học không chỉ là trách nhiệm, là bắt buộc, học là sở thích, đam mê, là sự tự nguyện. Người ham học tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc, thậm chí, còn tìm thấy chính mình, tìm đường đi cho cuộc đời mình. Từ đó, họ không ngừng học hỏi, và đặc biệt là tự học. Có thể nói, tự học là một trong những năng lực đáng quý nhất của con người. Tự học tiết kiệm thời gian, nhớ lâu, tăng tính chủ động, giúp người học có thể đào sâu tri thức, nỗ lực nghiền ngẫm, mày mò, và ứng dụng nhanh tri thức vào các tình huống trong thực tiễn. Ham học là không ngại khó, ngại khổ, không giấu dốt, không ngại va chạm. Tinh thần phản biện, tranh biện, dám nói, dám làm cũng là những biểu hiện của tinh thần ham học.
Hội Khuyến học tỉnh trao tặng xe đạp cho học sinh học giỏi có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Mỹ Hà |
Người lớn phải là tấm gương về tinh thần ham học cho trẻ nhỏ. Thực tế là nhiều người lớn có tâm lý ngại học, tự bằng lòng với kiến thức đã có, lại vướng vào nhiều mối lo toan. Việc học của người lớn cần được quan tâm đúng mức, thông qua việc phát huy vai trò của các trung tâm học tập cộng đồng, các chương trình bồi dưỡng, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật cho việc học, động viên tinh thần, khuyến khích nâng cao trình độ... Việc học, với người phụ nữ, càng cần được tạo điều kiện tối đa do các yếu tố đặc thù. Ngày 25 tháng 5 năm 2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký ban hành Chỉ thị 14/CT-TTg về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030, trong đó, coi việc thúc đẩy việc học tập của người lớn như một giải pháp then chốt để nâng cao chất lượng nhân lực tại chỗ, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức, làn sóng hội nhập và toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ.
Bối cảnh chuyển đổi số trong giáo dục hiện nay càng thúc đẩy hoạt động học tập suốt đời. Với nhiều lợi ích mà chuyển đổi số mang lại, chúng ta có thể dễ dàng thu thập thông tin, học tập thường xuyên với nhiều hình thức phong phú, sinh động. Học qua mạng Internet được xem là hình thức có nhiều tiện ích và hiệu quả.
Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập phải được mỗi người ý thức và xem là nhiệm vụ quan trọng, góp phần chấn hưng nền giáo dục nước nhà. Để cả xã hội học tập, mỗi cá nhân phải trở thành người học gương mẫu. Và tinh thần ham học, hiếu học của mỗi người sẽ là nguồn động lực quan trọng nhất thúc đẩy sự thành công của công tác khuyến học, khuyến tài.