Không phân biệt người bệnh được khám chữa bệnh bằng thẻ Bảo hiểm Y tế

03/06/2016 22:30

Ngày 3/6, tại Hà Nội,Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị trực tuyến với các bộ ngành, địa phương trên toàn quốc bàn các giải pháp đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân.

Thủ tướng đề nghị nâng tỉ lệ tham gia BHYT lên trên 90%

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nâng cao tỉ lệ BHYT tiến tới BHYT toàn dân là việc rất thiết thực, nhất là đối với người nghèo, đối tượng gặp nhiều khó khăn được Đảng, Nhà nước, cộng đồng xã hội quan tâm... Đây là một trong những việc quan trọng nhất để bảo đảm an sinh xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Sau gần 25 năm thực hiện (từ 1992) chính sách bảo hiểm y tế, các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực và đạt nhiều kết quả; chính sách pháp luật được hoàn thiện, đối tượng tham gia bảo hiểm y tế được mở rộng, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao với tỉ lệ lên đến hơn 76%. Thủ tướng cho rằng đây là những tiến bộ rất đáng mừng cho thấy, công tác mở rộng BHYT đã được chú trọng, quan tâm nhưng các bộ ngành, địa phương cần phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa, cao hơn nữa.

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta đã có quyết sách rất quan trọng là phải nâng tỉ lệ người dân tham gia BHYT để mọi người dân đều được hưởng phúc lợi xã hội quan trọng này, đặc biệt là đối tượng khó khăn, người nghèo...

"Chỉ tiêu nâng lên bao nhiêu, 85% hay 90%? Tôi nghĩ là phải là 91%", Thủ tướng gợi ý và đề nghị các ý kiến thảo luận tại hội nghị cần làm rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương trong phát triển BHYT toàn dân, không chỉ số lượng mà cả chất lượng; bảo đảm người bệnh có thẻ BHYT được hưởng đầy đủ các quyền lợi trong chăm sóc sức khỏe.

Liên thông giám sát 14.000 cơ sở khám chữa bệnh

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, đến cuối 2015, tỉ lệ tham gia BHYT đã đạt 76,5%. Trong 6 tháng đầu năm, đã có trên 70,8 triệu đối tượng tham gia, tăng khoảng 0,83% triệu và vẫn đang tích cực triển khai các giải pháp để đạt mục tiêu 78% dân số có BHYT cuối năm nay.

Bà Minh cho biết, trong quá trình tổ chức thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó BHXH Việt Nam chưa được giao đầy đủ trách nhiệm để đề xuất các cơ chế, chính sách; Các hộ cận nghèo tại nhiều tỉnh vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ; Lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế còn chậm và chưa đảm bảo công bằng...

Do đó BHXH đề nghị, Chính phủ giao BHXH Việt Nam có các cơ chế chủ động hơn. Cho phép mở rộng mạng lưới thu BHYT, có thể huy động các doanh nghiệp, cơ sở y tế, các trạm bưu điện… để người dân có thể mua BHYT tại bất cứ đâu; Có chính sách ưu đãi với nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình.

BHXH đề nghị các tỉnh, thành phố huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ cho người dân thuộc hộ cận nghèo, hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, học sinh, sinh viên thuộc các gia đình đông con khó khăn kinh tế và các hộ gia đình khác.

Ngoài ra, BHXH đề nghị Bộ Y tế nâng cao chất lượng dịch vụ y tế để thu hút với người dân tham gia BHYT, có lộ trình tăng giá dịch vụ bảo đảm công bằng giữa các đối tượng.

“Chúng tôi cũng đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ GD&ĐT điều chỉnh lộ trình để 100% đối tượng trong lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên tham gia BHYT vào năm 2017”, bà Minh nói.

Theo bà Nguyễn Thị Minh, BHXH đã tính toán chi tiết tổng mức hỗ trợ tại các địa phương để các địa phương nghiên cứu xem xét quyết định. Năm 2016 dự kiến là 450 tỷ đồng. Bộ Tài chính cũng khá đồng thuận về vấn đề này. Năm nay, nâng giá dịch vụ y tế tăng thêm 10 nghìn tỷ thì Bộ Tài chính có thể chuyển khoản tiền này sang mua BHYT cho người dân.

Để tránh trục lợi BHYT, bà Minh cho biết trước ngày 30/6 tới, hệ thống tin học hoá giám định thanh toán chi trả BHYT tại 14.000 cơ sở khám chữa bệnh toàn quốc sẽ được liên thông đồng bộ.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh báo cáo tại Hội nghị trực tuyến ngày 3/6.  Ảnh: Thúy Hạnh
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh báo cáo tại Hội nghị trực tuyến ngày 3/6. Ảnh: Thúy Hạnh

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, năm 2016 là năm thứ hai triển khai Luật BHYT, thể hiện sự thay đổi trong tư duy và quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong phát triển BHYT toàn dân.

Năm 2015, tỉ lệ BHYT đạt 76,52%, để tăng tỉ lệ và tính hấp dẫn của BHYT, Bộ Y tế đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, thu hút người dân khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm tải BV, cải cách, giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh khoảng 50 phút, ban hành tiêu chí đánh giá chất lượng BV, thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế...

Ngành y tế đặc biệt chú trọng thực hiện đề án đổi mới toàn diện thái độ, phong cách, quy định nghiệp vụ tổ chức của các bệnh viện trong tiếp nhận, chăm sóc người dân, bệnh nhân, đồng thời chấn chỉnh thái độ, xử lý hơn 7.000 nhân viên, cán bộ y tế các tuyến từ cơ sở đến Trung ương có hành vi không đúng với người bệnh.

Tổng chi phí thanh toán của quỹ BHYT năm 2012 là 31,1 nghìn tỷ đồng đã tăng lên 41,1 nghìn tỷ đồng vào năm 2014 và năm 2015 là khoảng 50 nghìn tỷ đồng, qua đó cho thấy người có thẻ BHYT đã tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ y tế….

Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng đổi mới cơ chế tài chính, quy định thống nhất giá đổi mới tài chính, giá dịch vụ khám chữa bệnh, trước mắt là hơn 1.800 dịch vụ kỹ thuật đối với người bệnh có thẻ BHYT, đã góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế nhưng không ảnh hưởng đến chính sách xã hội, người nghèo, vùng khó khăn, làm tăng quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT đồng thời từng bước thu hút thêm người dân tham gia BHYT...

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, theo chỉ tiêu của Quốc hội, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân đã đạt 80% nhưng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phải đạt 90%, Bộ Y tế kiến nghị các bộ, ngành, đặc biệt là từng địa phương thực hiện nghiêm các chỉ thị, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về BHYT, nhất là các tỉnh, địa phương có tỉ lệ BHYT còn dưới 70%; tiếp tục thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ, kỹ thuật y tế đối với người bệnh chưa sử dụng BHYT để bảo đảm bình đẳng và thu hút người dân tham gia BHYT dưới dạng tự nguyện và hộ gia đình; các cơ sở y tế cần tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh...

Các địa phương phải xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, đưa tỉ lệ BHYT là chỉ tiêu phát triển KTXH, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, tổ chức hệ thống đại lý bán thẻ BHYT, tăng cường năng lực của y tế tuyến cơ sở..., Bộ trưởng Y tế nói.

Nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới

Kết thúc Hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao việc các cấp, các ngành, các địa phương và đơn vị liên quan đều thể hiện quyết tâm của địa phương, bộ ngành theo nội dung đã được đưa ra là đến 2020 sẽ có trên 90% người dân tham gia BHYT.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ việc một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện Luật BHYT. Công tác tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả, người dân vẫn thiếu thông tin về chính sách, quyền lợi, trách nhiệm tham gia BHYT…

Tỉ lệ bao phủ BHYT ở một số địa phương còn thấp. Đến cuối năm 2015 vẫn còn 31 địa phương tỉ lệ bao phủ BHYT dưới 75% và 22 địa phương chưa đạt tỉ lệ bao phủ BHYT so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nhiều nhóm đối tượng phải tham gia bảo hiểm y tế đạt tỉ lệ thấp và thiếu bền vững.

Ngoài ra, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT mặc dù đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn cần được tiếp tục cải thiện. Người dân vẫn còn chưa hài lòng về thủ tục trong khám chữa bệnh, trong chuyển tuyến, trong thanh toán BHYT. Chưa bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho người có thẻ bảo hiểm y tế khi đến cơ sở khám, chữa bệnh.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, cải cách thủ tục hành chính và trong giám định chi phí khám, chữa bệnh còn chậm, thiếu đồng bộ. Giá dịch vụ y tế chưa tính đúng tính đủ, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, làm cho chi trả tiền túi của người dân có thẻ BHYT vẫn còn cao. Từ đó làm giảm tính hấp dẫn của chính sách bảo hiểm y tế.

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, BHYT là bắt buộc, đã được luật định. Đây là quyền lợi và trách nhiệm của mọi người dân. Hướng tới BHYT toàn dân, phấn đấu đến 2020 có ít nhất 90% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu:

Bảo hiểm xã hội Việt Nam với vai trò là cơ quan chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ về việc mở rộng tỉ lệ bao phủ BHYT cần phân định rõ đây là trách nhiệm của BHXH Việt Nam và hệ thống BHXH ở các địa phương. Tổ chức triển khai phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành về những giải pháp, cơ chế, chính sách liên quan đến việc mở rộng tỉ lệ bao phủ BHYT và tổ chức triển khai thực hiện. Tổ chức hệ thống mạng lưới đại lý thu theo cơ chế dịch vụ công tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tham gia BHYT.Ngay trong năm 2016, cho phép sử dụng nguồn kinh phí kết dư của BHXH Việt Nam để thực hiện hỗ trợ theo các nhóm đối tượng tham gia BHYT. BHXH Việt Nam kết nối liên thông toàn bộ hệ thống khám chữa bệnh của các cơ sở khám chữa bệnh để tạo điều kiện thanh toán cũng như khám chữa bệnh thuận lợi hơn.

Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; tinh thần, thái độ phục vụ người tham gia BHYT, không phân biệt đối với người bệnh được khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, tạo thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế khám, chữa bệnh và giảm chi từ tiền túi của người bệnh; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện của các bệnh viện; tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan báo chí, truyền thông giám sát.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Đưa tỉ lệ tham gia BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội hằng năm, 5 năm của địa phương và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thực hiện chỉ tiêu này hằng năm, 5 năm tại địa phương. Bố trí ngân sách địa phương và huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ cho người dân tham gia BHYT, trong đó tập trung hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo, bảo đảm 100% người thuộc hộ gia đình thuộc hộ cận nghèo được tham gia BHYT; hỗ trợ tối thiểu 20% mức đóng BHYT còn lại cho các hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; học sinh, sinh viên thuộc các hộ gia đình có đông con, gặp nhiều khó khăn về kinh tế.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; tinh thần, thái độ phục vụ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán khám, chữa bệnh BHYT.

Bộ Tài chính bố trí đầy đủ, kịp thời ngân sách để đóng, hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế theo quy định. Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách tham gia BHYT đối với các đối tượng do ngân sách nhà nước đóng ổn định để có kế hoạch cân đối ngân sách trung và dài hạn. Đổi mới phương thức chi ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực y tế theo hướng chuyển dần từ cấp cho các cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ trợ mua BHYT cùng với lộ trình tăng giá dịch vụ. Khẩn trương đề xuất việc nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo, hộ nông-lâm-ngư-diêm nghiệp có mức sống trung bình, học sinh, sinh viên và nhóm đối tượng tham gia theo hộ gia đình.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT cho học sinh, sinh viên, bảo đảm đến năm 2017 có 100% đối tượng này tham gia; chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đào tạo tổ chức thực hiện pháp luật về BHYT của học sinh, sinh viên. Phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tăng cường thông tin, truyền thông, vận động học sinh sinh viên, nhất là sinh viên tham gia BHYT.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc phối hợp các bộ, ngành xây dựng cơ chế, chính sách giai đoạn 2016-2010 cho nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước, hỗ trợ đóng.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xây dựng kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHYT cho các nhóm đối tượng thuộc diện quản lý, bảo đảm đến năm 2018 đạt 100% quân nhân, cán bộ chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang tham gia bảo hiểm y tế.

Các cơ quan thông tin, báo chí làm tốt công tác thông tin, truyền thông; muốn xã hội nhận thức đúng về quyền lợi, trách nhiệm tham gia BHYT phải từ chính đội ngũ làm công tác truyền thông. Một xã hội văn minh, một đất nước tiên tiến, phát triển cần phải có hệ thống BHYT tốt.

Thủ tướng đề nghị MTTQ Việt Nam, các đoàn thể tiếp tục vận động hội viên, đoàn viên, vận động các tổ chức, người có điều kiện hỗ trợ người dân tham gia BHYT. Đồng thời, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội giám sát việc vận động, thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế./.

Theo Dangcongsan.vn

TIN LIÊN QUAN

Không phân biệt người bệnh được khám chữa bệnh bằng thẻ Bảo hiểm Y tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO