Cảnh giác với luận điệu xuyên tạc ‘chống tham nhũng kìm hãm phát triển kinh tế’
(Baonghean.vn) - Chống tham nhũng, tiêu cực là “cuộc chiến ”bền bỉ, lâu dài, gay go, quyết liệt. Nó củng cố niềm tin trong nhân dân, tạo động lực động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng, các thế lực thù địch lại đang rêu rao “chống tham nhũng kìm hãm sự phát triển kinh tế”.
“Càng đẩy mạnh chống tham nhũng, Đảng ta càng mạnh”
Trong thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có bước tiến đột phá, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, tạo hiệu ứng tích cực được cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ và đạt nhiều kết quả quan trọng, rõ rệt, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao và quốc tế ghi nhận”.
Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Việt Nam năm 2021 đứng thứ 87/180, tăng 46 bậc so với năm 2012, cũng là năm Việt Nam có chỉ số CPI cao nhất trong 10 năm (2012-2021).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngày 18/11/2022. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Đánh giá về nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, trong cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 18/11/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo đã nhấn mạnh: “Càng đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng của chúng ta càng mạnh lên, càng củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, làm cho bộ máy trong sạch, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đồng thời, bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là "đấu đá nội bộ", "phe cánh", làm "nhụt chí" những người khác”.
Rõ ràng, với sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt trong cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự ủng hộ của nhân dân, cuộc chiến này đã có chuyển biến tích cực, rõ rệt và mang lại những thành quả quan trọng. Nhờ vậy, năm 2022, GDP Việt Nam tăng hơn 8% - mức cao nhất trong vòng 12 năm qua. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện góp phần tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.Thu ngân sách Nhà nước năm 2022 tăng 13,8% so với năm trước. Chi ngân sách Nhà nước ước tăng 8,1% so với năm 2021, đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 và khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Công tác an sinh xã hội định kỳ và công tác giảm nghèo bền vững tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo, các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, chăm lo cho hộ nghèo. Đời sống của hộ dân được cải thiện.
Bất chấp biến động trong và ngoài nước, kinh tế Việt Nam phục hồi với mức tăng GDP 8,02%, cao nhất 12 năm qua. Đồ họa: VnExpress |
Luận điệu “đổi trắng thay đen”
Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhân dân ta đang tạo động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế - xã hội; vậy nhưng, các thế lực thù địch, các tổ chức phản động, phần tử cơ hội chính trị lại cố tình bóp méo, ra sức chống phá. Chúng ra rả tung ra luận điệu rằng “chống tham nhũng kìm hãm phát triển kinh tế”. Đài RFA đăng tải nhiều bài viết trên website, bịa đặt rằng, “cuộc chiến chống tham nhũng rộng khắp của Đảng Cộng sản Việt Nam đang khiến cho nhiều giao dịch kinh tế bị tê liệt, có thể ảnh hưởng đến đầu tư trực tiếp nước ngoài, giảm xuất khẩu”. Các bài viết suy diễn rằng, việc chống tham nhũng về dài hạn được nhìn nhận là tích cực nhưng trong ngắn hạn có thể làm tê liệt hoạt động kinh doanh, đặc biệt “nếu việc thực thi pháp luật bị cho là không rõ ràng và có động cơ chính trị”…
Còn đài VOA tiếng Việt rêu rao rằng, chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam làm tê liệt chuỗi cung ứng đầu tư; rằng, chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam đã làm tê liệt nhiều giao dịch thông thường trong nước, gây ra tình trạng thiếu hàng hóa thiết yếu và làm giảm niềm tin của nhà đầu tư vào một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á.
RFA và VOA đăng tải nhiều bài viết với luận điệu sai trái rằng việc Việt Nam chống tham nhũng làm ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế. |
Rõ ràng, những luận điệu trên là sự xuyên tạc trắng trợn, đổi trắng thay đen thực tiễn tại Việt Nam. Trên thế giới, tham nhũng tác động trực tiếp đến sự ổn định và phát triển đối với mọi mặt của đời sống xã hội.Theo nghiên cứu của Tổ chức Minh bạch quốc tế và Ngân hàng Thế giới (WB) đã chỉ ra rằng, hàng năm trên thế giới có khoảng 1.000 tỷ USD bị tham nhũng dưới dạng đưa hối lộ. Chỉ riêng ở châu Phi hằng năm có khoảng 148 tỷ USD đã bị mất hay thất thoát do tệ tham nhũng, tương đương với 1/2 khoản nợ nước ngoài của lục địa này. Chính vì vậy, các nước trên thế giới đều ra sức phòng, chống tham nhũng. Mỹ và Tây Âu nhấn mạnh việc hoàn thiện xây dựng thể chế và kiểm soát quyền chéo giữa cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Cộng hòa Liên bang Đức vừa chú trọng xây dựng pháp luật về công chức, công vụ, vừa chú trọng xây dựng đạo đức đội ngũ công chức. Nga ngoài việc thành lập Hội đồng chống tham nhũng trực thuộc Tổng thống, do Thủ tướng đứng đầu, còn kiên quyết trừng trị kẻ tham nhũng bằng “bàn tay sắt" như Tổng thống V. Pu-tin từng tuyên bố: Đánh mạnh vào tham nhũng là việc làm rất quan trọng của Nga trên con đường phát triển.
Tham nhũng gây ra những hậu quả, tác hại to lớn trên các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội; gây thất thoát nghiêm trọng tài sản công, bào mòn ngân sách Nhà nước để làm lợi cho một cá nhân, nhóm người tham nhũng. Tham nhũng còn đe dọa sự ổn định, an ninh xã hội, xâm hại các thể chế và giá trị dân chủ, các giá trị đạo đức, công lý... Nếu không kịp thời ngăn chặn, tham nhũng sẽ trở thành mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội, đe dọa đến tồn vong của chế độ. Do đó, lập luận cho rằng, chống tham nhũng làm kìm hãm sự phát triển kinh tế là luận điệu xuyên tạc, sai trái.
Ảnh minh họa: Tư liệu |
“Chống tham nhũng, tiêu cực đã trở thành xu thế không thể đảo ngược”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã khẳng định: “Công tác chống tham nhũng, tiêu cực đã trở thành xu thế không thể đảo ngược”; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không làm nản chí, chùn bước, sợ sai không dám làm của cán bộ, đảng viên, mà chỉ làm chùn bước những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm”.
Quan điểm trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước Việt Nam rất rõ ràng, những đối tượng tham nhũng thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đồng thời, Nhà nước tạo điều kiện, khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội tích cực thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo môi trường lành mạnh, trong sạch trong cả đầu tư công và môi trường đầu tư tư nhân. Như vậy, quan điểm rõ ràng “cây ngay không sợ chết đứng”, đã trong sạch, không tham ô, tham nhũng thì không phải e dè trong công việc của mình. Do đó, không thể cho rằng, vì lý do chống tham nhũng nên nhiều cá nhân sợ không dám làm, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, tác động đến các chuỗi cung ứng trong kinh tế.