Không kinh doanh vận tải cũng phải đăng ký kinh doanh

12/05/2017 19:09

Trước đây, các điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa chỉ áp dụng đối với những người chở hàng thuê cho người khác, chứ không áp dụng đối với cá nhân hoặc doanh nghiệp (DN) tự chở hàng của mình.

Tuy nhiên, theo Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, DN sở hữu xe tải từ 3,5 tấn đến dưới 7 tấn được xếp vào loại hình “kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp” và vẫn phải đăng ký kinh doanh lại để được cấp phù hiệu, nếu không sẽ bị phạt.

Nhiều doanh nghiệp tự chở hàng của mình cũng bắt buộc phải đăng ký kinh doanh vận tải

Tự chở hàng cũng bị coi là kinh doanh vận tải?

Theo Hiệp hội Các doanh nghiệp (DN) khu công nghiệp TPHCM (HBA), nhiều DN trong các khu công nghiệp (KCN) có xe tải riêng vận chuyển hàng hóa đã gửi kiến nghị đến HBA về việc họ không phải là đơn vị kinh doanh vận tải nhưng vẫn phải thực hiện việc đăng ký kinh doanh vận tải, gắn phù hiệu kinh doanh đối với xe trên 3,5 tấn và dưới 7 tấn.

Theo các DN, họ phải đăng ký kinh doanh vận tải để được cấp phép kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) TP; đăng ký kinh doanh vận tải để được cấp phép vận tải và gắn phù hiệu, hộp đen cho xe tại Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP. Tuy nhiên, trên thực tế những DN này không kinh doanh vận tải, không thu cước phí của bất kỳ đơn vị nào và đã tự động lắp hộp đen để quản lý. Việc phải làm thêm các thủ tục hành chính như trên là rườm rà và không cần thiết.

Đơn cử như Công ty TNHH SX và TM Tân Quang Minh (lô C21/I đường 2F KCN Vĩnh Lộc, Bình Chánh), công ty có 2 xe tải trọng 4.750kg; 2 xe tải trọng 4.900kg để chở hàng hóa của công ty giao cho các nhà phân phối. Theo quy định, công ty đã đến Sở GTVT nộp hồ sơ xin cấp phù hiệu cho 4 xe, nhưng sở này yêu cầu công ty phải bổ sung ngành nghề vận tải hàng hóa bằng ô tô vào giấy đăng ký kinh doanh, sau đó nộp hồ sơ xin giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô. Khi có giấy phép này thì mới nộp hồ sơ xin cấp phù hiệu xe.

Vấn đề ở đây là công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nước giải khát, sử dụng xe của công ty chở hàng hóa của mình giao cho khách hàng chứ công ty không kinh doanh vận tải bằng ô tô. Ông Nguyễn Đặng Hiến, Giám đốc Công ty Tân Quang Minh, cho rằng quy định như trên đã khiến DN gặp nhiều khó khăn.

Nên hạn chế các loại giấy phép con

Nói về vấn đề trên, ông Lê Hoàng Minh, nguyên Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 86/2014 quy định kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp là hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô, trong đó đơn vị kinh doanh vừa thực hiện công đoạn vận tải vừa thực hiện ít nhất một công đoạn khác trong quá trình sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, hoặc dịch vụ và thu cước phí vận tải thông qua doanh thu từ sản phẩm hoặc dịch vụ đó.

Như vậy, theo nghị định này thì Công ty Tân Quang Minh sẽ rơi vào trường hợp là công ty kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp và đều bắt buộc phải đăng ký kinh doanh vận tải.

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp KCN TPHCM, cho rằng việc ban hành các quy định, thông tư là nhằm mục đích quản lý tốt hơn hoạt động của các DN. Tuy nhiên, việc thực hiện và triển khai như thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động thì cần phải tính toán kỹ lưỡng.

Nếu không, khi xe của các DN lưu thông ra đường chắc chắn sẽ bị công an phạt vì lý do không có phù hiệu, muốn xin phù hiệu thì phải có giấy phép kinh doanh vận tải, muốn xin giấy phép kinh doanh vận tải thì trong giấy đăng ký kinh doanh phải có mã ngành kinh doanh vận tải, muốn có mã ngành kinh doanh vận tải thì phải xin sửa giấy đăng ký kinh doanh. Với hàng loạt giấy phép con như vậy thì sẽ rất khó cho DN hoạt động.

“TPHCM đang có chủ trương khuyến khích các hộ cá thể lên DN nhưng với những khó khăn mà DN đang gặp như hiện nay sẽ rất khó để thực hiện điều này. Chúng ta nên hạn chế các thủ tục rườm rà để giúp các DN hoạt động tốt hơn”, ông Bé kiến nghị.


Theo Minh Hải/SGGP

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Không kinh doanh vận tải cũng phải đăng ký kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO