Khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm, thay ngay người bị kỷ luật
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết 28 Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.
Nghị quyết nêu rõ quan điểm, đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng phải kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. |
Đồng thời, làm rõ hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn với nêu cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, nhất là người đứng đầu; giữ vững sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm nguyên tắc quyền lực đi đôi với trách nhiệm, mọi cán bộ, đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, nguyên tắc và kỷ luật của Đảng…
Khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ
Trong các nhiệm vụ giải pháp đặt ra, Trung ương có yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ.
Cụ thể, về tổ chức bộ máy, nghị quyết nêu rõ, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, vận hành thông suốt cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ". Chú trọng lãnh đạo xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới...
Trung ương nhấn mạnh, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; rà soát, khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo, bỏ sót hoặc không rõ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý.
Đi cùng đó là phân cấp, phân quyền hợp lý, rõ ràng giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm.
Khắc phục tình trạng cấp dưới hỏi cấp trên việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình hoặc cấp trên trả lời chung chung không rõ trách nhiệm khi có vướng mắc…
Các đại biểu dự Hội nghị Trung ương 6. Ảnh: Nhật Bắc |
Bên cạnh đó, Trung ương cũng yêu cầu hoàn thiện cơ chế bảo đảm kiểm soát quyền lực trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, nhất là trong các cơ quan quản lý nhà nước, những lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm, dễ lạm dụng quyền lực.
Trung ương yêu cầu thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng về công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị, tinh giản biên chế theo vị trí việc làm, có trọng tâm, trọng điểm gắn với nâng cao chất lượng, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đến năm 2025, cơ bản hoàn thiện xây dựng vị trí việc làm trong từng cơ quan, tổ chức, làm cơ sở để xác định tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2026 - 2031.
Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng nhân tài
Về công tác cán bộ, Trung ương lưu ý, bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện. Các cấp ủy, tổ chức đảng chú trọng lựa chọn, bố trí cán bộ đủ tiêu chuẩn để bầu vào cấp ủy, chức danh lãnh đạo của các cơ quan nhà nước, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp; lãnh đạo việc bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm theo quy định.
Ngoài ra, Trung ương cũng nêu rõ, hoàn thiện quy định lựa chọn, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ của các cấp ủy, tổ chức Đảng theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện quy định.
Tổng kết việc thí điểm thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý. Thực hiện nghiêm quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền...
Nghị quyết cũng đề cập đến việc tiếp tục cụ thể hóa, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ.
Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng nhân tài vào làm việc trong hệ thống chính trị; thể chế chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Trung ương cũng yêu cầu khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm; kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm; kiên trì thực hiện "có vào, có ra, có lên, có xuống" trong công tác cán bộ.
Tổ chức thực hiện nghiêm kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật; thường xuyên cảnh báo, nhắc nhở giúp cán bộ nhận diện nguy cơ, không mắc sai lầm, kịp thời khắc phục khuyết điểm.
Cùng với đó, thực hiện nghiêm quy định của Đảng về việc lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là cơ sở quan trọng cho việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ.