Kiểm tra điều tiết, xả lũ của các thủy điện: Quá nhiều bất cập!
(Baonghean.vn) - Kiểm tra toàn diện tác động của thủy điện đối với việc điều tiết, ngăn lũ, đoàn kiểm tra liên ngành theo Quyết định số 4347/QĐ-UBND của UBND tỉnh đã chỉ ra nhiều những tồn tại, bất cập trong việc vận hành, điều tiết lũ; qua đó chứng minh các chủ hồ chứa phải kịp thời có phương án đền bù, hỗ trợ cho các địa phương vùng thiệt hại vì lũ lụt…
Chỉ rõ những bất cập
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Văn bản số 1261- TB/TU ngày 11/9/2018, vào ngày 28/9/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4347/QĐ-UBND thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đánh giá toàn diện tác động của thủy điện đối với việc điều tiết, ngăn lũ trên địa bàn tỉnh.
Ngày 29/10/2018, đoàn kiểm tra liên ngành có Văn bản số 395/BC.ĐKTLN báo cáo đánh giá toàn diện tác động của các công trình thủy điện đối với việc điều tiết, ngăn lũ trên địa bàn tỉnh. Tại Văn bản số 395, đoàn kiểm tra liên ngành thông tin về các công trình thủy điện; tình hình thời tiết, bão, mưa lũ đến ngày 31/8/2018; công tác vận hành xả lũ từ các đợt bão số 3, số 4 và đợt mưa lũ từ ngày 28 đến 31/8/2018; và tác động của việc xả lũ của các nhà máy thủy điện.
Lũ dữ ngày 31/8 đánh sập cây cầu bê tông dẫn vào bản Vẽ. Ảnh: Nhật Lân |
Trong đó, tác động của việc xả lũ của 3 thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê (vận hành theo Quyết định số 2125/QĐ-TTg ngày 1/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ) được đánh giá như sau: “Trước tình hình thiên tai quá lớn và bất thường, lũ ở nước bạn Lào về lớn không thể kiểm soát được, Nhà máy thủy điện Bản Vẽ chỉ có 1 trạm thủy văn Mỹ Lý (Kỳ Sơn), cánh nhà máy khoảng 60 km về phía thượng lưu, nên không kiểm soát chính xác được lũ ở nước bạn Lào về.
Trong vòng hơn 1 tuần có 2 con lũ lớn, đã xuất hiện lũ kép (lũ chồng lên lũ), việc chỉ đạo vận hành của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh và triển khai vận hành của các nhà máy thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê đã vận hành đúng theo quy định, quy trình của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên vẫn gây một phần thiệt hại vùng hạ du các nhà máy, và làm biến đổi dòng chảy, mực nước hạ du dâng cao đột ngột góp một phần làm gia tăng việc sạt lở bờ sông, suối vùng hạ du của các nhà máy; gây ngập lụt, hư hỏng, sạt lở nhà dân, đường giao thông và công trình hạ tầng các huyện Tương Dương, Con Cuông và Kỳ Sơn.
Lũ cũng làm cho hạ tầng giao thông, đất ở, đất vườn, đất sản xuất ở bản Vẽ bị sụt lún nghiêm trọng. Ảnh: Nhật Lân |
Đối với các nhà máy thủy điện vận hành đơn hồ theo quy trình của Bộ Công Thương, UBND tỉnh: Các hồ này không có dung tích phòng lũ; các hồ chứa vận hành đúng quy trình, quy định, tuy nhiên vùng hạ du của một số nhà máy cũng bị ảnh hưởng một phần do lũ về quá lớn, dòng sông bị thu hẹp gây xói lở bờ sông vùng hạ du của các nhà máy và gây ngập lụt, sạt lở nhà dân, đường giao thông…
Một trong những cụm dân cư ở bản Vẽ, xã Yên Na bị cơn lũ ngày 31/8 đánh tan hoang. Ảnh: Nhật Lân |
Tại Văn bản số 395 nêu rõ tổng cộng thiệt hại do 2 cơn bão số 3, số 4 và đợt lũ từ ngày 28 đến 31/8 lên đến trên 1.857 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại do bão số 3 là 831,7 tỷ đồng; thiệt hại do bão số 4 là 786,55 tỷ đồng; thiệt hại do mưa lũ ngày 28 đến 31/8 là 139,439 tỷ đồng.
Những tồn tại, nguyên nhân và khó khăn trong quá trình vận hành điều tiết lũ của các thủy điện được chỉ rõ, đó là:
Do hiện tượng dị thường của thời tiết nên chỉ trong một thời gian ngắn trên thượng nguồn sông Cả xảy ra 3 trận lũ lớn. Công tác dự báo lưu lượng về hồ thủy điện Bản Vẽ vẫn còn sai số, do 80% diện tích lưu vực hồ chứa thủy điện Bản Vẽ ở địa bàn nước bạn Lào, không kiểm soát, theo dõi được; Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung bộ không có số liệu để dự báo lũ về.
Việc triển khai xây dựng nhiều dự án thủy điện trên lưu vực sông Cả đã ảnh hưởng lớn đến dòng chảy của sông làm gia tăng thiệt hại do mưa lũ. Phần lớn thời gian trong năm lưu lượng nước sông Cả quá thấp, nên không khơi thông được dòng chảy dẫn đến về mùa lũ nước rút chậm hơn, thời gian ngập kéo dài. Chênh lệch quá lớn về lưu lượng nước giữa mùa khô và mùa lũ dẫn đến tình trạng sạt lở nghiêm trọng hai bên bờ sông Cả trong đợt lũ vừa qua; các hồ thủy điện là một trong những nguyên nhân chính làm chênh lệch này.
Nước thượng nguồn các hồ thủy điện dâng cao hơn, nhanh hơn làm tăng lũ, tăng thiệt hại. Một số đập công suất xả lũ tối đa nhỏ hơn lưu lượng lũ đổ về (Khe Bố, Bản Ang, Chi Khê, Nậm Mô) làm nước thượng nguồn các hồ thủy điện dâng nhanh quá cao trình đã đền bù giải phóng mặt bằng gây nhiều thiệt hại cho người dân sinh sống trong khu vực này. Ngoài ra, chính các đập thủy điện làm co hẹp dòng chảy, tạo cao trình chênh lệch lớn giữa thượng lưu và hạ lưu của đập dẫn đến khi xả lũ tạo thành lưu tốc nước quá lớn làm sạt lở nhiều hơn cho vùng hạ du, làm tăng thiệt hại cho nhân dân (nhất là khu vực gần thân đập) trong đợt mưa lũ.
Lưu lượng xả lũ của các thủy điện thay đổi nhanh, chênh lệch lớn làm gia tăng thiệt hại, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân. Công tác quan trắc, dự báo nước thượng nguồn của các dự báo thủy điện còn hạn chế dẫn đến việc xả lũ không chủ động, lưu lượng xả liên tục thay đổi lớn trong thời gian ngắn làm cho lũ vùng hạ du liên tục có thay đổi lớn gây khó khăn cho công tác phòng, chống lũ, làm gia tăng thiệt hại do lũ gây ra.
Hành lang thoát lũ chưa đảm bảo an toàn khi hạ mực nước hồ thủy điện Bản Vẽ về mực nước trước lũ. Do phát triển kinh tế, xây dựng nhà cửa, sản xuất nông nghiệp, làm đường giao thông… lấn chiến lòng sông làm co hẹp tiết diện thoát lũ; chưa có bản đồ ngập lụt vùng hạ du của các thủy điện theo quy định.
Từ khi ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả đến nay mới vận hành xả lũ nên đã bộc lộ những khó khăn trong vận hành. Việc quan trắc, dự báo và cung cấp thông tin, số liệu của các đơn vị quản lý vận hành hồ còn thiếu, chất lượng số liệu dự báo chưa tốt…
Thủy điện phải có trách nhiệm đền bù, hỗ trợ
Ngập lụt tại Con Cuông ngày 31/8. Ảnh: Nhật Lân |
Từ việc chỉ ra những nguyên nhân, tồn tại, khó khăn trong quá trình vận hành điều tiết lũ của các thủy điện, đoàn kiểm tra liên ngành đã nêu ra nhiều giải pháp cần thực hiện sớm. Đó là: Khẩn trương khắc phục hậu quả đợt mưa lũ; hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ dân bị mất nhà ở hoặc phải di dời; tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc men, đồ dùng sinh hoạt cho các gia đình có nhà bị trôi, bị sập, phải di dời khẩn cấp… không được để cho người dân bị đói hoặc không có nơi ở.
Triển khai đánh giá, thống kê thiệt hại để chủ động hỗ trợ, khắc phục hậu quả. Chỉ đạo vận hành, giám sát chặt chẽ việc xả lũ các hồ chứa thủy điện đảm bảo lợi ích phát điện, an toàn hồ đập và tính mạng, tài sản, cơ sở hạ tầng của nhân dân và Nhà nước. Rà soát, đánh giá các khu dân cư bị ngập lụt phía hạ du lòng hồ thủy điện để lập quy hoạch xây dựng hạ tầng, sắp xếp bố trí dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm; sửa chữa các công trình hạ tầng bị hư hỏng để sớm ổn định đời sống nhân dân. Tăng cường công tác tuyên truyền, công tác cảnh báo trong quá trình vận hành xả lũ hồ chứa thủy điện để các cấp chính quyền và người dân biết để chủ động phương án ứng phó.
Thủy điện Bản Vẽ xả lũ ngày 31/8. Ảnh: Nhật Lân |
Các nhà máy thủy điện Nậm Mô, Bản Ang, Nậm Nơn, Khe Bố, Chi Khê thực hiện nạo vét lòng hồ theo định kỳ 2 năm một lần. Nếu không nạo vét thì phải hạ thấp mực nước dâng bình thường để đảm bảo an toàn cho công trình, lòng hồ và hạ du khi vận hành xả lũ.
Thủy điện Bản Vẽ xả lũ ngày 31/8. Ảnh: Nhật Lân |
Đoàn kiểm tra liên ngành yêu cầu các công ty thủy điện phối hợp với cơ quan chức năng ở địa phương kiểm tra thiệt hại vùng hạ du, khu vực lòng hồ và có phương án hỗ trợ, đền bù kịp thời cho các địa phương. Cụ thể, đền bù di dời cho những hộ dân chưa được đền bù nằm trong phạm vi mốc hành lang bảo vệ nguồn nước và đền bù thiệt hại cho những hộ bị ngập trên mốc hành lang bảo vệ nguồn nước. Hỗ trợ thiệt hại vùng hạ du nhà máy thủy điện bị ngập lũ. Thực hiện nghiêm túc phương án phòng, chống lũ cho hạ du đã được UBND tỉnh phê duyệt; các hồ chứa đã đi vào vận hành thì phải chủ trì và chịu trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng phương án phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du theo các kịch bản và có bản đồ ngập lụt theo từng kịch bản; cắm mốc theo các kịch bản và có phương án di dời những nhà bị ảnh hưởng…
Tại Văn bản số 395, đoàn kiểm tra liên ngành còn có nhiều kiến nghị, đề xuất lên Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh. Trong đó đáng lưu ý là đề nghị UBND tỉnh đưa ra khỏi quy hoạch, rút giấy phép đầu tư các dự án thủy điện không khả thi, hiệu quả thấp, chậm tiến độ hoặc chưa triển khai, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đời sống nhân dân (Mỹ Lý, Nậm Mô 1, Xốp Cốc…); không quy hoạch thêm các thủy điện đang khảo sát (Cẩm Sơn, bản Pủng, bản Bà…); đề nghị thuê một viện khoa học tư vấn đánh giá tổng thể và toàn diện những tác động của thủy điện trên địa bàn tỉnh một cách khoa học và khách quan. Đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ lắp một rada theo dõi thời tiết đặt ở Kỳ Sơn phục vụ cho công tác dự báo thời tiết ở hệ thống sông Cả; xây dựng một trạm thủy văn ở thượng nguồn sông Cả; sửa đổi quy trình vận hành liên hồ chứa theo Quyết định số 2125/QĐ-TTg cho phù hợp tình hình thực tế hiện nay; đề nghị không xây dựng thêm các nhà máy thủy điện trên dòng chính sông Cả; có cơ chế trích 1% lợi nhuận, hoặc thuế của các nhà máy thủy điện để làm quỹ hỗ trợ dân sinh và cơ sở hạ tầng khi bị thiệt hại do xả lũ…