Khủng hoảng Qatar hé lộ bí ẩn Trung Đông
(Baonghean.vn) - Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa các nền quân chủ ở vùng Vịnh, với sự đối đầu chính giữa Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) với Qatar, có thể được dàn xếp trong ngắn hạn nhưng khó có thể được giải quyết trong dài hạn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Hoàng tử Saudi Mohammed bin Salman. Ảnh: AP |
Các nước đóng vai trò trung gian hòa giải như Kuwait và Mỹ có thể giúp các bên mâu thuẫn tại vùng Vịnh đạt những bước thỏa hiệp mang tính giữ thể diện, và Doha có thể chấp nhận một vài trong số 13 yêu sách do 4 nước vùng Vịnh đặt ra, song sự khác biệt cơ bản giữa hai bên sẽ không dễ được hòa giải.
Hãy cùng tìm hiểu gốc rễ trong khủng hoảng Trung Đông qua bài viết của Giáo sư Gregory Gause III, người chuyên nghiên cứu các vấn đề quốc tế tại trường ĐH Texas, Mỹ.
Đối với những người coi khủng hoảng khu vực hiện nay tại Trung Đông thông qua con mắt thiên về bè phái, thì thực tế việc Iran nhanh chóng nhảy vào bênh vực Qatar lại là một ví dụ khác cho thấy sự xung đột lớn hơn giữa hai giáo phái lớn của đạo Hồi, là dòng Sunni và dòng Shiite.
Mâu thuẫn cơ bản thực sự không phải là về Iran mà là các hiểu biết rất khác nhau về cách mà những nhà Hồi giáo liên quan đến chính quyền trong số các cường quốc Sunni của Trung Đông. Qatar, UAE và Saudi Arabia là những nước có đa số dân theo dòng Sunni và cai trị bởi các vị vua Sunni, nhưng có những lập trường rất khác nhau về vấn đề này. Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập, hai nước cộng hòa Sunni lớn nhất, cũng không đồng nhất về quan điểm.
Trong một bài báo gần đây, tác giả cho rằng sự bất lực của các nước Sunni ở Trung Đông trong việc thành lập một liên minh hiệu quả chống lại Iran xuất phát từ những khác biệt về bản chất của các mối đe dọa mà họ phải đối mặt.
Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ, UAE và Ai Cập, và Saudi Arabia đại diện cho ba thế lực khác nhau trong câu hỏi gai góc này. Cuộc khủng hoảng Qatar chỉ là biểu hiện gần đây nhất và rõ nét nhất của cuộc xung đột trong nội bộ dòng Sunni này.
Qatar và Anh em Hồi giáo
Qatar đặt cược vào sự trỗi dậy của nhóm Anh em Hồi giáo trong thế giới Arab trước khi diễn ra Mùa xuân Arab, hỗ trợ cho các nhóm Anh em trong khu vực; nơi trú ẩn an toàn cho những người lưu vong như nhà truyền giáo Ai Cập Yusuf al-Qaradawi và thủ lĩnh phong trào Hamas Khaled Mashal; và một nền tảng cho các quan điểm dân chủ và bầu cử của dòng Sunni trên các kênh truyền hình vệ tinh khu vực của mạng lưới Al Jazeera.
Quan điểm của chủ nghĩa Hồi giáo dân chủ Sunni, dù chắc chắn không phải là dân chủ tự do, cũng đang tìm kiếm quyền lực thông qua các phương tiện bầu cử. Tầm nhìn này được chia sẻ bởi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người đã chứng kiến thành công của nhóm Anh em Hồi giáo sau Mùa xuân Ả Rập với khả năng thành lập một khối với các chế độ tương tự, ở đó Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu.
Một Syria hậu Assad sẽ là thành viên tiếp theo của khối trên, đó là lý do tại sao Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan là nhà lãnh đạo khu vực đầu tiên kêu gọi Tổng thống Syria từ chức.
Cuộc khủng hoảng Qatar thực chất đang phơi bày những mâu thuẫn trong “nội bộ gia đình” các nước vùng Vịnh. Ảnh: AP |
Xung đột ý thức hệ trong khu vực
Các quốc gia dòng Sunni không thể phối hợp hành động cùng nhau vì mặc dù họ có thể cùng lo lắng về Iran, nhưng họ lại coi nhau như là các mối đe dọa tiềm tàng tới sự ổn định của chế độ trong nước. Ai Cập và UAE coi Anh em Hồi giáo là mối đe dọa chủ yếu của họ, đồng nghĩa với việc coi Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh của những kẻ thù này.
Đó là lý do tại sao Cairo và Abu Dhabi kiên quyết đòi Doha phải đóng cửa Al Jazeera. Người Saudi lo lắng rằng Qatar, nước chính thức chia sẻ “thương hiệu” Hồi giáo Salafi Wahhabi (một học thuyết hồi giáo bắt nguồn từ Saudi), có thể can thiệp vào nội bộ chính trị nước này, từ đó huy động thêm nhiều sự chống đối đối với chế độ của họ.
Ai Cập không muốn đứng đằng sau nỗ lực của Saudi Arabia để lật đổ chế độ Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria, vì nước này lo ngại các nhóm Hồi giáo như Anh em Hồi giáo sẽ được hưởng lợi. Saudi có mối quan hệ lịch sử với nhóm này nhưng gần đây đã tách ra khỏi nó, và coi dòng Hồi giáo dân túy, bầu cử là một mối đe dọa trong nước.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại rằng sức ép thành công đối với Qatar có thể dẫn đến sức ép khu vực đối với chính họ. Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia đã cùng đứng về một chiến tuyến trong cuộc chiến khu vực chống IS và al-Qaeda, nhưng không thể kiểm soát hay tin tưởng các chiến binh Hồi giáo Salafi, những kẻ tìm cách lật đổ họ ở quê nhà.
Tầm nhìn của Tổng thống Donald Trump về một thế giới Sunni đoàn kết cùng với Mỹ chống lại cả Iran và chủ nghĩa khủng bố là không khả thi, một khi các chế độ dòng Sunni của Trung Đông vẫn giữ những quan điểm khác nhau về mối quan hệ Hồi giáo trong chính trị. Trong một thế giới Trung Đông được cho là bị chi phối bởi một cuộc xung đột bè phái Sunni-Shiite, thì người Sunni lại không thể phối hợp cùng nhau.
Các nước Arab vùng Vịnh thường được ví như một đại gia đình với nhiều gia tộc cầm quyền thông gia với nhau và có mối quan hệ lâu đời từ thời dầu mỏ, còn chưa biến những ngôi làng đánh cá nghèo nàn thành những thủ phủ tràn ngập những tòa nhà chọc trời. Vậy nên cuộc khủng hoảng Qatar thực chất đang phơi bày những mâu thuẫn trong “nội bộ gia đình” này./.
Lan Hạ
(Theo Washington Post)
TIN LIÊN QUAN |
---|