'Khủng hoảng Qatar' và dấu hiệu tan rã ở vùng Vịnh
(Baonghean.vn) - Theo tạp chí Foreign Affairs, khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và các nước Arab trong khu vực cho thấy những rạn nứt không dễ hóa giải giữa các nước thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC).
Các công dân UAE bị cấm đi lại hoặc lưu trú tại Qatar. Ảnh: Getty |
Ngày 5/6, Saudi Arabia, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain tuyên bố rút đại sứ khỏi Qatar, đồng thanh cáo buộc Doha vi phạm một điều khoản trong Hiến chương của GCC về cấm các nước thành viên can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác trong khối. Quyết định chưa có tiền lệ trong lịch sử tồn tại GCC cho thấy những thay đổi quan trọng tới đây của tổ chức này, cũng như cán cân quyền lực tại vùng Vịnh.
Tranh cãi giữa các nước thành viên GCC đã tồn tại từ lâu và việc bùng phát chỉ là vấn đề thời gian. Tại hội nghị thượng đỉnh GCC tháng 12/2016 được tổ chức tại Kuwait, Saudi Arabia và UAE chút nữa đã thành công trong việc lên án Qatar “hỗ trợ tài chính” cho chủ nghĩa khủng bố ở Syria và một số nước khác. Đến phút chót, chính quyền Riyadh đã rút lại ý định, vì không muốn làm mất mặt nước chủ nhà Kuwait. Thay vào đó, Saudi Arabia đưa ra cảnh báo riêng với Qatar.
Vài tuần trước đó, giới lãnh đạo Saudi quở trách Thái tử Qatar Emir Sheikh Tamim trong một cuộc gặp ở Riyadh được sắp xếp bởi nhà lãnh đạo Kuwait Sheikh Sabah Al Ahmad. Ông Tamim được yêu cầu phải có những điều chỉnh thực sự trong chính sách đối ngoại, trong dó có việc chấm dứt hỗ trợ tài chính cho các nhóm có liên quan đến tổ chức khủng bố al-Qaeda ở Syria. Thái tử Qatar được cho là đã đồng ý với yêu cầu này, nhưng đặt điều kiện cần có thêm thời gian để thay đổi.
Khủng hoảng vùng Vịnh tiếp diễn sẽ trao thêm quyền cho Iran trong khu vực. Ảnh: Reuters |
Rốt cục thì Thái tử Tamin cũng tìm cách giảm can dự của Doha trong cuộc xung đột Syria. Nhưng khi nhận thấy mình mất dấu ấn ở Syria, Qatar lập tức tăng cường các nỗ lực kết nối với phong trào “Anh em Hồi giáo” (MB) và các nhánh của tổ chức này ở khu vực, trong đó có Hamas. Không dừng ở đó, Qatar còn tiếp tục nỗ lực xây dựng quan hệ với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, hỗ trợ phiến quân Houthi tại Yemen và thử nghiệm kết nối với Hezbollah. Hành động này đã khiến Saudi Arabia, UAE tức tối, khi cả hai nước này đang tìm mọi cách diệt trừ ảnh hưởng của MB.
Không có gì ngạc nhiên khi liền sau đó Bahrain, UAE, Saudi Arabia lên tiếng cáo buộc Qatar cố tìm cách hủy hoại GCC và cho triệu hồi đại sứ. Qatar sẽ phải đáp trả ra sao? Có hai lựa chọn đối với Thái tử Tamin và cả hai đều tệ. Thái tử Qatar có thể chấp nhận tuân thủ triệt để các yêu cầu do Saudi Arabia, UAE đưa ra, nhưng điều này đồng nghĩa với việc ông đánh mất quan hệ với số “cận vệ già”, trong đó có cả người cha. Hoặc ông Tamin sẽ củng cố vị thế của mình, bằng cách hợp tác với những đồng minh của cha mình để một lần dám khẳng định không chấp nhận ảnh hưởng của Riyadh cũng như một GCC ngày càng tỏ ra không thích ứng.
Ông Tamin có thể sẽ không “sống sót” trong kịch bản thứ nhất, vì thật khó để đối mặt không chỉ với gia đình mà còn với cựu Thủ tướng, Ngoại trưởng có nhiều ảnh hưởng Hamad Bin Jassim Al Thani. Nhưng kịch bản thứ hai cũng chẳng mấy dễ dàng.
Trong tình huống này, Qatar sẽ buộc phải liên minh với Iran, nước mà Qatar đã tạo lập được quan hệ kinh tế vững chắc. Qatar cũng sẽ phải tìm cách gây dựng quan hệ kinh tế, chính trị với Oman - nước có quan hệ tốt đẹp với Tehran. Bước đi này cũng sẽ khiến Qatar phải trả giá. Oman không muốn gặp rắc rối từ GCC khi từ chối chấp hành đường hướng tiêu chuẩn của nhóm về chống Iran. Là thành viên của GCC, nên sẽ rất khó để Qatar đảo nghịch tiến trình với tổ chức. Nếu Qatar thân thiết với Iran, Oman, đó sẽ là chỉ dấu về sự chấm dứt của GCC và mở ra một liên minh quyền lực mới tại vùng Vịnh.
Cư dân Qatar chào đón Quốc vương Saudi Salman trong chuyến thăm tới thủ đô Doha tháng 12/2016. Ảnh: Reuters |
Rạn nứt giữa Qatar với các láng giềng Saudi Arabia, UAE cũng khiến Mỹ lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan. Có quan hệ chiến lược với cả ba nước, rất khó để Washington điều phối hợp tác khi cả Qatar, Saudi Arabia, UAE không có chung một tiếng nói. Rất có thể Riyadh và Abu Dhabi vận động Mỹ giúp ngăn chặn dòng tiền của Doha ra bên ngoài dưới vỏ bọc chống chủ nghĩa khủng bố. Nhưng Mỹ sẽ phải cân nhắc kĩ do Qatar là nơi đặt căn cứ không quân Al-Udeid và Trung tâm chỉ huy không quân, vũ trụ hỗn hợp của Mỹ - đầu mối chuyên điều phối tất cả sứ mệnh do thám, không kích của không quân Mỹ trong cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.
Nói cách khác, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao Mỹ có thể sẵn sàng đáp ứng các biện pháp trừng phạt Doha theo đề xuất của Saudi Arabia và UAE, nhưng Lầu Năm Góc sẽ là người hãm phanh bất kỳ một kế hoạch nào như vậy.
Những ngày tới đây, việc các đại sứ Saudi Arabia, UAE, Bahrain rời Qatar nhiều khả năng sẽ kích hoạt các cuộc tham vấn gấp gáp giữa các nước Arab vùng Vịnh. Bước đi này có thể sẽ đưa tới một giải pháp chính trị nào đó nhằm tháo gỡ khủng hoảng. Nhưng không vì thế mà nhầm lẫn. Đây là một kỉ nguyên chính trị mới ở vùng Vịnh mà ở đó các nước đơn lẻ đang theo đuổi tiến trình của riêng mình, còn ý tưởng về một tổ chức thống nhất đang dần tan biến, bất chấp những nỗ lực theo đuổi của Saudi Arabia./.
Lan Hạ
(Theo Foreign Affairs)
TIN LIÊN QUAN |
---|