Khởi sắc vùng biên Tam Hợp

Ghé bản Mông Phá Lõm – đơn vị thứ hai (sau bản trung tâm) ở xã Tam Hợp đang phấn đấu xây dựng bản nông thôn mới gặp Bí thư Chi bộ bản Xồng Bá Giày, sinh năm 1988 vừa đi thăm rẫy về. Anh chia sẻ: “Trước đây bà con chưa biết cách phát triển kinh tế hộ, nên cuộc sống còn nghèo đói lắm. Bây giờ được cấp ủy, chính quyền quan tâm hỗ trợ nhiều chính sách cũng như định hướng về phát triển cây, con phù hợp, bà con đã có nhiều đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm để sản xuất, chăn nuôi hiệu quả hơn. Cuộc sống tuy chưa hết vất vả nhưng đã khá hơn nhiều so với trước kia. Bộ mặt thôn bản cũng có nhiều thay đổi. Hiện, bản đã đạt 11/13 tiêu chí nông thôn mới đấy!”.

Nói rồi, Xồng Bá Giày vui vẻ dẫn chúng tôi xuống thăm mô hình trồng sâm bảy lá xanh mơn mởn của Trưởng bản Xồng Bá Chớ. Được biết ngoài trồng sâm, Xồng Bá Chớ còn trồng nghệ đỏ, chăn nuôi 6 con trâu, bò. “Mình là người đứng đầu thôn bản phải “nói đi đôi với làm” thì dân bản mới tin, mới nghe! Mình nghèo làm sao tuyên truyền cho bà con thoát nghèo”, Xồng Bá Chớ bộc bạch.

Mô hình sâm bảy lá mang lại giá trị kinh tế cho các hộ dân ở bản Phá Lõm. Ảnh: Gia Huy
Mô hình sâm bảy lá mang lại giá trị kinh tế cho các hộ dân ở bản Phá Lõm. Ảnh: Gia Huy

Bản Phá Lõm có 128 hộ, 767 khẩu, chi bộ có 26 đảng viên. Những năm qua, để xóa đói giảm nghèo, cùng với sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, Tổng đội TNXP9, Đồn Biên phòng Tam Hợp, Chi bộ, Ban quản lý bản Phá Lõm đã tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực phát triển kinh tế, chủ lực là phát triển chăn nuôi với đàn bò hơn 300 con, trâu 40 con, lợn 170 con. Ngoài ra còn nuôi gà đen, lợn đen, dê, trồng 8ha nghệ đỏ, 20ha bo bo. Một số hộ còn trồng sâm bảy lá – một loại dược liệu quý mang lại giá trị kinh tế cao.

Bên cạnh đó, Phá Lõm cũng là bản đi đầu trong việc khoanh nuôi bảo vệ cá mát với chiều dài hơn 1km. Nhờ sự thay đổi trong tư duy sản xuất, trồng trọt, nhiều hộ trong bản đã vươn lên thành hộ khá như hộ Xồng Bá Nanh với mô hình trang trại trồng măng đắng, nuôi trâu, dê, lợn; hộ Lồng Nhìa Chù với mô hình nuôi lợn đen…

Một số mô hình chăn nuôi của người dân xã Tam Hợp (Tương Dương). Ảnh: CSCC - Gia Huy
Một số mô hình chăn nuôi của người dân xã Tam Hợp (Tương Dương). Ảnh: CSCC - Gia Huy

Tương tự, tại bản Huồi Sơn, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, lực lượng chức năng đóng trên địa bàn và sự tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, già làng, người có uy tín trong bản, người dân đã tích cực trồng lúa nước 2 vụ, trồng gừng, sắn, khoai sọ và trồng nghệ đỏ, trồng dứa để nâng cao thu nhập. Phó bản Vừ Bá Mà cho biết: Nhờ được “cầm tay chỉ việc”, kết hợp giữa phương thức truyền thống và áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi mà lúa nhiều hạt, ngô đầy bắp, gừng nhiều củ hơn. Riêng nghệ đỏ được Tổng đội TNXP 9 bao tiêu thu mua tận rẫy với giá 4,5 – 5 nghìn đồng/kg.

“Thời gian gần đây, một số hộ còn trồng sắn cao sản bán cho thương lái ở xã Tam Thái lên mua tận nơi với giá 10-20 nghìn đồng/kg tùy loại”, Phó bản Vừ Bá Mà chia sẻ khi dẫn chúng tôi lên thăm khu vực trồng dứa và bo bo của gia đình.

Phó bản Huồi Sơn Vừ Bá Mà (trái ảnh) giới thiệu mô hình trồng dứa. Ảnh: Gia Huy
Phó bản Huồi Sơn Vừ Bá Mà (trái ảnh) giới thiệu mô hình trồng dứa. Ảnh: Gia Huy

Ông Nguyễn Phi Thanh – Chủ tịch UBND xã Tam Hợp cho biết: “Trước đây, nói đến công tác giảm nghèo ở xã Tam Hợp gặp rất nhiều khó khăn, bởi lẽ tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước còn ăn sâu trong nếp nghĩ, nếp làm của nhiều người dân, thậm chí cả cán bộ, đảng viên. Xác định chỉ khi tinh thần tự lực, dám nghĩ, dám làm của người nghèo được nâng lên thì mới giải quyết tận gốc nguyên nhân đói nghèo và giảm nghèo một cách bền vững, toàn bộ hệ thống chính trị của xã đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, trong đó yêu cầu “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

Bên cạnh đó, Đảng ủy, chính quyền xã cũng đã tập trung chỉ đạo ban hành các nghị quyết, chương trình hành động sát với thực tiễn; lồng ghép linh hoạt hiệu quả chương trình giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới, các chương trình dự án phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, thành lập các tổ công tác, phân công, gắn trách nhiệm cho từng cán bộ, công chức xã trực tiếp phụ trách các thôn bản để thực hiện các chỉ tiêu kinh tế và tiêu chí giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới. Qua đó xuất hiện nhiều mô hình “Dân vận khéo” được ghi nhận như mô hình xây dựng làm đường giao thông nông thôn tại bản Phá Lõm, mô hình trồng cây dược liệu tại bản Huồi Sơn; mô hình duy trì phát triển sản phẩm OCOP (măng khô) tại bản Phồng…

Tổ công tác xã Tam Hợp và bản Phá Lõm kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới của bản. Ảnh: Gia Huy
Tổ công tác xã Tam Hợp và bản Phá Lõm kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới của bản. Ảnh: Gia Huy

Nhờ đó, khát vọng vươn lên thoát nghèo của người dân được khơi dậy mạnh mẽ, mang lại chuyển động tích cực cho các chỉ tiêu kinh tế – xã hội của địa phương”. Minh chứng là trong năm 2022, diện tích lúa ruộng trên địa bàn xã đạt 53,5/52ha, tăng 2,9%; cây ngô 73/70ha, tăng 4,3%; cây sắn 80/54ha, tăng 48,1%; cây nghệ đỏ:18/15ha, thu về 367 tấn, tăng 20% so với kế hoạch, cây gừng 8/8ha, đạt 100% so với kế hoạch. Tổng gia súc, gia cầm cũng tăng so với kế hoạch và cùng kỳ năm trước với đàn trâu 368 con, đàn bò 1.276 con, đàn lợn 902 con, đàn dê 217 con, đàn gia cầm 14.478 con. Toàn xã có hơn 50 mô hình kinh tế bền vững (chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, trồng bo bo, nghệ đỏ, nuôi dê, dúi, gà đen thả vườn, lợn đen…).

Trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, các chương trình, đề án trọng tâm của xã được triển khai thực hiện quyết liệt có trọng tâm, trọng điểm và mang lại hiệu quả thiết thực, có 16/30 chỉ tiêu đạt và vượt, 12/30 chỉ tiêu có khả năng sẽ đạt vào cuối nhiệm kỳ. Trong đó, thu nhập bình quân đầu người đạt 22/23 triệu đồng, đạt 96% nghị quyết đại hội; Thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.809,5/75 triệu đồng, đạt 2413% nghị quyết đại hội. Từ năm 2020 đến nay, tổng vốn đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã được 16 tỷ 434 triệu đồng, xây dựng 9 công trình, tập trung ở các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, giáo dục, y tế, văn hóa. Bên cạnh đó, xã cũng kêu gọi, huy động các nguồn hỗ trợ khác được 1 tỷ 500 triệu đồng, xây dựng 2 công trình phục vụ dân sinh, được đưa vào khai thác, sử dụng có hiệu quả.

Đường vào xã Tam Hợp, huyện Tương Dương. Ảnh: Gia Huy
Đường vào xã Tam Hợp, huyện Tương Dương. Ảnh: Gia Huy

Tam Hợp là xã có 14,828km đường biên giới tiếp giáp với huyện Viêng Thoong, tỉnh Bô Ly Khăm Xay (Lào), có 5 bản, với 530 hộ dân, 2452 nhân khẩu thuộc 5 dân tộc Mông, Tày Poọng, Thái, Khơ mú và Kinh cùng sinh sống.

Để đảm bảo 3 yên “yên dân, yên địa bàn, yên biên giới”, cấp ủy, chính quyền, các đơn vị vũ trang đã chung tay phối hợp với các thôn, bản triển khai nhiều mô hình mới, cách làm hay để phát triển kinh tế, ổn định đời sống, đảm bảo an ninh, trật tự. Ví như trước nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi cá mát – được xem là đặc sản của thiên nhiên, có giá trị kinh tế cao, HĐND xã Tam Hợp đã thông qua đề án bảo tồn nguồn lợi thủy sản trên địa bàn, đồng thời có những chế tài xử phạt đối với những người dân trong và ngoài xã vi phạm. Ngoài ra, các bản đều thành lập khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo từng khúc suối cụ thể (mỗi bản từ 1km trở lên) được cắm biển báo cho người dân được biết, cấm khai thác và đánh bắt cá.

Xã Tam Hợp lắp đặt camera trên một số đoạn khe để theo dõi, đồng thời cắm biển cấm đánh bắt cá mát. Ảnh: Quang An
Xã Tam Hợp lắp đặt camera trên một số đoạn khe để theo dõi, đồng thời cắm biển cấm đánh bắt cá mát. Ảnh: Quang An

Điều này cũng được đưa vào quy ước, hương ước của từng thôn, bản và được người dân tự giác chấp hành. Theo ông Lê Hồng Thái – Bí thư Đảng ủy xã Tam Hợp: Một số bản đã dùng số tiền từ khai thác đánh bắt cá để gây quỹ tập thể (mỗi năm từ 15-20 triệu đồng) sử dụng lắp đường điện chiếu sáng như ở bản Văng Môn, mua sắm trang thiết bị, làm mái che nhà văn hóa cộng đồng như ở bản Xốp Nặm, hoặc để phục vụ dân bản dịp lễ, Tết hay ngày đại đoàn kết dân tộc… Nhờ vậy, trong năm 2022, Tam Hợp đã nhân rộng thêm được 3,8km bảo vệ nguồn cá mát.

Đoàn huyện Quỳ Châu đến thăm quan học hỏi kinh nghiệm về xây dưng mô hình dân vận khéo
Đoàn huyện Quỳ Châu đến thăm quan học hỏi kinh nghiệm về xây dưng mô hình dân vận khéo "Bảo tồn nguồn thủy sản cá mát" tại xã Tam Hợp. Ảnh: CSCC

Mặt khác trước thực tế đặc thù địa hình chủ yếu là đồi núi, dốc đứng, có nhiều khe, suối, lại giáp biên với nước bạn Lào có nhiều đường tiểu ngạch, lối mòn, tiềm ẩn nguy cơ cho việc thẩm lậu, vận chuyển ma túy qua địa bàn. Với quyết tâm không để khu vực biên giới xã Tam Hợp trở thành địa bàn phức tạp về ma túy, cấp ủy, chính quyền đã phối hợp cùng các lực lượng chức năng ra mắt và thực hiện thành công mô hình điểm “Xã biên giới sạch về ma túy”, đưa Tam Hợp trở thành xã biên giới đầu tiên của huyện Tương Dương và tỉnh Nghệ An hoàn thành đề án.

Theo đó, các lực lượng chức năng trên địa bàn đã trực tiếp đến từng gia đình các hộ dân ở các thôn, bản tuyên truyền phổ biến pháp luật về ma túy; tổ chức treo băng rôn khẩu hiệu, pano về công tác phòng, chống ma túy tại UBND xã, Công an xã, trường học. Tham mưu phối hợp Công an huyện, Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân tổ chức phiên tòa xét xử lưu động các đối tượng về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy tại thôn bản Phồng, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức cho nhân dân; lập hồ sơ, đưa 8 đối tượng đi cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện, tổ chức cai nghiện tại cộng đồng cho 2 đối tượng.

Đặc biệt, khi phát hiện một số đối tượng tuyên truyền phát triển đạo Tin lành trái pháp luật tại bản biên giới Phá Lõm, làm xáo trộn đời sống của nhân dân. Đảng ủy, chính quyền xã Tam Hợp đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với Bộ đội Biên phòng lập tổ công tác thường xuyên bám nắm địa bàn, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con nêu cao tinh thần cảnh giác, không tham gia tiếp tay cho kẻ xấu tuyên truyền phát triển đạo trái pháp luật; tập trung sản xuất, phát triển kinh tế – xã hội và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; kết hợp chi ủy, ban quản lý thôn, bản, già làng, người có uy tín, trưởng dòng họ đấu tranh vận động các hộ đã theo đạo Tin lành như hộ Lầu Sông Lềnh từ bỏ các hoạt động truyền đạo trái pháp luật, lập lại bàn thờ tổ tiên. Đồng thời, triển khai nhiều chương trình giúp đỡ bản Phá Lõm xây dựng nông thôn mới. Vì vậy đến nay trên địa bàn không có các hoạt động vi phạm quy chế biên giới, hoạt động tôn giáo trái phép tại bản Phá Lõm được kìm giữ ổn định.

Bên cạnh đó, để góp phần yên dân, yên địa bàn, tháng 4/2022, Đảng ủy xã Tam Hợp đã phát động mô hình “Quỹ 1.000 đồng” để hỗ trợ các hộ nghèo. Theo đó tại 5 chi bộ thôn, bản đều có thùng “Quỹ 1.000 đồng” được gắn ở nhà văn hóa cộng đồng và 1 thùng quỹ được đặt ngay ở UBND xã. Theo cán bộ thôn bản thì không chỉ đảng viên góp mỗi ngày 1.000 đồng, mà thực tế nhiều người dân khi đến sinh hoạt, hội họp, tham gia hội thi, hội diễn văn nghệ… ở nhà văn hóa cộng đồng bản cũng đã tự nguyện ủng hộ vào thùng quỹ.

Đảng viên Chi bộ Phá Lõm góp “Quỹ 1.000 đồng”; Tổ công tác xã Tam Hợp trao đổi với ông Xồng Bá Lù, bản Phá Lõm - hộ được hỗ trợ xóa nhà dột nát từ “Quỹ 1.000 đồng”. Ảnh: G.H
Đảng viên Chi bộ Phá Lõm góp “Quỹ 1.000 đồng”; Tổ công tác xã Tam Hợp trao đổi với ông Xồng Bá Lù, bản Phá Lõm - hộ được hỗ trợ xóa nhà dột nát từ “Quỹ 1.000 đồng”. Ảnh: G.H

Mỗi quý thùng “Quỹ 1.000 đồng” sẽ được mở một lần. Số tiền quyên góp được từ các chi bộ sẽ đưa về quỹ chung của xã dùng để hỗ trợ một gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn hoặc gia đình gặp biến cố, rủi ro trong cuộc sống. Đến nay đã quyên góp được hơn 80 triệu đồng để ủng hộ 3 hộ khó khăn xóa nhà tranh tre dột nát tại bản Phá Lõm gồm hộ Xồng Bá Lù, Xồng Bá Chùa, Xồng Tồng Xò và 2 hộ được hỗ trợ cây, con giống để phát triển sản xuất nay đã thoát nghèo là hộ anh Lương Văn Thân, Kha Văn Lánh ở bản Văng Môn.

Dẫu còn đối mặt với nhiều khó khăn khi tỷ lệ hộ nghèo còn 262 hộ, chiếm 49,62%; hộ cận nghèo 70 hộ, chiếm 13,26% nhưng bằng khát vọng vươn lên của người dân và sự đoàn kết, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của lực lượng chức năng đóng chân trên địa bàn, bộ mặt nông thôn cũng như đời sống của đồng bào các dân tộc ở xã biên giới Tam Hợp đã có những gam màu tươi sáng.

Sự đồng thuận giữa “ý Đảng – lòng dân” ở xã vùng biên này đã được ghi nhận khi trong năm 2022, Đảng bộ huyện Tam Hợp được Huyện ủy Tương Dương suy tôn đơn vị xuất sắc tiêu biểu.

Một góc trung tâm xã biên giới Tam Hợp (Tương Dương). Ảnh: Quang An
Một góc trung tâm xã biên giới Tam Hợp (Tương Dương). Ảnh: Quang An