Đảm bảo an toàn tại các điểm khe suối và thác nước ở miền Tây Nghệ An

Công Kiên 26/06/2023 16:28

(Baonghean.vn) - Mùa nắng nóng, khe suối và thác nước ở các huyện miền Tây là nơi “giải nhiệt” lý tưởng cho người dân và du khách. Tuy nhiên, các điểm này đang tiềm ẩn nguy cơ đuối nước nên người đến tắm cần tuân thủ các quy định và thực hiện các biện pháp để bảo đảm an toàn.

Đuối nước do chủ quan, bất cẩn

Trưa 25/6, một người đàn ông ở xã Thanh Nho (Thanh Chương) cùng gia đình đi tắm ở Thác Mưa (xã Ngọc Lâm). Trong quá trình tắm, người đàn ông này bị trượt chân, va đầu vào đá dẫn đến chấn thương nặng, mặc dù được đưa đến bệnh viện để cấp cứu nhưng không qua khỏi.

Trước đó mấy ngày, một nhóm người từ thành phố Vinh lên huyện Quế Phong dự đám cưới, sau đó đến tắm thác Sao Va (xã Tiền Phong). Trong quá trình tắm, 3 người leo lên vách đá ở khu vực chân thác và bị trượt chân xuống vùng nước sâu. Hai người may mắn được những người trong đoàn cứu thoát, còn 1 người phụ nữ xấu số bị đuối nước dẫn đến tử vong.

bna_01 đuối nước.jpg
Áo phao và phao cứu sinh được cung cấp miễn phí tại điểm thác Khe Kèm (Con Cuông). Ảnh: Công Kiên

Điều đáng nói là tại Sao Va đã có biển cảnh báo “Khu vực nước sâu nguy hiểm, đề phòng đuối nước” nhưng các nạn nhân vẫn phớt lờ. Các nạn nhân vẫn leo lên vách đá trơn trượt gần khu vực nước sâu nguy hiểm và không mặc áo phao khi tắm.

Thực tế, đây không phải là lần đầu xảy ra đuối nước và tai nạn thương tích ở các điểm suối, thác. Gần 1 năm trước, cũng ở thác Sao Va, một cô gái trẻ bị nước nhấn chìm dẫn đến tử vong. Trước đó, một người đàn ông cũng tử vong tại thác 7 tầng thuộc xã Hạnh Dịch (Quế Phong) do đứng chụp ảnh bên vách đá, trượt chân xuống thác và bị nước cuốn trôi.

Vào đầu mùa nắng nóng năm nay, một nhóm người đến tắm ở khu vực sông Giăng thuộc xã Phúc Sơn (Anh Sơn), một người đàn ông đến chỗ nước sâu và bị đuối nước. Rất may được những người trong nhóm phát hiện kịp thời, cùng nhau tìm kiếm, kéo người đàn ông này lên bờ và tổ chức sơ cứu, một lúc sau người bị nạn tỉnh dậy và hồi phục dần.

bna_2 đuối nước.jpg
Tại điểm thác Khe Kèm (Con Cuông), hầu hết người lớn không dùng áo phao lúc tắm. Ảnh: Công Kiên

Cho đến nay vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể số vụ và số người bị đuối nước, tử vong tại các điểm khe suối, thác nước ở các huyện miền Tây nhưng chắc chắn số lượng không nhỏ. Các vụ đuối nước xảy ra có chung nguyên nhân là nạn nhân chủ quan, bất cẩn, leo trèo vách đá trơn trượt và sảy chân xuống chỗ nước sâu. Do không biết bơi và không mặc áo phao nên các nạn nhân bị chìm, nước cuốn trôi và mất tích, phải nhờ lực lượng cứu hộ vào cuộc mới tìm thấy xác.

Theo anh Lữ Thành Long – Bí thư Huyện đoàn Quế Phong, các điểm khe, suối và thác thường có những vách đá trơn trượt và vùng nước sâu rất khó lường. Những người ở xa đến thường không nắm rõ đặc điểm địa hình nên thường chủ quan dẫn đến sảy chân và ảnh hưởng đến tính mạng.

bna_3 đuối nước.jpg
Tại điểm khe Nước Mọc (Con Cuông) không ai dùng áo phao lúc tắm. Ảnh: Công Kiên

Du khách ở xa đến trải nghiệm tại các điểm khe suối, thác nước cần tuân thủ các quy định, biển chỉ dẫn và mặc áo phao khi tắm. Thực hiện những điều này sẽ giúp bảo vệ bản thân và những người xung quanh tránh được nguy cơ đuối nước, thương tích.

- Anh Lữ Thành Long - Bí thư Huyện đoàn Quế Phong -

Siết chặt các biện pháp đảm bảo an toàn

Ở các huyện miền Tây có nhiều khe suối và thác nước mang vẻ đẹp thơ mộng và hùng vĩ giữa đại ngàn, là địa điểm lý tưởng để thu hút du khách về thưởng ngoạn và khám phá. Có thể kể ra những điểm du lịch được nhiều người biết đến như thác Khe Kèm, đập Phà Lài, khe Nước Mọc (Con Cuông), thác 7 tầng, thác Sao Va (Quế Phong), thác Nha Vang, khe Cớ (Tương Dương), thác Liếp (Thanh Chương), khe Tọ (Nghĩa Đàn)…

bna_4 đuối nước.jpg
Biển cảnh báo tại thác 7 tầng (Quế Phong). Ảnh: CSCC

Đến với các điểm du lịch khe suối, thác nước, sau khi ngắm phong cảnh nên thơ, vào mùa nắng nóng du khách thường có nhu cầu bơi lội giữa dòng nước trong mát để “giải nhiệt”. Trong quá trình trải nghiệm, một số người do bất cẩn, bỏ qua các quy định và lời cảnh báo dẫn đến tai nạn đuối nước thương tâm.

Có mặt tại thác Khe Kèm (Con Cuông), chúng tôi nhận thấy tại khu vực thay đồ để sẵn rất nhiều áo phao và phao cứu sinh phục vụ người dân và khách du lịch. Đồng thời, ở các vị trí nguy hiểm như nước sâu hay vách đá trơn trượt đều có biển cảnh báo. Theo anh Nguyễn Thế Nhân – nhân viên cứu hộ, trước khi vào tham quan thác, du khách phải mua vé nên áo phao và phao cứu sinh được sử dụng miễn phí.

bna_5 đuối nước.jpg
Biển cảnh báo tại thác Sao Va (Quế Phong). Ảnh: CSCC

Mặc dù áo phao được treo ở vị trí dễ nhìn thấy nhưng số lượng người mặc áo phao lúc tắm dưới chân thác rất ít, chủ yếu là lứa tuổi thiếu nhi. Thời điểm ấy có 4 người đang tắm dưới chân thác nhưng chỉ có 2 người mặc áo phao, hai người còn lại không dùng thiết bị cứu sinh nào.

“Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân và du khách thực hiện các quy định về phòng, chống tai nạn đuối nước. Nhưng vẫn có không ít người tỏ ra chủ quan cho rằng biết bơi nên không cần đến áo phao”, anh Nguyễn Thế Nhân nói.

Chúng tôi tiếp tục đến khe Nước Mọc, điểm du lịch khá nổi tiếng ở Con Cuông. Điểm này có dựng biển cảnh báo “Khu vực nguy hiểm, đề phòng đuối nước” nhưng không trang bị sẵn áo phao và phao cứu sinh cho khách như ở thác Khe Kèm.

bna_6 đuối nước.jpg
Không ít du khách không mặc áo phao lúc tắm tại các khe, suối. Ảnh: Đình Tuân

Thời điểm chúng tôi có mặt, ở khe Nước Mọc có khá nhiều người đang tắm, trong đó có cả trẻ em nhưng không có ai mặc áo phao. Qua trao đổi, một số du khách cho rằng mực nước ở đây thấp, không nguy hiểm đến tính mạng nên không cần dùng áo phao hoặc phao cứu sinh lúc tắm.

Thác Liếp ở xã Thanh Sơn (Thanh Chương) mỗi ngày thu hút hàng trăm du khách đến “giải nhiệt”. Dọc khu vực tắm có hàng loạt biển cảnh báo, tại điểm kinh doanh dịch vụ ở gần thác có dịch vụ cho thuê áo phao. Chị Lô Thị Thêu, người kinh doanh dịch vụ ở đây cho biết, không phải toàn bộ người đến tắm tại thác đều dùng áo phao, chỉ một số người không biết bơi mới có nhu cầu sử dụng, người dân địa phương không mấy khi dùng đến áo phao.

Tại một số điểm khác như khe Cớ, khe Nậm Xán, khe Kiền, thác Nha Vang (Tương Dương), thác 7 tầng, thác Sao Va (Quế Phong) đều có biển cảnh báo mực nước sâu và vách đá trơn trượt. Các điểm kinh doanh dịch vụ tại đây cũng đều có cho thuê áo phao nhưng nhiều du khách còn chủ quan, không cần dùng đến trong lúc tắm. Sự chủ quan, bất cẩn này tiềm ẩn nguy cơ xảy mất an toàn và có lúc dẫn đến tai nạn đuối nước.

Ngay từ đầu mùa du lịch, sở đã có công văn yêu cầu các địa phương và các đơn vị kinh doanh du lịch quan tâm thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách. Trong đó, đặc biệt lưu ý đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống đuối nước cho du khách tại các điểm du lịch khe suối và thác nước; tuyên truyền nâng cao ý thức thực hiện, siết chặt các biện pháp phòng, chống đuối nước cho nhân dân và du khách.

- Ông Nguyễn Mạnh Cường – Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An -

Mới nhất

x
Đảm bảo an toàn tại các điểm khe suối và thác nước ở miền Tây Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO