Không thể làm luật kiểu 'đẽo cày giữa đường'

10/01/2017 15:07

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ bức xúc trước tình trạng dự án luật đã được Chính phủ bỏ phiếu thông qua nhưng khi trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì các bộ, ngành vẫn nêu ý kiến khác.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bức xúc trước tình trạng dự án luật đã được Chính phủ thông qua nhưng đại diện các bộ, ngành vẫn đưa ra ý kiến khác - Ảnh: Cổng TTQH
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bức xúc trước tình trạng dự án luật đã được Chính phủ thông qua nhưng đại diện các bộ, ngành vẫn đưa ra ý kiến khác - Ảnh: Cổng TTQH

Đây là diễn biến đáng chú ý trong buổi làm việc sáng nay (10-1) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi thảo luận dự án Luật quy hoạch.

“Chỉ chăm chăm lo ảnh hưởng việc của mình”

Đại diện các bộ: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài nguyên và môi trường, Xây dựng phát biểu ý kiến, bày tỏ băn khoăn về việc một số loại quy hoạch bị bỏ hoặc thay đổi tên trong dự thảo luật.

“Cách làm luật của chúng ta là đã được bàn nhiều và đã lấy ý kiến, các thành viên Chính phủ bỏ phiếu thông qua thì mới trình ra Quốc hội. Vậy thì những ý kiến khác (của các bộ, ngành) hôm nay chỉ có ý nghĩa tham khảo, chứ không phải ra đến đây lại nói ngược thì trái nguyên tắc làm việc của Chính phủ, như thế thì là đẽo cày giữa đường” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Ông Dũng là trưởng ban soạn thảo dự án Luật quy hoạch, người thay mặt Chính phủ trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội nội dung dự án luật này.

“Khi đó tôi trực tiếp làm và hiểu dư luận đồng tình rất cao với luật này. Tôi không nghĩ hôm nay các bộ lại nói ngược kiểu như cách đây mấy tháng tôi đã nghe như thế này. Trước một thay đổi để phù hợp với xu thế thì chắc chắn có sự đụng chạm với chức năng, nhiệm vụ của một cơ quan nào đó, một nhóm người nào đó, có thể ảnh hưởng đôi chút đến công việc của họ nên chưa muốn thay đổi” - ông Dũng phân tích.

Ông cho rằng do vấn đề lợi ích nên khi làm luật “ở đâu cũng chỉ chăm chăm xem có ảnh hưởng gì đến phần việc của mình không chứ ít tiếp cận theo hướng thay đổi như thế được gì cho xã hội, cho người dân”. Ví dụ, nhiều bộ ngành muốn giữ lại quy hoạch thuộc thẩm quyền của mình được lập, quản lý.

“Quy hoạch sản phẩm thì nên bỏ đi, thay thế bằng các quy chuẩn để giảm xin cho. Ai lại quy hoạch kể cả điểm kiểm soát, kiểm dịch động thực vật, tôi nghĩ khi có dịch thì lập cái trạm kiểm dịch và hết dịch thì tháo dỡ đi chứ giữ làm gì một trạm to lù lù ở đầu các quốc lộ. Chúng ta làm Luật quy hoạch này thì gần như là một cuộc cách mạng vậy” - Bộ trưởng Dũng khẳng định.

Quốc hội phê duyệt các quy hoạch quan trọng

Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế (cơ quan thẩm tra dự án luật), thì qua thảo luận ở Quốc hội có nhiều ý kiến cho rằng cần quy định Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch đất đai vì đây là những quy hoạch đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của cả nước.

“Thường trực Ủy ban Kinh tế xin tiếp thu và quy định quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển, quy hoạch sử dụng đất quốc gia do Quốc hội phê duyệt. Quy định này cũng phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội đối với việc quyết định ngân sách nhà nước để tổ chức thực hiện quy hoạch theo quy định tại Điều 19 Luật ngân sách nhà nước và quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương các chương trình, dự án đầu tư công của Quốc hội tại Luật đầu tư công” - báo cáo viết.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng về lý thuyết thì mọi ngành đều phải có quy hoạch, nhưng vừa qua quản lý không tốt nên quy hoạch như hoa nở rộ, băm nát các thứ ra.

“Bây giờ phải có quy hoạch tổng thể quốc gia để các quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm… phải tuân thủ. Luật này quy định quy hoạch tổng thể, nguyên tắc lập quy hoạch với mục đích là không để quy hoạch này chồng lên quy hoạch kia, mâu thuẫn với nhau, băm nát quy hoạch khác”.

“Luật này ra phải khắc phục được sự chồng lấn, thiếu liên kết giữa các quy hoạch gây lãng phí, mâu thuẫn. Ví dụ tỉnh này đầu tư làm cảng biển nhưng không liên kết với tỉnh bên cạnh, hai tỉnh sát nhau mà tỉnh nào cũng sân bay, cũng cảng biển nên rất lãng phí” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ.

Kết luận cuộc họp, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Kế hoạch - đầu tư tiếp tục chỉnh lý dự án luật để trình hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận trong thời gian tới.

Ông Hiển lưu ý cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục lấy ý kiến, thảo luận với các bộ, ngành liên quan để nội dung dự thảo đạt đồng thuận cao hơn.

Theo Tuổi trẻ

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Không thể làm luật kiểu 'đẽo cày giữa đường'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO