Khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường của Mỹ sắp trở lại Đà Nẵng

26/09/2016 15:17

Khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS John S.McCain (DDG56) do Đại tá Lê Bá Hùng, Chỉ huy Biên đội tàu khu trục số 7, Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Hoa Kỳ dẫn đầu cùng 280 sĩ quan, thủy thủ sắp trở lại Đà Nẵng lần thứ 3.

Ngày 26/9, Sở TT-TT Đà Nẵng cho hay, từ ngày 28/9 đến ngày 1/10, khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS John S.McCain (DDG56) do Đại tá Lê Bá Hùng (người Mỹ gốc Việt), Chỉ huy Biên đội tàu khu trục số 7, Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Hoa Kỳ dẫn đầu cùng 280 sĩ quan và thủy thủ sẽ có chuyến thăm hữu nghị Đà Nẵng.

Khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS John S.McCain (DDG56) của Hải quân Mỹ...

Đây là lần thứ 3, khu trục hạm USS John S.McCain đến thăm Đà Nẵng. Trước đó, năm 2010, khu trục hạm này từng đến thăm Đà Nẵng trong khi tàu sân bay USS George Washington (CVN 73) neo đậu ngoài khơi đón đoàn cán bộ Việt Nam lên thăm. Tháng 4/2014, USS John S.McCain trở lại Đà Nẵng cùng tàu cứu hộ USNS Safeguard.

Trong chuyến thăm Đà Nẵng lần này, khu trục hạm USS John S.McCain sẽ tổ chức họp báo tại cầu cảng Tiên Sa về chuyến thăm của tàu; trao đổi Bộ quy tắc về các vụ đụng độ không báo trước trên biển và hội thảo về Luật biển (tại Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân); trao đổi chuyên môn về y tế, kiểm soát thiệt hại trên tàu, công tác chuẩn bị trước khi ra khơi (tàu USS John S.McCain...). Đồng thời có cuộc diễn tập trên biển với Hải quân Việt Nam vào sáng 1/10.

Chỉ huy cùng các sĩ quan, thủy thủ của khu trục hạm cũng sẽ đến chào xã giao lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, Vùng 3 Hải quân; đón các đoàn quan khách và báo chí lên tham quan tàu; giao lưu ngôn ngữ với trường Skyline; giao lưu thể thao với Đại học Đông Á; giao lưu với Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện, biển diễn ca nhạc tại vỉa hè đường Bạch Đằng...

Khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS John S. McCain được đánh giá là “có khả năng tốt nhất trong đội tàu khu trục trên thế giới”. Đây là khu trục hạm hạng nặng lớp Arleigh Burke, hạ thủy tháng 9/1992, tham gia vào đội tàu hộ tống cho “ngôi sao” của Hạm đội 7 – siêu hàng không mẫu hạm USS Geogre Washington (CVN-73).

USS John S. McCain được thiết kế để giảm tối đa diện tích phản xạ ra đa với bề mặt nghiêng dốc. Vật liệu thép sử dụng chủ yếu để đóng tàu, hợp kim nhôm dùng cho các cột anten. Ở một số khu vực quan trọng trên tàu còn bọc giáp Kenvar. Đặc biệt, tàu có khả năng tác chiến trong môi trường nhiễm xạ – sinh – hóa (NBC). Thủy thủ đoàn được giới hạn bảo vệ trong thân tàu.

Với lượng choán nước khoảng 8.900 tấn, dài 154m, rộng 20m, trang bị 4 động cơ tuốc bin khí General Electric LM2500-30 cho phép đạt tốc độ 30 hải lý/h, tầm hoạt động 8.100km (nếu đạt tốc độ trung bình 20 hải lý/h), khu trục hạm USS John S. McCain được chế tạo theo những công nghệ đóng tàu mới, lắp hệ thống Aegis tiên tiến và hệ thống vũ khí phòng vệ cực mạnh, có khả năng chống hạm, chống ngầm, phòng không, tấn công các mục tiêu trên mặt đất…

sắp trở lại Đà Nẵng lần thứ 3 (Ảnh: HC)

USS John S. McCain lắp đặt hệ thống chiến đấu tiên tiên Aegis được thiết kế để đối phó với các mối nguy hiểm trên không (tên lửa đối hạm, máy bay chiến đấu đối phương), có thể triển khai trong mọi điều kiện môi trường. “Trái tim” của hệ thống Aegis là ra đa mảng pha đa năng AN/SPY-1 liên kết với hệ thống máy tính tốc độ cao AN/UYK-1. Ra đa AN/SPY-1 tự động tìm kiếm, phát hiện, theo dõi đồng thời 100 mục tiêu và dẫn đường cho tên lửa đối không đánh chặn. Tầm hoạt động của ra đa khoảng 160km.

Ngoài hệ thống chỉ huy chiến đấu hết hợp, USS John S. McCain còn trang bị một loạt ra đa hỗ trợ khác như ra đa tìm kiếm trên biển AN/SPS-67(V)2, AN/SPS-73(V)12, hệ thống định vị siêu âm AN/SQS-53C, hệ thống tác chiến điện tử AN/SLQ-32(V)2 và nhiều thiết bị hỗ trợ khác.

Ba loại vũ khí mạnh nhất trên USS John S. McCain đều bố trí trong hệ thống ống phóng thẳng đứng Mk41, gồm: tổ hợp tên lửa phòng không RIM-156SM-2, tên lửa hành trình đối đất BGM-109 Tomahawk và tên lửa chống ngầm RUM-139. Trong đó, tổ hợp tên lửa phòng không RIM-156SM-2 là loại vũ khí kết hợp hệ thống chiến đấu Aegis trong tác chiến phòng vệ, có tầm bắn xa 240km, trần bay 33.000m, tốc độ hành trình Mach 3,5. Tên lửa này lắp đầu đạn thuốc nổ phá mảnh. Hệ thống dẫn đường định vị quán tính và đầu dò chủ động giai đoạn cuối hành trình bay.

Tên lửa hành trình đối đất tầm xa BGM-109 Tomahawk có tầm bắn 1.104km, tốc độ hành trình 880km/h, được dẫn đường bằng hệ thống định vị có độ chính xác cao (GPS, TERCOM, DSMAC). Tên lửa Tomahawk thường được ví như máy bay không người lái nhưng không phải thực hiện trinh sát mà là tấn công mục tiêu với sức công phá mạnh.

Tên lửa chống ngầm RUM-139 có tầm bắn khoảng 22km sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính, cũng được phóng từ hệ thống Mk41. Điểm đặc biệt nhất của tên lửa này là thay vì mang đầu đạn chứa thuốc nổ thì mang ngư lôi tự dẫn Mk46 hoặc Mk54. Khi RUM-139 bắn đến một vị trí nhất định thì tên lửa tự “giải phóng” cho quả ngư lôi tự tìm đến mục tiêu.

Để bổ trợ trong tác chiến chống hạm, phòng không tầm ngắn, USS John S. McCain còn trang bị pháo hạm cỡ 127mm, tổ hợp pháo phòng không Phalanx, pháo cỡ 25mm, súng máy phòng không12,7mm và cụm máy phóng ngư lôi Mk32. Ngoài ra, phía boong tàu còn thiết kế thêm khoang chứa máy bay trực thăng và sân đáp phục vụ cho đội trực thăng chống ngầm SH-60.

Tuy nhiên, để đánh giá được khả năng thực sự của một con tàu thì ngoài trang thiết bị, vũ khí còn phải nói đến hoạt động của đội ngũ sĩ quan, thủy thủ, nhân viên trên tàu. Và việc USS John S. McCain được xem là “có khả năng tốt nhất trong đội tàu khu trục trên thế giới” chính là vì lý do đó./.

Theo Infonet

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường của Mỹ sắp trở lại Đà Nẵng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO