Kinh nghiệm phục hồi rừng sau cháy của Kazakhstan

22/03/2016 16:40

(Baonghean.vn) - Kazakhstan là đất nước sở hữu những khu rừng lớn nhất khu vực châu Âu và Trung Á. Tuy nhiên những vùng đất khô cằn mới là địa hình chiếm diện tích chủ yếu ở đất nước rộng lớn này. Vì thế Kazakhstan thường xuyên lâm vào tình trạng khan hiếm rừng. Trước những lợi ích về kinh tế và môi trường của rừng, chính phủ Kazakhstan đã rất cố gắng trong công tác phòng cháy, phục hồi, quản lý rừng và họ đã có những kết quả rất tích cực.

Tổ chức có trách nhiệm bảo vệ và trồng rừng ở Kazakhstan mang tên FPRP (Forest Protection and Reforestation Project).

Trách nhiệm của FPRP là phục hồi, nâng cao công tác trồng rừng và giảm thiểu những tác hại từ các vụ cháy rừng.

FPRP tổ chức trồng rừng bằng cách nhân giống cây trồng và vườn ươm tiên tiến nhất để tăng cường tỉ lệ sống sót của các cây con. Một trong những kết quả của phương pháp này là hơn 46.000 ha rừng Irtysh Pine - cánh rừng bị ảnh hưởng nặng do những vụ cháy rừng trong suốt nhiều năm từ 1990 cho đến 2000 đã gần như phục hồi hoàn toàn.

1
Một tháp canh với camera để dự báo cháy rừng ở Kazakhstan.

Để đối phó với các vụ cháy rừng, Kazakhstan cho gắn những camera trên tháp canh ở các khu vực rừng và theo dõi qua hệ thống máy tính. Bằng cách này, họ sẽ phát hiện cháy rừng nhanh hơn từ 5 đến 25 phút so với việc con người phát hiện thông thường.

Đi cùng với hệ thống thông tin này là những thiết bị chữa cháy tối tân và các nhân viên cứu hỏa được đào tạo chuyên nghiệp để dập tắt đám cháy một cách nhanh nhất.

Một trong những lý do chính tạo nên thành công của FPRP là kết hợp các phương pháp quản lý rừng với sự tham gia của cộng đồng dân cư. Họ khuyến khích người dân sử dụng và duy trì tài nguyên rừng. Đây là một điểm rất đáng chú ý khi hầu hết tài nguyên rừng ở các nước khác đều do nhà nước sở hữu và cấm người dân khai thác.

FPRP sẽ nghiên cứu những lợi ích kinh tế và xã hội của các dự án quy mô lớn về việc sử dụng và duy trì rừng. Những dự án này sẽ do các doanh nghiệp nhỏ và vừa đứng ra đảm nhận, đồng thời có một phần tài trợ từ chính phủ. Các dự án về rừng phát triển sẽ tạo thêm việc làm ở nông thôn đồng thời tăng hấp thụ carbon và giảm hiệu ứng nhà kính.

Rừng luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển hệ sinh thái, góp phần ổn định khí hậu toàn cầu. Đặc biệt ở những vùng khô hạn, rừng còn quý giá hơn rất nhiều. Vì thế đầu tư đúng cách cho công tác bảo vệ, phòng cháy và quản lý rừng là công tác cần được chú trọng ở tất cả các địa phương./.

Thanh Hiền

(Theo Profor)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Kinh nghiệm phục hồi rừng sau cháy của Kazakhstan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO