Phong trào khuyến học, khuyến tài góp phần khơi dậy truyền thống hiếu học của người dân Nghệ An

Mỹ Hà 02/10/2023 09:39

(Baonghean.vn) - Trong những năm qua, Nghệ An luôn là điểm sáng trong phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của cả nước.

Nhân Ngày Khuyến học Việt Nam (2/10), Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Hiền – Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh.

P.V:Thưa ông, năm 2023, Hội Khuyến học tỉnh Nghệ An đã trải qua 25 năm xây dựng và phát triển. Chặng đường hoạt động vừa qua, xin ông cho biết, Hội Khuyến học tỉnh đã đạt được những kết quả nổi bật gì?

Ông Nguyễn Thanh Hiền: Hội Khuyến học tỉnh Nghệ An được UBND tỉnh thành lập tại Quyết định số 1173/QĐ-UB ngày 26/6/1998. Đến nay, Hội Khuyến học tỉnh đã trải qua 5 kỳ đại hội và đến năm 2023, Hội Khuyến học tỉnh Nghệ An tròn 25 năm xây dựng và phát triển.

bna_1 (1).JPG
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học tỉnh trao quà cho học sinh tại Lễ phát động Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời. Ảnh: Đình Tuyên

Nhìn lại 25 năm đi vào hoạt động, Hội Khuyến học tỉnh Nghệ An đã có những bước phát triển tích cực, hoạt động ngày càng hiệu quả. Đến nay, tổ chức hội đã phủ khắp 100% các xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố, các cơ quan, đơn vị, trường học, với hàng nghìn chi hội, ban khuyến học và hàng trăm nghìn hội viên; phong trào xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập có nhiều chuyển biến tích cực; có hàng nghìn dòng họ, cộng đồng thôn, bản, khối, xóm đạt danh hiệu "Dòng họ học tập", "Cộng đồng học tập", hàng trăm nghìn gia đình đạt danh hiệu "Gia đình học tập", nhiều cơ quan, đơn vị, trường học đạt danh hiệu "Đơn vị học tập".

Đặc biệt, năm 2020, thành phố Vinh được UNESCO công nhận là thành viên của "Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu". Phát huy vai trò của mình, các cấp hội đã tích cực huy động nguồn lực để hỗ trợ, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường, lớp học, hỗ trợ học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong học tập, với tổng số tiền hàng trăm tỷ đồng và nhiều hiện vật khác đã khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học, xây dựng xã hội học tập sâu rộng trong mọi cộng đồng dân cư.

bna_Hội Khuyến học tỉnh trao quà hỗ trợ cho học sinh bị lũ lụt ở Trường THPT Quỳ Châu. Ảnh - Mỹ Hà.jpg
Hội Khuyến học tỉnh trao quà hỗ trợ cho học sinh bị lũ lụt ở Trường THPT Quỳ Châu. Ảnh: Mỹ Hà

Nhiều gia đình nhờ sự giúp đỡ của Quỹ Khuyến học đã đảm bảo được việc học tập cho con, cháu… Những hoạt động rất ý nghĩa, thiết thực và nhân văn đó đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo của tỉnh trong thời gian qua.

P.V:Trong quá trình xây dựng và phát triển, các tổ chức Hội Khuyến học từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai nhiều phong trào khuyến học, đặc biệt là 2 phong trào thi đua “Tháng Khuyến học”, “Tết Khuyến học” được thực hiện thường niên từ năm 2003. Ông có thể chia sẻ thêm về 2 phong trào ý nghĩa này?

Ông Nguyễn Thanh Hiền: Từ năm 2003, rút kinh nghiệm về quá trình xây dựng và phát triển các phong trào thi đua khuyến học và cần phải tạo điểm nhấn, cao trào trong các phong trào thi đua khuyến học, Hội Khuyến học tỉnh đã ra quyết nghị về tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua khuyến học, phát động phong trào thi đua “Tháng Khuyến học” và “Tết Khuyến học” Nghệ An lần thứ nhất. Phong trào thi đua "Tháng Khuyến học Nghệ An" diễn ra hàng năm vào thời điểm trung tuần tháng 8 đến hết tháng 9. Phong trào thi đua "Tết Khuyến học Nghệ An" diễn ra hàng năm vào thời điểm trung tuần tháng Chạp đến tháng Giêng.

Mục đích yêu cầu chủ yếu của 2 phong trào "Tháng Khuyến học", "Tết Khuyến học" nhằm tạo nên cao trào khuyến học rộng khắp trên toàn tỉnh để thi đua lập nhiều thành tích chào mừng các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, của Hội Khuyến học Việt Nam, nhân dịp chuẩn bị cho năm học mới hằng năm và nhân dịp tết cổ truyền dân tộc.

bna_Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh khen thưởng cho các tập thể và cá nhân làm tốt công tác khuyến học.jpg
Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Nguyễn Thanh Hiền khen thưởng cho các tập thể và cá nhân làm tốt công tác khuyến học. Ảnh: P.V

Qua 25 năm xây dựng và phát triển, các phong trào đã diễn ra rộng khắp ở các cấp hội trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần quan trọng vào kết quả chung của phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Hiện, tổ chức hội, hội viên tiếp tục được củng cố và phát triển cả về số lượng và chất lượng. Các danh hiệu thi đua gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học ngày càng tăng.

Đặc biệt, công tác xây dựng vận động Quỹ Khuyến học được chú trọng và phát triển, mức bình quân số tiền quỹ năm sau cao hơn năm trước. Theo đó, nếu như năm 2003, chúng ta vận động được 9,5 tỷ đồng thì đến năm 2022 là 68,2 tỷ đồng. Giai đoạn 2004-2022, toàn tỉnh vận động được trên 742,5 tỷ đồng và đã tổ chức trao tặng trên 2,88 triệu lượt suất học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, thưởng cho học sinh, sinh viên học giỏi, có tài năng trên các lĩnh vực; động viên, hỗ trợ, giúp đỡ các nhà giáo vượt khó với hơn 564,4 tỷ đồng.

Điều đáng ghi nhận khác là từ 2 phong trào, 2 chủ đề thi đua "Tháng Khuyến học", "Tết Khuyến học ", các cấp hội đã có các phong trào cụ thể, sinh động như phong trào "Vườn chuối khuyến học”, "Tiếng trống khuyến học", "Tết ấm vùng cao"…

Trong những năm qua, phong trào khuyến học đã được nhiều đơn vị và các tổ chức cá nhân đồng hành.jpg
Trong những năm qua, phong trào khuyến học đã được nhiều đơn vị và các tổ chức, cá nhân đồng hành. Ảnh: P.V

P.V:Bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, để đáp ứng công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn mới, phương hướng, giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm sắp tới mà hội đưa ra là gì?

Ông Nguyễn Thanh Hiền: Trong thời gian tới, để thực hiện thắng lợi Kết luận số 49/KL-TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TW của Bộ Chính trị (khóa X); Quyết định số 489/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 49/KL-TW; Quyết định số 1373/QĐ-TTg, ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030; Công tác hội và phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh sẽ tập trung vào các nội dung:

Đó là, các cấp hội tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tham mưu cho cấp ủy chính quyền về hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên cơ sở triển khai cụ thể các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Trung ương Hội một cách phù hợp trên địa bàn. Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung xây dựng và phát triển tổ chức hội và hội viên một cách đồng bộ, trên cơ sở tiếp tục xây dựng hệ thống tổ chức hội theo Quyết định 68/2010/QĐ-TTg và Quyết định 2039/QĐ-UBND ngày 09/6/2011 của UBND tỉnh Nghệ An về việc quy định hội có tính chất đặc thù. Công tác phát triển hội, hội viên cần được phát triển toàn diện, phấn đấu mỗi đảng viên là một hội viên khuyến học, mỗi gia đình có ít nhất một hội viên khuyến học, mỗi cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, trường học… là một tổ chức khuyến học.

Học sinh thị xã Thái Hòa bên niềm vui có xe đạp mới do các đơn vị tài trợ.jpg
Học sinh thị xã Thái Hòa bên niềm vui có xe đạp mới do các đơn vị tài trợ. Ảnh: P.V

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua khuyến học hằng năm như “Tết Khuyến học”, “Tháng Khuyến học”… trên cơ sở phải đổi mới phương thức tổ chức, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp có hiệu quả của MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể để phong trào là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, có sức lan tỏa trong mọi tầng lớp nhân dân.

Trong quá trình hoạt động, chúng tôi cũng xác định công tác vận động, xây dựng và phát triển Quỹ Khuyến học là hết sức quan trọng để đáp ứng yêu cầu của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn mới, cần được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

bna_Học sinh huyện Nam Đàn hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời. Ảnh - Đình Tuyên.jpg
Học sinh huyện Nam Đàn hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời. Ảnh: Đình Tuyên

Vì vậy, các cấp hội cần đa dạng hóa các hình thức vận động quỹ trên cơ sở tổ chức các phong trào vận động phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương, tôn vinh các nhà tài trợ, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị đóng góp tài trợ quỹ, phát triển các hình thức tạo lập quỹ như: Nhận đỡ đầu tài trợ học bổng trong suốt thời gian học tập…

Đồng thời, việc sử dụng quỹ phải công khai, minh bạch trên cơ sở tham mưu phê duyệt điều lệ, quy chế hoạt động quỹ, đối tượng hỗ trợ cần được khảo sát, nắm bắt tình hình, hỗ trợ dưới nhiều hình thức như: Hỗ trợ cộng đồng (xây dựng tủ sách, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị… phục vụ cho việc học tập), hỗ trợ cá nhân (giáo viên, học sinh, sinh viên, người lớn tham gia học tập)…

Tổ chức tốt công tác khảo sát, kiểm tra, đánh giá phát triển các mô hình học tập “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”, “Công dân học tập” thông qua việc học tập quán triệt các chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các chương trình, kế hoạch và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Việc kiểm tra, đánh giá công nhận các mô hình học tập định kỳ hàng năm đảm bảo sự đồng bộ, toàn diện từ cơ sở đến huyện, thị, thành phố, và toàn tỉnh, nhất là các mô hình học tập ở cơ sở. Hằng năm và định kỳ tổ chức tổng kết, biểu dương và nhân rộng các mô hình học tập tiêu biểu, thúc đẩy việc học tập của người lớn ngày càng chất lượng và hiệu quả.

P.V : Xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc trò chuyện!

Mới nhất

x
Phong trào khuyến học, khuyến tài góp phần khơi dậy truyền thống hiếu học của người dân Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO