Khống chế chất cấm: Thái Lan mất 6-7 năm, Việt Nam chỉ mất 6-7 tháng

28/04/2016 14:28

Trao đổi với báo chí bên lề Hội thảo “Quản lý sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và các vấn đề đặt ra” diễn ra sáng ngày 25-4 ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT khẳng định, đến nay chất cấm sử dụng trong chăn nuôi cơ bản đã được khống chế, dự kiến hết năm mục tiêu “xóa xổ” chất cấm hoàn toàn có thể đạt được.

1

Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT

Ông đánh giá như thế nào về công tác thanh tra, kiểm soát việc nhập khẩu chất Salbutamol (chất tạo nạc) trong thời gian qua?


Cách đây khoảng 5 năm, 10 năm, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi diễn ra khá phổ biến, tuy nhiên việc thanh, kiểm tra chủ yếu theo kế hoạch có trước, phát hiện sai phạm cũng chủ yếu dừng ở mức nhắc nhở nên hiệu quả chưa cao.

Trong khoảng hơn 6 tháng trở lại đây, khi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT có những chỉ đạo cụ thể, tiến hành đợt cao điểm hành động thì việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã có nhiều chuyển biến và về cơ bản được khống chế.

Về nguồn cung cấp chất Salbutamol, theo số liệu của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49), Bộ Công an: Trong hai năm 2014 và 2015, đã có 9.268 kg Salbutamol được ngành y tế nhập khẩu, sử dụng hết 1.173 kg. Số lượng Salbutamol được bán ra ngoài không đúng mục đích, không đúng đối tượng là 6.228 kg, trong đó hiện cơ quan chức năng đã thu hồi được 2.050 kg.

Đến nay, Bộ Y tế đã có những biện pháp đưa Salbutamol vào danh mục kiểm soát đặc biệt, thậm chí đã đưa vào trong dự thảo Luật Dược sửa đổi bổ sung trong thời gian tới. Tôi khẳng định chắc chắn thời gian tới sẽ không có việc nhập khẩu, cung cấp Salbutamol từ các công ty dược sang chăn nuôi như trước đây. Về nguồn nhập lậu Salbutamol thì đến nay cơ quan chức năng chưa hề phát hiện ra bất kỳ trường hợp nào.

Xin ông cho biết, ngoài việc giám sát chặt chẽ việc nhập khẩu Salbutamol, thời gian qua, công tác kiểm soát việc sử dụng chất này tại các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng như tại các trang trại, cơ sở giết mổ có sự chuyển biến ra sao?

Đối với các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, vào cuối tháng 1, đầu tháng 2 vừa qua, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã lấy 207 mẫu kiểm tra tại 32 nhà máy trên địa bàn 11 tỉnh, trong đó có 149 mẫu kiểm tra Salbutamol, kết quả cho thấy không hề phát hiện mẫu nào dương tính.

Đối với các trang trại, lò mổ, kết quả cũng khá khả quan. Cụ thể, theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), ở thời điểm tháng 1, trong 1.000 mẫu kiểm tra thì phát hiện 98 mẫu dương tính với Salbutamol, chiếm 9,8%. Tuy nhiên, đến tháng 2, trong tổng số 1.457 mẫu kiểm tra thì chỉ có 17 mẫu dương tính, tương ứng 1,46%.

Tiếp đó, trong tháng 3, chỉ còn 3/475 mẫu dương tính, chiếm 0,66%. Đầu tháng 4 vừa qua, khi phát hiện ở Tiền Giang có tình trạng hộ chăn nuôi nhiều lần tái phạm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, cơ quan chức năng đã tổ chức tiêu hủy sản phẩm.

Nếu đem ra so sánh, đối với việc chấm dứt sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nước láng giềng Thái Lan phải mất 6-7 năm thì Việt Nam chỉ mất 6-7 tháng là có thể cơ bản khống chế được. Với những nỗ lực không ngừng, tôi tin rằng chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng chất cấm trong năm nay là có thể làm được.

Từ nay tới hết năm, ngoài chất cấm trong chăn nuôi, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung thanh, kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, sử dụng những mặt hàng vật tư nông nghiệp nào, thưa ông?

Bên cạnh chất cấm trong chăn nuôi, kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản sẽ được tăng cường thanh, kiểm tra. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang tổ chức đoàn thanh tra kháng sinh ở cả ba miền Bắc-Trung-Nam, tiến hành như đối với chất cấm.

Cụ thể, cơ quan chức năng đi từ thanh, kiểm tra tại các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh về sản xuất thuốc xem doanh nghiệp nhập khẩu, sử dụng có đúng quy định không, cho đến các khâu kinh doanh, sử dụng phía sau.

Thực tế, kết quả sơ bộ ban đầu cho thấy đã có nhiều doanh nghiệp bị phát hiện làm không đúng quy định. Đối với các trang trại, cơ sở nuôi trồng thủy sản nếu bị phát hiện sử dụng kháng sinh sẽ tiến hành truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh kháng sinh, Bộ NN&PTNT cũng sẽ tập trung thanh tra mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng và phân bón (phân bón hữu cơ và phân bón khác).

Xin cảm ơn ông!

Theo Hải quan

Mới nhất
x
Khống chế chất cấm: Thái Lan mất 6-7 năm, Việt Nam chỉ mất 6-7 tháng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO