Khởi sắc các xứ đạo Nghệ An

21/12/2017 16:56

(Baonghean.vn) - Một mùa Giáng sinh nữa lại về, bà con các xứ đạo phấn khởi chào đón Giáng sinh an lành trong những thánh đường đẹp đẽ khang trang, làng quê đổi mới với những con đường mới rộng thênh thang, những cánh đồng mẫu lớn rộng dài tít tắp.

Những ngày này, khắp mọi con đường quanh các xứ đạo như khoác lên mình tấm áo mới chào đón lễ Giáng sinh. Từ nhà thờ đá Bảo Nham cổ kính ở quê lúa Yên Thành, đến những thánh đường mới xây dựng khang trang ở khắp mọi miền quê xứ Nghệ đều bừng sáng những gam màu lung linh sẵn sàng cho đêm hội đón mừng Giáng sinh.

giáo xứ Nghĩa Thành (Nghĩa Đàn).
Giáo xứ Nghĩa Thành (Nghĩa Đàn) chuẩn bị chào đón Giáng sinh. Ảnh: Thái Trường

Những thánh đường đẹp đẽ đã trở thành những điểm nhấn nổi bật tại các làng quê, trở thành điểm du lịch hấp dẫn của du khách thập phương, nổi bật như: Đồng Lèn (Nghĩa Hội, Nghĩa Đàn); Mành Sơn (Tiến Thủy, Quỳnh Lưu); Bảo Nham (Bảo Thành, Yên Thành), Cồn Cả (Nghĩa Lộc, Nghĩa Đàn), Xã Đoài (Nghi Diên, Nghi Lộc), Trại Gáo (Nghi Phương, Nghi Lộc)...

Nhà thờ Quy Chính (xã Vân Diên - Nam Đàn) -Ảnh: Thành Cường
Nhà thờ Quy Chính (xã Vân Diên - Nam Đàn). Ảnh: Thành Cường

Có được những khuôn viên rộng rãi, những thánh đường rực rỡ, là sự góp sức, góp công của nhiều chức sắc và đồng bào công giáo, cũng như sự tạo điều kiện của chính quyền các cấp trên địa bàn toàn tỉnh. Chỉ tính sơ qua từ năm 2012 - 2017, Nghệ An đã chấp thuận thành lập 37 giáo xứ, giáo họ và cơ sở dòng; tổ chức giao đất, công nhận đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 42 giáo xứ, giáo họ với tổng diện tích là 181.540 m2 đất...

Bên cạnh niềm vui đón giáng sinh trong những thánh đường mới, nhiều giáo xứ cũng phấn khởi vì phong trào xây dựng nông thôn mới đã về đích, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Phong trào nông thôn mới và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã làm thay đổi diện mạo các vùng quê. Trong tổng số 164 xã đã về đích trong phong trào xây dựng nông thôn mới trên toàn tỉnh, có tới gần 1/3 xã thuộc vùng có đồng bào thiên chúa giáo.

Làng quê trù phú ở xứ đạo Bảo Nham (Bảo Thành-Yên Thành)  -Ảnh: Huy Thư
Làng quê trù phú ở xứ đạo Bảo Nham (Yên Thành). Ảnh: Huy Thư

Có được thành quả đó là nhờ sự chung sức, đồng lòng, của người dân ở các giáo xứ và sự hỗ trợ về cơ chế chính sách, nguồn ngân sách (hàng ngàn tỷ đồng) của nhà nước, sự ủng hộ của các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội để mở rộng đường giao thông, xây thêm trường lớp học, xây dựng chợ, mở rộng các công trình phúc lợi, xây dựng công trình nhà văn hoá khang trang.

Điển hình là hội đồng mục vụ các giáo xứ, chức sắc ở các giáo họ và bà con ở giáo xứ Bảo Nham (Yên Thành), ở huyện miền núi Anh Sơn… đã tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới. Như ở Anh Sơn, bà con giáo dân đã hiến hàng ngàn mét vuông đất, đóng góp trên 11 tỷ đồng, 3.000 ngày công lao động để làm đường giao thông và đường nội đồng, xây dựng các công trình văn hóa của xã và thôn. Riêng huyện Anh Sơn, hiện nay đã có 6 xã có bà con giáo dân đạt nông thôn mới là Cẩm Sơn, Hùng Sơn, Hoa Sơn, Đỉnh Sơn, Hội Sơn, Lĩnh Sơn.

Đồng bào công giáo Hùng Sơn (Anh Sơn) làm đường bê tông xây dựng nông thôn mới -ảnh Lê Văn Trí
Đồng bào công giáo Hùng Sơn (Anh Sơn) làm đường bê tông xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Lê Văn Trí

Không chỉ các giáo xứ ở Anh Sơn, những năm qua, cộng đoàn giáo dân tỉnh nhà đã tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, trong đó đi sâu vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo”. Bà con giáo dân đã hiến gần 99.142 m2 đất để xây dựng nông thôn mới, 31 giáo họ được công nhận “Giáo họ bình yên không có tệ nạn xã hội”, nhiều địa phương đã xây dựng được nhiều mô hình điển hình xứ, họ đạo tiên tiến, góp phần làm cho diện mạo quê hương ngày càng khởi sắc.

Từ phong trào phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương người công giáo điển hình trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi tạo ra nhiều mô hình, cánh đồng mẫu lớn có thu nhập cao năng suất đạt 65-70 tạ/ha. Nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình tiếp tục ổn định và phát triển trong sản xuất kinh doanh, đạt mức thu nhập từ 500 triệu - 2 tỷ đồng/năm.

Nói về những đóng góp của bà con giáo dân trong việc góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà, đồng chí Lê Xuân Đại –Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Những năm qua, đồng bào Công giáo Nghệ An đã không ngừng phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc xây dựng nên những xứ, họ đầm ấm, yên vui, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương nói riêng và của tỉnh nhà nói chung.

tại sân vận động xóm 9, xã Thanh Khê (Thanh Chương) diễn ra trận giao hữu bóng đá giữa Giáo xứ Mô Vĩnh và UBND xã Thanh Khê.
Giao lưu bóng đá giữa Giáo xứ Mô Vĩnh và UBND xã Thanh Khê huyện Thanh Chương. Ảnh: Huy Thư

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được vẫn có những mặt còn hạn chế, một số nơi vẫn còn vi phạm pháp luật trong hoạt động tôn giáo; bị kẻ xấu lợi dụng nên đã có những hoạt động ảnh hưởng đến an ninh trật tự, ảnh hưởng đến tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Những hạn chế đó cần được chấn chỉnh để đồng bào công giáo tỉnh nhà “sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”; đồng lòng thực hiệt tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng mối đoàn kết lương - giáo, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị -trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Đức Dũng

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Khởi sắc các xứ đạo Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO