Kinh nghiệm chống rét của người Mông Nghệ An

29/11/2017 08:51

(Baonghean.vn) - Sống trên vùng núi cao, quanh năm khí hậu lạnh nên người Mông Nghệ An có nhiều cách để thích nghi với môi trường khắc nghiệt.

Là một dân tộc thiểu số định cư lâu đời trên khu vực miền Tây Nghệ An, có thể nói rằng cộng đồng người Mông còn giữ được nhiều nét đặc sắc trong đời sống văn hóa. Như một bản năng, để tồn tại và thích nghi với điều kiện khí hậu lạnh ở độ cao trên 1200 mét so với mực nước biển, người Mông có nhiều kinh nghiệm duy trì cuộc sống của mình.

Người Mông sống trên các vùng đồi núi cao có khí hậu lạnh nên họ thường làm nhà rất thấp. Ảnh: Đào Thọ
Người Mông sống trên các vùng đồi núi cao có khí hậu lạnh nên họ thường làm nhà rất thấp, thưng và lợp bằng các tấm gỗ pơmu, samu có tinh dầu, giữ ấm... Ảnh: Đào Thọ

Theo già làng Lầu Xái Phia ở bản Nậm Khiên 2 (xã Nậm Càn - Kỳ Sơn), điều đầu tiên phải nói đến là phong cách nhà ở của người Mông có sự khác biệt lớn với các dân tộc khác.

Nhà ở người Mông nằm lưng chừng và quay lưng về phía núi để mỗi ngày có thể đón ánh mặt trời vào sưởi ấm cho ngôi nhà. Nếu người Thái, Khơ mú định cư trong ngôi nhà sàn thì nhà người Mông thường làm rất thấp để tránh gió lùa vào. Các tấm lợp và mái nhà hầu hết được sử dụng bằng loại gỗ có dầu như sa mu, pơ mu nhằm giữ nhiệt.

Cũng theo vị già làng này, khi làm nhà, người Mông thường làm 2 cửa, một cửa ở gian chính và một cửa đặt ở bếp. Nếu không có việc quan trọng, cánh cửa chính luôn luôn được đóng kín, mọi người chỉ ra vào bằng cánh cửa bếp. Theo cái lý của họ, gian bếp có lửa nên khi gió vào sẽ đẩy hơi ấm lên các phòng phía trên nhà.

Cửa gian chính thường xuyên đóng để tránh gió lùa vào. Ảnh: Đào Thọ
Cửa gian chính thường xuyên đóng để tránh gió lùa vào. Ảnh: Đào Thọ

Các bậc cao niên người Mông cũng kể rằng, với dân tộc họ, bếp lửa là nơi quan trọng trong ngôi nhà. Mọi sinh hoạt thường ngày đều diễn ra trong không gian này. “Ngày trước nếu ở địa điểm này hết củi đốt thì người Mông ta phải di chuyển đến nơi khác có củi mới chống chọi lại được cái lạnh mà làm ăn” - già làng Vừ Chông Dì ở xã Tây Sơn (Kỳ Sơn) nói.

Không gian sinh hoạt chủ yếu của người Mông diễn ra bên bếp lửa. Ảnh: Đào Thọ
Không gian sinh hoạt chủ yếu của người Mông diễn ra bên bếp lửa. Ảnh: Đào Thọ

Trong cách ăn mặc, trang phục người Mông cũng có sự khác biệt so với các dân tộc khác. Để thích nghi với khí hậu, người Mông thường chọn cây lanh để dệt vải. Vải được dệt thành những tấm dày, mặc thành nhiều lớp để giữ ấm cho cơ thể.

Người Mông chọn loại trang phục dày và sẫm màu để giữ ấm cơ thể. Ảnh: Đào Thọ
Người Mông chọn loại trang phục dày và sẫm màu để giữ ấm cơ thể. Ảnh: Đào Thọ

Có thể nói rằng, chính những kinh nghiệm ấy nên dù trải qua nhiều thế hệ sống trong điều kiện khắc nghiệt người Mông Nghệ An vẫn được xem là dân tộc chịu lạnh “giỏi nhất”.

Đào Thọ

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Kinh nghiệm chống rét của người Mông Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO